Soda dưa lưới, mì Ý Napolitan, omuraisu, máy chơi game Nintendo nằm trong số ít những biểu tượng của thời kỳ Showa và luôn được yêu thích vì gợi cảm giác hoài niệm, thân thương.
Thời kỳ Showa (Chiêu Hòa) kéo dài từ năm 1926 đến năm 1989, kết thúc vào năm Showa thứ 64 khi Nhật Hoàng Hirohito qua đời. Đây là một trong những thời kỳ để lại ảnh hưởng quan trọng nhất đối với Nhật Bản.
Theo Japan Times, hậu chiến tranh, nước Nhật đã tạo ra một “phép màu kinh tế” mang lại những biến đổi về xã hội, văn hóa và con người, khiến các thương hiệu Nhật Bản được toàn cầu công nhận và săn đón.
James Farrer - giáo sư xã hội học tại Đại học Sophia - cho biết kỷ nguyên Showa ở Nhật Bản mang đậm tính chất anh hùng và chủ nghĩa lạc quan. “Thời điểm đấy, người Nhật vượt qua bi kịch thời chiến để trở thành một quốc gia giàu có, hòa bình và hiện đại”, ông nói.
Do đó, Showa gắn liền với hai từ: đổi mới. Cuối những năm 40 đến đầu những năm 50, Thủ tướng Shigeru Yoshida tập trung tăng cường quan hệ ngoại giao với Mỹ và thúc đẩy nền kinh tế tập trung vào tăng trưởng tự do.
Những thập kỷ sau đó - thời kỳ hoàng kim của Showa - tràn ngập những thành tựu. Ngày 18 tháng 12 năm 1956, Nhật Bản gia nhập Liên hợp quốc. Chưa đầy 10 năm sau, Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Tokaido Shinkansen.
Thế vận hội Tokyo được tổ chức cùng năm đó, đánh dấu lần đầu một nước châu Á làm chủ nhà. Vào thời điểm này, nền kinh tế Nhật Bản đã hoàn toàn phục hồi sau Thế chiến II.
Những năm 1970, quốc gia mặt trời mọc này thành công phóng vệ tinh Ohsumi. Trong những năm 80, ngành công nghiệp xe hơi của Nhật Bản đã vươn mình để chiếm lĩnh vị trí số một thế giới.
Các gia đình trên khắp thế giới đã mua ti vi Nhật Bản, Sony Walkmans, máy chơi trò chơi Nintendo và Sega. Trên mặt trận văn hóa, anime, manga và sushi bắt đầu lan rộng sang phương Tây.
Như một điều tất yếu, thời gian trôi qua, Showa trở thành một phần của lịch sử. Giới trẻ của thời đại Heisei (1989-2019) có vẻ như quên lãng đi thời đại này do mải mê với những bước tiến vượt bậc của công nghệ.
Những không gian cổ điển sớm muộn cũng biến mất để nhường chỗ cho những công trình mới. Đây là tình trạng đáng lo vì những gì bị mất không chỉ là mối liên hệ với lịch sử, mà còn là phong cách tiêu dùng xưa, một nếp văn hóa chỉ riêng Nhật Bản mới có.
Tuy nhiên, bước qua thời kỳ Reiwa (bắt đầu vào 1/5/2019) và qua hơn bốn năm cho đến hiện tại, mọi người bắt đầu tìm về các kiến trúc, đồ dùng và văn hóa thuộc thời Showa.
Giáo sư xã hội học Tatsuo Inamasu tại Đại học Hosei cũng cho rằng vài năm qua, phong cách Showa Retro đang trở nên phổ biến và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Năm 2021, công viên giải trí Seibuen ở Tokorozawa (tỉnh Saitama) khai trương ”商店街 - shоutengai” (phố mua sắm) theo chủ đề những năm 1960. Địa điểm này nhanh chóng gây sốt nhờ hồi sinh được “bầu không khí cổ điển đích thực”.
Ngoài ra, mỗi chủ nhật, tại khu Ginza của Tokyo, nhiều thanh niên xếp hàng dài để có được một chỗ ngồi tại Kissa You.
Đây là một cửa hàng điển hình theo phong cách “Kissaten - 喫茶店” (quán cà phê truyền thống của Nhật Bản). Nơi đây phục vụ thực đơn cổ điển gồm cơm chiên trứng omuraisu, bánh mì, cà phê và soda melon kể từ khi mở cửa vào năm 1970 đến nay.
Bước vào bên trong, bạn có cảm giác leo lên chuyến du hành thời gian, trở về 50 năm trước và tận hưởng vẻ đẹp của ký ức.
Kissa You không phải là cơ sở duy nhất kiếm tiền từ những rung cảm cổ điển này. Cùng với Kissaten, các thiết bị và đĩa hát kiểu cũ cũng là món đồ được ưa thích với nhiều người.
Ứng dụng mua bán đồ cũ Mercari của Nhật Bản vào tháng 12/2022 công bố rằng lượt tìm kiếm “các sản phẩm hoài cổ của Thời đại Showa” tăng vọt, với mặt hàng hot là máy chơi game Nintendo.
Báo cáo cho thấy lượng mua đồ chơi và hàng hóa thời đại Showa cao hơn khoảng 1,5 lần so với cùng thời điểm vào năm 2021. Điều này cho thấy sức hút của thời đại Showa chưa bao giờ ngừng lại.
Có một điều gì đó đặc biệt hoài cổ về thời đại Showa đã thấm nhuần trong tâm trí của người đương thời. Trong thời đại truyền thông xã hội và các xu hướng mới phát triển nhanh chóng, tính thẩm mỹ và trải nghiệm của thời đại cũ vẫn tiếp tục thu hút các thế hệ mới.
Ông Tatsuo nói: “Điều mà mọi người nhìn lại nhiều nhất không phải là sự hào nhoáng của nền kinh tế đang phát triển, mà là sự đơn giản và khiêm tốn của những không gian hồi những năm 1960 và 1970”.
Có thể nói, Kissaten và Izakaya là hai ví dụ điển hình. Izakaya mộc mạc trong một Yokocho (con hẻm nhỏ) là chốn quen của những thanh niên gặp khó khăn kinh tế vào thời đầu hậu chiến. Những không gian nhỏ này ấm cúng, khác biệt với “chuỗi nhà hàng” rập khuôn, không có cá tính.
Đối với một xã hội ngày càng đô thị hóa, bám vào quá khứ có lẽ là cuộc tìm kiếm bản sắc - một nỗ lực nhằm bám vào những gốc rễ còn sót lại với ước muốn khẳng định chính mình.
Ngoài ra, với tình hình kinh tế trì trệ hiện nay, nhiều người bây giờ tiết kiệm tiền bằng cách đi du lịch trong nước thay vì quốc tế, và họ học được cách trân trọng những gì trước mắt.
Chính vì thế, sự quan tâm đến lịch sử Nhật Bản, trong đó có thời Showa ngày càng tăng. Ngoài ra, nhiều người Nhật lấy thời kỳ rực rỡ này làm niềm cảm hứng và hy vọng về một tương lai tươi sáng với nhiều đổi mới.
“昭和の日- Showa no Hi” (29/4) là ngày sinh nhật của cựu Thiên hoàng Showa và đánh dấu kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng bắt đầu. Ngày này ra đời cũng nhằm mục đích để mọi người nghĩ về thời đại Showa, ghi nhớ tất cả những gì người dân Nhật Bản đã trải qua và để khuyến khích sự hòa bình thống nhất.
Điều đáng ngạc nhiên là không phải chỉ “dankai no sedai - 団塊の世代” (những người sinh trong năm 1947 đến 1949) hồi tưởng lại quá khứ của họ mà là các thành viên của "zetto sedai - Z世代” hay GenZ cũng khám phá điều mới từ những “thước phim” cũ của cuộc sống.
Ví dụ, hàng dài người xếp hàng tại Kissa You hay những fan sùng lục máy Nintendo Famicom đời đầu đều là thanh thiếu niên.
Đối với những khán giả lần đầu khám phá Kissaten, họ không quan trọng cơ sở vật chất mà chỉ quan tâm đến cá tính và một thực đơn ngon miệng, có cảm giác nhà nấu với món soda dưa lưới, mì Napolitan.
Shigemi là một trong những nghệ sĩ trẻ tìm thấy cảm hứng từ thời kỳ Showa. Với cô, “baburu jidai - バブル時代” (kỷ nguyên bong bóng, khoảng năm 1985 - 1991) là thú vị nhất. Thời kỳ này mang lại cảm giác thời thượng khi xoay quanh thời trang, âm nhạc, phim ảnh thành thị sôi động.
Shigemi chia sẻ: “Thời kỳ này, ai cũng có một thái độ sống quyết liệt, táo bạo. Song song với việc theo đuổi vật chất, mọi người cần những phương tiện để giải tỏa tinh thần. Tôi nghĩ rằng màu sắc rực rỡ, cách thể hiện táo bạo và năng lượng mạnh mẽ của thời đại đó là điều thu hút người trẻ”.
Những người như Shigemi tin rằng thời đại Showa đại diện cho cảm giác “không giới hạn”, phản ánh một cách nhìn tích cực, một sự ngưỡng mộ đối với công nghệ và viễn cảnh tương lai.
Một ví dụ của concept này là city pop – một thể loại nhạc quay trở lại “làm mưa làm gió” trong những năm gần đây với tính chất vượt thời gian, phóng khoáng, mặc dù được khai sinh vào những năm 70.
Còn khi nhắc đến nhạc pop thời Showa nói chung, chúng ta có cụm “Kayokyoku - 歌謡曲”. Thập niên 90, nhạc pop Nhật có những bước tiến vượt bậc nhờ xu hướng đưa chất liệu phương Tây như nhạc cụ, tiếng Anh vào âm nhạc.
Theo Oricon, một số cái tên nổi tiếng là Kyu Sakamoto, Yujiro Ishihara, Yoshimi Iwasaki với “Touch” – bài hát Karaoke kinh điển và ban nhạc Rebecca.
Tuy không thể sinh ra vào thời Showa, những nhóm người theo đuổi Showa Retro cố gắng góp nhặt các phần lịch sử và biến chúng thành một điều mới mẻ. Bằng cách đó, văn hóa, kiến trúc, âm nhạc, phim ảnh ngày nay lại càng đa dạng khi được “đứng trên vai người khổng lồ” - chính là bề dày lịch sử văn hóa của đất nước.
Xu hướng chuyển dịch về quá khứ là điều dễ hiểu sau những khủng hoảng hậu đại dịch. Showa Retro phần nào thể hiện mong muốn được gắn kết và có những mối quan hệ mật thiết hơn giữa con người trong thời đại đầy sự xa cách. Những người cùng chia sẻ rung cảm Showa có thêm không gian để chung vui, hoài niệm quá khứ cũng như tận dụng các chất liệu cũ để tự tạo ra tương lai tươi đẹp cho chính mình.