Khi R. W. Atkinson đến Nhật Bản vào những năm 1870, nhà hóa học người Anh đã ấn tượng sâu sắc với sự áp đảo của sắc chàm trên những bộ trang phục của người qua đường, hay trên tấm rèm noren treo trước các cửa hiệu. Cảm thấy như đây là màu sắc của riêng nước Nhật, ông đã gọi nó bằng cái tên “Japan Blue”, hay “màu xanh Nhật Bản”. Và có một sự thật là sắc xanh huyền bí này phần lớn đều bắt nguồn từ một nơi: lưu vực con sông Yoshino, phía bắc tỉnh Tokushima.
Tokushima - vùng đất của chàm
Tỉnh Tokushima nằm trên đảo Shikoku, có địa hình chiếm phần lớn là núi non, sông ngòi với khoảng 500 dòng sông lớn nhỏ chảy qua địa phận. Trong đó có con sông Yoshino dài gần 200km chảy từ đông sang tây, được mệnh danh là một trong “ba dòng sông hung hãn nhất Nhật Bản”.
Vào mùa bão, nước sông Yoshino dâng cao sinh ra lũ lụt, gây thiệt hại cho cuộc sống của người dân. Việc trồng lúa cũng gặp khó khăn ở một số phần của lưu vực sông bởi bão thường đến trước thời điểm gặt.
Nhưng đổi lại, con sông cũng mang đến phước lành cho đời sống của cư dân địa phương với nguồn nước dồi dào cùng đất đai màu mỡ. Đây là môi trường sinh trưởng tuyệt vời cho một loài cây đã tạo nên sắc màu đại diện cho xứ Phù Tang, đó là màu chàm, hay “Ai – 藍” trong tiếng Nhật.
Lá của cây chàm được sử dụng để tạo ra sắc xanh này, và chúng sẽ phải được thu hoạch trước thời điểm hoa nở, trước khi cơn bão đổ bộ. Những trận lũ trôi qua sẽ để lại một lớp phù sa màu mỡ ở lưu vực sông, tái bổ sung chất dinh dưỡng cho đất đai đã bị cây chàm làm bạc màu trong mùa vụ trước đó.
Chàm của Tokushima được gọi là “Awa Ai – 阿波藍”, với “Ai” nghĩa là màu chàm, còn “Awa” là tên gọi cũ của tỉnh. Tokushima chịu trách nhiệm sản xuất hơn 90% sản lượng chàm tự nhiên của cả nước Nhật kể từ thời Edo (1603-1868).
Lịch sử của Awa Ai
Nhuộm chàm là một phương pháp nhuộm cổ xưa, đã được thực hành từ thời Ấn Độ và Ai Cập cổ đại. Người ta nói rằng vải nhuộm chàm được đưa đến Nhật Bản qua hoạt động buôn bán tơ lụa của người Ấn hoặc do người Trung Quốc đem đến vào khoảng thế kỷ thứ 7.
Về nguồn gốc của Awa Ai, có tài liệu cho rằng chàm bắt đầu được trồng ở Awa vào cuối thời Heian (794-1185), rồi trở thành cây trồng tiêu biểu của vùng trong thời Muromachi (1336-1573) và được chế biến thành thuốc nhuộm chàm (sukumo, bột chàm) ở khu vực Lâu đài Shozui vào nửa sau thời đại này.
Vào thời Edo (1603-1868), tỉnh Awa đã bảo vệ và khuyến khích người dân sản xuất chàm như một nguồn kinh tế quan trọng, đồng thời tích cực cải thiện chất lượng sản phẩm. Đến giữa thời Edo, thuốc nhuộm chàm bắt đầu được sản xuất hàng loạt khi vải bông trở nên phổ biến khắp cả nước.
Hơn nữa, những cải tiến trong kỹ thuật sản xuất của Inubushi Kyusuke – một nông dân trồng chàm ở Shimonosho, quận Itano, đã giúp tạo ra thứ thuốc nhuộm chàm chất lượng cao, khiến Awa Ai được biết đến với cái tên “hon-ai” (chàm chính phẩm). Danh tiếng của Awa Ai lan rộng và gần như trở thành hàng hóa độc quyền, giúp những nhà buôn chàm trong vùng kiếm được lợi nhuận khổng lồ. Điều này đã tạo nên sự thịnh vượng của Tokushima về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa.
Sau năm 1903 (năm Minh Trị 36) - đỉnh cao của doanh số bán bột chàm Awa Ai, sản lượng có sự sụt giảm do phải cạnh tranh với thuốc nhuộm giá rẻ được nhập khẩu từ nước ngoài.
Ngày nay, diện tích trồng chàm ở Tokushima đã giảm xuống còn chưa đến 1% so với thời kỳ đỉnh cao và chỉ một số ít nông dân tham gia vào việc trồng chàm, bởi đây là công việc tốn nhiều công sức. Tuy vậy chàm vẫn tiếp tục được trồng ở vùng trung và hạ lưu sông Yoshino và thuốc nhuộm chàm vẫn được sản xuất. Kỹ thuật nhuộm chàm với Awa Ai vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ tại một số xưởng nhuộm trong tỉnh.
