“Kan-Kon-Sou-Sai” (冠婚葬祭 – quan hôn táng tế) là cụm từ đề cập đến bốn nghi lễ trọng đại được thực hiện theo phong tục truyền thống của xứ Phù Tang. Bốn nghi lễ gồm: trưởng thành (Kan - 冠), cưới hỏi (Kon - 婚), đám tang (Sou - 葬) và lễ cúng tổ tiên (Sai - 祭).
Từ "Kan" ban đầu chỉ sự trưởng thành, xuất phát từ một phong tục được hình thành từ sau thời kỳ Nara (710 - 794). Lúc bấy giờ người dân thực hiện nghi lễ để thông báo rằng một đứa trẻ trong độ tuổi 11 - 16 đã bước vào giai đoạn trở thành người lớn.
Bắt đầu từ năm 1948, tuổi trưởng thành của người Nhật được luật pháp quy định là 20 và Lễ Thành nhân (Seijin no Hi) thường được tổ chức vào ngày thứ Hai của tuần thứ hai tháng Giêng hàng năm. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/4/2022, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức áp dụng việc hạ độ tuổi trưởng thành từ 20 xuống 18 tuổi.
Vào ngày trọng đại của đời người này, những chàng trai cô gái đang ở tuổi đôi mươi tươi đẹp sẽ mặc trang phục truyền thống, nữ diện furisode - kiểu kimono nhiều màu sắc với tay áo rất dài dành cho phụ nữ chưa lập gia đình; còn nam mặc lễ phục haori và hakama hoặc bộ vest hiện đại.
Những thanh niên đánh dấu sự trưởng thành của họ với buổi lễ tổ chức tại văn phòng địa phương, sau đó cùng gia đình, bạn bè tổ chức tiệc để chúc mừng.
Tuy nhiên, ngày nay từ Kan còn dùng để chỉ tất cả các sự kiện diễn ra trong suốt các bước ngoặt của cuộc đời. Như Omiyamari (nghi thức viếng đền chùa trong vòng tháng đầu tiên sau khi đứa trẻ chào đời), Hatsuzekku (lễ hội đầu tiên dành cho một đứa trẻ kể từ khi ra đời đến khi được 1 tuổi, ngày của các bé gái là 3/3 và các bé trai là 5/5), Shichigosan (nghi lễ cho trẻ em vào năm 3 tuổi, 5 tuổi và 7 tuổi), lễ nhập học, tốt nghiệp và lễ mừng thọ người cao tuổi.
Kết hôn là bước ngoặt mới cho nhiều sự thay đổi trong suốt phần đời còn lại của mỗi người. Ở Nhật, từ Kon đề cập đến hôn nhân, thể hiện ở một nghi lễ quan trọng se duyên một nam một nữ về chung một nhà. Tại xứ hoa anh đào, có ba phong cách phổ biến của lễ kết hôn.
Đây là đám cưới truyền thống theo nghi thức Thần đạo được tổ chức tại đền thờ. Cô dâu khoác lên mình bộ kimono trắng gọi là shiramuku (shiro là màu trắng và muku có nghĩa là tinh khiết), biểu thị cho sự trong trắng, trinh nguyên, chú rể mặc áo kimono màu đen montsuki, quần hakama và khoác haori bên ngoài.
Cặp đôi cùng nhau thực hiện nghi thức Sansan kudo (三々九度) - trao nhau ba chén rượu sake. Trong đó, chén thứ nhất (nhỏ) đại diện cho quá khứ của cô dâu chú rể, đồng thời mang ý nghĩa tạ ơn tổ tiên; chén thứ hai (ở giữa) đại diện cho hiện tại của cả hai, đồng thời mang ý nghĩa từ nay về sau sẽ chung sống như một cặp vợ chồng; chén thứ ba (lớn) thể hiện tương lai của cặp đôi, biểu thị con đàn cháu đống và gia đình thuận hòa.
Đây là nghi thức kết hôn theo phong cách phương Tây, diễn ra ở nhà thờ, cô dâu mặc váy cưới trắng, chú rể thường mặc vest và cả hai sẽ thề nguyện tình yêu vĩnh cửu trước linh mục.
Nghi thức cưới hỏi sẽ được thực hiện trong nhà nguyện hay nhà hàng, khách sạn hoặc bất kỳ nơi nào theo lựa chọn của cô dâu, chú rể trước sự chứng kiến của gia đình, bạn bè và quan khách.
Sau khi lễ kết hôn hoàn tất, tiệc mừng sẽ diễn ra với sự góp mặt của họ hàng, bạn bè thân thiết hai bên gia đình. Trong buổi tiệc sẽ có bài phát biểu chúc mừng, nghi thức cắt bánh, cô dâu chú rể sẽ thay trang phục để cảm ơn quan khách, mọi người góp vui với các tiết mục hát hò, nhảy múa.
Khách mời đến dự tiệc cưới thường gửi quà mừng từ 30.000 đến 50.000 yên. Mọi người thường tránh tiền mừng là những số chẵn dễ chia vì nó có nghĩa là phá vỡ mối quan hệ hôn nhân của cô dâu và chú rể.
