eMagazine

Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Kirikane, những lá vàng lá bạc bỗng chốc trở thành đường nét, hoa văn tinh tế tô điểm cho đồ vật, khiến chúng hóa thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị.

“Fugen Bosatsu” (Phổ Hiền Bồ Tát) là một kiệt tác tranh Phật giáo của Nhật Bản. Bức tranh được vẽ vào thế kỷ 12, mô tả Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà hiện ra từ cõi tịnh độ. Tranh được vẽ trên vải lụa bằng màu khoáng, vàng và bạc, đặc biệt hoa văn được thể hiện bằng kỹ thuật Kirikane tinh xảo, làm tôn lên vẻ đẹp và bản sắc của Phật giáo xứ Phù Tang.

Bức tranh Phổ Hiền Bồ Tát.
Bức tranh Phổ Hiền Bồ Tát. Ảnh: Wikipedia
Họa tiết trên vải được tạo nên bằng kỹ thuật Kirikane.
Họa tiết trên vải được tạo nên bằng kỹ thuật Kirikane. Ảnh: wakabayashi.co.jp

Kirikane là gì?

“Kirikane – 截金” (hay còn được gọi là “Hosogane – 細金”) là một kỹ thuật truyền thống của Nhật, sử dụng nguyên liệu kim loại như lá vàng, bạc, bạch kim, đồng... cắt thành các các dải mỏng để làm hoa văn trang trí. Các dải kim loại được dán lên bề mặt cần tô điểm bằng bút lông và một loại keo dán đặc biệt.

Ban đầu, kỹ thuật này được áp dụng để tạo nên họa tiết cho trang phục của các bức tượng, hình vẽ về chư Phật và Bồ Tát. Trong lĩnh vực nghệ thuật Phật giáo, Kirikane thực sự tỏa sáng và đạt đến đỉnh cao khi tôn lên được vẻ đẹp, cái hồn và sự vĩ đại của bậc thánh thần.

Bên cạnh ứng dụng trong Phật giáo, Kirikane còn được dùng để trang trí các món đồ thủ công đặc biệt khác, chẳng hạn như sơn mài, để làm tăng giá trị thẩm mỹ cho chúng.

Lịch sử của nghệ thuật Kirikane

Người ta tin rằng việc áp dụng kỹ thuật Kirikane lên các bức tượng, tranh ảnh Phật giáo đã được du nhập vào Nhật Bản trong thời kỳ Asuka (538-710) từ bán đảo Triều Tiên và lục địa Trung Quốc. Tại đây, Kirikane đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật trang trí trong thời kỳ hoàng kim của tượng Phật, tức vào thời Heian (794-1185) và Kamakura (1185-1333).

Một bức tranh Phật giáo sử dụng kỹ thuật Kirikane được lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia Kyoto.
Một bức tranh Phật giáo sử dụng kỹ thuật Kirikane được lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia Kyoto. Ảnh: Kyoto National Museum

Tuy nhiên, kể từ thời Edo (1603-1867), với sự phổ biến của Phật giáo, việc sử dụng “Kindei – 金泥” (loại sơn được tạo ra bằng cách hòa tan bột vàng hoặc bạc trong nước có hòa lẫn keo) vừa đơn giản vừa tiện lợi đã lan rộng, dẫn đến việc Kirikane bị “ghẻ lạnh” và dần suy tàn.

Kirikane trên gỗ.
Kirikane trên gỗ. Ảnh: Google Arts & Culture
Ảnh: shunpuan.jp
Ảnh: shunpuan.jp

Mãi đến sau Thế chiến hai, người Nhật mới bắt đầu có xu hướng sử dụng các đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống được trang trí công phu. Chính điều này đã đưa kỹ thuật Kirikane quay trở lại và một lần nữa phát triển như một loại hình nghệ thuật để làm tăng thêm sự tinh tế, quý phái cho món đồ, đặc biệt được ứng dụng sâu rộng trong lĩnh vực Phật giáo. Ngày nay Kirikane được chỉ định là một trong 74 ngành thủ công truyền thống ở Kyoto.