Những năm gần đây, khi nhận thức về tính bền vững trong thời trang dần lan rộng, đã có nhiều sự quan tâm hơn dành cho những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên với chất lượng và độ bền cao. Đây có thể là một dấu hiệu tích cực cho văn hóa Awa Ai truyền thống, vốn đang gặp khó khăn khi tìm kiếm thế hệ kế thừa, tiếp nối.
Màu chàm được tạo ra như thế nào?
Để có được sắc xanh Nhật Bản trên vải, tổng cộng sẽ có ba công đoạn chính: (1) Trồng và thu hoạch chàm; (2) Làm bột chàm (sukumo) và cuối cùng là (3) Nhuộm. Để chiết xuất sắc tố xanh và bảo quản chúng, lá chàm được lên men và chế biến thành sukumo, sau đó sukumo được sử dụng để tạo ra chất lỏng dùng cho nhuộm. Tổng cộng mất gần một năm để sản xuất ra Awa Ai.
Về cơ bản, công việc được phân chia cho hai nhóm: Aishi (藍師– Lam Sư) và Someshi (染師 – Nhiễm Sư). Aishi trồng cây chàm trên đồng và làm bột chàm, còn Someshi mua bột chàm từ họ để thiết kế mẫu và nhuộm sản phẩm.
Trồng và thu hoạch chàm
Có nhiều giống chàm và chúng đã được sử dụng làm nguyên liệu để nhuộm trên khắp thế giới từ thời cổ đại.
Ở Nhật Bản, người ta sử dụng một số loại như chàm Ryukyu, có nguồn gốc từ vùng Assam ở Ấn Độ đi qua vùng Vân Nam ở Trung Quốc, hay cây Tade Ai có nguồn gốc từ Đông Nam Á, cũng đi qua Trung Quốc. Tade Ai cũng là giống chàm được trồng tại tỉnh Tokushima.
Cây giống chàm được trồng vào tháng 3, và đến khoảng tháng 6, cây đạt chiều cao từ 50-60cm thì đã sẵn sàng để thu hoạch. Vụ thu hoạch chàm bắt đầu vào đầu hè, trong đó vụ đầu tiên được gọi là "Ichiban Gari". Sau khi lá chàm mọc lại, vụ thu hoạch thứ hai "Niban Gari" có thể được tiến hành.
Cây chàm được cắt chừa khoảng 10cm từ gốc. Phần gốc vẫn để nguyên để cây ra hoa và kết hạt, dùng cho mùa vụ sau.
Làm bột chàm (sukumo)
Lá thu hoạch xong sẽ được chuyển ngay từ cánh đồng đến khu vườn nhà của Aishi. Tiếp đến lá chàm được đưa vào máy cắt, sau đó phơi khô hoàn toàn dưới ánh nắng mặt trời và cất vào kho. Quá trình này được gọi là "aikonashi".
Vào tháng 9, lá chàm sẽ được đặt chất đống trong một căn phòng gọi là “nedoko”, sau đó các Aishi sẽ rắc nước lên lá, trộn đều để thúc đẩy quá trình lên men, lặp đi lặp lại các bước này trong suốt thời gian từ mùa thu đến mùa đông.
Nhiệt độ lên men của lá chàm cuối cùng vượt quá 60 độ C, và nedoko khi đó tràn ngập hơi nước, không khí ấm áp cùng mùi lên men hăng nồng. Nhiệt độ và mùi là hai yếu tố để xác định mức độ hoàn thiện của sukumo.
Sau đó, vào khoảng thời gian của đợt sương giá đầu tiên, lá chàm được lên men trở nên giống như những cục đất đen, và bột chàm gọi là “sukumo - 蒅” chứa sắc tố chàm đậm đặc khi ấy được hoàn thành.
Sukumo chứa sắc tố chàm nhưng nó không tan trong nước và không thể dùng để nhuộm ngay. Đầu tiên, các thợ nhuộm (Someshi) sẽ phải trộn sukumo với các chất kiềm như vôi và tro trong một thùng chứa và lên men trong một tuần để làm cho sắc tố chàm trở nên tan trong nước.
Sau đó, vải được nhúng nhiều lần vào bồn nhuộm chàm rồi tiếp xúc với không khí để lên màu. Quá trình nhúng và oxy hóa này được lặp lại nhiều lần để đạt được sắc độ màu mong muốn, càng nhuộm nhiều lần thì màu xanh càng đậm hơn, tiến gần đến màu đen.
Các kỹ thuật truyền thống của “aizome – 藍染” hay nhuộm chàm tại Nhật Bản đã được thực hành và phát triển trong một thời gian dài. Có rất nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo nên kết quả khác nhau.
Hành trình khám phá di sản Awa Ai ở Tokushima
Nếu là người đam mê sắc chàm bí ẩn và kỹ thuật nhuộm tự nhiên, thì dưới đây là một số địa điểm mà bạn không thể bỏ qua khi đến với vùng đất của chàm.
