Bài tập đơn giản khắc phục tình trạng “cổ rùa”
Sử dụng smartphone, ngồi học và làm việc sai tư thế gây ra tình trạng gù lưng cổ rùa, không chỉ mất thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Là một hội chứng gắn liền với thời đại, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng này bằng việc dành ra vài phút mỗi ngày để tập theo bài tập đơn giản dưới đây.
Hội chứng cổ rùa là gì?
Bình thường, cổ của chúng ta có một đường cong nhẹ hình chữ C. Tuy nhiên, đường cong này có thể mất đi do chấn thương hoặc do cổ bị lệch trong thời gian dài, khiến bạn luôn trông như đang nhô đầu về phía trước. Tình trạng này được gọi là “hội chứng cổ rùa” hay “mất đường cong sinh lý cổ”.
Vì sao đường cong ở cổ lại cần thiết?
Khi nhìn bản thân trong gương, cổ của chúng ta trông có vẻ thẳng. Tuy nhiên, bất kỳ mô hình giải phẫu xương người nào cũng sẽ cho thấy phần cổ là một đường cong hình chữ C hướng vào trong.
Độ cong của cột sống cổ được hình thành từ trong bụng mẹ. Khi em bé bắt đầu lớn lên, đường cong này hoạt động như một tấm đệm cho phép trẻ ngẩng cao đầu (vì trẻ sơ sinh được sinh ra với phần đầu quá khổ so với phần còn lại của cơ thể).
Đường cong tự nhiên này cũng đóng vai trò làm dịu những cú sốc trong quá trình chúng ta di chuyển cơ thể, ngăn không cho chúng truyền trực tiếp lên đầu. Đồng thời, nó còn cho phép đầu và cổ của chúng ta thực hiện nhiều chuyển động.
Những triệu chứng gây ra bởi hội chứng cổ rùa
Khi mất đi đường cong làm đệm, các cơ quanh cổ thường xuyên trong tình trạng căng cứng, gây áp lực lên các dây thần kinh, mạch máu quan trọng quanh cổ.
Kết quả là não có thể bị thiếu oxy mãn tính, gây ra tình trạng cứng cổ, cứng vai, rối loạn hệ thần kinh tự chủ và nhiều tác động xấu khác như đau đầu, yếu cơ, biến dạng cột sống.
Nguyên nhân của tình trạng cổ rùa
Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến mất đường cong sinh lý cổ là sai tư thế, chẳng hạn như nhìn chằm chằm vào máy tính, smartphone trong thời gian dài, tư thế ngủ sai hay xuất phát từ tính chất nghề nghiệp thường xuyên phải cúi đầu.
Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân khác, chẳng hạn như chấn thương, viêm khớp, thoái hóa khớp hoặc do di truyền.
Bài tập loại bỏ cổ rùa từ chuyên gia Nhật Bản
Park Sung-hoon là bác sỹ, chuyên gia trị liệu người Nhật, giám đốc của phòng khám Tsunagari Seitai-in chuyên điều trị đau thắt lưng mãn tính và các bệnh liên quan đến dây thần kinh, có trụ sở ở thành phố Amagasaki, tỉnh Hyogo.
Chuyên gia này đã tạo ra một bài tập đơn giản để loại bỏ cổ rùa, giúp lấy lại đường cong tự nhiên cho cổ mà bạn có thể dễ dàng thực hiện tại nhà mỗi ngày.
Trọng tâm của phương pháp này là nới lỏng các cơ bị căng cứng, điều chỉnh tình trạng cơ, kế đến là rèn luyện cơ bắp để duy trì tư thế. Bài tập sẽ tác động lên 4 cơ, tương ứng với 4 bước, bao gồm:
- Cơ ngực nhỏ
- Cơ ức đòn chũm
- Các cơ dưới chẩm
- Các cơ trước cột sống
Bước 1: Bài tập với cơ ngực nhỏ
Do tư thế sai trong sinh hoạt hằng ngày dẫn đến cơ ngực nhỏ trở nên căng cứng và thu ngắn lại, kết quả vai bị đổ về phía trước và gây ra tình trạng cổ rùa.
