eMagazine
0%

Với sự nhạy cảm và tôn kính dành cho thiên nhiên, từ thời cổ đại, người Nhật đã đặt tên cho hàng ngàn màu sắc khác nhau xuất hiện trong đời sống xung quanh mình. Và mùa thu với những sắc màu đầy mê hoặc đến từ sự biến chuyển tinh tế của tự nhiên, chắc chắn cũng là một chủ đề lớn trong bảng màu truyền thống của xứ Phù Tang.

Màu sắc truyền thống (伝統色 – dentoushoku) là những màu sắc độc đáo đã được truyền lại ở Nhật Bản từ thời cổ đại. Người ta nói rằng có đến hơn 1.000 màu truyền thống dựa trên cảm nhận nhạy bén và độc đáo của người xưa.

Phần lớn những màu này được đặt tên dựa trên các loài động thực vật và hiện tượng tự nhiên, cho thấy người Nhật từ lâu đã có niềm đam mê, yêu thích với sự khác biệt trong màu sắc của thiên nhiên. Họ đặt cho chúng những cái tên trang nhã, mà khi đọc lên đều có thể dễ dàng liên tưởng đến hình ảnh của sự vật được miêu tả.

Người dân Nhật Bản đã kết hợp những sắc màu tự nhiên này vào đời sống kể từ thời Heian, chúng hiện diện trong hội họa, thi ca cho đến những sản phẩm thủ công như vải nhuộm, dệt và đồ gốm. Một ví dụ tiêu biểu là trong trang phục junihitoe của các nữ quý tộc thời Heian, khi các màu sắc đại diện cho mỗi mùa sẽ được kết hợp một cách tinh đế để biểu hiện sự biến chuyển đầy xúc cảm của đất trời vào mùa đó.

Một bộ trang phục junihitoe mùa thu, với hình ảnh về chiếc lá phong chuyển dần từ màu vàng sang đỏ đậm.
Một bộ trang phục junihitoe mùa thu, với hình ảnh về chiếc lá phong chuyển dần từ màu vàng sang đỏ đậm. Ảnh: Kyoto Museum of Crafts and Design

Và lần này, hãy cùng Kilala tìm hiểu 12 màu tiêu biểu trong kho tàng màu sắc truyền thống đại diện cho mùa thu ở xứ Phù Tang.

Momiji-iro Momiji-iro

Đúng như tên gọi, momiji-iro là màu cam đỏ đậm của lá phong đổi màu vào mùa thu. Lá đỏ đã quen thuộc với người dân Nhật Bản từ xa xưa và có đến hơn 100 bài thơ trong Manyoshu (Vạn Diệp Tập) – tập thơ cổ nhất của xứ Phù Tang, có nhắc đến momiji. Vào thời Heian, ngắm lá đỏ là một thú vui tao nhã của giới quý tộc và đến thời Edo thì lan rộng đến khắp các tầng lớp trong xã hội.


momiji-iro

Momiji-iro.
Ảnh: tw.daigobang.com, mama.chintaistyle.jp

Kuchiba-iro Kuchiba-iro

Kuchiba là từ mà các quý tộc thời Heian đặt cho màu nâu vàng của lá rụng cuối thu, chính xác hơn là màu của lá rụng đang trong quá trình “mục rữa” (朽). Có đến 48 biến thể của màu Kuchiba, như Akakuchiba là màu nâu đỏ của lá mục, hay Kikuchiba cũng là sắc nâu vàng nhưng lại thiên vàng nhiều hơn.


kuchiba-iro

Kuchiba-iro.
Ảnh: i-iro.com, bio-jardinage.fr

Kariyasu-iro Kariyasu-iro

Kariyasu là màu vàng lục nhạt, bắt nguồn từ màu nhuộm từ cỏ kariyasu – một loài cây thuộc họ Susuki, thường mọc tự nhiên ở vùng núi và đồng ruộng. Vào thời cổ đại, người Nhật thường dùng các loại cỏ thuộc họ susuki để nhuộm màu vàng và kariyasu được sử dụng rộng rãi vì dễ thu hoạch, dễ tìm. Vải nhuộm bằng kariyasu được mặc phổ biến bởi những người dân thường trong thời Nara.

Ngoài ra, vải đã nhuộm màu kariyasu nếu nhuộm tiếp bằng màu chàm (Ai - 藍) sẽ thu được màu matsuba (松葉), tức màu lá thông – một màu truyền thống phổ biến khác.


kariyasu-iro

Kariyasu-iro.
Ảnh: colordic.org, snowdogniseko.com

Rindou-iro Rindou-iro

Đúng như tên gọi, đây là màu của hoa rindou hay hoa long đởm. Rindou có màu xanh tím nhạt, là loại thực vật lâu năm thường mọc dại ở các cánh đồng hay vùng núi của nước Nhật. Cùng với hoa chuông, rindou là loài hoa biểu tượng của mùa thu xứ Phù Tang. Đây cũng là màu sắc thường được các quý tộc Heian đưa vào những bộ kimono của mùa thu.

Ngoài ra, rễ cây rindou có dược tính và rất đắng, nên mới có cái tên “long đởm” - nghĩa là “mật rồng”.


rindou-iro

Rindou-iro.
Ảnh: ironodata.info, tsukurira.com

Ebi-iro Ebi-iro

“Ebi” là cách đọc cũ của từ “budou - 葡萄” hay quả nho, chính vì vậy, ebi-iro chính là màu tím của quả nho, mà xưa kia là nho dại mọc trên núi. Ebi-iro thường xuất hiện trong văn học thời Heian và là một trong những màu sắc quen thuộc với quý tộc triều đình.

Từ thời Edo, người Nhật bắt đầu gọi nó là “budou-iro” để phân biệt với một màu khác cũng được phát âm là “ebi-iro”, đó là màu “海老色” với chữ “海老” nghĩa là con tôm. Nhân tiện, “海老色” là màu đỏ sậm, như màu vỏ tôm hùm gai.


ebi-iro

Ebi-iro.
Ảnh: mbp-japan.com, prjapan21.jp

kaki-iro Kaki-iro

Khó lòng nhắc đến mùa thu Nhật Bản mà bỏ qua sắc cam đậm và sáng của quả hồng (kaki – 柿). Từ xa xưa, quả hồng chín đã được dùng làm thực phẩm, trong đó có hồng treo gió “hoshigaki”, nước ép từ quả hồng thì được dùng làm chất bảo quản, gỗ hồng để làm nội thất, còn lá được uống thay trà, khiến nó trở thành một loại cây rất quen thuộc đối với người Nhật. Ngoại trừ Okinawa, cây hồng có mặt ở khắp các tỉnh thành xứ Phù Tang.

Với ý nghĩa đặc biệt như vậy, lẽ dĩ nhiên sẽ không chỉ có một màu “kaki-iro”. Benikaki-iro (紅柿色) là màu sẫm của quả hồng chín, còn sharegaki (晒柿) thì lại là màu hồng phai.


kaki-iro

Kaki-iro.
Ảnh: kotobank, homes.co.jp

Kurikawa-iro Kurikawa-iro

Đây là màu vỏ hạt dẻ, một màu nâu đỏ có pha đen, đúng như cái tên “kurikawa” nghĩa là vỏ hạt dẻ. Theo tài liệu ghi chép lại, màu này thường được dùng để nhuộm obi của những phụ nữ trong các khu phố đèn đỏ thời Edo. Ngoài ra có từ “皮色” (kuri-iro) là màu hạt dẻ, nhạt hơn so với kurikawa-iro, và mushikuri-iro (蒸栗色) thì là màu vàng nhạt pha xanh lục của hạt dẻ hấp.

Mùa thu Nhật Bản nổi tiếng với những sản vật từ thiên nhiên và hạt dẻ nằm trong số đó. Từ những quả hạt dẻ thu được, người Nhật chế biến thành vô số món ngon từ hạt dẻ nướng, hấp cho đến cơm hạt dẻ hay các loại bánh wagashi truyền thống ngọt ngào...


kurikawa-iro

Kurikawa-iro.
Ảnh: colordic.org, kikkoman.co.jp

Karekusa-iro Karekusa-iro

Từ này có nghĩa là “màu cỏ khô”, một màu vàng nhạt pha xanh lục sáng. Cỏ xanh mướt vào mùa hè và đến mùa thu, đông thì héo úa và chết đi. Vào thời Edo, việc ngắm những cánh đồng khô cằn rất phổ biến và bằng cách nhìn vào những gì đang chết dần, người ta càng mong chờ một mùa xuân sẽ đến.


karekusa-iro

Karekusa-iro.
Ảnh: amazon, hachinohe.goguynet.jp

Misora-iro Misora-iro

Misora-iro là màu xanh nhạt tựa bầu trời thu trong xanh và tươi sáng. Chữ “mi” trong tên màu này là một tiền tố thường được dùng để diễn đạt những điều thiêng liêng như thần linh, thiên nhiên, hoàng gia và hay xuất hiện trong những cái tên đẹp như “Miyuki” hay “Miyama”. Nói cách khác, đó là tên màu mang ý nghĩa tôn vinh bầu trời.


misora-iro

Misora-iro.
Ảnh: pinterest, kogakunosato.jp

Soga-iro Soga-iro

Thiên hoàng Ninmyo (808-850) là người đặc biệt thích hoa cúc vàng, do đó ngài cho trồng rất nhiều hoa cúc trong cung điện. Được biết, ngài cũng rất thích mặc trang phục có màu vàng.

Trong số các màu hoa cúc vàng, có một màu tạo cảm giác trong suốt được gọi là “soga - 承和”, bắt nguồn từ tên triều đại Jowa mà ông trị vì. Người ta nói rằng màu vàng này ra đời khi Thiên hoàng gọi những bông hoa cúc yêu quý của mình là “sogagiku”.


soga-iro

Soga-iro.
Ảnh: pinterest, saganokan.com

Kikyo-iro Kikyo-iro

Kikyo là hoa cát cánh, loài hoa có màu xanh tím sẫm nở từ tháng 7 đến tháng 9. Màu kikyo-iro đã xuất hiện từ thời Heian và được các quý tộc ưa chuộng cho trang phục mùa thu. Hoa cát cánh tuy nhỏ nhưng lại mang tông lạnh do đó tạo ấn tượng về sự trang nghiêm.


kikyo-iro

Kikyo-iro.
Ảnh: mbp-japan.com, greensnap.co.jp

Hagi-iro Hagi-iro

Hagi là loài hoa biểu tượng cho mùa thu nước Nhật, và bản thân Hán tự “萩” trong tên của hoa cũng có nghĩa là mùa thu. Hoa hagi nhỏ và có màu hồng tím, thường nở từ tháng 7 đến tháng 10. Từ xa xưa, người Nhật đã vô cùng yêu quý loài hoa mang ý nghĩa của sự thiền định và khiêm nhường này. Theo thống kê, trong số khoảng 160 loài hoa xuất hiện trong Manyoshu thì Hagi được nhắc đến nhiều nhất.


hagi-iro

Hagi-iro.
Ảnh: pinterest, hagishi.com

Mời bạn khám phá thêm những điều thú vị về mùa thu Nhật Bản trong Chuyên đề Mùa thu tại đây.