Dinh thự chàm (Ai-yashiki)
Ở phía Bắc của tỉnh Tokushima ngày nay vẫn còn nhiều toà nhà bằng đá trông giống như những tòa thành, chúng được gọi là “Ai-yashiki” (dinh thự chàm). Không chỉ từng là nơi sinh sống của các Aishi và các thương nhân chàm (Ai-shonin) mà đây còn là nơi sukumo được sản xuất.
Những thương nhân trở nên giàu có nhờ vào kinh doanh chàm đã xây dựng nên dinh thự rộng lớn, sang trọng để tạo uy tín trước những thương gia từ khắp cả nước đến mua sukumo. Các cuộc gặp mặt, trao đổi giữa hai bên diễn ra trong dinh thự này, do đó trong mọi Ai-yashiki đều có trà thất và phòng trải chiếu tatami để tiếp khách.
Một trong số các Ai-yashiki là dinh thự của gia tộc Takechi, tọa lạc trên đồng bằng Ishii-cho ở bờ nam sông Yoshino. Các tòa nhà của dinh thự hiện tại được xây dựng trong vòng 25 năm, từ năm 1851 đến năm 1876.
Dinh thự có cấu trúc độc đáo với tòa nhà chính được bao quanh bởi các cơ sở sản xuất và nhà kho, cùng bức tường đá cao được dựng lên từ những tảng đá xanh thu thập tại tỉnh Tokushima. Vẻ ngoài trang nghiêm của tòa nhà chính được ca tụng, và cũng minh chứng cho sự giàu có của các thương nhân chàm trước đây.
Địa chỉ: 133 Takagawara Tenjin, Ishii-cho, Meishi-gun, Tokushima
*Lưu ý đây là tư gia nên du khách chỉ có thể tham quan bên ngoài.
Bảo tàng Ai no Yakata
Nơi đây vốn là dinh thự cũ của nhà Okumura, cũng là một thương nhân chàm lớn. Dinh thự gồm 13 tòa nhà đã được trưởng tộc thứ 11 trao tặng cho thị trấn Aizumi, sau đó được cải tạo thành một bảo tàng và mở cửa từ năm 1989.
Tại đây du khách có thể tìm hiểu về lịch sử của chàm, các công cụ dùng để trồng và chế biến chàm, tham quan dinh thự của một thương gia buôn chàm lớn từ thời Edo.
Địa chỉ: 172 Maesunishi, Tokumei, Aizumi-cho, Itano-gun, Tokushima
Thời gian hoạt động: 9:00 – 17:00 (đóng cửa vào thứ Ba, các ngày 29/12-3/1)
Nagao Orifu LLC là một doanh nghiệp về chàm có trụ sở tại thị trấn Kokufu. Được thành lập vào năm 1891, nhà máy này vừa sản xuất, bán thuốc nhuộm chàm và cả Awa-shijiraori – một loại vải dệt truyền thống của vùng Awa. Ngoài yukata, họ còn sản xuất và bán nhiều mặt hàng phù hợp với lối sống hiện đại như áo sơ mi và đồ nội thất, trang trí.
Ngoài việc mua sắm tại cửa hàng, du khách còn có cơ hội trải nghiệm nhuộm chàm và tham quan nhà máy (yêu cầu đặt chỗ trước).
Thời gian hoạt động: 09:00 – 16:00 (đóng cửa thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ)
Đây là một xưởng nhuộm với phong cách trẻ trung, hiện đại tọa lạc bên bờ biển ở Kaiyo-cho, phía nam tỉnh Tokushima. Nơi đây trưng bày các tác phẩm được tạo ra bởi sự hợp tác với các nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh, cũng như các sản phẩm nhuộm của xưởng được làm bằng vải tự nhiên như cotton, lanh.
Tất nhiên, bạn cũng có thể trải nghiệm nhuộm chàm (nhớ lưu ý đặt trước), hoặc dành thời gian thư giãn giữa tiếng sóng cùng làn gió biển mát lành tại quán cà phê/spa ở đây.
Địa chỉ: 216-3 Matsubara, Shishikuiura, Kaiyo-cho, Ama-gun, Tokushima
Số điện thoại: 0884-70-1488
Thời gian hoạt động: thứ Hai - thứ Sáu từ 11:00-17:00, thứ Bảy & Chủ nhật từ 9:00 sáng đến hoàng hôn. Đóng cửa vào thứ Ba.
Với lịch sử kéo dài hàng trăm năm, Japan Blue vẫn không ngừng truyền cảm hứng và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống hiện đại, đơn cử như trong thiết kế logo màu xanh chàm của Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020. Thuốc nhuộm tổng hợp cùng quá trình công nghiệp hóa là một mối đe dọa đến việc sản xuất chàm ở Tokushima, nhưng bất chấp điều này, sắc chàm đã và đang liên tục được phát triển và không ngừng lan tỏa ra thế giới.