Khi xem những bộ phim về Samurai, có bao giờ bạn cảm thấy mái tóc của họ có phần đặc biệt và kì lạ? Mái tóc này trở thành một phần bản sắc đáng tự hào, thể hiện khí chất mạnh mẽ, dũng mãnh, đẳng cấp quý tộc của Samurai.
Chonmage là gì?
Chonmage (丁髷) là một kiểu tóc truyền thống dành cho nam giới Nhật Bản. Kiểu tóc này yêu cầu phái mạnh phải cạo sạch phần tóc giữa đầu, phần tóc còn lại buộc thành một búi lớn rồi gấp gọn đặt trên đỉnh đầu.
Phần tóc bị cạo có hình trăng lưỡi liềm và luôn phải được cạo sạch thường xuyên, tránh việc tóc mọc lên lởm chởm. Đây là yêu cầu cần thiết để giữ gìn vẻ đẹp đặc trưng của Chonmage.
Kiểu tóc này có tên là 丁髷 vì giống chữ 丁 (Chon) và phía sau là 髷 (Mage), có nghĩa là búi tóc.
Lịch sử của một kiểu tóc
Nguồn gốc của Chonmage xuất phát từ giới quý tộc thời Heian (794 - 1185). Trong thời gian này, phần lớn dân số Nhật Bản cư trú ở phần phía nam của hòn đảo nơi có khí hậu nóng ẩm vào mùa hè. Lúc ấy các loại mũ eboshi được ưa chuộng, eboshi thường làm bằng lụa bọc nhiều lớp giấy cứng washi sơn mài đen nên khiến người dùng đổ mồ hôi, gây ngứa rát da đầu.
Vì vậy để hạn chế việc tiết ra nhiều mồ hôi thì các nam nhân thời đó đã buộc một búi tóc trên đỉnh đầu gọi là Motodori, đây được xem là dạng ban đầu của Chonmage.
Đến thời kỳ Chiến quốc (1467 - 1615), các samurai tham chiến thường khoác lên người bộ giáp nặng nề. Những chiến binh tham gia vào nhiều trận đấu, hoạt động liên tục, đổ mồ hôi với nóng bức bao quanh, đặc biệt là trên đầu khi đội mũ giáp nặng làm từ sắt không có độ thoáng khí.
Vì thế, Chonmage đã ra đời, tạo ra một khoảng trống nhỏ giữa đầu và mũ giáp, điểm này giúp giảm thiểu đi sự bí bách, bảo vệ đầu chiến binh khỏi mồ hôi, ngứa ngáy.
Bên cạnh đó, kiểu tóc Chonmage có thể giúp giữ mũ giáp của samurai cố định tại chỗ khi tham gia chiến đấu. Bằng cách cạo phần đỉnh đầu và buộc phần tóc còn lại lên trên, mũ có thể vừa vặn hơn, giảm nguy cơ mũ bị trượt hoặc bị rơi, đảm bảo an toàn cho các binh sĩ.
Chính vì thế, kiểu tóc Chonmage sử dụng chủ yếu dành cho thời chiến, ở thời bình thì việc cạo đầu phần trước ít phổ biến hơn.
Đến thời Edo, Chonmage trở thành nét đặc trưng thường thấy ở samurai. Thời kỳ này tất cả đàn ông, thường dân hay chiến binh đều bị cấm để râu và việc để tóc Chonmage được xem là bắt buộc.
Với sự sụp đổ của tầng lớp samurai vào cuối thế kỷ 19, tầm quan trọng và sự phổ biến của Chonmage bắt đầu suy yếu. Chính quyền Minh Trị vì khuyến khích “Tây hóa” và hiện đại hóa, đã ban hành một số sắc lệnh nhằm thay đổi diện mạo của nam giới. Phái mạnh buộc phải cắt tóc ngắn, kiểu tóc Chonmage – biểu tượng của chế độ phong kiến, đã bị khai trừ.
Biểu tượng khí chất của Samurai
Chonmage vốn ra đời để giúp đầu thoáng khí hơn, loại bỏ bớt “gánh nặng” trên đầu trong các cuộc chiến giữa những chiến binh. Theo thời gian, Chonmage đã phát triển vượt ra ngoài nguồn gốc quân sự để trở thành biểu tượng của địa vị và bản sắc của các samurai như: danh dự, kỷ luật và lòng trung thành. Đây là những giá trị cốt lõi của quy tắc ứng xử của samurai, được gọi là bushido.
Vì thế, kiểu tóc được chăm sóc tỉ mỉ và trở thành một phần không thể thiếu trong ngoại hình của samurai.
Đồng thời, Chonmage trở thành “mốt” vào thời Edo, không chỉ samurai để kiểu tóc này mà thường dân cũng sử dụng. Vì nó được xem là tiêu chuẩn đánh giá nét đẹp nam tính của cánh mày râu thời xưa.
Dân gian xưa có lưu truyền quan niệm rằng những thiếu niên từ 13 tuổi muốn được công nhận là nam nhân trưởng thành thì bắt buộc phải để tóc Chonmage.
Những ai có kiểu Chonmage được coi là người có phẩm chất tốt, được giáo dưỡng tử tế, biểu tượng cho việc có địa vị trong xã hội. Ngoài ra với các samurai, việc để tóc Chonmage được xem là người có công việc chính thức. Ngược lại nếu tóc tai bù xù lại bị xem là phường lêu lổng, không có tiền đồ sáng lạn.
Nét văn hóa Chonmage ngày nay
Nhật Bản thời hiện đại, Chonmage được giới thiệu qua các tác phẩm nghệ thuật, truyền thông giải trí và phim ảnh. Nó trở thành một nét văn hóa đặc sắc về phong cách truyền thống xưa để người dân thời nay tìm hiểu, đặc biệt là khi nghiên cứu về hình tượng chiến binh samurai.
Đối tượng còn để kiểu tóc này chủ yếu là các diễn viên kịch kabuki và sumo. Tuy nhiên Chonmage của sumo nay có điểm khác với samurai xưa.
Họ không áp dụng hình thức cạo trọc phần tóc phía trước, tóc vẫn giữ nguyên. Khi võ sĩ xếp vào hạng sekitori thì tóc được búi cao lên theo hình lá bạch quả. Các thợ làm tóc gọi là tokoyama sẽ chịu trách nhiệm tạo kiểu tóc cho sumo.
Tuy nhiên vẫn có trường hợp các võ sĩ sẽ cạo một phần tóc trên đỉnh đầu, phần này gọi là nakazori để búi tóc được giữ gọn gàng hơn. Việc cạo tóc này được thực hiện khoảng hai tháng một lần.
Chonmage có tầm quan trọng mang tính biểu tượng trong môn võ sumo đến mức việc cắt tóc thể hiện cho việc giải nghệ. Khi một võ sĩ quyết định nghỉ hưu, sẽ có một buổi lễ đặc biệt. Những người quan trọng trong cuộc đời của sumo đó sẽ được mời đến để cắt Chonmage. Người thực hiện cuối cùng thường là huấn luyện viên của sumo.
Khi xưa Chonmage là biểu tượng quyền lực, địa vị của samurai, việc cắt búi tóc cho thấy sự kết thúc thời kì trị vì của những lãnh chúa chiến binh. Đến nay võ sĩ sumo cũng thực hiện nghi thức này để tuyên bố cho việc đánh dấu sự kết thúc sự nghiệp huy hoàng.