eMagazine
0%

Tại xứ Phù Tang, những chiếc đèn lồng làm từ đá mang đến ánh sáng của sự thanh tịnh thiêng liêng.

Chiếc đèn có từ thời xa xưa

Đèn lồng đá hay đèn đá được biết đến với thuật ngữ Ishidoro - 石灯籠 hoặc 石燈篭. Đây là loại đèn truyền thống xuất hiện từ thời cổ đại ở Nhật và là biểu tượng văn hóa mang tính tâm linh cùng tính thẩm mỹ đặc trưng.

Đèn lồng đá có nguồn gốc từ thời nhà Hán tại Trung Quốc cổ đại và được sử dụng trong các ngôi chùa Phật giáo.

Đèn lồng đá Ishidoro trong các khu vườn Nhật Bản.
Đèn lồng đá Ishidoro trong các khu vườn Nhật Bản.
Ảnh: civil-archi.okayama

Trong Thời kỳ Asuka (538-645) khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, nhiều nghệ nhân Hàn Quốc cũng thực hiện chuyến hành trình đến Nhật và định cư tại đây. Hàn Quốc thời điểm đó ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, vì vậy những nghệ nhân này cũng mang theo kiến thức về văn hóa, nghệ thuật và triết lý tôn giáo của Trung Quốc đến Nhật Bản.

Ban đầu Ishidoro được dùng để cúng dường ở những ngôi chùa. Về sau, những chiếc đèn lồng này được đặt dọc theo các lối đi, chiếu sáng không gian linh thiêng trong các ngôi chùa Phật giáo ở Nhật. Tại nhiều ngôi chùa cổ tại Nhật giờ đây vẫn còn lưu giữ những mẫu đèn lồng đá từ thuở sơ khai.

Đèn lồng đá tại đền Kasuga ở Nara.
Đèn lồng đá tại đền Kasuga ở Nara. Ảnh: visitnara

Trong thời kỳ Heian (794-1185), Ishidoro đã bắt đầu xuất hiện trong các đền thờ Shinto. Đến thời kỳ Azuchi-Momoyama (1568-1600), đèn lồng đá trở nên phổ biến trong cảnh quan thế tục, đặc biệt là trong Chaniwa (vườn trà).

Đèn lồng lớn ở chùa Nanzen-ji của Hasegawa Sadanobu I, 1870.
Đèn lồng lớn ở chùa Nanzen-ji của Hasegawa Sadanobu I, 1870. Ảnh: japanobjects

Theo Nakamura Yasushi - nhân viên bảo tồn tại Kyoto National Museum, chiếc đèn lồng cổ nhất còn tồn tại ở Nhật Bản ngày nay là chiếc đèn lồng thời Asuka 1300 năm tuổi tại chùa Taima-ji ở Nara. Chiếc đèn lồng cổ thứ hai có từ cuối Thời đại Heain, và được đặt tên là Yunoki Toro tại Đền Kasuga ở Nara.

Sự thay đổi của Ishidoro
từ xưa đến nay

Điều thú vị là có một sự khác biệt đáng kể giữa đèn lồng đá ngày nay và phiên bản gốc được tìm thấy trước các ngôi chùa Phật giáo, là đèn lồng đá ngày nay có cửa sổ. Khi xưa, đèn lồng đá có một cánh cửa để thắp đèn và một lỗ để khói thoát ra ngoài nhưng không có cửa sổ nên không thể dùng làm vật chiếu sáng. Vậy mục đích ban đầu của Ishidoro là gì?

Ánh sáng của Ishidoro soi sáng con đường.
Ánh sáng của Ishidoro soi sáng con đường. Ảnh: tsushima-net

Theo quan niệm Phật giáo ngọn đèn đang cháy tượng trưng cho ánh sáng giúp con người vượt qua bóng tối. Trong nhiều kinh Phật có đề cập việc dâng đèn cho Đức Phật là đức hạnh, vì vậy, những chiếc đèn lồng trước các ngôi chùa và đền thờ Nhật Bản được sử dụng như vật phẩm tượng trưng hoặc để tưởng nhớ Đức Phật, nên ngọn lửa trong đèn lồng cũng được xem là lửa thiêng.

Chùa Zenkoji.
Chùa Zenkoji. Ảnh: go-nagano

Theo thời gian, đèn lồng đá của các ngôi chùa đã phát triển thêm cửa sổ để chiếu sáng các lối đi. Vào thế kỷ 13, chúng được các đền thờ Thần đạo áp dụng cho cùng mục đích. Những chiếc đèn lồng đá đầu tiên được thắp sáng bằng một bấc nổi trong một bát nhỏ dầu mè. Ngày nay, đèn lồng đá là một yếu tố quan trọng trong thiết kế sân vườn Nhật Bản.

Các loại đèn lồng đá

Ishidoro có sự đa dạng, phong phú về mẫu mã, kích thước. Mỗi loại đèn đều có nét đặc sắc riêng, tiêu biểu gồm:

Ảnh: ko-saka
1

Tachi-doro (立ち灯籠)

Đèn lồng bệ: Đây là loại đèn phổ biến nhất, thường có thiết kế cao, thanh mảnh, hộp lửa được trang trí bằng các hình chạm khắc hình con nai, hoa mẫu đơn… Một số loại phụ của phong cách này có thể kể đến như: Kasuga-doro (春日灯籠), Yunoki-doro (柚ノ木灯篭).

Ảnh: tokanen
2

Ikekomi-doro (活け込み燈籠)

Hay đèn lồng chôn: Theo đúng tên gọi, loại đèn này có phần trụ được cắm thẳng xuống đất. Kích thước của Ikekomi-doro sẽ nhỏ hơn Tachi-doro, nên thích hợp sử dụng dọc theo các lối đi. Một số phong cách phụ: Oribe-doro (織部灯籠); Kirishitan-doro (キリシタン灯籠); Mizubotaru-doro (水蛍燈籠).

Ảnh: sugitasekizai
3

Oki-doro (置き燈籠)

Đèn lồng di động: Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì Oki-doro không được đặt cố định, có thể dời và đặt ở bất kì đâu.

Ảnh: zh-tw.photo-ac
4

Yukimi-doro (雪見燈籠)

Đèn lồng có chân: Thông thường loại đèn này sẽ thấp và có chân cong.

Ảnh: sugitasekizai
5

Nozura-doro (野面灯籠)

Là những chiếc đèn lồng được làm bằng đá thô, chưa được mài góc cạnh và đánh bóng.

Cấu trúc của Ishidoro

Hầu hết đèn lồng đá đều có cấu trúc cơ bản tương tự nhau,tượng trưng cho những yếu tố của Phật giáo:

Cấu trúc của Ishidoro
Cấu trúc của Ishidoro

Biểu tượng và ý nghĩa
văn hóa của Ishidoro

Ishidoro không chỉ là vật trang trí mà còn là một biểu tượng văn hóa truyền thống ẩn chứa nhiều giá trị linh thiêng.

Trong Phật giáo, Ishidoro biểu thị cho sự soi sáng giáo lý của Đức Phật, dẫn dắt tín đồ vượt qua bóng tối. Cấu trúc của đèn thể hiện cho 5 năm yếu tố: đất, nước, lửa, gió và không khí.

Ánh sáng của Ishidoro dẫn đường cho linh hồn tổ tiên trở về dương gian.
Ánh sáng của Ishidoro dẫn đường cho linh hồn tổ tiên trở về dương gian. Ảnh: Pinterest

Còn trong thần đạo Shinto, đèn lồng đá đóng vai trò như Yorishiro - vật thể có khả năng thu hút các linh hồn. Chính vì thế trong lễ Obon, Ishidoro thường được thắp sáng quanh lối đi để thực hiện nghi lễ dẫn đường cho linh hồn của tổ tiên trở lại dương gian.

Ishidoro được xem là tượng trưng cho cánh cửa dẫn vào nơi thiêng liêng. Khi đèn lồng đá đặt tại các khu vườn trà sẽ tạo cảm giác mở ra hành trình từ thế giới thường nhật đến không gian yên tĩnh của trà đạo.

Ứng dụng Ishidoro trong
không gian kiến trúc

Đèn lồng đá là đồ vật không thể thiếu trong các khu vườn kiểu Nhật, đặc biệt là Karesansui (vườn thiền) và Tsukiyama (vườn cảnh quan).

Đèn thường được đặt quanh lối đi, bên cạnh hồ nước hay dưới gốc cây, hoặc gần các bậc đá và cầu để tăng thêm tính thẩm mỹ thanh bình, tinh tế cho cảnh quan.

Khu vườn Kenroku-en nổi tiếng ở Kyoto có một chiếc đèn lồng bằng đá đặc biệt mang tính biểu tượng gọi là Kotoji-toro. Đèn có hai chân, đặt gần ao và trở thành biểu tượng của khu vườn, thường xuất hiện trong các bức ảnh và tác phẩm nghệ thuật mô tả về Kenroku-en.

Đèn lồng đá tại vườn Kenroku-en.
Đèn lồng đá tại vườn Kenroku-en. Ảnh: Japan Guide

Từ xưa đến nay, Ishidoro thường được tìm thấy ở lối vào đền thờ và ngôi chùa Phật giáo. Những chiếc đèn xếp dọc theo lối đi dẫn đến điện thờ chính, mang đến bầu không khí tôn nghiêm, kết nối con người với thần linh.

Ngoài ra, hiện nay Ishidoro còn được đặt trong không gian kiến trúc của các khu nghỉ dưỡng, spa hay nhà hàng, quán cà phê mang phong cách Á Đông thiên về văn hóa thiền định ở Nhật.

Ishidoro cũng được đặt trong các công viên và khu triển lãm nghệ thuật mang chủ đề về tôn giáo Nhật Bản, được xem như một di sản văn hóa mang đến cảm giác bình yên, thanh lọc tâm hồn của chúng sinh.

Nghề làm đèn lồng đá

Làm Ishidoro là một nghề thủ công lâu đời tại Nhật, đòi hỏi ở người thợ kỹ năng tay nghề cao cùng sự kiên nhẫn, tầm hiểu biết sâu sắc về vật liệu và ý nghĩa văn hóa lịch sử của đèn lồng đá.

Quá trình hoàn thiện một Ishidoro bao gồm các bước sau:

  • Lựa chọn đá: Người thợ sẽ chọn loại đá đáp ứng về độ bền, màu sắc và đường vân. Đá được chọn thường là loại nguyên khối, chất lượng cao. Sau khi đá được chọn, nó được chia thành sáu phần: một phần hình viên ngọc để đặt trên cùng, chụp đèn, hộp lửa, bệ trung tâm, bệ trụ và bệ đế, mỗi phần đều được đánh dấu bằng mực. Sau đó, chúng được cắt thô bằng tay và được chạm khắc bằng đục và búa.
  • Tạo hình: Người thợ sẽ dùng đục và búa để tạo hình dạng cơ bản cho các phần của chiếc đèn.
  • Chạm khắc: Sau khi định hình về hình dáng của đèn thì người thợ sẽ thiết kế các hoa văn trang trí của từng phần và chạm khắc chúng một cách tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết.
  • Hoàn thiện bề mặt: Từng phần của đèn sẽ được đánh bóng, làm nhẵn bề mặt.
  • Lắp ráp: Các thành phần riêng lẻ được nối lại với nhau để tạo thành chiếc đèn lồng đá hoàn chỉnh.
Thợ đang làm phần đế của đèn lồng.
Thợ đang làm phần đế của đèn lồng. Ảnh: sugitasekizai.livedoor

Có một điều thú vị là nhiều người thợ thường cố tình làm cho đèn trông cổ xưa, mang nét cổ kính hoài cổ bằng cách chôn đèn vừa mới tạo dưới chân núi trong khoảng thời gian dài đến mức mọc rêu bao quanh.

Trong lịch sử, nơi sản xuất đèn lồng đá lừng danh ở Nhật là vùng Okazaki, thuộc tỉnh Aichi. Nghề làm đèn đá ở đây đã được chính phủ Nhật công nhận là nghề thủ công truyền thống cần được bảo tồn kể từ năm 1979.

Ishidoro được xem là Di sản văn hóa, là hiện vật mang tính lịch sử gắn liền với tôn giáo, kiến trúc vườn tược, mang đến tính thẩm mỹ theo khuynh hướng “wabi-sabi” của Nhật Bản.