Vì sao người Nhật "nghiện" đeo khẩu trang?
Ngoài lý do bảo vệ làn da và sức khoẻ trong mùa dịch, người Nhật còn dùng khẩu trang vì "ám ảnh sợ xã hội" - theo nhận định từ trang tin Vice.com
Theo tờ Yomiuri Shimbun, tại Nhật Bản, văn hóa đeo khẩu trang xuất hiện từ hơn 100 năm trước, khi đại dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát. Lúc Covid-19 chưa xuất hiện, người Nhật đã thường đeo khẩu trang vào mùa cúm hoặc mùa xuân (để tránh dị ứng phấn hoa).
Thói quen đeo khẩu trang của người Nhật được xem là lý do chính giúp tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở nước này tương đối thấp. Nhiều khả năng người Nhật sẽ kéo dài việc đeo khẩu trang kể cả khi đại dịch Covid-19 qua đi. Ngoài nỗi sợ bệnh tật, nhiều người còn mắc chứng "sợ xã hội". Trong bối cảnh truyền thông và mạng xã hội phát triển thần tốc, khẩu trang chính là tấm chắn an toàn bảo vệ họ khỏi mọi rắc rối đến từ xã hội hiện đại ngoài kia.
Akari Yamamoto, bà nội trợ ngoài 30 tuổi ở Yokohama tiết lộ, con trai bảy tuổi của chị bị phụ thuộc vào khẩu trang kể từ khi xảy ra đại dịch. Từ năm ngoái, cậu bé buộc phải đeo khẩu trang khi đến trường, đồng nghĩa với việc đã hơn một năm trôi qua, cậu chưa thấy mặt bạn bè cùng lớp. Thói quen đeo khẩu trang ngấm sâu tới mức ngay cả khi chơi ngoài sân vắng, cậu bé vẫn đeo khẩu trang. Khi ở trong nhà, nếu có người lạ tới chơi, cậu cũng mang khẩu trang. "Lúc cả nhà ra ngoài, thằng bé chỉ cởi khẩu trang khi ăn uống. Nó còn có lần thử ăn mà vẫn đeo khẩu trang và nói rằng không muốn bị người khác nhìn thấy mặt", Yamamoto kể về con trai.
Năm 2018 bác sĩ tâm thần Noboru Watanabe thuộc Văn phòng Y tế Akasaka đã công bố một nghiên cứu, trong đó khẳng định: nhiều cá nhân đeo khẩu trang để giấu đi các dấu hiệu căng thẳng, lo lắng. Tuy nhiên, càng đeo khẩu trang, nỗi sợ xã hội càng tăng lên.
Các nhà nghiên cứu gọi việc ngại bỏ khẩu trang của người Nhật là dấu hiệu của hiện tượng "phụ thuộc vào khẩu trang". Thuật ngữ này bắt nguồn từ chuyên gia tư vấn Yuzo Kikumoto, chỉ những người đeo khẩu trang vì các lý do nằm ngoài việc bảo vệ sức khoẻ. Họ có thể dùng khẩu trang để không muốn người khác thấy mặt hoặc che đi sự lo lắng. "Từ năm 2009 đến 2017, số người "nghiện" đeo khẩu trang tìm đến nhờ tôi tư vấn đã tăng 50%, trong đó 60% là nữ" - Yuzo chia sẻ với tờ Straits Times.
Bác sĩ Watanaba cho rằng phụ thuộc vào khẩu trang là biểu hiện cho một "chứng nghiện", tương tự đánh bạc hoặc sử dụng Internet không kiểm soát. Các chứng nghiện này khác với nghiện rượu và ma túy ở chỗ chúng không phụ thuộc vào một chất kích thích cụ thể mà phụ thuộc vào một hành động hoặc thói quen. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của việc "nghiện" làm một điều gì đó - chính là giúp con người được giải toả căng thẳng, cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn.
Trở lại câu chuyện của bà nội trợ Yamamoto. Lo lắng con trai mắc chứng sợ giao tiếp, chị đang tìm mọi cách để con bớt phụ thuộc vào khẩu trang. Người mẹ này đã tìm lời khuyên từ một nhà tâm lý học trẻ em, nói chuyện với cố vấn học đường tại trường học của con trai. Nhưng câu trả lời chị nhận được chỉ là : "Lúc này chưa thể làm được gì".
"Giờ đây nhà là nơi duy nhất chúng ta có thể yên tâm tháo bỏ khẩu trang" - Yamamoto kết luận sau nhiều nỗ lực giúp con trai bỏ thói quen phụ thuộc vào khẩu trang.
Xem thêm: https://kilala.vn/tin-60s/khau-trang-phong-cach-do-lot-chay-hang-tai-nhat-ban.html
kilala.vn
23/05/2021
Bài: Loan Nguyen
Đăng nhập tài khoản để bình luận