eMagazine
0%

Miyazaki được mệnh danh là nơi khai sinh ra lịch sử nước Nhật. Có lẽ vì thế mà những địa danh tại đây “khoác” lên mình câu chuyện thần thoại đầy huyền bí về các vị thần. Đến Miyazaki, bạn đừng quên ghé thăm những địa điểm dưới đây để cầu nguyện cho mọi sự may lành trong cuộc sống.

Hang động Amano Yasukawara

Cách trung tâm Takachiho, tỉnh Miyazaki khoảng 10km, đền Amano Iwato được xây dựng gần hang động nơi nữ thần mặt trời Amaterasu được cho là đã ẩn náu. Từ trung tâm đền, đi bộ một đoạn ngắn trên con đường hướng ra phía bờ sông, bạn sẽ nhìn thấy những đống đá được xếp chồng lên nhau. Đây được tạo nên bởi bàn tay của những du khách nhằm đánh dấu chuyến hành hương của mình.

Nữ thần mặt trời Amaterasu.
Nữ thần mặt trời Amaterasu. Ảnh: Wikipedia

Cuối con đường là hang động Amano Yasukawara nơi các vị thần gặp nhau để tìm cách cho nữ thần Amaterasu ra khỏi nơi ẩn náu.

Theo truyền thuyết, thần Izanagi và Izanami đã tạo ra các hòn đảo của Nhật Bản cùng với vô số đứa con thần thánh: Thần mặt trời Amaterasu; Thần mặt trăng Tsukuyomi-no-Mikoto; Thần bão Susanoo-no-Mikoto; Thần lửa Hi-no-Kagutsuchi…

Amano Iwato

Lúc này trái đất bắt đầu hỗn loạn, các vị thần nỗ lực tìm cách để thuyết phục Amaterasu ra khỏi hang nhưng vô ích. Cuối cùng, các vị thần nghĩ ra phương án tổ chức một bữa tiệc hoành tráng để dụ bà ra ngoài.

Bằng cách đặt những viên ngọc và một tấm gương trước hang động, rồi bắt đầu chơi nhạc và khiêu vũ. Tâm điểm của bữa tiệc là Ame-no-Uzume - nữ thần bình minh, thể hiện một màn trình diễn lôi cuốn và thú vị đến mức tất cả các vị thần đều phải bật cười và hò reo. Tò mò về âm thanh của lễ hội, nữ thần mặt trời ló ra khỏi hang và sửng sốt khi nhìn thấy hình ảnh phản chiếu chói lóa của chính mình.

Chớp lấy thời cơ, Ame-no-Tajikarao - vị thần nổi tiếng với sức mạnh của mình, đã nhanh chóng đẩy tảng đá ra khỏi hang và kéo Amaterasu ra ngoài, mang ánh sáng trở lại thế giới.

Amano Iwato

Đền Kushifuru

Đền Kushifuru tọa lạc tại Takachiho, tỉnh Miyazaki, nên bạn có thể kết hợp cùng chuyến tham quan đến đền thờ Amano Iwato.

Nơi đây thờ thần Ninigi no Mikoto, hay còn được gọi với cái tên Ninigi. Ông là cháu trai của thần mặt trời Amaterasu Omikami, được nữ thần yêu cầu xuống hạ giới để gìn giữ sự bình yên cho trái đất.

Tượng Ninigi-no-mikoto tại Kunimigaoka.
Tượng Ninigi-no-mikoto tại Kunimigaoka. Ảnh: Takachiho-kanko
Tượng Ninigi-no-mikoto tại Kunimigaoka.
Tượng Ninigi-no-mikoto tại Kunimigaoka. Ảnh: Takachiho-kanko

Đi cùng với đám rước của các vị thần, Ninigi đã đến Takachiho-no-Kushifurutake, được cho là thị trấn Takachiho ngày nay, để chấm dứt thời kỳ hỗn loạn, việc này được ghi chép trong Nihon Shoki và Kojiki. Thiên hoàng Jimmu – Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản, là hậu duệ của thần Ninigi.

Nếu là một người yêu thích văn hóa Nhật, có lẽ bạn sẽ biết đến “Tam chủng thần khí” – đại diện cho Hoàng gia Nhật, đây là những báu vật được mang xuống hạ giới bởi thần Ninigi.

Vào năm 1694, đền Kushifuru thờ thần Ninigi cùng các vị thần khác đã được xây dựng trên ngọn núi linh thiêng Kushifuru – được cho là nơi các vị thần hạ giới.

Đền Kushifuru.
Đền Kushifuru. Ảnh: Takachiho-kanko

Đến với ngôi đền, bạn đừng quên chiêm ngưỡng những tác phẩm trạm trổ rồng, phượng công phu bởi các nghệ nhân của thế kỷ XVII và XVIII. Dù đã được 300 năm nhưng các chi tiết vẫn rất tinh xảo.

Đi bộ xuống con đường ở phía bên phải của khuôn viên đền Kushifuru, bạn sẽ thấy một võ đài đấu vật sumo ở bên phải. Khi xưa, nơi đây được dùng để tổ chức cuộc thi đấu giữa thần Takemikazuchi-no-Mikoto và thần Tateminakata-no-Mikoto vào thời Tenson Korin. Ngày nay, một trận đấu sumo mang tính nghi lễ vẫn được tổ chức hàng năm.

