Ngược dòng lịch sử những chiếc máy chơi game cầm tay của Nintendo

    Vào thập niên 80, 90 đến đầu những năm 2000, khi công nghệ chưa phát triển, điện thoại thông minh chưa “xâm chiếm trái đất” như hiện nay, sở hữu một chiếc máy chơi game cầm tay là niềm ao ước của biết bao trẻ em trên thế giới.

    Là một quốc gia đi đầu về trò chơi điện tử, Nhật Bản sở hữu nhiều ông lớn trong lĩnh vực này như Sega, Sony. với hàng loạt tựa game và thiết bị chơi game hấp dẫn. Nhưng một khi nhắc đến máy trò chơi điện tử cầm tay, Nintendo vẫn là “gã khổng lồ” sừng sỏ với vị thế bất biến trước thử thách thời gian.

    máy trò chơi nintendo

    Máy chơi game cầm tay của Nintendo từng là ước mơ của nhiều người. Ảnh: kotaku.com.au

    Từ khi ra đời cho đến nay, những tựa game huyền thoại như Super Mario, Contra. cùng các dòng máy điện tử cầm tay của Nintendo đã trở thành một phần đẹp đẽ trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ. Hãy cùng Kilala ngược dòng thời gian trở về 30 năm trước để ngắm nhìn lại những thiết bị chơi game “vang bóng một thời” của nhà Nintendo nhé!

    Game Boy

    Game Boy – chiếc máy khởi đầu cho dòng trò chơi điện tử cầm tay của Nintendo là sản phẩm trí tuệ của Gunpei Yokoi, một trong những nhà thiết kế trò chơi điện tử đầu tiên của Nintendo, được phát hành tại Nhật Bản vào ngày 21/4/1989. 

    game boy
    Ảnh: herogame.vn

    Mặc dù không tiên tiến như các máy chơi game tương tự được phát hành vào thời điểm đó, cụ thể là do không có màn hình màu, nhưng với mức giá thấp hơn cùng thời lượng pin dài hơn, 300.000 chiếc máy Game Boy của Nintendo đã được bán ra trong vòng 2 tuần đầu tiên phát hành.

    Thiết bị điện tử này chạy bằng pin AA và có một khe để thay băng trò chơi. Game Boy được tích hợp một màn hình đơn sắc nhỏ, chỉ bao gồm bốn nút cùng một cụm nút điều hướng được phủ bên dưới lớp nhựa dày. Thiết kế đơn giản nhưng chắc chắn, tạo nên một bảng điều khiển có thể tồn tại qua nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ sử dụng.

    Game Boy Color

    Game Boy Color được phát triển dựa trên nền tảng là phiên bản Game Boy ban đầu và được cải tiến ở nhiều khía cạnh. Ra mắt tại Nhật Bản vào năm 1998, nó đã tạo ra làn sóng trong ngành, củng cố thêm sự thống trị về doanh số bán hàng của Nintendo vào thời điểm đó.

    game boy color
    Ảnh: SHUTTERSTOCK

    So với Game Boy, Game Boy Color mỏng hơn đáng kể nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng, có nhiều màu sắc khác nhau và đáng chú ý nhất đây là màn hình cầm tay đầu tiên của Nintendo có khả năng hiển thị màu. 

    Cùng với Game Boy, Game Boy Color tiếp tục trở thành máy trò chơi cầm tay bán chạy thứ ba mọi thời đại, với hơn 118 triệu chiếc được bán ra trên toàn thế giới.

    Game Boy Advance

    Sự ra đời của Game Boy Advance năm 2001 đánh dấu lần đầu tiên Nintendo cải tiến về hình dạng của thiết bị trò chơi điện tử cầm tay so với phiên bản Game Boy gốc. Với ý kiến đóng góp từ nhà thiết kế người Pháp Gwenael Nicolas, phiên bản mới này rộng bề ngang, tròn hơn, và các nút điều khiển được bố trí ở hai bên màn hình thay vì bên dưới như các phiên bản Game Boy trước. 

    game boy advance
    Ảnh: gamesradar.com

    Không chỉ có vẻ ngoài mới mẻ, Game Boy Advance còn cung cấp nhiều tính năng mới. Điều này bao gồm thêm hai nút kích hoạt ở trên cùng, phần thẻ nhớ nhỏ hơn so với các phiên bản trước và khả năng xử lý mạnh hơn, cho phép tạo ra các trò chơi nổi bật nhất trên hệ máy Nintendo cầm tay cho đến thời điểm bấy giờ. Mặt khác, với Game Boy Advance, người dùng vẫn có thể thoải mái chơi các trò chơi từ Game Boy gốc. 

    Nhờ những tính năng cải tiến tuyệt vời đó, Game Boy Advance đã bán được hơn 81 triệu bản.

    Game Boy Advance SP

    Được phát hành vào năm 2003 dựa trên phần cứng của người tiền nhiệm, Game Boy Advance SP (SP viết tắt của từ “special - đặc biệt”) ra đời chủ yếu là do Nintendo muốn cải thiện hai điểm khó khăn lớn mà khách hàng của họ gặp phải: việc phải thay pin liên tục và màn hình khó nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu.

    game boy advance sp
    Ảnh: artstation.com

    Game Boy Advance SP có dạng gập vỏ sò giúp tăng tính di động, đi kèm với pin lithium có thể sạc lại và màn hình sử dụng nguồn sáng trước giúp cải thiện phần nào khả năng hiển thị.

    Nhận thấy rằng màn hình có thể được cải thiện hơn nữa, vào năm 2004, Nintendo đã tiếp tục phát hành phiên bản cập nhật của SP với màn hình sử dụng nguồn sáng sau thay vì như phiên bản SP đầu.

    Nintendo DS

    Khi được phát hành vào năm 2004, Nintendo DS (DS là viết tắt “dual screen”, nghĩ là màn hình kép) đã đánh dấu một bước nhảy vọt phi thường khác trong công nghệ máy chơi game cầm tay.

    Tiếp nối thiết kế gập vỏ sò của Game Boy Advance SP trước đó, Nintendo DS giờ đây kết hợp hai màn hình, với bên dưới là màn hình cảm ứng. Màn hình thứ hai này bổ sung một khía cạnh hoàn toàn mới cho việc chơi game khi sử dụng song song cả hai màn hình.

    nintendo ds
    Ảnh: etsy.com

    Ngoài ra, trong khi các phiên bản Game Boy trước đây phải được kết nối vật lý bằng cáp để chơi những game nhiều người, Nintendo DS cho phép người chơi kết nối không dây trong phạm vi gần hoặc thậm chí trực tuyến qua internet.

    Ban đầu được thiết kế để bổ sung cho dòng máy chơi game Nintendo hiện có, nhưng việc bao gồm khả năng tương thích ngược* và doanh số bán hàng vượt trội đã giúp Nintendo DS cuối cùng trở thành sản phẩm kế thừa của series Game Boy. Sau đó, Nintendo DS tiếp tục trở thành máy trò chơi điện tử cầm tay thành công nhất mọi thời đại, bán được hơn 150 triệu chiếc với nhiều kiểu máy khác nhau.

    *Tương thích ngược (Backward Compatible) là một thuật ngữ công nghệ thông tin, dùng để chỉ một hệ thống phần cứng hoặc phần mềm có thể sử dụng giao diện của phiên bản cũ của cùng một sản phẩm. Một sản phẩm tiêu chuẩn mới hoặc mô hình được coi là tương thích ngược khi nó có khả năng đọc, viết hoặc xem các định dạng cũ.

    Nintendo 3DS

    Ra đời năm 2011 dựa trên sự nâng cấp dòng máy DS cực kỳ phổ biến trước đó, tuy nhiên, Nintendo 3DS không đạt được thành công như kỳ vọng.

    Phiên bản lần này có sự cải tiến về phần cứng, thậm chí được trang bị khả năng hiển thị hình ảnh lập thể giúp trò chơi có định dạng 3D mà không cần sử dụng kính, vậy nhưng 3Ds không được đón nhận nồng nhiệt như người tiền nhiệm.

    nintendo-3ds
    Ảnh: nintendoblast.com

    Có nhiều lý do ẩn sau thành tích đáng buồn của Nintendo 3DS, nhưng việc thiếu sự khác biệt tổng thể so với DS và chưa tối ưu hóa công nghệ 3D thường được coi là nguyên nhân chính. 

    Sai lầm rõ ràng này đã khiến Nintendo phải giảm giá mạnh thiết bị trong chưa đầy 6 tháng sau khi phát hành, đồng thời cung cấp trò chơi miễn phí cho những khách hàng đã mua máy với giá gốc. Nhờ chiến lược này, mặc dù tỷ suất lợi nhuận giảm nhưng dòng máy chơi game Nintendo 3DS vẫn tiếp tục bán được hơn 75 triệu chiếc trên toàn thế giới.

    Nintendo Switch

    Sản phẩm gần đây nhất của gã khổng lồ trò chơi điện tử cầm tay Nhật Bản, Nintendo Switch, đã vượt quá mọi mong đợi khi phát hành vào năm 2017.

    Quay trở lại với một màn hình duy nhất nhưng lớn hơn rất nhiều, Switch được thiết kế để thu hút nhiều đối tượng hơn thông qua nhiều tùy chọn. Đối với những người yêu thích trải nghiệm chơi trò chơi cầm tay, thiết kế tròn, nặng của bảng điều khiển giúp việc chơi game khi đang di chuyển trở nên dễ dàng và thú vị. Switch cũng có sức hút đối với những người đã từng chơi game trên thiết bị trò chơi điện tử gia đình, bởi dòng máy này có thể chơi được trên TV thông qua hệ thống đế cắm đi kèm.

    nintendo switch
    Ảnh: nytimes.com

    Thiết kế này, cùng với rất nhiều tựa game tiên tiến trong series được yêu thích như Pokémon và Super Mario, đã khiến Switch trở nên phổ biến đối với cả những game thủ dày dặn kinh nghiệm lẫn những người chơi bình thường.

    Ngày nay, Nintendo Switch là máy chơi game phổ biến thứ năm mọi thời đại, với hơn 111 triệu chiếc được bán ra trên toàn thế giới.

    Xem thêm: Đế chế Nintendo: Từ lá bài hoa đến huyền thoại Super Mario

    kilala.vn

    29/11/2022

    Bài: Happy
    Nguồn: Tokyo Weekender

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!