Kimono không chỉ là trang phục truyền thống mà còn chứa đựng nét văn hóa, lịch sử trong từng giai đoạn của nước Nhật. Trong đó, Kimono tuyên truyền – một loại hình nghệ thuật đại chúng, lại mang trọng trách cổ vũ tinh thần chiến đấu và sức mạnh của quân đội Nhật. Tuy nhiên về sau, ít ai biết đến sự tồn tại của Kimono này.
Khi nghĩ đến Kimono, có lẽ người ta mường tượng những thiết kế phức tạp, mô tả những bông hoa trang nhã, phong cảnh lộng lẫy hay những động vật mang ý nghĩa tốt lành như sếu. Nhưng vào thời Minh Trị, khi nền sản xuất dệt may phát triển, nhu cầu về mẫu mã phản ánh thời đại cũng tăng, từ đó tạo nên một phong cách Kimono mới có sự xuất hiện “Sensougara - 戦争柄” (hoa văn chiến tranh). Những họa tiết này đa phần sẽ thể hiện những cuộc chiến xảy ra tại Nhật Bản giai đoạn đó.
Kimono tuyên truyền thường được gọi là “Omoshirogara - 面白柄” tạm dịch là những thiết kế thú vị/mới lạ hoặc “Sensougara - 戦争柄” (hoa văn chiến tranh), hoa văn trên loại Kimono này sẽ mô tả các hành động quân sự và chính trị của Nhật Bản trong thời gian nước này tham gia vào chiến tranh.
Chúng bao gồm Kimono và các trang phục truyền thống khác của Nhật Bản dành cho nam giới, phụ nữ và trẻ em như: Nagajuban (đồ lót bên trong Kimono); Haori (áo khoác mặc bên ngoài Kimono) và Haura (lớp lót trang trí bên trong Haori của nam giới) cũng có Omoshirogara thời chiến.
Kimono tuyên truyền cũng được mặc cho trẻ sơ sinh khi chúng được đưa đến đền thờ Thần đạo để được ban phước.
Những bộ Kimono tuyên truyền lần đầu tiên xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 khi các nhà sản xuất dệt may Nhật Bản đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa của xã hội. Những họa tiết đậm nét, đầy màu sắc trên những bộ Kimono này bao gồm các khẩu hiệu và hình ảnh liên quan đến tham vọng quân sự của Nhật Bản vào thời điểm đó.
Chúng chứa nhiều hình ảnh sống động, đầy màu sắc, táo bạo và thể hiện những ảnh hưởng trực tiếp của chủ nghĩa hiện thực xã hội, nghệ thuật cắt dán Art Deco, Dada và Cubist, phim hoạt hình thời kỳ đầu và các phương tiện đồ họa khác. Thể hiện các biểu tượng yêu nước: xe tăng, các nhà lãnh đạo lỗi lạc, bản đồ và hình ảnh của những người lính hoặc máy bay trong chiến đấu.
Mặc dù có thiết kế sáng sủa nhưng những bộ Kimono tuyên truyền chủ yếu được dành riêng để mặc trong nhà hoặc tại các bữa tiệc riêng tư. Vì các thiết kế thường nằm ở lớp lót nên người mặc sẽ thường khoe khéo chúng với các nhóm nhỏ gia đình hoặc bạn bè.
Sau sự sụp đổ năm 1929, khi nền kinh tế Nhật Bản quay trở lại chế độ bản vị vàng (giá trị tiền tệ của quốc gia được tính dựa trên một lượng vàng nhất định), các lực lượng bảo thủ và chủ nghĩa cực đoan trong quân đội, chính phủ bắt đầu đẩy lùi các xu hướng chủ nghĩa hiện đại trong xã hội Nhật Bản và tìm cách khẳng định lại nhiều giá trị truyền thống hơn. Kết quả là, các thiết kế Kimono tuyên truyền ngày càng mang hơi hướng quân phiệt.
Có ba loại Kimono tuyên truyền chiến tranh riêng biệt có thể được phân loại theo khoảng thời gian của chúng.
Trước sự ra đời của báo chí nhiếp ảnh, các bản in Ukiyo-e lần đầu tiên được sử dụng để tạo ra các thiết kế trang nhã, chính vì thế, những mẫu Kimono ban đầu được lấy cảm hứng truyền thống hơn trong thời điểm Chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895).
Các nghệ sĩ đã tạo ra các thiết kế theo phong cách bưu thiếp trong Chiến tranh Nga-Nhật (1904-05) do sự phổ biến của bưu thiếp. Chúng chịu ảnh hưởng của báo chí nhiếp ảnh, vào khoảng thời gian các thiết kế theo phong cách Art Nouveau được giới thiệu tại Triển lãm Paris (1900).
Bắt đầu từ thời Taisho (1912–1926), khi những bức tranh hoạt hình về trẻ em đang thịnh hành, những người lính trưởng thành đôi khi được miêu tả là những đứa trẻ có cái đầu quá khổ. Các loại vũ khí như xe tăng và khí cầu vẫn giữ được vẻ ngoài chân thực hơn.
Trước chiến tranh, một tương lai tươi sáng thường được khắc họa trong các thiết kế, mô tả cảnh quan thành phố với tàu điện ngầm và các tòa nhà chọc trời, tàu biển, đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước, ô tô kiểu dáng đẹp và máy bay.
Tuy nhiên, vào giai đoạn này, những người nắm quyền đã coi quân sự hóa là một phần quan trọng của hiện đại hóa, ngày càng có nhiều người gắn hình ảnh của phương Tây tương đương với kẻ thù. Nếu hình ảnh như vậy vẫn được in trên Kimono, sẽ bị coi là phản quốc.
Do đó, những bộ Kimono lúc này sẽ đã phần thể hiện những chiến thắng mà Nhật Bản đã giành được trong trận chiến hoặc các sự kiện quan trọng khác. Tuy nhiên, họa tiết sẽ thường được dành riêng cho lớp lót Kimono của nam giới thay vì trang phục của phụ nữ hoặc trẻ em. Trong Thế chiến thứ hai, ngày càng nhiều thiết kế thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh của Nhật Bản, bao gồm cả Đức Quốc xã và Ý.
Ví dụ, bộ Kimono dành cho trẻ em (1933) có hình một cậu bé đáng yêu trong bộ đồ thủy thủ được bao quanh bởi pháo hạm, máy bay hai tầng cánh, một chiếc ô tô kiểu dáng đẹp được lấy trực tiếp từ thiết kế của Raymond Lowey…
Chó cũng là hình ảnh quen thuộc vì chúng thể hiện lòng trung thành và dũng cảm. Một biểu tượng thường xuyên xuất hiện là Norakuro, một chú chó đen trắng bắt đầu cuộc sống như một nhân vật truyện tranh vào năm 1931, trước khi xuất hiện trên bộ Kimono năm 1933. Norakuro được nhìn thấy cùng với người bạn đáng tin cậy của mình, trên bối cảnh là xe bọc thép, máy bay và quân địch đầu hàng.
Tuy nhiên, bất chấp những họa tiết này sáng sủa và quyến rũ đến thế nào, luật pháp thời Edo đã cấm người dân Nhật Bản mua những thứ xa hoa. Điều này dẫn đến sự phát triển của “Kakureta oshare - 隠れたおしゃれ” (thời trang ẩn giấu) trong Kimono. Theo phong cách này, các lớp Kimono bên ngoài có hoa văn đơn giản, sau đó, các nhà sản xuất Kimono sẽ đặt những họa tiết rực rỡ hơn vào lớp lót.
Mặc dù có những bộ Kimono dành cho phụ nữ cũng có họa tiết mô tả chiến tranh, tuy nhiên, những người phụ nữ mặc đồ kiểu này chủ yếu làm việc trong ngành giải trí, chẳng hạn như kĩ nữ, vũ công và Geisha. Còn lại đa phần những bộ Kimono tuyên truyền sẽ được tìm thấy trên Kimono dành cho nam giới.
Đối với trẻ em, có sự khác biệt rõ ràng về giới tính khi nói đến hình ảnh của những bộ Kimono tuyên truyền. Quần áo trẻ em dành cho bé trai mô tả nhiều hình ảnh chiến tranh hơn. Trọng tâm là các vật phẩm và phương tiện như máy bay, tàu hơi nước, tàu chiến… Mục đích là truyền cảm hứng cho các chàng trai trẻ về sức mạnh và niềm tự hào về sự dũng cảm.
Ngược lại, Kimono tuyên truyền chiến tranh dành cho nữ lại tập trung vào sự vĩ đại của văn hóa Nhật Bản thông qua những thứ tinh tế hơn như văn học và mỹ thuật.
Mặc dù phổ biến rộng rãi từ những năm 1920 đến đầu những năm 1940, nhưng những bộ Kimono tuyên truyền của Nhật Bản, hiện bị coi là nguồn gốc của sự xấu hổ khi Nhật thua trận, từ lâu đã bị lãng quên đối với công chúng ngoại trừ những nhà sưu tầm kín tiếng.
Đôi khi có những học giả quan tâm đến Kimono tuyên truyền chiến tranh, mặc dù chủ đề này vẫn còn là một chủ đề nhạy cảm để thảo luận hoặc thậm chí nghiên cứu, trong đó có thể nhắc đến Jacqueline Atkins - nhà sử học dệt may người Mỹ và chuyên gia về vải Nhật Bản thế kỷ 20, người đã xuất bản cuốn sách “Wearing Propaganda, Textiles in Japan, Britain and the United States 1931–1945”.
Năm 1995, Atkins là một học giả Fulbright đang nghiên cứu về chăn bông ở Nhật Bản và một phần trong nghiên cứu của cô, đã tìm kiếm các cửa hàng dệt may bán Kimono và hàng dệt may đã qua sử dụng cho những người thợ may chăn bông. Thỉnh thoảng, cô bắt gặp một số có thiết kế quân sự, khiến cô tò mò.
Sau một thời gian dài thuyết phục, Atkins đã được một người phụ nữ cho phép xem bộ sưu tập riêng của bà về Kimono tuyên truyền “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy những thứ như thế này”, Atkins thốt lên khi nhìn thấy những bộ Kimono. Khi Atkins nói với người phụ nữ rằng những loại vải đặc biệt này xứng đáng được đem ra triển lãm, người phụ nữ này đã thẳng thừng từ chối.
Khi về Mỹ, Atkins dường như bị ám ảnh về Kimono tuyên truyền, nhưng khi hỏi về các chuyên gia Nhật Bản thì không nhiều người biết đến sự hiện diện của chúng. Quay lại Nhật, thông qua người phụ nữ đầu tiên cô gặp, Atkins đã có dịp gặp gỡ những nhà sưu tập Nhật Bản khác. Họ là những người rất bí mật: “Nhiều người giữ kín bộ sưu tập của mình, không bao giờ cho ai xem. Một người nói với tôi, 'Gia đình tôi thậm chí còn không biết tôi sưu tầm những thứ này'”. Atkins nói, có thể hiểu được: “Người Nhật đã thua trong chiến tranh và những thiết kế Kimono này thì lại mang ý nghĩa chiến thắng”.
Trong những năm tiếp theo, Atkins đã phát hiện hơn 1000 thiết kế Omoshirogara khác nhau và đã đóng góp vào hai cuốn sách học thuật về chúng. Về sau những bộ Kimono này đã được trưng bày tại một số triển lãm: Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, MFA ở Boston và cuộc triển lãm hiện tại tại Bảo tàng Nghệ thuật St. Louis.
Sau nhiều đắn đo, Nhật Bản cũng bắt đầu tỏ ra quan tâm đến những thiết kế Kimono này. Đã có một số cuộc triển lãm nhỏ, nhưng không có buổi triển lãm lớn nào. Tuy nhiên, Atkins và những người khác vẫn cảm thấy vui mừng vào năm 2015, khi Nhật hoàng Naruhito (lúc này là Thái tử), tuyên bố rằng ông cảm thấy điều quan trọng là phải “truyền lại một cách chính xác những trải nghiệm và lịch sử bi thảm mà Nhật Bản theo đuổi” trong những năm chiến tranh, trước khi những người tham gia các cuộc chiến qua đời hoặc ký ức của họ phai màu.