eMagazine
Ofuro nét văn hóa tắm bồn từ xa xưa của Nhật Bản

Bài viết: Thanh Trúc Ảnh: PixtaThiết kế: Noto

Tắm bồn là một tập quán được hình thành từ rất lâu đời ở Nhật Bản. Nếu một người Nhật đến thăm Việt Nam và anh ta đang cần tìm một nhà trọ hay khách sạn, bạn hãy thử hỏi rằng anh muốn tìm một nơi trọ như thế nào? Câu trả lời có thể khác nhau tùy mỗi người, nhưng hầu như sẽ luôn có một ý là “Tôi muốn trong phòng tắm có Ofuro”.

“Ofuro – お風呂” trong tiếng Nhật có nghĩa là bồn tắm. Đối với nhiều quốc gia, việc sử dụng vòi hoa sen hay bồn chỉ dùng cho mục đích tắm, nhưng với người dân xứ Phù Tang, tắm bồn đồng nghĩa với thư giãn. Trong tiềm thức của người Nhật từ xưa đến nay, tắm bồn là một việc không thể thiếu trong thói quen sinh hoạt hằng ngày, và thực tế, tập tục này đã trải dài qua 14 thời kỳ lịch sử, từ thời Kofun (thế kỷ 3 – 6) cho tới nay. Vậy thói quen tắm bồn của người Nhật từ đâu mà có?

Thời kỳ Azuchi-Momoyama
(1573 – 1603)
trở về trước

Văn hóa tắm bồn ở Nhật được cho là bắt nguồn từ những quan điểm trong Phật giáo và Thần đạo. Trong Thần đạo, Kami – Thần tồn tại ở khắp nơi nên cần phải giữ mọi thứ và bản thân luôn sạch sẽ. Khi vào các ngôi chùa hoặc đền, nghi thức đầu tiên cần thực hiện là Misogi – rửa tay để thanh lọc cơ thể và tâm hồn trước khi vào chốn linh thiêng. Vào thế kỷ 6, đạo Phật từ Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản, mang theo những lời răn dạy rằng việc xông hơi hoặc ngâm mình trong nước sẽ giúp diệt trừ bệnh tật, mang lại sự sạch sẽ, sảng khoái cho cơ thể. Kể từ đó, các ngôi chùa bắt đầu xây dựng một không gian xông hơi và xem việc xông hơi là nếp sinh hoạt không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật.

Bồn tắm xông hơi ướt Mushiburo (蒸し風呂)Bồn tắm xông hơi ướt Mushiburo (蒸し風呂)

Không gian xông hơi tại những ngôi đền hoặc chùa được gọi là Mushiburo (蒸し風呂). “Mushi” nghĩa là hấp, “buro” là biến âm của chữ “furo”, mang nghĩa là bồn tắm. Dịch nôm na là “bồn tắm xông hơi ướt”. Người ta đun sôi nước cho hơi nước bốc lên và sử dụng hơi nước đó trong không gian xông hơi để làm sạch cơ thể.

Mushiburo trong chùa Myoushinji ở Kyoto. Ảnh: ja.kyoto.travel
Mushiburo trong chùa Myoushinji ở Kyoto.
Ảnh: ja.kyoto.travel

Hang đá xông hơi Ishiburo (石風呂) Hang đá xông hơi Ishiburo (石風呂)

Một hang đá xông hơi ở thành phố Bungoono, tỉnh Oita. Ảnh: Ooitakenbungo.jugem.jp
Một hang đá xông hơi ở thành phố Bungoono,
tỉnh Oita. Ảnh: Ooitakenbungo.jugem.jp

Đối với những dân thường không có điều kiện xây bồn tắm Mushiburo như trong chùa, họ sẽ tự tạo nên những hang đá và thực hiện xông hơi trong đó. Bằng cách đốt lá thông hoặc cây cỏ dại cho đến khi cháy đỏ rồi phủ rơm rạ ướt lên trên, sau đó ở trần hoặc mặc Yukata nằm lên đó xông hơi. Họ cho rằng nước bốc lên từ rơm rạ ẩm sẽ giúp gột sạch dơ bẩn và sức nóng từ cây cỏ cháy sẽ làm ấm cơ thể. Những hang đá dùng để xông hơi như vậy được gọi là “Ishiburo – 石風呂”.

Một hang đá xông hơi ở thành phố Bungoono, tỉnh Oita. Ảnh: Ooitakenbungo.jugem.jp
Một hang đá xông hơi ở thành phố Bungoono,
tỉnh Oita.
Ảnh: Ooitakenbungo.jugem.jp

Có thể thấy, đặc trưng nổi bật của việc tắm trong thời kỳ này là dùng hơi nước để làm sạch cơ thể. Xét về hình thức, nó tương tự như xông hơi tại các địa điểm làm đẹp thời nay như spa.

Thời kỳ Edo
(1603 - 1868)
Sự “lên ngôi” của nhà tắm công cộng

Quang cảnh một phòng tắm công cộng thời Edo. Ảnh: excite
Quang cảnh một phòng tắm công cộng
thời Edo.
Ảnh: excite
Khu vực Zakuroguchi. Nguồn: kamikuzuann
Khu vực Zakuroguchi.
Nguồn: kamikuzuann

Nhà tắm công cộng với bồn ngâm nhỏ Todanaburo (戸棚風呂) và vách chắn Zakuroguchi (石榴口)Nhà tắm công cộng với bồn ngâm nhỏ Todanaburo (戸棚風呂) và vách chắn Zakuroguchi (石榴口)

Vào thời Edo, nhà tắm công cộng ra đời và phát triển cực thịnh. Hình thức ngâm bồn cũng bắt đầu phát triển, nhưng nguồn nước vẫn còn rất khan hiếm, do đó bồn tắm được trang bị ở các nhà tắm công cộng chỉ là những bồn nước nhỏ chật hẹp, gọi là “Todanaburo – 戸棚風呂”. “Todana” nghĩa là tủ chén, do khu vực này được xây dựng kín ở ba mặt với một lối vào nhỏ, nhìn qua khiến người ta liên tưởng đến một cái tủ chén. Mực nước của chiếc bồn này thường ngang đến đầu gối nên chỉ ngâm được nửa người dưới, còn nửa thân trên thì vẫn dùng phương pháp của thời kỳ trước là xông hơi.

Trong nhà tắm công cộng thời bấy giờ thường có 4 khu vực cơ bản: nơi thay quần áo, nơi dội nước cho ướt người trước khi vào bồn, nơi có bồn tắm nửa người Todanaburo và nơi xông hơi toàn thân.

Khu chính diện là nơi dội nước cho ướt người, cũng là để gột sạch bụi bẩn trước khi xông hơi hoặc ngâm bồn. Ngay phía sau đó là khu vực xông hơi toàn thân, nơi người ta bố trí một vách chắn lửng từ trên trần xuống gọi là Zakuroguchi để hạn chế không cho hơi nước thoát ra ngoài quá nhiều. Lối vào nhỏ ở phía bên cạnh là khu vực bồn tắm nửa người – Todanaburo.

Điều đặc biệt vào thời kỳ này là các nhà tắm công cộng không chia ra khu vực dành riêng cho nam và nữ. Nói cách khác, tại các khu nhà tắm công cộng thì hoạt động tắm rửa vệ sinh của nam và nữ diễn ra chung trong một không gian. Hình ảnh minh họa phía trên chưa thật sự phản ánh chính xác đặc điểm này mà chỉ mình họa được phần nào cơ cấu bên trong của một nhà tắm công cộng thời kỳ Edo, nhưng có rất nhiều ghi chép sử sách đã đề cập vấn đề này.

Goemonburo: Tên của tướng cướp được đặt cho tên bồn tắmGoemonburo: Tên của tướng cướp được đặt cho tên bồn tắm

Nhà tắm công cộng ra đời với mục đích phục vụ cho những người dân không có điều kiện trang bị bồn tắm riêng ở nhà. Còn đối với các gia đình có điều kiện, bồn tắm riêng của họ hoàn toàn có thể chứa đầy nước và ngâm mình ở mực nước cao đến cổ.

Bồn tắm như vậy có nhiều tên gọi tùy theo vùng miền và khác biệt đôi chút trong cơ chế hoạt động, nhưng tiêu biểu nhất có thể kể đến là tên gọi “Goemonburo – 五右衛門風呂”. “Goemon” là tên của một tướng cướp khét tiếng sống vào thời kỳ Azuchi-Momoyama, ông được biết đến như là một vị anh hùng trong lòng dân chúng vì luôn hành động theo nguyên tắc cướp của người giàu chia cho người nghèo. Nhưng cuối cùng lại bị lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi bắt được và xử tử hình bằng hình thức đun sôi, nghĩa là ném phạm nhân vào một cái nồi to và đun nước cho đến khi sôi rồi chết.

Ảnh: Japanwelt
Ảnh: Japanwelt

Cấu tạo của loại bồn tắm này gồm thùng bằng gỗ, phía dưới là bếp làm bằng đá hoặc sắt. Sử dụng bằng cách đổ nước đầy bồn rồi nhóm lửa đốt củi ở phía dưới để tạo nhiệt khiến cho nước nóng lên và ngồi vào ngâm.

