Trong anime “Your Name” nổi tiếng của đạo diễn Shinkai Makoto có một phân cảnh nhân vật Mitsuha, dưới hiện thân của một Miko (vu nữ), đã thực hiện điệu múa cổ dâng lên vị thần mà gia đình Miyamizu thờ phụng. Nếu bạn chưa biết thì điệu múa ấy được gọi là Kagura, một nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong tín ngưỡng Thần đạo (Shinto) xứ Phù Tang.
“Kagura – 神楽 – Thần Lạc” là từ miêu tả một vũ điệu nghi lễ trong Thần đạo. Kagura sinh ra để dâng lên cho Thần, được các pháp sư Thần đạo và Miko biểu diễn tại các đền chùa hay địa điểm linh thiêng nhằm cầu nguyện, thể hiện ý muốn của con người đến Thần linh.
Vốn ban đầu Kagura là cách thức để dân gian thực hiện nghi lễ cầu mong mùa màng bội thu, nhưng sau này điệu múa đã dần phổ biến và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của người Nhật, đặc biệt phát triển cực thịnh ở vùng Shimane và Hiroshima.
Theo sách Kojiki (Cổ Sự Ký, năm 712) và Nihonshoki (Nhật Bản Thư Kỷ, năm 720) ghi chép lại, điệu múa thần thánh này có nguồn gốc ra đời gắn liền với truyền thuyết về Nữ thần Mặt trời Amaterasu.
Chuyện xưa kể rằng vì giận con người nên nữ thần đã ẩn mình trong hang động khiến thế gian chìm trong bóng tối lạnh lẽo. Không thể để thần Mặt trời mãi giam mình trong hang động, các vị thần đã tụ họp lại để nghĩ cách khiến Amaterasu chịu ra ngoài.
Họ đặt một tấm gương thật sáng trước hang động rồi mở yến tiệc. Sau đó, Ame-no-Uzume, Nữ thần bình minh và sự hoan lạc khởi múa vũ khúc hồng hoang náo động, lôi kéo những vị Thần khác múa cùng.
Vì tò mò, Nữ thần Amaterasu đã ló mặt ra khỏi hang để xem điều gì đang xảy ra thì thấy hình ảnh mình phản chiếu chói lọi trên gương. Tận dụng thời cơ ấy, Thần sức mạnh Ameno Tajikarao đã dùng lực mở và kéo cửa hang ra. Ánh sáng Mặt trời trở lại khiến con người vui vẻ, khắp muôn nơi tại dương gian ai ai cũng mở hội nhảy múa. Cũng từ vũ khúc huyền thoại của Thần, điệu múa Kagura ra đời, rồi được lưu truyền và trở thành nghi lễ truyền thống cho đến tận ngày nay.
Ban đầu điệu múa này được gọi là Kamukura hoặc Kamikura (神座 – Thần Tọa) và được các Miko – người được coi là hậu duệ của thần Ame-no-Uzume, thực hiện để dâng lên Thần linh. Thời gian trôi đi, những vũ khúc thần thánh này được gọi là Mikagura (御神楽 – Ngự Thần Lạc) và dùng riêng ở các đền đài vua chúa, kết hợp với vũ điệu cung đình.
Thế rồi các vũ khúc đó đã dần phổ biến trong dân gian và trở thành Satokagura (里神楽 – Lý Thần Lạc), từ đây phát triển thành nhiều vũ điệu khác nhau như Miko Kagura (Kagura nữ đạo sĩ), Shishi Kagura (Kagura sư tử) hay điệu múa Kagura theo phong cách Ise và Izumo...
Nhiều biến thể khác phát triển trong những thế kỷ kế tiếp, hình thành nên các điệu múa mới phù hợp với nhịp sống văn hóa của từng thời đại trong lịch sử nước Nhật. Nhưng dù đổi mới ra sao, Kagura vẫn giữ nguyên “cái hồn” của tín ngưỡng cổ và kết hợp với những yếu tố dân gian thế tục.
