eMagazine

Bài viết: RINThiết kế: IN191

Sumo là một môn thể thao kết hợp giữa việc thể hiện sức mạnh của đấu sĩ với các nghi lễ tôn giáo Thần đạo của Nhật Bản. Và tương tự như một số lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ở xứ Phù Tang, Sumo chuyên nghiệp (được gọi là Ozumo trong tiếng Nhật) cũng hoàn toàn thiếu vắng bóng dáng phụ nữ, họ thậm chí còn bị cấm chạm vào vòng đấu vật Dohyo. Dẫu vậy, các nữ đô vật đã xuất hiện từ những ngày đầu của môn thể thao này. Họ vượt lên mọi định kiến để theo đuổi đam mê, khẳng định tài năng của mình dù vẫn chưa nhận được sự công nhận xứng đáng.

Đội Sumo nữ của Đại học Asahi.
Đội Sumo nữ của Đại học Asahi. Ảnh: The Guardian

Từ những ngày đầu của
bộ môn Sumo

Các võ sĩ Sumo Nhật Bản.
Các võ sĩ Sumo Nhật Bản. Ảnh: boutiquejapan

Sumo (相撲) chuyên nghiệp tại Nhật Bản, hay còn được gọi là Ozumo, đã xuất hiện cách đây hơn 1500 năm. Các trận đấu Sumo lúc bấy giờ là một tập tục chỉ dành riêng cho nam giới và thường được biểu diễn tại các đền thờ Nhật Bản như một nghi lễ dâng lên các vị thần, cầu mong một vụ mùa bội thu.

Các võ sĩ Sumo Nhật Bản.
Các võ sĩ Sumo Nhật Bản. Ảnh: boutiquejapan

Trong một trận đấu Sumo, các đô vật đối đầu nhau trên vòng đấu vật Dohyo có đường kính 4,55m. Phụ nữ không được phép đặt chân lên hay chạm vào Dohyo trong một trận đấu của nam giới vì theo Thần đạo, nữ giới được cho là không trong sạch do có chu kỳ kinh nguyệt vào mỗi tháng.

Theo Eiko Kaneda, Giáo sư tại Đại học Khoa học thể thao Nippon ở Tokyo, mặc cho những rào cản khắc nghiệt trên, Onna Sumo (女相撲) hay đô vật nữ đã xuất hiện ngay từ thuở khai sinh ra môn thể thao này.

Onna Sumo, các nữ đô vật Nhật Bản.
Onna Sumo, các nữ đô vật Nhật Bản.
Ảnh: wikipedia
Sumo nữ đạt hạng Yokozuna cao nhất của môn đấu vật này.
Sumo nữ đạt hạng Yokozuna cao nhất của
môn đấu vật này. Ảnh: jokiogazo

“Nihon Shoki” (Biên niên sử Nhật Bản), cuốn sách lịch sử lâu đời thứ hai của Nhật, có ghi chép lại việc Thiên hoàng Yuuryaku đã ra lệnh cho các cung nữ dưới 18 tuổi tham gia biểu diễn Sumo; điều này được Giáo sư Kaneda trích dẫn trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Quốc tế về Lịch sử thể thao.

Sumo nữ đạt hạng Yokozuna cao nhất của môn đấu vật này.
Sumo nữ đạt hạng Yokozuna cao nhất của
môn đấu vật này. Ảnh: jokiogazo

Thêm vào đó, tác phẩm văn học nổi tiếng "Ukiyo-zoshi" xuất bản vào thời Edo (1603 – 1867) cũng có nhắc đến trận đấu Sumo giữa phụ nữ và đàn ông mù (Zato), được gọi là Zato Sumo.

Onna Sumo dần được biểu diễn tại một số khu vực ở Nhật Bản, đa số những trận đấu này được tổ chức tại các khu mua vui. Tuy vậy, ở một số nơi khác, các nữ đô vật Nhật lại đóng một vai trò quan trọng trong nhiều nghi lễ Thần đạo.

Sự phát triển và lụi tàn
của Sumo nữ

Đội đô vật nữ Ishiyama.
Đội đô vật nữ Ishiyama. Ảnh: buzzfeed.com

Vào ngày 19/07/1873, Đạo luật 21 được ban hành cấm loại hình đấu vật Sumo giữa đô vật nam và đô vật nữ. Tuy vậy, Onna Sumo vẫn được tiếp tục duy trì nhờ vào đội Takatama đến từ làng Takatama ở tỉnh Yamagata và đội Ishiyama cũng xuất thân từ tỉnh này.

