Sơn mài truyền thống Makie: Biểu tượng hoàng gia
Vang bóng hoàng kim
Vào thế kỷ thứ 5, nghệ thuật sơn mài được truyền bá sang Nhật Bản. Và từ hàng thế kỷ qua người Nhật đã rất quen thuộc với các loại đồ sơn mài quanh cuộc sống hàng ngày của mình. Tuy nhiên để các đồ sơn mài đơn điệu này trở nên sang trọng và có giá trị hơn, người thợ thủ công Nhật Bản đã nghĩ ra cách rắc bột kim loại quý để tạo ra các loại hoa văn đẹp mắt. Kỹ thuật này được biết đến với tên gọi Makie, một kỹ thuật mạ vàng đồ sơn mài chỉ có duy nhất ở xứ Phù Tang. Chính kỹ thuật này đã góp phần phát triển sơn mài từ việc chỉ được dùng cho những vật dụng trong dân gian, đến việc tạo ra những vật dụng sang trọng, tác phẩm nghệ thuật được sử dụng trong cung điện, lăng tẩm, đền chùa hay trong những gia đình giàu sang quyền quý. Để đạt đến độ tinh tế và độc đáo của sơn mài thì các nghệ nhân Nhật Bản đã tiến một bước dài với kỹ thuật Makie, là biểu tượng độc tôn vương giả dành cho lãnh chúa và quý tộc xa xưa cũng như đại diện cho xa xỉ tinh hoa trên những sản phẩm sơn mài hiện đại.
Để tạo ra các màu sắc và kết cấu khác nhau, các nghệ nhân Makie sử dụng nhiều loại bột kim loại khác nhau như vàng, bạc, đồng, đồng thau, chì, nhôm, bạch kim và thiếc, cũng như các hợp kim của chúng. Các ống tre và bàn chải mềm có kích thước khác nhau được sử dụng để đặt bột và vẽ các nếp nhăn. Vì nó đòi hỏi sự khéo léo tay nghề cao để sản xuất một bức tranh Makie, các nghệ nhân trẻ thường trải qua nhiều năm đào tạo để phát triển các kỹ năng và cuối cùng trở thành nghệ nhân Makie chuyên nghiệp.
Đỉnh cao của sự tinh tế
Bước đầu tiên để tạo ra một sản phẩm Makie là nghệ nhân sơn mài sẽ phác họa bức tranh trên món đồ sơn mài. Kế tiếp họ sẽ phết một lớp sơn mài lên bức hình cần mạ vàng. Sau khi hoàn tất công việc phết lớp sơn mài, họ cẩn thận cho bột vàng phủ trên bề mặt lớp sơn mài. Vậy là một món đồ dùng sơn mài đã được mạ vàng, nó sẽ trở nên sang trọng hơn những loại đồ sơn mài bình thường. Những món đồ Makie được sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Có tất cả 3 kỹ thuật cơ bản:
+ Kỹ thuật đầu tiên và cũng là kỹ thuật cơ bản nhất được gọi là Hira-Makie (kỹ thuật rắc vàng mặt phẳng) đã được ra đời cách đây 1.000 năm. Với kỹ thuật này nghệ nhân sơn mài chỉ việc phủ một lớp sơn mài rồi sau đó rắc vàng lên trên bề mặt của lớp sơn mài. Tỷ lệ đặc hay thưa của lớp vàng tùy thuộc vào sở thích của nghệ nhân hay phụ thuộc vào chi tiết của bức tranh cần mạ vàng.
+ Kỹ thuật thứ hai được gọi là Togidashi-Makie, cũng giống như kỹ thuật Hira-Makie sau khi phủ kim loại lên lớp sơn mài, nghệ nhân sẽ dùng than để phủ lên toàn bộ bức tranh và sau đó được lau lại bằng giẻ để tạo ra các đường nét sinh động cho bức tranh.
+ Kỹ thuật thứ ba và cũng là kỹ thuật cuối cùng có tính chất phức tạp hơn được gọi là Taka-Makie (kỹ thuật rắc kim loại 3 chiều). Không giống như 2 kỹ thuật trước đó, với kỹ thuật này bột kim loại sẽ được rắc lên bức tranh nổi để tạo ra hình ảnh 3 chiều làm cho bức tranh trở nên sống động hơn. Đây là một kỹ thuật rất khó thực hiện và rất công phu, đòi hỏi sự khéo léo cũng như kinh nghiệm của người nghệ nhân. Kỹ thuật này thường chỉ được dùng để chế tác đồ sơn mài cho các tầng lớp vua chúa và quý tộc ở xứ Phù Tang.
Một nghệ nhân nổi tiếng ở thế kỷ thứ 16 – Ogata Korin đã chế tạo ra một chiếc hộp sơn mài dùng để đựng thư từ bằng kỹ thuật Makie. Điều đặc biệt là chiếc hộp Makie này được thiết kế dựa theo một tác phẩm văn học nổi tiếng của người Nhật có tựa đề “Câu chuyện về nhân vật Ishi”. Những thiết kế của chiếc hộp cũng có thể toát lên toàn bộ câu chuyện sống động về chàng trai Ishi. Việc diễn tả một tác phẩm văn học qua một đồ dùng Makie đã cho thấy tài nghệ của các nghệ nhân sơn mài thời bấy giờ độc đáo như thế nào. Từng chi tiết được thiết kế trên các hộp đựng Makie đều có tầm quan trọng riêng của nó. Như vậy có thể nói người Nhật quả thật rất tinh tế. Chỉ một món đồ dùng hàng ngày đơn thuần cũng có thể là công cụ để họ thể hiện một tác phẩm văn học, thậm chí là một lời ước nguyện hay một niềm hy vọng nào đó trong tương lai.
Kỹ thuật rắc kim loại quý tạo hoa văn lên lớp sơn mài được người Nhật phát minh ra cách nay khoảng 1.000 năm, vào thời Heian (794 – 1185). Một mô tuýp trang trí phổ biến khi ấy là Genji-Guruma, mô tả hình ảnh những chiếc bánh xe đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Ngày xưa ở Nhật người ta có truyền thống ngâm những bánh xe bằng gỗ xuống nước để tránh làm cho chúng bị khô và bị gãy vụn trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Tất cả các sản phẩm Makie thời Heian thường có các mô tuýp trang trí mô tả lại các hoạt động hàng ngày của con người thời bấy giờ.
kilala.vn
01/06/2020
Bài: TARO
Hình ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận