Nguồn gốc phong tục ngắm lá thu của người Nhật
Người Nhật có một thuật ngữ riêng dành cho việc thưởng ngoạn lá thu, đó là “紅葉狩り”, được phát âm là “momijigari”. Cứ vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, khi lá cây dần chuyển sang sắc đỏ - vàng trên khắp nước Nhật, mọi người sẽ tìm đến những ngọn núi, khu vườn, công viên hay con đường rợp lá để chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của mùa thu. Vậy liệu phong tục này ra đời từ khi nào?
Sự khởi đầu
Từ “momiji” xuất hiện trong Vạn Diệp Tập – tập thơ lâu đời nhất còn tồn tại của Nhật Bản, chứng tỏ ngắm lá thu là điều giới quý tộc đã thực hiện ít nhất từ 1.200 năm trước, trong thời Nara (710-794).
Tuy nhiên khi đó momiji thường được viết là “黄葉 – Hoàng Diệp”, tức “lá vàng”, như cách viết mượn từ tiếng Trung. Đến thời Heian (794-1185), giới quý tộc yêu thích lá đỏ hơn lá vàng nên đã đổi thành Hán tự “紅葉 – Hồng Diệp”, tức là “lá đỏ”.
Ngày nay, từ “紅葉” trong tiếng Nhật có thể ám chỉ cả hai loại lá đỏ và vàng, nhưng cũng có trường hợp dùng riêng “紅葉” cho lá đỏ, còn “黄葉” cho lá vàng. Ngoài ra, theo nghĩa hẹp hơn nữa thì “momiji” chỉ một số loài cây thuộc họ Phong (Aceraceae).
Cho đến hết thời Heian, ngắm lá thu vẫn không phải là một sự kiện lớn hoặc một phong tục phổ biến. Bấy giờ, người Nhật cũng đã thể hiện lòng ngưỡng mộ với vẻ đẹp thiên nhiên, hoa lá từng mùa qua phong tục thưởng hoa anh đào vào mùa xuân hay ngắm hoa tử đằng vào mùa hè. Nhưng nếu hai loài hoa trên có thể dễ dàng chiêm ngưỡng ở nhiều nơi hay thậm chí ngay trong vườn nhà, thì việc ngắm lá đỏ lại không đơn giản như vậy.
Trong tuyển tập 100 bài thơ cổ Hyakunin Isshu, momiji mỗi khi xuất hiện đều gắn với hình ảnh núi và sông. Nghĩa là, để tận mắt chứng kiến vẻ đẹp này, người Nhật phải đến những vùng ngoại ô của kinh đô, vào sâu trong núi như ở Sagano hay Arashiyama, và thường thì chỉ có tầng lớp quý tộc mới có thể làm điều đó.
Ngoài ra, sắc thu ngày nay càng gợi vẻ rực rỡ và lộng lẫy bao nhiêu, thì ở thời Heian, nó lại đại diện cho sự phù du, vô thường của vạn vật. Các quý tộc Heian cảm nhận trong sắc đỏ của lá là nỗi buồn cô liêu của một mùa đông đang đến gần.
Trở thành phong tục từ thời Edo
Ngắm lá thu chính thức trở thành một trào lưu từ thời Edo (1603-1868). Trong kỷ nguyên của hòa bình và thịnh vượng, ngay cả tầng lớp thường dân cũng có thể thực hiện những chuyến du lịch, hành hương đền Ise, Kumano Sanzan hay núi Phú Sĩ.
Ngành xuất bản phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ này cũng góp phần vào việc phổ biến văn hóa ngắm lá thu, với những tập sách hướng dẫn du lịch (hay bách khoa toàn thư về những địa điểm nổi tiếng).
Ngoài ra, vị Tướng quân thứ 8 của Mạc phủ Edo là Yoshimune Tokugawa (1684-1751) đã trồng nhiều cây anh đào và cây phong ở Asukayama (phường Kita, Tokyo), phát triển nơi này thành một khu vực giải trí, giúp người dân có thể dễ dàng ngắm anh đào vào mùa xuân và lá đỏ vào mùa thu.
Một hình thức tương tự như Momijigari thời hiện đại đã được tạo ra, với việc mọi người tụ tập cùng nhau dưới những tán lá đỏ. Khác với ngắm hoa anh đào thường đi kèm với rượu sake, họ chỉ đơn giản là tận hưởng sắc thu cùng những món ăn nhẹ như dango và ngâm thơ haiku.
Những địa điểm ngắm lá thu ở Edo xưa
Ngày nay không thiếu những địa điểm tuyệt vời để thưởng ngoạn sắc thu xung quanh Tokyo – nơi từng là Edo trong quá khứ. Vậy còn ở thời Edo, những địa danh nào là nổi tiếng nhất?
Cuốn sách được xuất bản vào năm 1827 có tên “江戸名所花暦 - Edo Meisho Hanagoyomi" (tạm dịch: Lịch hoa nở ở những địa điểm nổi tiếng của Edo) đã giới thiệu một số điểm ngắm lá thu thời bấy giờ.
Chùa Mamasan Guhouji (真間山弘法寺)
Mamasan Guhouji nằm ở huyện Katsushika, tỉnh Shimosa, cách Edo 3 ri (khoảng 12km), ngày nay là thành phố Ichikawa thuộc địa phận tỉnh Chiba. Về địa điểm này, trong sách đề cập: “Cây phong trước chánh điện là một cây nổi tiếng”.
Ngôi chùa thuộc phái Nichiren, được cho là do nhà sư Gyoki (668-749) lập ra để an ủi linh hồn nàng Tekona. Nàng là một cô gái nghèo xinh đẹp nhưng cũng vì nhan sắc quá yêu kiều mà nhiều người đàn ông tranh giành. Không muốn trở thành nguồn cơn của xung đột, nàng đã trầm mình xuống biển.
Takinogawa (滝野川)
Takinogawa là một địa danh ở phía nam phường Kita, Tokyo ngày nay. Tại đây, sông Shakujii uốn khúc và dòng chảy rất xiết nên mới có tên gọi là Takinogawa (“taki” là thác nước). Vào thời Edo, Takinogawa có rất nhiều rừng và nổi tiếng với lá mùa thu.
Chùa Fudarakusan Kaianji (補陀落山海晏寺)
Đây là ngôi chùa thuộc phái Soto, nằm ở Minami-Shinagawa, quận Shinagawa, Tokyo, được thành lập bởi Hojo Tokiyori vào năm 1251.
Chùa nằm trên một ngọn đồi nên có thể ngắm lá thu với nền là biển xanh ở phía xa. Dù có nhiều địa điểm trên núi nổi tiếng với lá mùa thu nhưng Kaianji lại được yêu thích chính bởi điều đó.
Chùa Taieizan Ryusenji (泰叡山瀧泉寺)
Có tên gọi khác là “Meguro Fudo”, đây là một ngôi chùa thuộc phái Tendai, tọa lạc ở Shimomeguro, phường Meguro, Tokyo. Theo truyền thuyết, chùa được Ennin xây dựng vào năm 808 để thờ một bức tượng của Bất Động Minh Vương.
Có rất nhiều cây phong trong khuôn viên chùa khiến nơi đây là địa điểm thưởng ngoạn cảnh thu nổi tiếng vào thời Edo.
Lá mùa thu ở Nhật không chỉ có momiji
Cây phong Nhật và cây bạch quả là hai cái tên thường được nghĩ đến đầu tiên khi nói về mùa thu xứ Phù Tang. Tuy nhiên hiện tượng chuyển màu của lá không chỉ xảy ra ở hai loài cây này, tức vẫn còn nhiều loài thực vật với sắc màu rực rỡ khác rất đáng để chiêm ngưỡng. Dưới đây là những loài cây có lá chuyển màu đẹp mà bạn nên thử “săn lùng” khi có dịp đến Nhật Bản.
Lá đỏ
Phong Nhật Bản – Momiji và Kaede
Cây phong Nhật Bản là loài cây mang tính biểu tượng nhất của mùa thu và có thể bắt gặp dễ dàng trên đường phố, trong công viên hoặc trên những ngọn núi... Lá của chúng thường chuyển sang màu đỏ đậm, một số thì chuyển vàng.
Mặc dù được gọi chung là “phong Nhật Bản” nhưng ở xứ Phù Tang, người ta sẽ phân biệt Momiji (tên đầy đủ là Iroha Momiji) và Kaede theo hình dạng của lá.
Nhìn chung, lá Momiji có nhiều thùy (từ 5 – 9) và các thùy này khá sâu. Mặt khác, ở Kaede thì vết khía nông hơn, một số giống thì chỉ có ba thùy. Ngoài ra sự chuyển màu ở Momiji cũng rõ rệt hơn ở Kaede.
Thạch nam Doudan
Loài cây này có hoa trắng hình chiếc chuông xinh xắn, thường nở vào khoảng tháng 4 đến tháng 5. Và đến mùa thu thì lá của cây cũng chuyển màu ấn tượng. Vào đầu mùa thu, sắc lá sẽ dần dần chuyển từ xanh sang đỏ xỉn. Nửa sau của mùa thu dần chuyển sang màu đỏ rực, rồi đỏ sẫm trước khi rụng.
Anh đào Somei Yoshino
Loài cây này thu hút sự chú ý nhiều nhất trong thời kỳ nở hoa vào mùa xuân, nhưng bạn có biết rằng chúng cũng có lá đỏ tuyệt đẹp? Không có màu đỏ tươi như lá phong Nhật Bản mà lá Somei Yoshino pha trộn giữa màu xanh lục, vàng và cam dịu.
Sơn thù dù – Hana Mizuki
Loài này thường được trồng trong vườn và hai bên đường nên bạn có thể ngắm nhìn những chiếc lá đỏ thẫm của nó ngay cả trong thành phố. Lá đổi màu tương đối sớm, báo hiệu mùa thu đã đến.
Lá vàng
Bạch quả - Ichou
Hàng cây bạch quả cao lớn, vàng rực là một trong những cảnh tượng ngoạn mục nhất của mùa thu Nhật Bản. Loài cây này có thể được tìm thấy ở nhiều đền chùa, miếu thờ, công viên và ngay cả trên đường phố.
Một sự thật thú vị là bạch quả nằm trong số những loài cây lâu đời nhất trên thế giới và thường được sử dụng trong y học cổ truyền.
Thông Karamatsu
Đây là một giống cây lá kim rụng lá, khi có màu xanh tươi hay khi chuyển màu vàng vào mùa thu thì cũng đều ngoạn mục. Karamatsu thường được tìm thấy ở các công viên quốc gia và trên núi.
Sồi Nhật Bản – Buna
Vẻ đẹp choáng ngợp của những chiếc lá vàng trong rừng sồi cũng được đánh giá cao. Đây là loài cây đại diện cho vùng ôn đới mát mẻ.
Liên hương - Katsura
Cây Katsura tỏa ra mùi hương ngọt ngào và vào mùa thu, lá chuyển sang màu vàng đẹp như cây bạch quả. Cây cao và lá hình trái tim. Tên của nó xuất hiện trong Manyoshu và Kojiki, và thường được nhìn thấy gần những vùng nước.
Mùa thu nước Nhật còn có những đặc trưng thú vị nào? Tất cả sẽ được tiết lộ trong Chuyên đề Mùa thu tháng 11 này!
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận