Những chiếc mặt nạ truyền thống xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử xứ Phù Tang, tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa, thu hút biết bao người tìm hiểu, để rồi nhận ra những điều bất ngờ, thú vị về chúng.
Những chiếc mặt nạ tại Nhật chủ yếu là vật trang trí và được bày bán tại các lễ hội và sự kiện ở đền thờ, hoặc dùng trong một số loại hình nghệ thuật như kịch sân khấu. Chúng mang muôn vàn dáng vẻ, hình dáng, màu sắc, gồm kiểu hiện đại và truyền thống.
Và mặt nạ xưa đều ẩn chứa những câu chuyện cổ với bí ẩn đằng sau khiến nhiều người phải rùng mình sợ hãi.
Mặt nạ là một nét đặc sắc của văn hóa, nghệ thuật bản địa của người Nhật. Chúng đã có từ thời xa xưa, gắn liền cùng những câu chuyện dân gian cổ đậm màu huyền huyễn, bí ẩn.
Theo truyền thống, mặt nạ được sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội và sân khấu để đại diện cho các nhân vật, sinh vật thần thoại, ma quỷ hay linh hồn. Ngoài ra mặt nạ còn thể hiện hình ảnh của động vật và con người ở đời thường.
Với kịch nghệ biểu diễn, mặt nạ thường có màu sắc và kiểu dáng nổi bật hơn, với nhiều loại để đại diện cho nhiều nhân vật. Thiết kế càng phức tạp thì nhân vật đó càng nổi bật, cuốn hút trên sân khấu. Theo nguyên tắc xưa thì nữ giới không được phép lên sân khấu kịch cổ truyền, nên những chiếc mặt nạ có đường nét mềm mại thường được nghệ sĩ dùng để khắc họa hình tượng phái yếu, còn mặt nạ có hình vẽ phong phú, cầu kỳ thường tượng trưng cho các vị thần và sinh vật ẩn chứa sức mạnh ma thuật.
Mặt nạ còn được sử dụng cho các nghi thức và lễ hội để phục vụ hoạt động tín ngưỡng. Thông thường, chúng đại diện cho linh hồn, vị thần và sinh vật huyền bí để thể hiện không gian tâm linh, thần bí cũng như gìn giữ những truyền thống về tục lệ, phong tục cổ xưa của người Nhật, đất nước luôn coi trọng Thần linh. Qua đó truyền bá các câu chuyện, bài học của tổ tiên đến thế hệ con cháu sau này.
Từ xưa, mặt nạ được làm được làm bằng vật liệu hữu cơ tự nhiên như: đất sét, sứ, vải, gỗ hay giấy. Chúng được trang trí bằng sơn mài để đảm bảo chất lượng và màu sắc bền lâu. Ngày nay, ngoài những nguyên liệu này thì mặt nạ còn chủ yếu được tạo nên từ nhựa và cao su.
Những mặt nạ cổ làm từ nguyên liệu tự nhiên, được bảo quản tốt thì theo thời gian dần trở thành “tác phẩm nghệ thuật”, đồ cổ có giá trị tài sản cao, là đồ sưu tầm quý hiếm, thậm chí còn được trưng bày tại các bảo tàng trên khắp thế giới.
Mặt nạ truyền thống xứ Nhật không đơn giản chỉ là đồ trang trí mà còn thể hiện sự đa dạng, độc đáo cùng cái đẹp và “cái hồn” của dân tộc, gắn liền với lịch sử và văn hóa lâu đời của đất nước mặt trời mọc.
Đa dạng, phong phú và ẩn giấu sự ma quái, huyễn hoặc, đầy hấp dẫn là những chiếc mặt nạ truyền thống xứ Nhật. Chúng gồm các loại chính sau:
Men-yoroi - 面鎧 hay còn gọi Menpo – 面頬 hoặc Mengu - 面具 là loại mặt nạ được tầng lớp Samurai và thuộc hạ của họ dùng trong trận chiến. Loại này được thiết kế để bảo vệ toàn bộ (Somen) hoặc một phần khuôn mặt (Menpo) của chiến binh khỏi những cú đánh chí mạng của đối thủ.
Chúng được tạo nên theo sở thích, đặc điểm riêng của mỗi Samurai. Có những chiếc được trang trí với khuôn mặt gầm gừ đáng sợ, với ria mép và mũi có thể tháo rời để uy hiếp kẻ thù.
Chất liệu của loại mặt nạ này thường là sự kết hợp của vải và da, hoặc còn làm hoàn toàn bằng sắt để tăng cường khả năng bảo vệ giống như khiên hoặc áo giáp cho khuôn mặt.
Ngày nay, hầu hết Men-yoroi đều được trưng bày trong viện bảo tàng.
“Tengu - 天狗” là một sinh vật thần thoại được biết đến với cái tên "Thiên khuyển" hoặc "Thiên cẩu". Theo truyền thuyết xưa Tengu là quỷ đem đến rắc rối cho con người nhưng theo thời gian, quan niệm này dần bị bác bỏ. Tengu được nhân dân coi là vị thần hộ mệnh mang lại sự bình an và may mắn.
Hình dáng của Tengu ban đầu được mô tả là sinh vật giống chim nhưng sau này dần chuyển sang hình ảnh giống con người hơn với chiếc mũi dài. Mặt nạ Tengu được dùng trong các lễ hội, trang trí tại các ngôi đền chùa hay những cơ sở kinh doanh.
Có hai loại mặt nạ Tengu là: Daitengu và Kotengu
Daitengu mang hình quỷ mặt đỏ với khuôn mặt giận dữ, mũi dài, tai nhọn, đôi mắt vàng sáng cùng hàm răng sắc nhọn. Sinh vật này liên quan đến đau khổ của nhân loại như chiến tranh, thảm họa.
Kotengu là chiếc mặt nạ ít phổ biến hơn so với Daitengu. Kotengu mang dáng hình của sinh vật giống chim nhưng lại mang những đặc trưng của con người, có mỏ lớn màu đen, đôi mắt to và mặc áo choàng giống với các ẩn sĩ. Kotengu cũng mang rắc rối đến cho loài người nhưng cũng có mặt tốt, như việc bảo vệ, chỉ dẫn đường cho người đi lạc.
Kappa - 河童 là tiểu yêu quái sống dưới sông ở Nhật, hay tấn công con người và thích thách đấu vật Sumo, hình dáng của nó thường được miêu tả khác nhau theo các câu chuyện dân gian của từng địa phương. Mặt nạ Kappa mang màu xanh với chiếc mỏ lớn, đôi mắt sắc lạnh và tóc xù, hói ở giữa đầu.
Loại mặt nạ này thường được sử dụng trong nghi lễ Shinto với điệu nhảy Kagura để dâng lên các đấng Thần linh. Hoặc chúng được người dân dùng để hù dọa trẻ con không được đến những nơi sống suối nguy hiểm.
Kitsune - 狐きつね chính là loài cáo hay hồ ly. Mặt nạ Kitsune thường được đeo để biểu diễn hoặc tham dự trong các lễ hội Shinto. Ngoài ra chúng còn được sử dụng nghệ thuật sân khấu biểu diễn - Sarugaku với hai loại hình chủ yếu là Kyogen (Hài kịch) và Noh (nhạc kịch chính thống).
Theo quan niệm dân gian, cáo là sứ giả của Inari, là vị thần tượng trưng cho thần gạo, sự ấm no, thịnh vượng. Theo truyền thuyết xưa, cáo được miêu tả có khả năng thay đổi hình dạng, chuyên cải trang thành những người phụ nữ xinh đẹp để lừa gạt, dụ dỗ con người rơi vào cạm bẫy. Bên cạnh đó, cáo cũng được biết với hình ảnh vị thần nhân từ, được người dân tôn thờ.
Có nhiều loại mặt nạ Kitsune khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm trang trí với nhiều kiểu như: Hahakitsune (cáo mẹ), Ryuko (cáo rồng), Tenko (cáo bầu trời), Kinko (cáo vàng)... Tùy vào từng vai trò, đặc điểm mà người Nhật sử dụng chúng trong các dịp lễ hội, nghi thức hay biểu diễn.
Hyottoko và Okame đều là mặt nạ truyền thống thiết kế kiểu mặt người.
