Vì sao người Nhật đặc biệt tôn trọng loài cáo?
Con cáo (kitsune 狐 き つ ね) từ lâu đã giữ một vai trò quan trọng trong văn hóa dân gian Nhật Bản, gắn liền với vị thần Inari - vị thần về sinh sản, gạo, nông nghiệp và công nghiệp, của sự thịnh vượng và sự thành công của thế gian.
“Đám cưới của loài cáo”- Huyền thoại bí ẩn và lãng mạn nhất của Nhật Bản
“Đám cưới của loài cáo”(Kitsune no yomeiri) từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa dân gian, một trong những huyền thoại bí ẩn và lãng mạn nhất của Nhật Bản. Một mô tả về Kitsune no yomeiri xuất phát từ cuốn sách Echigo Naruse xuất bản trong thời Horeki (1751-1764).
“ Vào những đêm tĩnh mịch, ở những nơi bí mật, chuỗi lồng đèn và những ngọn đuốc trải dài hơn hai dặm. Người ta nói rằng vào những đêm đó, những con cáo trẻ sẽ tổ chức đám cưới của chúng”.
Giai thoại về kitsune no yomeiri thường gắn liền với những câu chuyện về ma thuật và sự mê hoặc của loài cáo. Thời kì Meiji, nhà thơ Tanka Masaoca đã viết: “Khi mưa rơi xuống từ bầu trời trong xanh ngay đúng giờ Ngọ là lúc vua Tử Vĩ đón cô dâu của mình”. Đây là một hiện tượng tự nhiên khác lạ, người Nhật cho rằng lúc này những con cáo đã triệu hồi mưa để che giấu đám cưới cho chúng.
Ngày nay, nhiều thành phố tổ chức các lễ hội “đám cưới của cáo” tạo ra các cuộc rước đèn nổi tiếng, thu hút rất nhiều khách du lịch vào thị trấn và có sự tham gia của nhiều quan chức địa phương. Đôi khi “cô dâu” và “chú rể” được lựa chọn như một “cuộc thi sắc đẹp”.
Lễ diễu hành trên đường phố trong ngày hội Kitsune no yemeiri (Ảnh: Flickr/ S.H.)
Ở tỉnh Yamaguchi, Kitsune no yomeiri được thực hiện vào ngày 3 tháng 11 hàng năm trong lễ hội Inari. Những người biểu diễn vợ chồng cáo trong lễ này thường là người ở Kudamatsu. Người ta tin rằng khi phụ nữ tham gia vào vai “cô dâu cáo” trong ngày cưới này sẽ may mắn gặp được đối tượng lý tưởng và sẽ có nhiều phúc lành nếu tổ chức hôn lễ trong cùng một đền thờ nơi diễn ra lễ hội.
Cô dâu cáo trong ngày hội Kitsune no yomeiri (Ảnh: Yamatopeople.blogspot.com)
Mối quan hệ giữa thần Inari và cáo
Theo tôn giáo Shinto của Nhật Bản, có tới 8 triệu vị thần linh (八 百万 の 神). Trong tất cả các vị thần này, Inari có lẽ là vị thần quan trọng nhất, là vị thần về sinh sản, gạo, nông nghiệp và công nghiệp, của sự thịnh vượng và sự thành công của thế gian. Khoảng 32.000 ngôi đền ở Nhật Bản được dành cho Inari, chiếm hơn 30% tất cả các đền thờ trong nước. Nhiều đền thờ không dành riêng cho Inari nhưng vẫn có một ngôi đền nhỏ kế bên để thờ phụng vị thần này.
Loài cáo được xem là sứ giả của thần Inari, nhiều truyền thuyết còn cho rằng thần Inari bản chất là một con cáo. Nếu bạn đối xử tử tế với một con cáo, bạn sẽ nhận lại sự tử tế được đáp trả bởi chính thần Inari. (Ảnh: Japan-talk.com)
Những cô gái xinh đẹp được cho là hóa thân của những con cáo. Trong truyền thuyết của Nhật Bản, người ta tin rằng con cáo có thể biến thành hình dạng con người, và vì thế chúng cực kì thông minh và có phép thần thông. (Ảnh: Japan-talk.com)
Tượng cáo tại một đền thờ Inari ở Nhật Bản. (Ảnh: tofugu.com)
Những bức tượng kitsune trước đền thờ Inari (Ảnh: Shinichi Sugiyama)
Các bức tượng kitsune đôi khi được làm theo hình dáng của Inari, và chúng thường đi theo cặp, đại diện cho một nam một nữ. Theo quan niệm của người Nhật, cáo là loài vật thiêng ẩn có sức mạnh to lớn và khả năng trấn áp tà ma. Vì thế, khi xây đền, người ta đặt kitsune ở hướng Đông Bắc- hướng đi của quỷ, để bảo vệ đền và con người.
Lễ vật cúng tại đền Inari thường là gạo, sake nhằm dỗ dành và làm hài lòng các sứ giả kitsune. Họ tin rằng kitsune có thể lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con người rồi sau đó sẽ trình tấu lại với thần Inari. Một tập tục cúng phổ biến khác là món đậu phụ chiên, được cho là loại thức ăn ưa thích của những con cáo Nhật Bản.
Đậu phụ chiên được xem là món ăn ưa thích của những con cáo Nhật Bản (Ảnh: Allabout-Japan.com)
Nhựt Trang/ kilala.vn
07/11/2017
Bài: Nhựt Trang
Đăng nhập tài khoản để bình luận