eMagazine
Thần kỳ kinh tế Nhật Bản

Bài viết: MitouThiết kế: Kailiblues

Thần kỳ kinh tế Nhật Bản (Japanese economic miracle), hay còn gọi là thần kỳ Nhật Bản, là thời kỳ tăng trưởng kinh tế của đất nước mặt trời mọc đạt mức kỷ lục, đánh dấu sự vươn lên để trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Một bức ảnh chụp tại Hiroshima sau vụ thả bom nguyên tử ngày 6/8/1945. Ảnh: Popperfoto - Getty Images
Một bức ảnh chụp tại Hiroshima sau vụ
thả bom nguyên tử ngày 6/8/1945.
Ảnh: Popperfoto - Getty Images

Thần kỳ kinh tế Nhật Bản là giai đoạn bắt đầu từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 (sau năm 1945) và kết thúc vào khoảng cuối Chiến tranh lạnh (cuối năm 1991). Sở dĩ, thời kỳ này được gọi là “thần kỳ” vì từ vị thế một nước thua trận bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Nhật Bản đã thay đổi hoàn toàn diện mạo kinh tế của mình chỉ trong vài thập kỷ, khiến cộng đồng quốc tế ngỡ ngàng.

Nỗ lực để vực dậy nền kinh tế

Chiến tranh thế giới thứ 2 đã để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Nhật Bản. Về nhân lực, con số thương vong lên đến hơn 2,5 triệu người. Lượng nguyên liệu bị mất mát bằng 1/4 giá trị tài sản quốc gia. Sản lượng công nghiệp tụt xuống chỉ còn bằng 1/10 so với mức trước chiến tranh. Lạm phát gia tăng do áp lực từ các khoản bồi thường chiến phí, chi trả cho cựu chiến binh và sự thiếu hụt hàng tiêu dùng. Trước những thách thức trên, Chính phủ đã bắt tay thực hiện công cuộc cải cách để vực dậy nền kinh tế Nhật Bản bằng các chính sách mới.

Chính sách ưu tiên sản xuất

Chính sách ưu tiên sản xuất - Keisha Seisan Hoshiki (傾斜生産方式) năm 1946 là một trong những chính sách nền tảng, được ban hành với nội dung ưu tiên sản xuất thép và than để phục hồi nền công nghiệp bị tàn phá bởi chiến tranh. Chính sách hướng đến sự tăng trưởng song song theo chu kỳ hỗ trợ lẫn nhau của sản lượng thép và than. Sự tăng trưởng mạnh về sản lượng than đã dẫn đến sự tăng trưởng mạnh về sản lượng công nghiệp, giúp hồi sinh nền công nghiệp của Nhật Bản. Chính sách cũng dành sự ưu tiên về nguyên liệu cho công nghiệp điện và sản xuất phân bón.

Chính sách chia lại đất đai canh tác

Quyết định ban hành chính sách Keisha Seisan Hoshiki của Chính phủ. Ảnh: archives.go.jp
Quyết định ban hành chính sách Keisha Seisan Hoshiki
của Chính phủ. Ảnh: archives.go.jp

Vào năm 1945, chính sách này được thực hiện để phát triển nông nghiệp. Thời kỳ trước đó, phần lớn đất canh tác thuộc về tầng lớp địa chủ, còn những người nông dân chỉ làm thuê cho họ. Nhận thấy mô hình phong kiến này không kích thích sự tăng trưởng nông nghiệp, nhà nước đã mua lại đất từ các địa chủ với giá cao và bán lại với mức giá thường cho nông dân. Nhờ vậy, tỉ lệ đất canh tác thuê đã giảm từ 46% xuống 10%.

Ngoài hai chính sách cơ bản trên, vai trò của người phụ nữ trong công việc cũng được tôn trọng hơn khi nhà nước ủng hộ tuyển dụng lao động nữ và quy định về việc trả lương công bằng cho họ trong Luật lao động. Nhờ vậy, nguồn nhân lực để phát triển kinh tế đã được bổ sung đáng kể.

Chính phủ cũng khuyến khích tăng trưởng kinh tế của khu vực tư nhân bằng cách đặt ra đạo luật để kiểm soát các cuộc khủng hoảng kinh tế và mở rộng giao thương quốc tế, nhưng giới hạn các công ty nước ngoài.

Sự thay đổi của tổ chức chi phối nền kinh tế

Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp (MITI) được thành lập năm 1949 có công rất lớn trong việc điều hoà các chính sách kinh tế của Nhật Bản. MITI đã hoà hợp các chính sách bảo vệ môi trường và đẩy mạnh xuất khẩu, giúp phát triển kinh tế bền vững. Đáng chú ý là chính sách bảo vệ các doanh nghiệp công nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập, tạo điều kiện giao thương quốc tế và hợp pháp hoá công nghệ nước ngoài.

Một phương thức hợp tác kinh doanh mới là “Keiretsu - 系列”, mạng lưới kinh doanh ra đời, thay thế cho các “Zaibatsu - 財閥”, những tập đoàn tài phiệt khổng lồ kiểm soát phần lớn nền kinh tế từ sau cuộc Duy Tân Minh Trị. Trong liên kết Keiretsu, các nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối và ngân hàng hợp tác khăng khít tạo thành một chuỗi bằng việc sở hữu một phần cổ phiếu của nhau và xoay quanh một ngân hàng. Điều này giúp họ đứng vững trước biến động của thị trường chứng khoán hay những nỗ lực thâu tóm công ty. Được dẫn dắt bởi những cải cách kinh tế của doanh nhân Masaru Ibuka và Akio Morita, hai đồng sáng lập của Sony, Keiretsu đã phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả và trở nên cạnh tranh trên trường quốc tế.

Con người - yếu tố luôn được coi trọng

Hệ thống giáo dục được chú trọng đặc biệt để bồi dưỡng nguồn nhân lực phục hồi đất nước. Đầu tư cho giáo dục công của Nhật Bản đã tăng từ 5,1% thu nhập quốc dân (1960) lên 5,6% (1975). Hệ thống giáo dục kéo dài 9 năm được ban hành với việc ưu tiên giáo dục đạo đức, kỷ luật, ý chí và tính tập thể. Nhờ vậy, đến đầu thập kỷ 70, Nhật Bản trở thành quốc gia có trình độ học vấn cao nhất.

Ngoài đào tạo trong trường học, lực lượng lao động còn được đào tạo kỹ càng bởi các công ty về tác phong, nghiệp vụ thực tế và tính tập thể, đặc biệt trong những công ty áp dụng chế độ đảm bảo công việc suốt đời (Shushin koyo - 終身雇用). Nhờ vậy, Nhật Bản đã đảm bảo được nguồn lao động có nền tảng tốt cho nền kinh tế.

Ảnh: Nippon
Ảnh: Nippon
Một lớp bồi dưỡng kỹ năng quản trị tại Ikebukuro,Tokyo, năm 1961. Ảnh: liverpoolecho.co.uk
Một lớp bồi dưỡng kỹ năng quản trị
tại Ikebukuro,Tokyo, năm 1961.
Ảnh: liverpoolecho.co.uk

Chiến tranh Triều Tiên

Bên cạnh hàng loạt chính sách hiệu quả được Chính phủ ban hành đã giúp vực dậy nền kinh tế, cũng không thể bỏ qua yếu tố “thiên thời”. Trong giai đoạn Nhật Bản phục hồi kinh tế, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào ngày 25/6/1950, khi ấy, Mỹ tham gia vào cuộc xung đột với tư cách hỗ trợ cho Nam Triều Tiên. Lúc này, Nhật Bản thu lợi từ việc nhận các đơn đặt hàng thiết bị và vật tư cho Mỹ do vị trí gần Triều Tiên, thuận lợi cho việc vận chuyển. Chính nhu cầu ấy đã kích thích nền kinh tế Nhật Bản, giúp nó phục hồi nhanh chóng, tạo tiền đề cho những bước tiến sau này.

Những thành tựu đáng nhớ
của thần kỳ kinh tế

Biểu đồ thể hiện sự tăng trưởng GDP vượt bậc của Nhật Bản sau chiến tranh.
Biểu đồ thể hiện sự tăng trưởng GDP vượt
bậc của Nhật Bản sau chiến tranh.

Nhờ những chính sách đúng đắn, nền công nghiệp Nhật Bản đã hồi sinh. Năm 1946, sản lượng công nghiệp chạm đáy, chỉ đạt 27,6% so với mức trước chiến tranh nhưng đã nhanh chóng phục hồi vào năm 1951 rồi đạt đến 350% vào năm 1960.

Từ năm 1955 đến 1972, mức tăng trưởng GDP trung bình của Nhật Bản đạt 9,3% mỗi năm, với kỷ lục là mức 11,1% giai đoạn 1966 - 1970. Thần kỳ kinh tế đã đưa Nhật Bản lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong suốt giai đoạn 1978 - 2010.

Khi Nhật Bản đăng cai Olympic Tokyo 1964, bạn bè quốc tế đã được chứng kiến diện mạo mới, phát triển và hiện đại của đất nước mặt trời mọc.

Tuy nhiên, sau năm 1991, nền kinh tế Nhật Bản lại tiến vào giai đoạn trì trệ do sự sụp đổ của bong bóng tài sản, thời kì này được gọi là “thập niên mất mát” (lost decade) và ảnh hưởng của nó vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Nhưng tổng quan khi nhìn lại, thần kỳ kinh tế luôn là một giai đoạn đáng nhớ trong lịch sử kinh tế của đất nước mặt trời mọc, tạo nên Nhật Bản hiện đại như ngày nay. Nỗ lực của những người tạo nên kỳ tích này cũng sẽ là kinh nghiệm quý giá cho công cuộc phát triển kinh tế mai sau.

Shinkansen: Diện mạo hiện đại của Nhật Bản sau thành tựu kinh tế. Ảnh: workinjapan.today
Shinkansen: Diện mạo hiện đại
của Nhật Bản sau thành tựu kinh tế.
Ảnh: workinjapan.today