Thông thường, có hai giai đoạn chính trong điệu múa Kagura là: Mai (舞) và Odori (踊り).
Mai bao gồm những chuyển động tròn chậm rãi với cách múa thể hiện sự bình lặng, thanh lịch, biểu thị cho sự chuẩn bị vào trạng thái xuất thần. Còn Odori thì ngược lại, với các điệu nhảy nhanh và mạnh, căng tràn năng lượng, đại diện cho giai đoạn xuất thần vô thức.
Trong Mai, người thực hiện điệu múa (thường là các Miko) sẽ được bao quanh bởi một nhóm thầy tu cầm Gohei (một cây gậy dùng trong nghi lễ thanh tẩy, gồm thanh gỗ buộc 2 dải giấy trắng) cùng các nhạc cụ tạo âm thanh, và họ thực hiện các chuyển động vòng tròn để triệu hồi Thần linh. Sau đó Miko sẽ chuyển sang điệu Odori, bộc lộ sự hiện diện của Thần trong thân xác con người.
Không chỉ là nghi lễ linh thiêng trong Thần đạo, sự đa dạng, phong phú với nhiều thể loại khác nhau để phù hợp với từng hoàn cảnh của điệu Kagura đã góp phần tạo nên tính đa sắc, hấp dẫn và độc đáo của văn hóa xứ anh đào.
Các thể loại Kagura bao gồm:Kagura là một điệu nhảy cổ xưa, một bộ môn nghệ thuật lâu đời có nguồn gốc từ thần thoại Nhật Bản. Điệu múa ẩn chứa những tinh hoa văn hóa xứ sở hoa anh đào hiện nay đang được bảo tồn, lưu giữ trong xã hội hiện đại.
Mỗi địa phương lại có cách thức khác nhau để nghệ thuật này được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đáng chú ý nhất là ở tỉnh Shimane với phong cách biểu diễn nổi tiếng được biết đến với cái tên Iwami Kagura. Tại đây, các nghệ sĩ thực hiện vũ điệu có tốc độ nhanh, diện trang phục sặc sỡ kết hợp với âm thanh, hình ảnh bắt mắt để thu hút công chúng dõi theo. Trương tự ở tỉnh Iwate, các vũ công cũng mặc trang phục rực rỡ sắc màu, thực hiện những động tác nhảy mạnh mẽ và cuồng nhiệt, tạo nên không khí giàu sức sống, cuốn hút du khách từ muôn nơi đến tìm hiểu.
Ngoài ra hằng năm, vào khoảng độ tháng 9, ở biển Fukumitsu, Yunotsu, thành phố Oda của tỉnh Shimane sẽ tổ chức buổi biểu diễn Umi Kagura. Thời điểm hoàng hôn, khi mặt trời lặn xuống sau lưng những vũ công, ngọn lửa mừng lễ hội sẽ được đốt lên, kế đó là điệu múa dẫn dắt mọi người bước vào một không gian kỳ bí huyễn hoặc.
Kagura không chỉ được bảo tồn, quảng bá tại mỗi vùng miền mà còn thay đổi để thích ứng với thời đại. Ngày xưa vũ điệu Kagura nguyên thủy cấm nữ giới tham gia, nhưng đứng trước tình trạng thiếu nhân sự trong các đoàn múa thì giờ đây phái yếu đã được phép gia nhập và có quyền tiếp nối, lưu giữ điệu múa truyền thống của dân tộc.
Ngày nay, Kagura không chỉ xuất hiện trên các sân khấu kịch truyền thống mà còn hiện diện trong anime, manga, phim ảnh. Thông qua các phương tiện truyền thông, nền công nghiệp 2D và giải trí hiện đại, nét văn hóa này đã được lan tỏa đến bạn bè quốc tế.
Người Nhật luôn tôn thờ thần linh và Kagura là hình thức thiêng liêng để truyền đạt điều ấy đến các đấng siêu nhiên. Với họ, Kagura tồn tại mãi mãi theo thời gian, tô điểm thêm cho sự đa dạng, độc đáo trong tinh hóa văn hóa của dân tộc mình.