eMagazine

Thứ âm thanh được chơi trên nhạc cụ này phản ánh tiếng nói của thiên nhiên quanh ta. Âm thanh của cơn mưa rào mùa hạ, của gió thu luồn qua những rặng tre..., Shakuhachi mang đến cho người nghe cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát, như gột rửa hết đi những lo âu, muộn phiền, chỉ để lại bình yên trong tâm hồn.

Shakuhachi, nhạc cụ truyền thống của người Nhật.
Shakuhachi, nhạc cụ truyền thống của người Nhật. Ảnh: shutterstock

Shakuhachi là gì?

Shakuhachi (尺八 – Xích Bát) là nhạc cụ sáo truyền thống của Nhật Bản, được làm bằng tre và có vẻ ngoài trông như những loại sáo thường thấy. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở phần lỗ tạo âm thanh, Shakuhachi có tất cả 5 lỗ, bao gồm 1 lỗ thổi và 4 lỗ bấm.

Có một rãnh cắt ở đầu trên của ống sáo và luồng không khí được thổi theo các góc khác nhau so với rãnh này để tạo ra nhiều âm sắc và hiệu ứng âm thanh.

Năm lỗ trên thân sáo có thể tạo ra bất kỳ âm vực nào, nhưng người chơi cần phải thành thạo việc kiểm soát hơi thì mới “chinh phục” được Shakuhachi. Đây là một cây sáo nhìn thì đơn giản nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật cao khi chơi.

Lỗ thổi (trái) và đầu sáo (phải).
Lỗ thổi (trái) và đầu sáo (phải). Ảnh: senzoku-online
Lỗ thổi (trái) và đầu sáo (phải).
Lỗ thổi (trái) và đầu sáo (phải). Ảnh: senzoku-online

Tên của nhạc cụ này bắt nguồn từ độ dài của nó, được ghép bởi hai chữ: “尺 – Shaku – Xích” (đơn vị đo chiều dài cũ, 1 shaku = 30,3cm) và “八 – Hachi – Bát” (số 8). Tám ở đây ngụ ý là 8 sun (đơn vị đo chiều dài, 1 sun = 1/10 shaku). Vì vậy, Shakuhachi có nghĩa là "1,8 shaku" hay tương đương 54,5cm, cũng chính là kích thước chiều dài của cây sáo.

Tranh của Sunayama Gosei, thế kỷ 19.
Tranh của Sunayama Gosei, thế kỷ 19. Ảnh: metmuseum

Nhạc cụ có nguồn gốc
từ xa xưa

Người phụ nữ và nhà sư Komuso. Tranh của Suzuki Harunobu.
Người phụ nữ và nhà sư Komuso. Tranh của Suzuki Harunobu. Ảnh: metmuseum

Mặc dù nguồn gốc chính xác của Shakuhachi vẫn đang được nghiên cứu, nhưng các học giả đều đồng ý rằng nó đã được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc thông qua Bán đảo Triều Tiên vào khoảng giữa thế kỷ thứ 8.

Lúc bấy giờ, Shakuhachi được sử dụng trong các buổi yến tiệc, trình diễn nhã nhạc Gagaku tại cung đình. Tuy nhiên theo thời gian, đến khoảng thế kỷ 10, nó dần bị quên lãng vì âm thanh phát ra nhỏ, kém đặc sắc so với các loại nhạc cụ khác.

Người phụ nữ và nhà sư Komuso. Tranh của Suzuki Harunobu.
Người phụ nữ và nhà sư Komuso. Tranh của Suzuki Harunobu. Ảnh: metmuseum

Vào thế kỷ 15, loại sáo gọi là Hitoyogiri Shakuhachi (一節切尺八) xuất hiện. Loại này được đặc trưng bởi một khớp tre duy nhất ở giữa ống sáo, có chiều dài trung bình 33,6cm, đường kính ngoài 3cm và có 5 lỗ. Tuy phát triển mạnh vào thế kỷ 17, nhưng nó dần không còn được sử dụng do sự phổ biến của Fuke Shakuhachi (普化尺八), chính là sáo Shakuhachi chúng ta biết đến ngày nay.

Sự phát triển rực rỡ của Fuke Shakuhachi bắt nguồn từ việc chúng được các nhà sư thuộc tông phái Fuke Zen (một tông phái trong Thiền tông Nhật Bản) sử dụng để tụng kinh, thiền định.

Dài hơn và dày hơn so với loại sáo cũ, âm lượng, độ vang và âm sắc của Fuke Shakuhachi cũng vượt trội hơn hẳn. Nó được làm từ gốc tre, dài trung bình 54,5cm, tương ứng với 1,8 shaku, đường kính ngoài là 4cm và có 5 lỗ.

Ở thế kỷ 21, Shakuhachi trở thành một loại nhạc cụ truyền thống linh thiêng của người Nhật, truyền tải nét đẹp, tinh hoa đặc sắc của âm nhạc xứ sở hoa anh đào đến với thế giới.

Công cụ tâm linh của
người tu hành

Vào thời Edo (1603 - 1868), các nhà sư thuộc tông phái Fuke Zen nổi tiếng với việc thổi sáo Shakuhachi trên đường đi khất thực. Họ được gọi là Komuso (虚無僧 – Hư Vô Tăng), thường xuất hiện trong chiếc áo choàng trắng với một cái giỏ lớn bằng rơm đội trên đầu, thể hiện sự loại bỏ cái tôi và bản ngã.

Shakuhachi gắn liền với các nhà sư Komuso thuộc phái Fuke Zen.
Shakuhachi gắn liền với các nhà sư Komuso thuộc phái Fuke Zen. Ảnh: Wikipedia

Mặc dù có nguồn gốc từ nhã nhạc Gagaku, nhiều nhà sư Komuso coi sáo không phải là một nhạc cụ, mà thay vào đó là vật tâm linh, công cụ để thiền định. Các bản nhạc soạn cho Shakuhachi được thu thập trong thế kỷ 18 được gọi là “Honkyoku”, hay "các bản nhạc gốc".

Từ sau cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868, chính quyền Mạc phủ bị bãi bỏ và tông phái Fuke Zen cũng chịu chung số phận như vậy. Việc chơi sáo Shakuhachi chính thức bị cấm trong một vài năm. Khi chính phủ Minh Trị cho phép trở lại, Shakuhachi được chơi cùng với đàn tranh Koto, Shamisen (đàn tam Nhật Bản)..., và mãi về sau loại nhạc cụ này mới phổ biến và được chơi độc lập như trước đây.

Bia đá “Fuke Zen” tại chùa Myoanji, Kyoto – ngôi chùa của phái Fuke Zen.
Bia đá “Fuke Zen” tại chùa Myoanji, Kyoto – ngôi chùa của phái Fuke Zen. Ảnh: naokun.cocolog-nifty

Shakuhachi và thiền định

Shakuhachi cần thiết cho việc thực hành Suizen (吹禅 – Xúy Thiền), còn được gọi là "thiền thổi". Trong Suizen, tiếng sáo được chơi như một cách đưa người tham gia đạt được trạng thái giác ngộ.

sáo trúc tâm linh Nhật Bản
Ảnh: instagrammernews

Không giống như các hình thức âm nhạc lấy cảm hứng từ giai điệu, cấu trúc nhịp điệu của Shakuhachi phụ thuộc vào hơi thở của người thổi – tương tự như thực hành Zazen (座禅 – Tọa Thiền), trong đó thiền sinh khi mới bắt đầu sẽ được hướng dẫn tập trung tâm trí bằng cách đếm và theo dõi hơi thở.

sáo trúc tâm linh Nhật Bản
Ảnh: instagrammernews

Thay vì một màn trình diễn điêu luyện với nhiều nốt nhạc nối tiếp nhau, các bản nhạc Honkyoku thường có ít nốt, tập trung nhiều vào hiệu ứng luyến láy và âm sắc.

Một trong những câu Thiền quan trọng nhất đối với những người thực hành Suizen là “Ichion jobutsu – 一音成仏”. Cụm từ này có nghĩa là “đạt được sự giác ngộ chỉ qua một nốt nhạc”, và là biểu tượng cho tính thẩm mỹ tối giản của nhiều phương pháp thực hành Thiền liên quan như Trà đạo, Thư pháp, kịch Nohthơ ca... Thông qua sự hoàn hảo của một âm duy nhất, người ta có thể tiến một bước gần hơn tới sự giác ngộ.

Rừng trúc
Ảnh: greysuitcase

Một ý tưởng cơ bản khác ở Thiền Suizen là sự khác biệt giữa “âm thanh” và “tiếng ồn”. Âm thanh là thứ có chủ đích và phù hợp hơn với những gì hầu hết mọi người định nghĩa là âm nhạc. Mặt khác, tiếng ồn lại có mối liên hệ gần gũi hơn với tự nhiên.

Đối với nhạc cụ Shakuhachi, người ta nhấn mạnh vào việc tạo ra nhiều loại tiếng ồn. Nhiều kỹ thuật thổi sáo Shakuhachi bắt chước và mô phỏng thiên nhiên, chẳng hạn như kỹ thuật “muraiki” (hơi thở dồn dập) được cho là nghe như gió thổi qua rặng tre, hay “tamane” tái hiện âm thanh của loài sếu làm tổ.

Có thể tạo ra nhiều loại âm thanh khác nhau trên Shakuhachi, và chính với sự đa dạng của các kỹ thuật âm sắc mà những người thực hành Suizen sử dụng nhạc cụ này như một công cụ tâm linh, phục vụ thiền định.

Nhạc cụ truyền
thống phổ biến ra thế giới

Trong âm nhạc truyền thống của người Nhật, sáo Shakuhachi thường được kết hợp với đàn Koto để tạo nên những giai điệu riêng biệt, mang đậm âm hưởng đặc sắc của đất nước mặt trời mọc. Shakuhachi thường được dùng để tạo ra ba dòng nhạc chính: Honkyoku (truyền thống, nhạc thiền định), Sankyoku (hòa tấu, cùng với Koto và Shamisen) và Hinkyoku (nhạc mới từ Shakuhachi và Koto, xuất hiện từ thời hậu Minh Trị và chịu ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây).

Hòa tấu với Shamisen và Koto, chụp năm 1977. Từ trái sang phải: Hát – cựu Bảo vật Quốc gia Uehara Masaki II; đàn Koto – cựu Bảo vật Quốc gia Yonekawa Fumiko I; đàn Shamisen – cựu Bảo vật Quốc gia Nakanoshima Kinichi IV; sáo Shakuhachi – Notomi Judo II.
Hòa tấu với Shamisen và Koto, chụp năm 1977. Từ trái sang phải: Hát – cựu Bảo vật Quốc gia Uehara Masaki II; đàn Koto – cựu Bảo vật Quốc gia Yonekawa Fumiko I; đàn Shamisen – cựu Bảo vật Quốc gia Nakanoshima Kinichi IV; sáo Shakuhachi – Notomi Judo II. Ảnh: The International Shakuhachi Society
Nghệ sĩ, giảng viên Shakuhachi – Riley Lee.
Nghệ sĩ, giảng viên Shakuhachi – Riley Lee. Ảnh: rileylee.net

Theo truyền thống, hầu hết người thổi sáo Shakuhachi là nam giới, nhưng sau đó phái nữ dần xuất hiện trong các bản hòa tấu và thậm chí là giảng dạy về Shakuhachi. Năm 2004, lễ hội Big Apple Shakuhachi tại thành phố New York đã tổ chức buổi hòa nhạc đầu tiên của các nữ nghệ sĩ Shakuhachi. Lễ hội được bậc thầy về Shakuhachi là Ronnie Nyogetsu Reishin Seldin giám sát sản xuất.

Điểm thú vị ở loại sáo truyền thống này là người chơi có thể tạo ra bất kỳ cao độ nào và sử dụng đa dạng, biến hóa nó thành một bản nhạc Zen, nhạc hòa tấu, nhạc dân gian hay thậm chí cả các bản nhạc hiện đại. Vì vậy Shakuhachi không chỉ được người Nhật yêu thích mà còn phổ biến khắp thế giới.

Người nước ngoài đầu tiên trở thành bậc thầy Shakuhachi là Riley Lee, một người Úc gốc Mỹ. Lee đã chịu trách nhiệm tổ chức Lễ hội Shakuhachi Thế giới tại Sydney từ ngày 05 - 08/07/2008.

Nghệ sĩ, giảng viên Shakuhachi – Riley Lee.
Nghệ sĩ, giảng viên Shakuhachi – Riley Lee. Ảnh: rileylee.net

Bên cạnh đó có nhiều nhạc sĩ đã sáng tác âm nhạc của mình với Shakuhachi, kết hợp loại sáo này cùng nhiều nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản hoặc phương Tây để tạo nên những bản hòa tấu có giai điệu du dương, mê hoặc lòng người, đem đến sự bình yên cho tâm hồn.