Sou trong “Kan-Kon-Sou-Sai” đề cập đến đám tang. Ở Nhật có hai hình thức mai táng phổ biến là hỏa táng và địa táng (hay thổ táng). Hỏa táng là hình thức chủ đạo còn địa táng chỉ được thực hiện chủ yếu ở vùng Yamanashi và Hokkaido.
Văn hóa hỏa táng của Nhật Bản được cho là bắt nguồn từ Phật giáo, xuất phát từ thuyết Đức Phật Thích Ca trước khi nhập Niết bàn đã dặn dò các đệ tử hỏa táng mình. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng phương thức tang lễ này có nguồn gốc từ một phong tục thời Jomon (14.000 - 400 TCN).
Thông thường, tang lễ ở Nhật được chia thành hai phần, Otsuya (お通夜) và Osoushiki (お葬式).
Otsuya hay lễ thức canh diễn ra vào đêm trước ngày diễn ra tang lễ chính thức. Các thành viên trong gia đình, người thân và bạn bè sẽ tham dự để tưởng niệm và cầu nguyện cho linh hồn người chết được bình an rời khỏi thế giới.
Những người tham dự lễ mặc trang phục đen và thường mang theo tràng hạt. Họ gửi tiền phúng điếu khoảng 3.000 đến 10.000 yên rồi thắp hương và ăn bữa cơm cuối cùng với người mất. Bữa ăn thường bao gồm những món mà người mất sinh thời yêu thích.
Vào ngày tổ chức Osoushiki - lễ tang chính thức, gia đình, người thân, bạn bè sẽ nói lời tạm biệt, đặt hoa tươi trước quan tài. Sau đó, thi thể người mất được đem đến lò hỏa táng, tro cốt được lưu giữ trong một chiếc hũ. Sau khi hoàn thành các nghi lễ Phật giáo vào ngày thứ 7 và ngày thứ 49 cho người chết, tro cốt sẽ được mang chôn ở nghĩa trang.
Ở đất nước mặt trời mọc, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên rất được coi trọng với các nghi thức trang trọng, thiêng liêng mà người Nhật vẫn luôn gìn giữ, kế thừa qua nhiều thế hệ.
Thông thường, trong mỗi gia đình truyền thống Nhật Bản đều có một điện thờ gọi là Butsudan (Phật đàn, nghĩa là án thờ Phật), bên trong có tủ thờ làm bằng gỗ, là nơi thờ Phật và tổ tiên. Ảnh của người thân đã khuất được đặt ở đây với ý nghĩa tượng trưng cho sự có mặt và luôn dõi theo gia đình.
Lễ vật thờ cúng được dâng lên thường đơn giản, không cầu kỳ, yêu cầu hội tụ đủ 5 thứ thiết yếu là: hương (nhang), hoa, đèn thờ, nước và những đồ ăn thức uống như hoa quả, bánh kẹo, trà...
Lễ cúng tổ tiên được thực hiện vào những dịp quan trọng nhất định trong năm.
Theo Phật giáo Nhật Bản, ngày giỗ được tiến hành 12 lần một năm, bao gồm 1 ngày giỗ năm (Shotsuki Meinichi) tương tự như trong văn hóa Việt, ngoài ra còn có 11 ngày giỗ hàng tháng (Tsuki Meinichi) được tổ chức vào ngày trùng với ngày mà người thân qua đời.
Người Nhật mừng năm mới theo Tây lịch kể từ năm 1873. Dịp lễ này mọi người sẽ đoàn tụ, sum họp và làm lễ cúng bái tổ tiên. Trước Tết, người Nhật thường đến các đền thờ để làm lễ thanh tẩy, trang hoàng nhà cửa, đặt kadomatsu (cây thông) trước cửa nhà và dùng các loại thừng bện bằng những dây rơm, treo các dải giấy trắng trên lối đi vào nhà để cầu mong một năm mới tốt đẹp, an lành.
Lễ Ohigan được tổ chức hai lần trong một năm, vào ngày xuân phân và thu phân, cùng với ba ngày trước và sau các ngày này. Trong tuần diễn ra Ohigan, mọi người sẽ chuẩn bị đồ cúng để đến thăm mộ phần của ông bà, tổ tiên.
Theo truyền thống, lễ vật dâng lên gồm có hoa, bánh Botamochi (loại bánh làm từ gạo nếp phủ lên mặt bánh lớp đậu đỏ đã trộn sẵn với đường) và rượu sake. Người ta thắp hương trước mộ phần tổ tiên và cắm hoa, dâng đồ cúng để tưởng nhớ đến người đã khuất.
Lễ Obon diễn ra vào khoảng giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 hàng năm tùy theo mỗi vùng miền tại Nhật. Đây là dịp những đứa con trong gia đình thể hiện sự biết ơn với cha mẹ và tưởng nhớ linh hồn của ông bà tổ tiên.