Ảnh: Japanwelt
Ảnh: Japanwelt

Từ thời kỳ Minh Trị
(1868 - 1912)
đến thời kỳ Đại Chính
(1912 - 1926)

Vào thời kỳ Minh Trị, phần đông người dân vẫn giữ thói quen sử dụng các khu nhà tắm công cộng. Tuy nhiên, nhà tắm công cộng lúc bấy giờ đã thay đổi khá nhiều so với thời kỳ trước. Hình thức xông hơi đã hoàn toàn chuyển thành ngâm bồn và được duy trì cho đến nay. Đặc trưng đại diện cho nhà tắm công cộng của thời kỳ Edo là khu vực Zakuroguchi và Todanaburo cũng bị dỡ bỏ. Không gian trở nên sáng sủa, thoáng mát hơn. Chính vì thế, những nhà tắm này có tên gọi là “Kairyouburo – 改良風呂”. “Kairyou” nghĩa là cải cách, tức thay đổi để trở nên tốt hơn so với thời kỳ Edo.

Lý do cho việc này là vì có quá nhiều cáo buộc đến từ dân chúng, cho rằng không gian tăm tối u ám và có nhiều vách ngăn của thời kỳ Edo đã tạo điều kiện cho những kẻ xấu thực hiện hành vi trái với đạo đức xã hội.

Thời kỳ này cũng không còn chuyện nam nữ tắm chung mà đã tách biệt khu vực dành riêng cho từng phái. Đây có thể nói là một cột mốc đánh dấu sự thay đổi lớn trong văn hóa tắm bồn của Nhật Bản. Đến thời kỳ Đại Chính, nhà tắm công cộng vẫn chiếm phần lớn trong nếp sinh hoạt tắm rửa của người Nhật, nhưng thiết kế đã có phần hiện đại hơn.

Sàn gỗ, tường gỗ đã được thay thế bằng gạch. Hệ thống đường ống nước cũng bắt đầu phát triển, do đó hình thức múc nước trong thùng và dội bằng gáo cũng được thay thế bằng các vòi cấp nước. Đây có thể nói là một bước tiến lớn trong việc cải thiện vệ sinh nguồn nước.

Nhà tắm công cộng vào thời Đại Chính tương tự như ngày nay. Ảnh: Your Japan
Nhà tắm công cộng vào thời Đại Chính
tương tự như ngày nay.
Ảnh: Your Japan

Thời kỳ Chiêu Hòa
(1926 - 1989) đến nay:
Bùng nổ sự đa dạng về bồn tắm

Vào thời kỳ Chiêu Hòa, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, văn hóa Âu Mỹ đã du nhập mạnh vào Nhật Bản, mang “làn gió mới” đến trong cách thức hưởng thụ việc ngâm mình, từ đó dẫn đến sự phong phú và đa dạng trong các kiểu bồn tắm ở Nhật Bản.

Thay vì phải nấu và đổ nước ấm vào bồn như các thời kỳ trước, lúc này người ta đã sử dụng nguồn điện để cấp nước nóng. Các loại bồn với thiết kế hiện đại, nâng cấp các chức năng như: điều chỉnh nhiệt độ, chiếu đèn, sấy khô, sục nước massage (jacuzzi)… cũng được ứng dụng và dần trở nên thịnh hành.

Về phong cách tắm, người ta không chỉ đơn thuần tắm bằng nước mà còn pha vào đó các sản phẩm phục vụ tạo hương cho nước tắm được gọi là “Nyuuyokuzai – 入浴剤”. Các sản phẩm này ngoài mục đích tạo hương còn giúp dưỡng da, xoa dịu tinh thần và giúp ngủ ngon.

Kết

Sau hơn 1400 năm, văn hóa tắm bồn vẫn còn lưu giữ cho đến hiện tại. Trải qua nhiều giai đoạn, phong tục tắm bồn cũng có nhiều thay đổi theo thời gian, tuy nhiên vẫn giữ được nét đặc trưng tiêu biểu của Nhật Bản. Dù đã tiếp nhận ảnh hưởng từ văn hóa Âu Mỹ, nhưng người Nhật vẫn giữ quan điểm truyền thống rằng việc ngâm bồn chỉ được thực hiện sau khi đã dội nước tắm rửa sạch sẽ. Nói cách khác, bồn nước chỉ để ngâm, không dùng để kì cọ cùng xà bông như cách tắm của Âu Mỹ. Việc tiếp thu nhưng vẫn gìn giữ bản sắc dân tộc như vậy khiến cho Nhật Bản có một nét đặc trưng riêng biệt không thể nhầm lẫn với bất kỳ nền văn hóa nào.