Đội Takatama quy tụ những người phụ nữ với thân hình to lớn đến từ vùng Ou, được tuyển chọn bởi Hanzaburo Honma. Sau đó, người kế thừa vị trí quản lý là Kanjuro Honma đã chia đội thành 2 nhóm nhỏ để biểu diễn theo tỉnh ở phía Bắc và Nam Nhật Bản. Đội có tổng cộng 35 nữ đô vật với các hạng xếp từ cao tới thấp: Ozeki, Sekiwake, Komusubi, Haridashi-maegashira và Maegashira.

Đội đô vật nữ Ishiyama.
Đội đô vật nữ Ishiyama. Ảnh: buzzfeed.com

Còn đội Ishiyama thì gồm 34 thành viên với các hạng: Ozeki, Sekiwake, Komusubi và Maegashira. Các buổi biểu diễn của nhóm là sự kết hợp giữa cử tạ, các ca khúc truyền thống của Sumo, điệu nhảy Fukagawa và đấu vật. Bấy giờ, họ là nhóm biểu diễn lớn nhất Nhật Bản.

Năm 1930, các buổi biểu diễn của Onna Sumo có cơ hội vươn ra tầm quốc tế khi đội Ishiyama tổ chức biểu diễn tại Hawaii, còn Takatama lại tham gia biểu diễn ở một số hòn đảo như Saipan, Tinian và Palao.

Giáo sư Kaneda cho biết đô vật nữ truyền thống ở Nhật không chỉ đơn giản là một hình thức giải trí, nó nêu bật niềm tin vào những phẩm chất tựa “nữ siêu anh hùng” của các Onna Sumo. Chẳng hạn như, nữ đô vật có thể làm được nhiều thứ, từ cầu mưa ở tỉnh Akita (vì người Nhật tin rằng sự không trong sạch của Onna Sumo có thể khơi dậy sự nổi giận của các vị thần), đến tổ chức nhiều hỷ sự tại Kyushu.

Ishiyama là đội nữ đô vật lớn nhất Nhật Bản.
Ishiyama là đội nữ đô vật lớn nhất Nhật Bản.
Ảnh: ehagaki.org

Tuy nhiên, theo Giáo sư Chie Ikkai tại Đại học Nữ Gunma, từ giữa những năm 40 và 50 của thế kỷ 20, Onna Sumo cũng bị xem như một hình thức khiêu dâm ngầm vì đó là nơi cơ thể phụ nữ bị phơi bày, bởi vào thời đó, họ biểu diễn đấu vật trong trang phục chỉ có mỗi chiếc khố với phần trên thả rông.

Sau Thế chiến thứ 2, thỉnh thoảng, các Onna Sumo biểu diễn đơn lẻ tại hộp đêm hay trên truyền hình, nhưng không còn các màn trình diễn theo nhóm được tổ chức bởi các đoàn kịch nữa. Đến năm 1963, đội Onna Sumo cuối cùng chính thức tan rã, đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của những tổ chức đô vật nữ tại Nhật Bản.

Onna Sumo thời
hiện đại:
Triển vọng nào
dành cho
đô vật nữ?

Nữ Sumo Hiyori Kon.
Nữ Sumo Hiyori Kon. Ảnh: Netfix

Cho đến hiện tại, các nữ đô vật vẫn chưa thể bước chân vào giới Sumo chuyên nghiệp, thay vào đó, họ vẫn phải giới hạn đam mê của mình tại các sàn đấu không chuyên.

Giải đấu quốc gia đầu tiên dành cho nữ Sumo nghiệp dư được tổ chức lần đầu vào năm 1997 với quy tắc thi đấu tương tự Sumo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một trận đấu Sumo nghiệp dư chỉ kéo dài đến 3 phút thay vì đến 5 phút như một trận đấu chuyên nghiệp.

Nữ Sumo Hiyori Kon.
Nữ Sumo Hiyori Kon. Ảnh: Netfix

Trong số các nữ đô vật nghiệp dư ở Nhật Bản, Hiyori Kon sinh vào tháng 8/1997 tại Ajigasawa, tỉnh Aomori nổi tiếng hơn cả. Cô là người ủng hộ tích cực cho quyền được thi đấu Sumo chuyên nghiệp của phụ nữ tại Nhật Bản. Đặc biệt, vào năm 2019, nữ đô vật trẻ tuổi được bầu chọn vào danh sách 100 phụ nữ truyền cảm hứng và có sức ảnh hưởng toàn cầu của BBC.

Được truyền cảm hứng từ niềm say mê Sumo của các anh chị mình, Kon bắt đầu luyện tập Sumo vào năm 6 tuổi tại câu lạc bộ địa phương ở tỉnh Aichi. Cô bắt đầu đấu và giành chiến thắng trước các bạn nam khác. Lớn lên, cô theo học ngành Lý thuyết giới tính, tham gia câu lạc bộ Sumo của Đại học Ritsumeikan tại Kyoto và là thành viên nữ thứ ba tham gia vào câu lạc bộ.

Bằng niềm đam mê mãnh liệt dành cho Sumo, Kon đã chiến thắng tại Giải đấu vô địch Sumo thế giới dành cho nữ thiếu niên hạng nặng vào năm 2014 và 2015. Hơn nữa, Kon cũng tham gia thi đấu ở Giải vô địch Sumo thế giới năm 2018 và 2019 và đều giành được huy chương bạc trong 2 năm liền.

Nữ đô vật Hiyori Kon đang thi đấu.
Nữ đô vật Hiyori Kon đang thi đấu. Ảnh: bccjacumen

Hiện tại, Kon đang làm việc tại một công ty Nhật Bản ở tỉnh Aichi và tham gia thi đấu quốc tế với tư cách một nữ đô vật nghiệp dư thuộc Đội tuyển quốc gia Nhật Bản.

Kon cho biết, với những bạn nữ muốn thử tập Sumo, họ thường bắt đầu bằng việc tham gia các câu lạc bộ dành cho cả nam và nữ tại trường học hoặc trong cộng đồng cư dân địa phương. Còn nếu muốn tiếp tục theo đuổi Sumo, có một vài trường đại học ở Nhật sẵn sàng dang tay chào đón nữ giới trong câu lạc bộ Sumo của trường.

Hiyori cùng các đô vật nam đến từ nhiều trường đại học khác nhau tại buổi luyện tập đặc biệt ở Đại học Waseda.
Hiyori cùng các đô vật nam đến từ nhiều trường đại học khác nhau tại buổi luyện tập đặc biệt ở Đại học Waseda. Ảnh: buzzfeednews

Như một điểm sáng, vào năm 2019, Nhật Bản đã tổ chức giải đấu Sumo quốc gia đầu tiên dành cho bé gái từ 8 đến 12 tuổi, được gọi là Wanpaku, sau 3 thập kỷ chỉ dành cho bé trai cùng độ tuổi. Đây là một dấu mốc quan trọng, góp phần từng bước làm thay đổi Sumo - vốn là một môn thể thao chuyên nghiệp chỉ dành riêng cho nam giới Nhật.

Giải đấu Wanpaku đầu tiên dành cho nữ sinh tiểu học tổ chức vào năm 2019.
Giải đấu Wanpaku đầu tiên dành cho nữ sinh
tiểu học tổ chức vào năm 2019. Ảnh: CNN

Senna Kajiwara, 12 tuổi, đã trở thành đương kim vô địch của giải đấu năm 2019. Cô bé cho biết: “Một số người rất ngạc nhiên, thậm chí là sốc khi biết em tập Sumo. Mọi người nghĩ rằng Sumo chỉ dành cho các bé trai và đàn ông. Em nghĩ rằng nếu có thêm các bạn nữ và phụ nữ tham gia môn thể thao này, chúng ta có thể nâng lên thành Sumo chuyên nghiệp cho nữ và giúp họ kiếm sống được từ Sumo. Em rất hy vọng điều này sẽ xảy ra.”

Nhà vô địch nhí Senna Kajiwara (áo xanh).
Nhà vô địch nhí Senna Kajiwara (áo xanh). Ảnh: CNN

Được biết, ở giải đấu Wanpaku dành cho nữ sinh tiểu học lần 2 vào năm 2022, nữ đô vật Hiyori Kon đã tham gia với tư cách bình luận viên. Cô cho biết những giải đấu như trên cho thấy Sumo Nhật Bản đã có bước phát triển: “Đây là năm thứ hai chúng tôi tổ chức giải đấu Sumo nữ Wanpaku và tôi tự hào rằng, chúng tôi đã đi từ con số 0 đến con số 1 và giờ là giải đấu lần thứ hai.”