Đầu tiên, hãy xác định vị trí của cơ ngực nhỏ, nó nằm ở ngay dưới điểm giữa của xương đòn, khi chạm vào sẽ thấy hơi cứng. Dùng đầu ngón tay ấn giữ vào điểm này, đồng thời tiến hành xoay vai 10 lần từ sau ra trước rồi tiếp tục từ trước ra sau. Thực hiện tương tự cho bên còn lại. Cố gắng giữ nguyên tư thế trong suốt quá trình.
Bước 2: Bài tập với cơ ức đòn chũm
Cơ này có hình dáng như một dải sợi dày bắt đầu từ xương chũm (khối xương nhỏ, lồi nằm ngay ở phía sau vành tai) chạy xuống gần vào đầu trong của xương sườn cùng bên, ngay giữa ngực, tại hõm ức. Đây là nơi tập trung nhiều mạch máu và dây thần kinh đi qua. Nếu quay đầu sang hướng ngược lại, phần cơ này sẽ nổi lên và dễ xác định hơn.
Sau khi tìm được chính xác vị trí của cơ ức đòn chũm, hãy hướng mặt về phía trước rồi dùng các đầu ngón tay mát-xa lên dải cơ này theo chuyển động tròn từ trên xuống trong vòng 20 giây. Sử dụng vừa đủ lực, tránh chà xát mạnh và thực hiện tương tự cho bên còn lại.
Kế tiếp là kéo căng cơ ức đòn chũm. Dùng các đầu ngón tay ấn vào phía trong xương đòn, nơi gắn cơ ức đòn chũm bằng một lực vừa đủ. Giữ nguyên như vậy và xoay đầu theo hướng ngược lại, cằm hướng lên cao. Giữ nguyên tư thế này trong 20 giây rồi tiến hành cho bên còn lại.
Khi thực hiện bước này, không cần nín thở. Lưu ý không để ngón tay dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu khi cơ căng ra.
Bước 3: Bài tập với các cơ dưới chẩm
Nhóm cơ này gắn vào phần cuối của xương chẩm. Dùng tay di chuyển dọc từ đỉnh đầu xuống, nơi kết thúc của hộp sọ chính là vị trí cần tìm.
Trong khi đầu hơi hướng lên trên, sử dụng các đầu ngón tay của cả hai bàn tay mát-xa phần cơ ở vị trí này bằng những chuyển động tròn trong vòng 20 giây.
Tiếp đến là kéo căng các cơ dưới chẩm bằng cách đặt hai tay sau gáy, cúi đầu về phía trước và hạ cằm xuống, giữ nguyên trong 20 giây. Cần chú ý không khom lưng và duy trì đúng tư thế.
Bước 4: Bài tập với các cơ trước cột sống
Đặt hai tay phía sau gáy, thực hiện đồng thời động tác đẩy tay về phía trước và đẩy đầu về phía sau. Sự cân bằng của hai lực ngược hướng này sẽ giúp điều chỉnh các cơ trước cột sống.
Lưu ý, ép chặt cằm và cố gắng mở rộng khuỷu tay hết mức. Động tác chuẩn là khi bạn cảm thấy ngực mở ra và hai bả vai siết chặt vào nhau. Giữ nguyên tư thế trong 20 giây.
Biện pháp phòng tránh tình trạng cổ rùa
Tập luyện là cần thiết, nhưng song song với đó, bạn cần đảm bảo giữ đúng tư thế trong sinh hoạt hằng ngày. Khi sử dụng smartphone, cần chú ý để điện thoại ngang tầm mắt, ngồi thẳng lưng và không cúi đầu, tương tự khi học tập, làm việc với máy tính.
Ngoài ra, luyện tập thể dục thể thao và xen kẽ vài phút giãn cơ trong khi làm việc sẽ giúp cột sống linh hoạt, ngăn chặn các vấn về xương.
kilala.vn
16/10/2023
Bài: kirin
Đăng nhập tài khoản để bình luận