"Đừng lãng mạn hóa Nhật Bản!”

    Đó là lời nhắn nhủ từ một TikToker nước ngoài đã có nhiều năm sinh sống tại Nhật Bản. Có lẽ không như tưởng tượng của nhiều người, đất nước Mặt trời mọc cũng tồn tại những góc khuất về cuộc sống, xã hội có thể khiến chúng ta cảm thấy phũ phàng.

    Anime và manga, điện ảnh và truyền hình đã mang đến cho chúng ta cảm nhận về một xứ sở hoa anh đào đẹp đẽ, kỳ lạ với những bản sắc văn hóa độc đáo. Cũng từ đây mà ngày càng nhiều người yêu mến nước Nhật, xứ Phù Tang trở thành điểm đến trong mơ với nhiều bạn bè quốc tế. 

    xứ sở hoa anh đào xinh đẹp qua các sản phẩm giải trí

    Những sản phẩm giải trí khiến ta mường tượng về một Nhật Bản xinh đẹp. Ảnh: forums.unrealengine.com

    Điều này không sai. Tuy nhiên, giống như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, Nhật Bản có thể không đẹp như những gì mà chúng ta từng nghĩ và mong đợi. Và TikToker @ashleyinjapan - người đã từng sinh sống nhiều năm tại Tokyo đã nhận ra những góc khuất trong cuộc sống thường ngày của người Nhật.

    Theo cô, không nơi nào trên thế giới là hoàn hảo, kể cả Nhật Bản và dưới đây là những thực trạng tàn nhẫn mà bản thân Ashley đã trải qua tại đất nước mặt trời mọc.

    Bất bình đẳng giới và vấn nạn quấy rối phụ nữ nơi công cộng

    Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, vào năm 2022, Nhật Bản đứng thứ 116 trên 146 quốc gia trong bảng xếp hạng khoảng cách giới. Ở Nhật, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn hiện hữu và khó có thể xóa bỏ.

    Quốc gia này vẫn còn giữ quan niệm đàn ông làm việc còn đàn bà ở nhà lo việc nội trợ, chăm sóc chồng con. Nhiều phụ nữ Nhật Bản phải từ bỏ công việc hoặc không có cơ hội thăng tiến nếu sinh con. Còn trong công việc, phụ nữ phải nhận về sự thiệt thòi khi mức thu nhập nhận được lại thấp hơn nam giới, bất kể năng suất lao động.

    bất bình đăng giới ở nhật
     Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn hiện hữu trong xã hội Nhật Bản. Ảnh: forzastyle.com

    Bên cạnh đó, vấn nạn quấy rối nữ giới vẫn còn phổ biến ở Nhật, đặc biệt tình trạng này thường diễn ra trên các phương tiện giao thông công cộng.

    Hiện nay đã có nhiều biện pháp ngăn ngừa Chikan - những kẻ sàm sỡ hoặc biến thái. Như xuất hiện những chuyến tàu có toa "chỉ dành cho phụ nữ" trong một số giờ cao điểm nhất định vào buổi sáng và buổi tối. Hay điện thoại tại Nhật đều được lập trình để phát ra âm thanh khi chụp ảnh, dù đang trong chế độ im lặng. Điều này giúp những người xung quanh nhận biết được rằng có thể có hành vi Chikan nào đó đang diễn ra.

    vấn nạn quay lén phụ nữ ở nhật
    Những kẻ quay lén phụ nữ ở nơi công cộng. Ảnh: asiaone.com

    Tuy nhiên, những kẻ quấy rối vẫn lộng hành vì sự thờ ơ từ những người xung quanh và đa số phụ nữ Nhật cũng không muốn thừa nhận họ là nạn nhân. Ashley chia sẻ mẹ cô từng là nạn nhân của việc bị quấy rối khi đi trên một chuyến tàu ở Tokyo. Điều khiến bà cảm thấy khó hiểu là đám đông trên tàu đã cố gắng lùi ra xa khi bà bắt tại trận hành vi sàm sỡ của tên Chikan đó. 

    Mọi người ngoảnh mặt đi và tránh xa tình huống này vì văn hóa tại Nhật là không xen vào việc của người khác và giữ im lặng. Điều này khiến vấn nạn Chikan vẫn cứ diễn ra mỗi ngày, thậm chí nhiều người còn cho đó là điều bình thường.

    Xem thêm: Bất bình đẳng giới tại Nhật vì sao vẫn còn là vấn đề nhức nhối?

    Tách biệt hoàn toàn với xã hội 

    Khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng vì áp lực công việc, bị bắt nạt hay gặp thất bại thì việc muốn ở một mình được coi là bình thường để giảm stress, tìm lại chính bản thân. Tuy nhiên, tại Nhật có những người sống cuộc đời một mình và tách biệt khỏi xã hội đến mức cực đoan, đó chính là hội chứng Hikikomori. Vậy Hikikomori là gì? Là chỉ những người tự giam mình trong nhà và không giao tiếp với bất kỳ ai ngoài gia đình liên tục trong vòng sáu tháng trở lên.

    hikimomori
    "Hikikomori" - căn bệnh của xã hội Nhật Bản hiện đại. Ảnh: px3.fr

    Hikikomori được cho là “căn bệnh” của xã hội hiện đại, vấn nạn hiện đang ngày càng phổ biến trong xã hội Nhật. Ước tính có hơn 1,15 triệu Hikikomori và con số này cứ dần tăng lên, trong đó có đến 20% người hoàn toàn tách biệt khỏi cộng đồng từ 3 - 5 năm.

