Tại sao đàn ông độc thân ở Nhật lại là những người không hạnh phúc?
Độc thân đang là xu hướng sống mà nhiều người trẻ lựa chọn. Tuy nhiên có vẻ ở xứ Phù Tang, nam giới dường như đang cảm thấy khổ sở với cuộc sống một mình hơn so với nữ giới. Vì sao lại như vậy?
37,8% đàn ông Nhật độc thân không hạnh phúc
Hiện nay, ngày càng có nhiều người Nhật lựa chọn cho mình một cuộc sống độc thân. Biểu đồ từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy số người 50 tuổi không kết hôn đã tăng vọt. Theo thống kê, vào năm 1980, chỉ có 2,1% nam giới trong độ tuổi 50 - 54 chưa kết hôn. Đến năm 2020, con số đó đã tăng vọt lên 26,6%. Ở nữ giới chứng kiến mức tăng nhỏ hơn, từ 4,5% lên 16,5%.

Câu hỏi đặt ra là, khi xu hướng độc thân tăng lên thì những người chọn sống cô độc đến cuối đời có hạnh phúc hay không?
Trong một bài viết gần đây, Maita Toshihiko của tờ Newsweek Japan đã trích dẫn dữ liệu từ Khảo sát giá trị thế giới (WVS) được thu thập từ nhiều quốc gia trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2022. Cô thống kê và so sánh chất lượng cuộc sống của những người đàn ông và phụ nữ không hạnh phúc ở 5 nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Đức.
Kết luận là, ngoại trừ tại Hoa Kỳ, nữ giới độc thân nhìn chung sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn so với nam giới độc thân, và những người phụ nữ sống một mình có xu hướng hạnh phúc hơn so với phụ nữ đã lập gia đình.
Riêng thống kê ở nam giới Nhật rất đáng lưu ý khi có tới 37,8% người chưa lập gia đình tự nhận mình không hạnh phúc. Tỷ lệ này lớn nhất so với các nước còn lại được khảo sát. Còn tỷ lệ không hạnh phúc của nam giới đã lập gia đình ở Nhật chỉ ở mức dưới 10%. Có thể thấy tỷ lệ cánh mày râu cảm thấy không hạnh phúc chiếm phần lớn ở người độc thân hơn là những người đã kết hôn.

Xem thêm: "Bocchi": Lối sống đơn độc của người Nhật
Nguyên nhân là gì?
Giải thích lý do cho việc nam giới Nhật không hạnh phúc khi độc thân, Maita Toshihiko đưa ra một số lập luận.
Ông cho rằng đàn ông chưa lập gia đình có xu hướng làm những công việc lương thấp và không đòi hỏi trình độ học vấn cao, vì họ không có gánh nặng phải lo toan kinh tế cho gia đình. Những công việc này khiến địa vị xã hội của nhiều người trở nên thấp hơn và góp phần vào cảm giác không hạnh phúc của họ.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính - theo Maita, nằm ở cấu trúc hôn nhân trong xã hội Nhật Bản. Thông thường khi lập gia đình, phụ nữ sẽ gặp nhiều áp lực hơn so với nam giới. Họ phải chịu trách nhiệm nội trợ, chăm sóc chồng con, lo toan chu toàn cho hai bên nội ngoại, có nhiều trường hợp phải phải từ bỏ công việc sau khi kết hôn dù trái với ý muốn của bản thân. Trong khi đó, nam giới chỉ chịu nghĩa vụ về mặt tài chính và có quyền quyết định trong nhà.
Vì những lý do này, nhiều phụ nữ chọn cuộc sống độc thân hay ly hôn để giải thoát cho bản thân, và họ thường hạnh phúc hơn vì quyết định này. Còn với nam giới Nhật, nếu rơi vào tình trạng ly hôn, họ sẽ có nhiều khả năng tự tử hơn nữ giới. Nhiều người đã quen với cuộc sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của vợ nên có thể rơi vào cảm giác cô đơn, dằn vặt sau khi chia tay.

Ngoài ra một nghiên cứu thực hiện tại Mỹ vào tháng 10/2024 của Elaine Hoan và Geoff MacDonald cũng cho thấy đàn ông độc thân ít hài lòng với cuộc sống của họ hơn so với phụ nữ độc thân. Mức độ hài lòng của phái mạnh giảm sút rõ rệt khi họ ở độ tuổi trung niên, trong khi đa số phái nữ lại hài lòng với quyết định sống một mình đến cuối đời.
Trên thực tế, đàn ông độc thân khao khát một mối quan hệ ổn định hơn, mong muốn tìm thấy bạn đời và có nhu cầu thỏa mãn về mặt tình dục cao hơn so với nữ giới. Họ có xu hướng gặp khó khăn hơn trong việc chăm sóc bản thân, cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc.
Với những lý do này, quan niệm phổ biến cho rằng phụ nữ độc thân là những bà thím buồn bã, trong khi đàn ông độc thân là những chàng trai quyến rũ nay đã bị phá bỏ.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận