eMagazine
Vẻ đẹp tâm hồn nhật bản qua chiếc áo kimono

Ảnh: unsplashBài viết: Mayu Senda, Lê Mai, Thùy DungThiết kế: Kailiblues

Nhắc đến trang phục truyền thống Nhật Bản là nhắc đến Kimono. Được xem là tuyệt tác thanh tao của kỹ thuật nhuộm – dệt với đường nét phù hợp với vóc dáng người Nhật Bản, chiếc Kimono giúp cử chỉ của người mặc trở nên khoan thai, nhã nhặn hơn. Có thể nói, văn hóa Nhật Bản được cô đọng chỉ trên một tấm áo, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng phảng phất nét đẹp xứ Phù Tang. Biết đến Kimono là biết đến Nhật Bản. Mời bạn rảo bước vào thế giới của những chiếc Kimono đầy tinh tế này.

Tràng Thiên (bút danh là Võ Phiến) – tác giả của 4 tiểu thuyết, 9 tập tuỳ bút, nhiều tập truyện ngắn, một tập thơ và nhiều tác phẩm phê bình tiểu luận có nói về chiếc áo Kimono của phụ nữ Nhật thế này: “Kimono của phụ nữ Nhật danh tiếng nhưng là một công trình xếp đặt kĩ quá, khéo quá, che lấp hẳn thân người; rốt cuộc không còn đâu là thân người nữa. Đường nét tự nhiên bị xóa mất cả. Thân người chỉ còn như là cái cớ cho sự xây dựng một công trình mĩ thuật”.

Khách quan mà xét, không phải không có lí, nhưng với người Nhật, từ một bộ đồ chuyên mặc ở nhà như đúng cái tên gọi quốc tế nghĩa đen của tiếng Nhật: “着物 – Kimono”, họ đã nâng tầm lên thành một vị trí trang trọng, trở thành quốc phục của dân tộc. Với những hoạ tiết đẹp tinh tế trên vải, cách kết hợp màu sắc hài hoà và đầy thẩm mĩ, Kimono dù "che lấp thân người" nhưng vẫn mang một nét đẹp nữ tính khó rời mắt. Có lẽ không ít người ngoại quốc thầm mơ ước được khoác lên cho mình một lần trong đời chiếc áo Kimono quý phái và trang trọng của xứ sở Phù Tang.

Kimono theo dòng
lịch sử

Người ta cho rằng, nguyên mẫu của Kimono ngày nay là Kosode (小袖) – loại trang phục có hình dáng như một chiếc áo Yukata đơn giản, được giới quý tộc sử dụng làm áo mặc lót trong khoảng thời gian từ thế kỉ 12 đến 15. Về sau, Kosode dần trở thành trang phục mặc ngoài thông thường. Kosode của những người có xuất thân cao quý còn được đính thêm những chi tiết trang trí sang trọng như họa tiết thêu tay. Chỉ khi đến thời Edo, thường dân mới bắt đầu có cơ hội được mặc loại Kosode tinh tế này. Đương thời, cùng với sự phát triển vượt bậc của nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, những thiết kế Kosode tân tiến và độc đáo cũng được “khai hoa nở nhụy”. Kosode dần phát triển và rẽ nhánh thành các loại Kimono ngày nay như Furisode. Tuy nhiên, đến thời Meiji (thế kỉ 19), làn sóng văn hóa Tây dương du nhập ồ ạt vào Nhật Bản.

Kimono thường được người Nhật diện trong lễ cưới. Ảnh: pixta
Kimono thường được người Nhật diện trong lễ cưới. Ảnh: pixta

Thay cho những bộ Kimono, dép Zori, quý tộc Nhật bắt đầu sử dụng váy đầm và giày dép Tây Âu như trang phục chính thống. Sau đó 1 thế kỉ, ngay cả người bình thường cũng mặc trang phục phương Tây, chiếc Kimono dần vắng bóng trong cuộc sống hằng ngày. Tuy phần đông người Nhật chỉ diện Kimono vào các dịp lễ quan trọng như lễ thành nhân, cưới hỏi hay trong các nghi thức nghệ thuật truyền thống như Trà đạo, Hoa đạo, nhưng những năm gần đây, ngày càng có nhiều người nhận thức được giá trị tinh thần quan trọng của chiếc Kimono và vui thích sử dụng chúng như trang phục thường ngày.

Kimono thường được người Nhật diện trong lễ cưới. Ảnh: pixta
Kimono thường được người Nhật diện trong lễ cưới.
Ảnh: pixta

Phân loại Kimono

Mặc dù gọi chung là Kimono nhưng bạn có biết, Kimono cũng có rất nhiều loại với từng “tư cách” khác nhau. Được diện để đến các dịp trang trọng hay chỉ mặc hằng ngày đều phụ thuộc vào “tư cách” của mỗi loại.

Ảnh: Kimino-ya Kururi Ảnh: Kimino-ya Kururi Ảnh: Kimino-ya Kururi
Ảnh: Kimino-ya Kururi

Shiromuku (白無垢)

Là trang phục cưới của cô dâu khi tổ chức lễ kết hôn ở đền thờ Thần đạo. Cả trang phục và các phụ kiện đều đồng nhất một màu trắng nhằm thể hiện sự thuần khiết. Trong bữa tiệc chiêu đãi (Hiroen), cô dâu sẽ thay sang một loại Kimono khác được nhuộm vô cùng rực rỡ, gọi là Iro-uchikake (色打掛), mang ý nghĩa “Đã trở thành một thành viên của gia đình nhà chồng”.

Ảnh: Kimino-ya Kururi
Ảnh: Kimino-ya Kururi

Furisode (振袖)

Là bộ có “địa vị” trang trọng nhất trong các loại Kimono của phụ nữ chưa thành hôn. Ở thời Edo, việc phe phẩy tay áo bản lớn là một hình thức bày tỏ tình cảm nên Furisode (Furi: vẫy, Sode: tay áo) là loại Kimono dành riêng cho các cô gái chưa lập gia đình. Dựa vào độ lớn của tay áo mà Furisode được chia làm 3 loại, loại lớn nhất là loại trang trọng nhất, được dùng khi kết hôn hoặc dịp lễ thành nhân.

Ảnh: Kimino-ya Kururi
Ảnh: Kimino-ya Kururi

Tomesode (留袖)

Là bộ có “địa vị” trang trọng nhất trong các loại Kimono của phụ nữ đã kết hôn. Do không cần thể hiện tình cảm nên khác với Furisode, Tomesode có ống tay áo nhỏ hơn và màu sắc đằm thắm hơn. Các cô gái chưa chồng cũng có thể mặc Iro-tomesode – loại Tomesode được nhuộm màu tươi sáng .

Ảnh: Kimino-ya Kururi
Ảnh: Kimino-ya Kururi
Ảnh: Kimino-ya Kururi Ảnh: Kimino-ya Kururi Ảnh: Kimino-ya Kururi
Ảnh: Kimino-ya Kururi

Homongi (訪問着)

“Homon” trong tiếng Nhật có nghĩa là viếng thăm gia đình ai đó. Với mức độ trang trọng chỉ đứng sau Iro-tomesode, Homongi thường được mặc trong những dịp có sự xã giao như đám cưới, hội họp. Vào thời Meiji, Homongi được bày bán như một loại Kimono không quá sặc sỡ cũng không quá giản dị và ngay lập tức trở nên thịnh hành.

Ảnh: Kimino-ya Kururi
Ảnh: Kimino-ya Kururi

Tsukesage (付下げ)

Thời nay, Tsukesage được xem là trang trọng không kém Homongi. Vào thời chiến, các bộ Homongi sặc sỡ bị cấm mặc và Tsukesage, vốn giản dị hơn, trở thành trang phục thay thế. Đặc trưng của Tsukesage là phần hoa văn chạy dọc thân áo được thiết kế không quá nổi bật mà nhỏ nhắn và đằm thắm. 

Ảnh: Kimino-ya Kururi
Ảnh: Kimino-ya Kururi

Iromuji (色無地)

Là loại Kimono được nhuộm đơn sắc, trừ màu đen, mang đến vẻ gọn gàng cho người mặc. Iromuji được mặc trong nhiều dịp như đám cưới, lễ nhập học/ tốt nghiệp của con hay khi đi dạo phố. Người mặc có thể chọn loại vải và nhuộm lại nhiều lần.

Ảnh: Kimino-ya Kururi
Ảnh: Kimino-ya Kururi
Ảnh: Kimino-ya Kururi Ảnh: Kimino-ya Kururi
Ảnh: Kimino-ya Kururi

Tsumugi (紬)

Trong những trang phục dệt may, Tsumugi – vốn được sản xuất hoàn toàn từ lụa – được xem là trang nhã nhất và là loại Kimono được nhiều người yêu thích. So với các loại Kimono khác, Tsumugi khá đơn giản nên không được mặc đến các buổi tiệc trang trọng, nhưng trong đời sống thường nhật, Tsumugi cũng giống như quần jeans của giới trẻ, có thể mặc khi đi ăn uống hoặc mua sắm.

Ảnh: Kimino-ya Kururi
Ảnh: Kimino-ya Kururi

Komon (小紋)

Có đặc trưng là các hoa văn được lặp lại trên toàn bộ thân áo. Tương tự với Tsumugi, Komon cũng không phù hợp với những dịp trang trọng nhưng tùy vào cách phối đồ mà có thể diện khi đến những bữa tiệc thân mật hoặc mặc thường ngày. Komon có rất nhiều hoa văn nên chỉ việc lựa chọn cũng đem đến cho bạn niềm vui!