    Sau sự bùng nổ kinh tế vào những năm 80, nhiều thanh niên đau khổ vì không đạt được mục tiêu đã đề ra, không thể đáp ứng với mong mỏi, nhu cầu của cha mẹ. Những năm sau đó họ cảm thấy xấu hổ và áp lực rồi ảnh hưởng đến tâm lý và khép mình lại. 

    Ngày nay, Hikikomori được cho là phản ánh mức độ ảnh hưởng nặng nề của các tiêu chuẩn xã hội tại Nhật đối với những người dễ bị tổn thương, không phù hợp với khuôn mẫu của những gì hoàn hảo hoặc bình thường theo quan điểm từ cộng đồng.

    [subscribe]

    Phân biệt chủng tộc

    Ở xứ Phù Tang, tồn tại quan điểm Nhật Bản là một quốc gia đồng nhất, không bị lai tạp bởi bất kỳ một chủng tộc nào khác. Vì vậy khi những người nước ngoài di cư đến sinh sống đã vấp phải sự kỳ thị, ghét bỏ với chính sách “bài ngoại”.

    Trong tiếng Nhật, có một thuật ngữ chỉ con lai giữa Nhật Bản và quốc gia khác là "Hafu - ハーフ", bắt nguồn từ chữ "Half" của tiếng Anh. Thuật ngữ này đã có từ những năm 70, và việc đối xử với Hafu thường liên quan đến màu da. Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Kazuo Mori thuộc trường Đại học Matsumoto, người Nhật có sự thiên vị với người nước ngoài da trắng hơn, còn với người da vàng hay da đen lại e ngại, lo sợ hơn khi tiếp xúc.

    Những đứa con lai thường bị phân biệt đối xử khi có cha hoặc mẹ là người da màu. Naomi Osaka chẳng hạn, cô có cha là người Haiti và mẹ là người Nhật nên dù là một vận động viên quần vợt nổi tiếng, cô vẫn là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc.

    Naomi từng vô địch Úc Mở rộng năm 2019, là tay vợt châu Á đầu tiên đứng số 1 thế giới. Tuy nhiên, cô từng bị chính người Nhật phân biệt chủng tộc, bị tấn công mạng mỗi khi thua trận. Naomi không được coi là một “người Nhật Bản đích thực” mỗi khi thua cuộc. 

    tay vợt nữ naomi osaka
    Tay vợt nữ Naomi Osaka bị phân biệt chủng tộc vì là con lai. Ảnh: eluniverso.com

    Lawrence Yoshitaka Shimoji, một nhà nghiên cứu xã hội học tại Đại học Ritsumeikan cho rằng: “Một vận động viên quần vợt thành đạt và nổi tiếng như vậy vẫn chịu sự phân biệt chủng tộc và căm ghét. Vậy hãy nghĩ đến những Hafu bình thường phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc tương tự được dung túng trên mạng xã hội mà không ai biết đến sẽ tồi tệ đến mức nào”.

    Làm việc quá sức được bình thường hóa

    Nếu sang Nhật, bạn sẽ thấy rất nhiều người làm công ăn lương đi làm trên đường, thậm chí có thể thấy họ xuất hiện trong câu lạc bộ hoặc Izakaya.  Nhưng bạn có biết rằng hầu hết những người làm công ăn lương đều làm việc từ 12 -18 giờ/ngày? Đó là lý do tại sao đôi khi bạn có thể thấy họ ngủ trên tàu, trên băng ghế hoặc vỉa hè. Họ đã làm việc mệt mỏi và tranh thủ chợp mắt tại chốn công cộng.

    làm việc quá sức
    Làm việc quá sức được xem là điều bình thường ở Nhật Bản. Ảnh: pexels.com

    Khi họ được thuê với tư cách là một người làm công ăn lương, bạn biết đấy, họ có thể ổn định về tài chính nhưng phải trả giá, đánh đổi nhiều thứ vì cuộc sống mưu sinh. Tại Nhật có quan điểm đàn ông là trụ cột gia đình, lo toan về kinh tế còn phụ nữ ở nhà làm việc nội trợ, chăm sóc con cái.

    Chính vì vậy, để đủ khả năng chi trả các khoản phí sinh hoạt thì nhiều ông chồng đã làm việc trong nhiều giờ, thậm chí quá sức đến chết. Đó là tình trạng tàn khốc vẫn diễn ra tại xứ hoa anh đào. 

    Karoshi - hiện tượng một người làm việc quá sức dẫn đến tử vong không hiếm tại Nhật Bản. Việc làm thêm giờ như thiêu thân được xem là điều hiển nhiên và là nét văn hóa khó từ bỏ trong các doanh nghiệp tại đất nước này. 

    Mỗi năm tại Nhật Bản có tới gần 2.000 ca tử vong có liên quan đến làm việc quá sức với nguyên nhân chủ yếu là do đột quỵ, đau tim, trầm cảm... Ước tính cứ 5 người thì có 1 người lao động nằm trong nhóm có nguy cơ tử vong vì làm việc quá sức.

    Người già chết một mình và bị cô lập 

    Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa, số người cao tuổi ngày càng tăng trong khi tỷ lệ sinh lại giảm đi. Kể từ những năm 90, nhiều người lao động buộc phải nghỉ hưu sớm do tình hình kinh tế khủng hoảng, họ không kết hôn hoặc không có con và bị xã hội cô lập hay tự cô lập mình. Những người này sau khi qua đời còn phải đối mặt với "cái chết cô đơn" - Kodokushi.

    kodokushi
    Căn hộ của những cái chết cô độc. Ảnh: quora.com

    Khái niệm Kodokushi đã xuất hiện từ thập niên 70, từ này dùng để chỉ những người tử vong tại nơi cư trú mà phải mất một thời gian dài mới được phát hiện. Mặc dù được đề cập từ khá sớm nhưng Kodokushi không được xã hội và chính quyền Nhật Bản quan tâm. Đến năm 2000, những cái chết cô đơn mới thực sự được chú ý khi truyền thông quốc gia đưa tin về việc một ông lão 69 tuổi qua đời tại nhà thuê từ 3 năm trước mà không ai hay biết. 

    Trong suốt 3 năm này, tiền thuê nhà và điện nước được trừ tự động thông qua tài khoản ngân hàng của người đã mất. Đến khi tài khoản hết tiền, nhân viên đến nhà để thu tiền mới phát hiện ra thi thể của ông lão chỉ còn lại bộ xương.

    Hiện tượng Kodokushi ngày càng có chiều hướng tăng trong xã hội nước Nhật. Masaki Ichinose - người đứng đầu Viện nghiên cứu Sự sống và Cái chết cho rằng Kodokushi chính là hệ quả của lối sống lạnh nhạt, thờ ơ của người Nhật hiện đại với quan niệm xem cái chết của người khác không phải chuyện của mình. Ngoài ra, lối sống cô lập với xã hội cũng khiến Kodokushi vẫn còn tồn tại mãi và gây nhức nhối cho xã hội Nhật Bản.

    Ngày nay, các chiến dịch và phong trào nâng cao nhận thức về Kodokushi đã được phát động thực hiện, chương trình kiểm tra sức khỏe, quan tâm đến chất lượng sống của người cao tuổi cũng đã được tiến hành. Ngoài ra, có rất nhiều đội dọn dẹp đã giúp dọn những căn phòng Kodokushi, thu thập những kỷ vật của người đã mất.

    Xem thêm: Kodokushi - cái chết cô độc trong xã hội Nhật Bản ngày nay

    Không phải nơi đâu cũng sạch sẽ 

    Nhật Bản rất sạch sẽ vì đất nước này theo quan điểm của Thần đạo - đề cao sự sạch sẽ. Người theo Thần đạo tin rằng sạch sẽ là biểu tượng cho sự trong sạch. Người Nhật ngay từ bé đã được giáo dục về việc có trách nhiệm với môi trường, phải tự tay dọn dẹp, giữ gìn sự trong lành cho không gian sống. Do đó du khách rất hiếm khi tìm thấy rác hoặc bã kẹo cao su vứt lung tung trên các con đường, khu phố. 

    Tuy nhiên, quan điểm cho rằng Nhật Bản hoàn hảo trong việc sạch sẽ hoàn toàn là không đúng. 

    đường phố nhật bản không hoàn toàn sạch sẽ
    Ở Nhật vẫn có những con phố nhếch nhác. Ảnh: The News Lens

    Ashley đã trông thấy vẫn có những khu phố, ngóc ngách, bức tường đầy hình vẽ bậy, bã kẹo cao su vứt trên mặt đất, chai lọ vứt lung tung, chất thải ứ đọng trên đường phố. Cô còn thấy có nhiều người say xỉn còn tè bậy trên đường hay xả luôn ở xe taxi hay các phương tiện công cộng...

    Tạm kết

    Bất kỳ xã hội nào cũng tồn tại những mặt tích cực và cả những góc tối không hề đẹp đẽ. Thấu hiểu điều này là việc cần thiết, để không có giấc mơ nào phải tan vỡ khi ta giáp mặt với thực tại. Với những mặt tiêu cực kể trên, nhiều tổ chức xã hội và chính phủ Nhật đang hành động để thay đổi, cải thiện nhằm mang đến một môi trường bình đẳng, công bằng hơn cho tất cả mọi người.

    kilala.vn

    04/03/2023

    Bài: Ái Thương
    Nguồn: Bored Panda

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!