Các chi tiết trạm trổ tỉ mỉ đã trải qua 300 năm.
Các chi tiết trạm trổ tỉ mỉ đã trải qua 300 năm. Ảnh: Takachiho-kanko

Nếu đã đến nơi đây, đừng bỏ qua Takamagahara, nơi được mệnh danh là Địa điểm thờ cúng của Thiên giới. Truyền thuyết kể lại rằng, sau khi xuống trần gian, các vị thần đã đến ngọn đồi này và cầu nguyện. Có lẽ vì thế mà cho đến ngày nay, khu vực này hiện được coi là địa điểm tâm linh nối liền trời và đất, nơi du khách có thể cầu nguyện với những vị thần tại ngôi đền nhỏ tại đây.

Takamagahara địa điểm thờ cúng của thiên giới.

Đền Aoshima

Trong thần thoại Nhật Bản, tiếp nối câu chuyện nữ thần mặt trời Amaterasu gửi cháu trai Ninigi từ trên trời xuống để cai trị thế giới. Ninigi đã kết hôn với công chúa Konohanasakuya và hạ sinh ba người con. Trong số đó có Yamasachi-hiko - thợ săn bậc thầy và Umisachi-hiko - ngư dân lão luyện.

Yamasachi-hiko và Umisachi-hiko.
Yamasachi-hiko và Umisachi-hiko. Ảnh: Visit Miyazaki

Một ngày nọ, Yamasachi-hiko đề xuất hai người trao đổi công cụ một thời gian để tìm hiểu nghề nghiệp của nhau. Yamasachi-hiko bắt đầu câu cá bằng lưỡi câu của anh trai mình, trong khi Umisachi-hiko thử sức với việc săn bắn. Nhưng trong lúc làm việc Yamasachi-hiko đã đánh mất chiếc móc câu và không thể tìm thấy.

Trong phút giây tuyệt vọng, Yamasachi-hiko gặp một ông lão và được hiến kế rằng hãy đến tìm kiếm tại cung điện của thần biển Wadatsumi.

Yamasachi-hiko làm theo và gặp con gái của thần biển - Công chúa Toyotama. Hai người yêu nhau và Wadatsumi chấp thuận mối quan hệ của họ vì dòng dõi thần thánh của Yamasachi-hiko, cuộc hôn nhân của họ tượng trưng cho sự kết hợp giữa đất và biển.

Đền Aoshima.
Đền Aoshima. Ảnh: japanrailandtravel

Thời gian trôi qua, Tamasachi-hiko nhớ lại lý do ban đầu anh ra khơi là để tìm lại lưỡi câu bị mất của anh trai mình. Wadatsumi ra lệnh cho tất cả cá dưới biển tập trung tại cung điện của mình để có thể tìm thấy chiếc lưỡi câu. Tất cả cá đều đến, ngoại trừ cá tráp, được cho là bị thương ở miệng, khi nhìn thấy cá tráp, Yamasachi-hiko nhận ra đây là lưỡi câu của anh trai. Anh quyết định quay trở về đất liền để gửi trả lại lưỡi câu.

Yamasachi-hiko và Toyotama có một con trai, người sau này trở thành cha của Jimmu - vị hoàng đế đầu tiên trong thần thoại của Nhật Bản.

Cổng Torii nằm cạnh bãi đá được mệnh danh là “Ván giặt của quỷ”.
Cổng Torii nằm cạnh bãi đá được mệnh danh là “Ván giặt của quỷ”.

Câu chuyện của Umisachi và Yamasachi được tưởng nhớ tại đền Aoshima, một ngôi đền ven biển được bao quanh bởi thảm thực vật nhiệt đới và nằm dọc theo các bãi đá được mệnh danh là “tấm ván giặt của quỷ”.

Ngôi đền nổi tiếng với những cánh cổng torii màu đỏ thẫm tương phản với màu xanh của đại dương. Mỗi mùa đông, đền Aoshima sẽ tổ chức lễ hội tái hiện sự trở lại của Yamasachi và những người tham gia chỉ mặc khố, lao xuống làn nước lạnh buốt để được các vị thần thanh tẩy.

Lễ hội mùa đông.
Lễ hội mùa đông. Ảnh: Japan.Travel

Theo truyền thuyết tại địa phương, ngôi đền cũng được cho là nơi Yamasachi-hiko và Toyotama lần đầu tiên nhìn thấy nhau. Chính vì thế, Aoshima nổi tiếng với những người mong muốn một cuộc hôn nhân viên mãn và địa điểm nổi tiếng để tổ chức các lễ cưới theo đạo Shinto.

Những thẻ ema chứa đựng lời cầu nguyện về hôn nhân viên mãn.
Những thẻ ema chứa đựng lời cầu nguyện về hôn nhân viên mãn. Ảnh: Japan.Travel

Nhiều cặp vợ chồng từ khắp nơi ở Nhật đều đến thăm ngôi đền. Rải rác quanh đền là những tác phẩm nghệ thuật hình trái tim, những tấm bảng gỗ Ema đầy những lời cầu nguyện của du khách.