Ảnh: Kimino-ya Kururi
Ảnh: Kimino-ya Kururi

Lý do khiến Kimono
được yêu mến

Có lẽ Kimono là một trong số những bộ trang phục truyền thống phức tạp nhất thế giới. Thế nhưng càng tìm hiểu, ta lại càng cảm thấy Kimono tinh tế đến đáng ngạc nhiên.

Kimono thích hợp cho tất cả tạng người: Do không liên quan đến số đo eo và mông, nên từ mập tròn cho đến những thân hình mảnh khảnh, không phải lo ngại chuyện phô diễn những khuyết điểm của các đường cong cơ thể. Những bộ Kimono lễ hội có một khổ vải chuẩn duy nhất, chỉ cần thay đổi các đường ráp từ 8 miếng vải ghép với nhau phù hợp số đo của từng người thì dù cao hay thấp, béo hay gầy, người lớn hay trẻ nhỏ cũng đều mặc được. Thế nên đừng lấy làm ngạc nhiên khi một người dùng kĩ có thể mặc Kimono từ trẻ đến già. Và bộ Kimono như thế này sẽ trở thành tài sản vô giá của chính người sở hữu.

Kimono và sức khoẻ: Những chiếc đai obi của áo có tác dụng giữ cho lưng, cột sống được thẳng, và dáng áo cũng trở nên đẹp hơn. Vào mùa đông, Kimono chính là người bạn bảo vệ giúp phụ nữ chống được nhiều loại bệnh do “lạnh” vào những đêm đông lạnh buốt, do một nửa thân dưới được bọc ôm hoàn toàn, làm cho cơ thể ấm áp. Còn những đôi guốc Geta cực kì thân thiện với đôi chân, bàn chân bạn sẽ không bị bó sát, đau gót chân, ngón chân như khi mang những đôi giày bít nhọn cao gót.

Mặc Kimono làm cho tâm hồn trở nên tươi mới hơn: Tự bản thân chiếc Kimono khi khoác lên người đã toát lên vẻ thanh cao, tao nhã. Khi được mặc một chiếc Kimono hoàn hảo đúng chuẩn sẽ cảm thấy mình xinh đẹp hơn, tâm hồn được “refresh” tươi mới hơn. 

Mặc Kimono như thế nào?

Để mặc một bộ Kimono, không những đòi hỏi người mặc phải thuộc lòng rất nhiều bước mà còn phải am hiểu ý nghĩa của từng chi tiết nhỏ nhặt. Do đó, để giải thích tường tận cách mặc Kimono có thể mất đến... cả ngày. Ở đây, Kilala xin chỉ giới thiệu những bước cơ bản khi mặc loại trang phục tinh tế và ẩn chứa nhiều ý nghĩa này qua sự hướng dẫn của cô Fumiko Sato, hỗ trợ thực hiện bởi CLB Trà đạo Sài Gòn – Urasenke.

Một bộ Kimono gồm có:

Một bộ Kimono gồm có
  • 1. Obi-jime (帯締め) – dây cột trang trí, tạo điểm nhấn cho Obi
  • 2 + 3. Date-jime (伊達締め) hay Date-maki (伊達巻き) – dây quấn cố định, gồm 2 miếng
  • 4. Obi-makura (帯枕) – “gối” luồn phía sau của Obi
  • 5. Vớ Tabi
  • 6. Obi-ita (帯板) – tấm lót tạo dáng phẳng đẹp cho Obi
  • 7. Dây cột Koshi-himo (3 sợi)
  • 8. Obi-age (帯揚げ) – vải trang trí cho Obi
  • 9. Thắt lưng Obi (帯)
  • 10 + 11. Đồ lót chuyên dụng Nagajuban (長襦袢)

Trình tự mặc Kimono

Trình tự mặc Kimono Trình tự mặc Kimono

Thế nào là một bộ
Kimono đẹp?

Khi dạo phố, các cô gái thường để lộ Obi-age tùy ý, người lớn tuổi giấu nút thắng và để lộ 2 bên, còn Kimono trong Trà đạo sẽ giấu vào trong. Điểm chập ngay cổ áo, nút thắt Obi-age và nút thắt Obi-jime thẳng hàng.
Các nếp gấp và cạnh của phần đuôi lộ ra của Obi chập lại một điểm. Phần lưng thẳng thớm không nếp nhăn.

Những ai yêu quý và hãnh diện vì Kimono sẽ đưa ra những lợi điểm của nó là điều hiển nhiên. Những ai thấy Kimono hơi phiền trong cuộc sống thường nhật vì cầu kì trong cách ăn mặc sẽ đưa ra những ý kiến trái chiều. Nhưng hầu hết, người dân Nhật khi nói về Kimono trong ánh mắt họ đều ánh lên vẻ rạng rỡ và tự hào. Và từ lâu, chiếc Kimono tinh tế đầy vẻ cao nhã này đã trở thành một biểu tượng văn hóa không thể thay thế được khi nói về đất nước, con người xứ Phù Tang.