Mặt nạ “Hyottoko - 火男” thường được xuất hiện trong các vở diễn, phim ảnh với tạo hình nhân vật hài hước, gây cười cho công chúng.
Truyền thuyết về Hyottoko có nhiều dị bản tùy theo từng vùng miền. Ở tỉnh Iwate, Hyottoko là cậu bé mang khuôn mặt cười có thể tạo ra vàng qua rốn của mình. Hay nơi khác thì kể Hyottoko là đứa trẻ chuyên dùng ống tre để thổi lửa trong bếp.
Hyottoko còn được người dân xem là vị thần mang tiếng cười cho trẻ em, để quên đi nỗi đau khổ nơi dương gian. Hay là thần lửa mang đến sự thịnh vượng, ấm no.
Mặt nạ Hyottoko có khuôn miệng tròn, lệch một bên, đôi mắt to và lồi, thể hiện không đối xứng về kích thước. Mặt nạ này ngoài dùng để biểu diễn, đại diện cho chú hề hay nhân vật hài hước còn được đặt trong nhà và được cho là mang lại may mắn. Ngoài ra, những chiếc mặt nạ này còn có khăn choàng quanh đầu.
Còn Okame - 阿亀 là phiên bản nữ của Hyottoko, mang khuôn mặt của một bà già, sở hữu đôi má tròn, đôi mắt nhỏ, đôi môi cười và lúm đồng tiền. Okame được coi là mang lại may mắn và tốt lành, thường được thấy trong các cơ sở kinh doanh và nhà ở.
Mặt nạ Okame còn được gọi với nhiều tên như “nữ thần má hồng” hay “khuôn trăng đầy đặn”. Trong truyền thuyết, Okame là vị thần của hôn nhân, sinh sản, sự thuận lợi trong học hành, công việc.
Chuyện xưa lưu truyền rằng Okame là người phụ nữ sống vào khoảng thế kỷ 13, kết hôn với một thợ mộc, họ sống ở Kyoto. Một ngày kia, Okame đã phát hiện ra một trong những trụ cột tại ngôi đền do chồng cô làm quá ngắn để đỡ mái đền. Thế nên cô đã nghĩ ra giải pháp sử dụng giá đỡ trang trí để lấp đầy lỗ hổng đó, việc này đã cứu được chồng cô nhưng lại vô tình đẩy Okame vào bể khổ. Thời điểm ấy xã hội không chấp nhận nữ giới vượt mặt, giỏi giang hơn đàn ông vì vậy Okame đã tự sát.
Tuy nhiên chuyện Okame giỏi hơn chồng vẫn lọt ra ngoài, nhưng cũng không ai tiếc thương đến việc cô đã tự tay kết liễu cuộc đời mình. Đây cũng là lý do giải thích cho việc có những mặt nạ Okame mang màu nhợt nhạt, trắng bệch như người chết.
Mặt nạ quỷ Oni thường mang gương mặt đỏ nổi bật, có hai sừng trên đầu, hàm răng sắc nhọn và đôi mắt màu vàng. Trong thực tế, mặt nạ Oni có nhiều kiểu dáng, từ vui nhộn, thân thiện đến hung dữ, kỳ dị và đáng sợ.
Chúng được dùng tại các mùa lễ hội tại vùng nông thôn. Dân làng mang mặt nạ Oni chạy quanh những nẻo đường, làm trò quậy phá. Vào ngày lễ Setsubun, người lớn đeo mặt nạ để dọa con trẻ và đám trẻ ném hạt đậu đáp trả như để xua đuổi tà ma, không làm điều xấu, cầu mong vụ mùa bội thu.
Theo dân gian, Oni là kiểu yêu quái không có hình dạng cố định, xuất hiện nơi dương gian và gieo rắc tai ương cho nhân loại. Ngoài ra, Oni còn có thể là một thực thể tâm linh, bắt nguồn từ linh hồn của con người do oán hận mà biến thành quỷ.
Oni còn được biết là vị thần bảo vệ các ngọn núi và vùng đất, xuất hiện với hình ảnh sinh vật có một mắt, sử dụng năng lực siêu nhiên để cứu người.
Hannya là phiên bản nữ của Oni, mang gương mặt quỷ chứa chất đầy sự oán hận, ghen tuông. Dựa trên truyền thuyết, Hannya là một người phụ nữ đã thành quỷ vì bị sự hận thù xâm chiếm lấy linh hồn.
Mặt nạ Hannya thường dùng trong các vở kịch Noh là Aoi no Ue và Dojoji. Mặt nạ Noh theo truyền thống được làm bằng cây bách Nhật Bản, phủ một lớp sơn và sau đó phủ một lớp sơn mài. Chúng có đặc điểm phản chiếu ánh sáng, tạo ra vô số sắc thái biểu cảm.
Màu sắc của mặt nạ phản ánh tính cách khác nhau của mỗi nhân vật. Màu trắng miêu tả người phụ nữ tinh tế, có trí tuệ; màu đỏ là nữ giới kém tinh tế hơn, bộc lộ sự giận dữ; màu đỏ sẫm là người đã hoá quỷ trở nên xấu xa, mù quáng vì ghen tuông.
Gigaku - 伎楽 là loại hình nghệ thuật biểu diễn cổ nhất trong lịch sử Nhật Bản, có từ thế kỷ thứ 7 và du nhập từ Đông Nam Trung Quốc. Trong Gigaku thường dùng mặt nạ gỗ với nhiều hình dạng khác nhau, thể hiện nhiều kiểu nhân vật. Loại mặt nạ này được coi là tác phẩm nghệ thuật bởi cách chạm khắc tinh tế, đẹp đẽ với từng chi tiết, hoa văn trên gỗ.
Ngoài ra thì Kabuki cũng là một hình thức biểu diễn sân khấu cổ điển và sử dụng nhiều loại mặt nạ truyền thống. Màu sắc của từng loại mặt nạ tùy thuộc vào từng mùa và thời điểm trong năm. Mùa hè và xuân thì được trang trí với phong cách sặc sỡ hơn còn mùa thu hay đông lại mang sắc thái u ám, chất màu nhạt, thiết kế có phần đáng sợ hơn tùy theo từng đặc điểm của mỗi nhân vật trong vở kịch.
Trong những thế kỷ tiếp theo, truyền thống đeo mặt nạ ở xứ Phù Tang đã có một bước ngoặt thú vị. Người dân từ trào lưu đeo mặt nạ bằng gỗ, sứ sặc sỡ đã chuyển mình sang sử dụng khẩu trang. Đây là một loại “mặt nạ” đơn giản, trở thành xu hướng và là “vật bất ly thân” hiện nay trong thời kỳ dịch bệnh Covid.
Người Nhật có thói quen dùng khẩu trang để phòng ngừa cảm lạnh, bệnh truyền nhiễm, dị ứng virus hay thời tiết và nguyên nhân sâu xa là tránh ánh nhìn soi mói của bàn dân thiên hạ. Nhiều người không tự tin để mặt mộc nơi công cộng, đây là lý do tại sao một số phụ nữ Nhật hay đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Khẩu trang trở thành chiếc “mặt nạ” thông dụng tại Nhật. Ngoài ra ngày nay mặt nạ còn được thiết kế phá cách, theo xu hướng thịnh hành của thời đại. Như kiểu Animegao (khuôn mặt truyện tranh), loại mặt nạ được thiết kế bao phủ toàn bộ gương mặt trông giống như các nhân vật anime hay manga, được dùng phổ biến trong giới cosplay. Hay mặt nạ siêu anh hùng có từ thập niên 70 với Ultraman hay Kamen Rider.
Mặc dù mặt nạ đã có nhiều sự biến đổi để phù hợp với xã hội hiện đại nhưng những chiếc mặt nạ truyền thống vẫn được bảo tồn, lưu giữ và trở thành nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của đất nước mặt trời mọc.
Nét đặc sắc mang tính truyền thống đó đã giao thoa, hài hòa vào cuộc sống phát triển thời công nghệ và mãi mãi được gìn giữ để thể hiện dấu ấn nghệ thuật riêng chỉ có ở Nhật mà khiến thế giới phải cảm thấy thú vị, tò mò, tìm hiểu rồi kinh ngạc và say mê.