Ba bậc thầy Kirikane của Nhật Bản

Trong hàng ngàn năm lịch sử, chỉ ở Nhật Bản, Kirikane mới được kế thừa và trở thành một nghề thủ công truyền thống. Đến nay trong nghệ thuật Kirikane, có ba nghệ nhân từng được Chính phủ Nhật công nhận là “Báu vật Quốc gia còn sống” gồm: Baitei Saita, Daizo Nishide và Sayoko Eri.


Ảnh: rank1-media.com
Ảnh: rank1-media.com

「 Baitei Saita 」

Sinh ra trong một gia đình thợ thủ công Kirikane từng làm việc cho chùa Nishi Honganji ở Kyoto, Baitei Saita (1900-1981) không chỉ áp dụng kỹ thuật Kirikane vào nghệ thuật Phật giáo, ông còn đưa nó lên các tấm bình phong, khung ảnh, bình trà và hộp trang trí. Chính ông là người đã đặt nền móng cho Kirikane phát triển như một nghề thủ công và có công hồi sinh kỹ thuật này ở thời hiện đại.

Ảnh: rank1-media.com
Ảnh: rank1-media.com

Đặc biệt, Saita được biết đến với phong cách thể hiện chân thực hình ảnh của các loài cá, rong biển, hoa mẫu đơn, hoa tú cầu, hoa trà... trong các tác phẩm như bình phong và khung ảnh, đồng thời là người đầu tiên trong nghề này được chứng nhận là “Báu vật Quốc gia còn sống”.


「 Daizo Nishide 」

Daizo Nishide sinh năm 1913 tại tỉnh Ishikawa. Khi ông đang là sinh viên của Trường Mỹ thuật Tokyo (nay là Đại học Nghệ thuật Tokyo), nhà điêu khắc nổi tiếng Koun Takamura lúc bấy giờ đã tạo ra một bản sao của bức tượng Phật bí mật ở chùa Joruriji (Kyoto), nhưng lại không thể tái tạo hoa văn Kirikane trên bệ tượng mà phải dùng sơn vàng thay thế. Điều này đã thôi thúc Nishide bắt đầu tìm hiểu về Kirikane.

Ảnh: kagabi.kagashi-ss.com
Ảnh: kagabi.kagashi-ss.com

Sau khi nghiên cứu các tài sản văn hóa ở Kyoto và những nơi khác, ông đã một tay làm sống lại kỹ thuật trang trí Kirikane thời Heian. Ngoài nổi tiếng với việc áp dụng Kirikane để trang trí các bức tượng động vật như ngựa, bò, chó, chim sẻ..., nghệ nhân Nishide còn sử dụng bột màu khoáng và nhiều kỹ thuật trang trí lá vàng khác nhau để tạo ra những tác phẩm tinh tế và lộng lẫy.


Ảnh: fujingaho.jp
Ảnh: fujingaho.jp

「 Sayoko Eri 」

Sinh ra ở Kyoto vào năm 1945, Sayoko Eri học về hội họa và nhuộm tại trường đại học. Sau khi kết hôn với nhà điêu khắc Phật giáo Koukei Eri, bà theo học một nghệ nhân Kirikane và thành thạo kỹ thuật này.

Ảnh: fujingaho.jp
Ảnh: fujingaho.jp

Ngoài việc mở rộng khả năng của Kirikane bằng cách ứng dụng nó lên các hộp trang trí, hộp đựng trà, bình phong, khung ảnh..., bà cùng chồng đã tổ chức triển lãm có tên “Tượng Phật và Kirikane”. Với những nỗ lực để nâng cao nhận thức và truyền bá loại hình thủ công truyền thống này, bà là người thứ ba trong lĩnh vực được vinh danh là “Báu vật Quốc gia còn sống”.

Cận cảnh kỹ thuật Kirikane

Cũng như những nghề thủ công truyền thống khác của Nhật Bản, Kirikane đòi hỏi rất nhiều sự chăm chỉ, khéo léo và đặc biệt là kiên nhẫn để thao tác trên những lá vàng siêu mỏng.

4 bước cơ bản trong kỹ thuật Kirikane

Chuẩn bị lá vàng
Ảnh: cool-japan
1

「 Chuẩn bị lá vàng 」

Lá vàng dùng làm Kirikane chỉ dày 10μm (0,00001mm), được làm bằng vàng 24 karat pha thêm bạc và đồng.

Kích thước thông thường của vàng lá vuông là 109x109mm, từng lá này sẽ được đặt giữa hai tờ giấy washi bóng và được xử lý cẩn thận bằng một cặp nhíp tre đặc biệt.

Đốt lá vàng
Ảnh: mgsrefining.com
2

「 Đốt lá vàng 」

Để lá vàng cứng và dày hơn, có độ đàn hồi cao hơn, chúng sẽ được đốt cùng nhau.

Đầu tiên, 2 lá vàng được chập lại và đặt trên than nóng gần 1000°C để gắn vào nhau, sau đó tiếp tục ghép thêm mỗi lá ở mỗi mặt của lá kép đó để có được một lá dày hoàn hảo (gồm 4 lá ghép lại).

Ngày nay, đôi khi lò sắt được sử dụng thay cho than củi.

Cắt lá vàng
Ảnh: mgsrefining.com
3

「 Cắt lá vàng 」

Sau khi tạo ra một lá vàng dày, quá trình cắt được thực hiện với sự trợ giúp của một con dao tre đặc biệt. Con dao này được làm bằng cách chẻ một đoạn tre mảnh rộng khoảng 20mm rồi phơi khô trong vòng 5 - 10 năm, sau đó làm sạch và mài nhẵn.

Quá trình cắt được thực hiện trên một giá đỡ đặc biệt phủ bằng da hươu có rắc bột talc lên trên. Trong quá trình này, độ dày của lá vàng được đo bằng mắt và chiếc lá được cắt thành các sọc mảnh, đôi khi mỏng hơn cả tóc người.

Dán các sọc lá vàng
Ảnh: gakyu.jp
4

「 Dán các sọc lá vàng 」

Trong trường hợp dán các sợi vàng vào tượng Phật, người ta sử dụng một loại keo đặc biệt: hỗn hợp funori (keo làm từ rong biển) và nikawa (keo làm từ da động vật).

Công đoạn này sử dụng hai cây cọ cho hai tay. Sọc lá vàng quấn quanh đầu cọ ẩm được cầm bằng tay trái, còn đầu cọ cầm trên tay phải được ngâm trong keo hòa tan trong nước. Phối hợp hai tay, nghệ nhân sẽ tỉ mỉ dán từng sợi vàng lên bề mặt đồ vật để tạo nên hoa văn.

Vẻ đẹp của Kirikane

Ngày nay ở Nhật, Kirikane dùng để trang trí cho hầu hết các tượng Phật bằng gỗ có giá trị lịch sử. Những nếp nhăn trên áo, bệ hay vầng hào quang của bức tượng được tô điểm bằng Kirikane trông cực kỳ tinh xảo, đồng thời toát lên vẻ linh thiêng đậm màu tôn giáo.

Bên cạnh đó, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống được tạo tác với kỹ thuật này cũng mang giá trị thẩm mỹ cao và nó ngày càng được ứng dụng sâu rộng vào những món đồ thường ngày, chẳng hạn như ví đựng thẻ hay bút viết.

Ví đựng thẻ bằng gỗ được trang trí bằng Kirikane.
Ví đựng thẻ bằng gỗ được trang trí bằng Kirikane. Ảnh: Craft 14
Hộp gỗ với hoa văn bằng vàng tinh xảo.
Hộp gỗ với hoa văn bằng vàng tinh xảo. Ảnh: bunka.nii.ac.jp