Tại Nhật Bản, võ sĩ Sumo là một nghề có thu nhập cao, nhưng hiện tại, tiền lương chỉ được trả cho các đô vật chuyên nghiệp thuộc top 2 trong số 6 hạng của môn võ Sumo. Đặc biệt, các đô vật đạt được Yokozuna, danh hiệu cao quý nhất trong giới Sumo có thể đạt mức lương cơ bản khoảng 25.000 USD/tháng cùng với các khoản tiền thưởng khác.

Tuy vậy, phụ nữ Nhật chỉ được thi đấu ở giải đấu nghiệp dư, nên cơ hội kiếm sống từ nghề Sumo vẫn chưa dành cho họ. Kon cho biết ước mơ của cô không phải là nhìn thấy phụ nữ được tham gia giải chuyên nghiệp Ozumo, mà cô mong muốn các nữ đô vật cũng có cơ hội kiếm sống bằng nghề này như nam giới.

Kon bộc bạch thêm: “Onna Sumo được xem là một môn thể thao phụ và đội tuyển nữ quốc gia không thể thành lập một trại huấn luyện vì thiếu kinh phí. Câu hỏi quan trọng đặt ra là làm sao chúng ta có thể thiết lập một liên đoàn và biến Sumo nghiệp dư thành Sumo chuyên nghiệp cho nữ giới Nhật Bản.”

Các nữ đô vật nhỏ tuổi đang tập luyện ở tỉnh Niigata.
Các nữ đô vật nhỏ tuổi đang tập luyện ở tỉnh Niigata.
Ảnh: buzzfeednews.com

Hiện tại, có một số giải vô địch thế giới dành cho nữ đang được tổ chức rất chỉn chu, do vậy, việc tăng số lượng nữ giới tham gia môn Sumo là điều cần thiết để biến nó trở thành một môn thể thao Olympic.

Vào năm 2018, Uỷ ban Olympic quốc tế đã công nhận Sumo là môn thể thao nhưng nó vẫn chưa thể có mặt trong Thế vận hội. Tuy vậy, những đô vật nghiệp dư như Kon vẫn hy vọng những thế hệ nữ đô vật tiếp theo sẽ có những sàn đấu lớn hơn để thi đấu và khẳng định tài năng của bản thân.

Nguồn cảm hứng cho
văn hóa 2D

Phim tài liệu Little Miss Sumo.
Phim tài liệu Little Miss Sumo. Ảnh: imdb

Với sự quay trở lại của Onna Sumo, mọi người cũng dành nhiều mối quan tâm hơn đến môn thể thao này. Và nữ “anh hùng” - đô vật 25 tuổi Hiyori Kon đã trở thành nhân vật chính trong phim tài liệu do Neflix sản xuất vào năm 2019 với tựa đề “Little Miss Sumo”, được cầm trịch bởi đạo diễn Matt Kay. Bộ phim ghi lại hành trình nữ đô vật trẻ tham gia Giải đấu vô địch Sumo thế giới vào năm 2018.

Phim tài liệu Little Miss Sumo.
Phim tài liệu Little Miss Sumo. Ảnh: imdb

Trước đó, điện ảnh Nhật Bản cũng từng khai thác về đề tài đô vật nữ, điển hình như phim truyền hình "Onna Sumo" chiếu trên đài TBS vào năm 1991.

Hay như bộ phim về chủ đề Onna Sumo sau Đại động đất Kanto năm 1923 có tên “Kiku to girochin – Hoa cúc và máy chém” của đạo diễn Takahisa Zeze đã xuất sắc giành giải thưởng “Bright East” trong Liên hoan phim Busan ngay trong quá trình sản xuất phim vào năm 2016, trước khi ra mắt chính thức vào năm 2018.

Bên cạnh phim ảnh, Onna Sumo cũng trở thành chủ đề chính của Manga “Rikijo”, được viết và minh họa bởi tác giả Utamaro và xuất bản trên tạp chí manga Gekkan Action từ giữa năm 2013 đến năm 2015. Trong trò chơi điện tử, cụ thể là trong game “The King of Fighters 2000” của công ty SNK, cũng có nhân vật nữ đô vật tên là Hinako Shijou.

Phim Kiku to girochin.
Phim Kiku to girochin. Ảnh: windowsonworlds