"Bocchi": Lối sống đơn độc của người Nhật
Nếu thường xuyên lướt mạng xã hội Nhật Bản, bạn có thể đã từng bắt gặp một vài hashtag có chứa từ "bocchi". Có người sử dụng từ lóng này để bày tỏ nỗi cô đơn, tự giễu cợt mình; cũng có người thể hiện sự vui vẻ và thoải mái với "bocchi". Dường như “bocchi” đang dần trở thành lối sống của một bộ phận người Nhật.
Bocchi là gì?
“Bocchi/ぼっち” là cách viết ngắn gọn của “hitori bocchi/一人ぼっち”, trong đó, từ “hitori/一人” có nghĩa là “một người” còn “bocchi” được cho là bắt nguồn từ từ “houshi/法師” có nghĩa là “thầy tu”.
Trong những năm gần đây tại Nhật Bản, người ta thường sử dụng “bocchi” hay “hitori bocchi” để thể hiện nỗi buồn khi ở một mình. Đôi khi “bocchi” cũng được dùng một cách hài hước, tự trào.
Bạn đã từng nghe qua “kuri bocchi/クリぼっち” chưa? Là sự kết hợp giữa “kurisumasu/クリスマス” (giáng sinh) với “bocchi”, cụm từ này có nghĩa là “giáng sinh một mình”.
Ở Nhật Bản, giáng sinh không phải là dịp lễ truyền thống dành cho gia đình mà là một ngày lãng mạn tương tự như Valentine. Vì vậy, việc tự gọi bản thân là “kuri bocchi” là một cách nhấn mạnh rằng, mình không có “một nửa” để hẹn hò vào đêm Noel.
“Kuri bocchi” thường được nhắc nhiều trong mùa lễ hội cuối năm khi những người Nhật độc thân than thở về việc họ không có người yêu. Mặt khác, cũng có những người hài lòng với việc độc thân, vì vậy họ sử dụng cụm từ này với thông điệp “kuri bocchi wa daijobu/クリぼっちは大丈夫”, nghĩa là “giáng sinh một mình cũng chẳng làm sao”.
Ngoài ra, “bocchi” cũng có thể được biến tấu thành nhiều cách diễn đạt khác, chẳng hạn như “bocchi meshi/ぼっち飯” (ăn một mình), “bocchi ramen/ぼっちラメん” (ăn ramen một mình), “bocchi nomi/ぼっち飲み” (uống rượu một mình)...
Lối sống Bocchi ở Nhật Bản
Ăn tối một mình và tận hưởng kì nghỉ mà không có bạn đồng hành không phải chỉ có ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tại đất nước mặt trời mọc, việc duy trì lối sống đơn độc trở nên dễ dàng hơn nhờ một số yếu tố văn hóa và điều kiện cơ sở hạ tầng.
Tại các thành phố Nhật Bản, những người độc thân thường sống một mình. Việc ở ghép với bạn bè hay người khác không phải là điều phổ biến, và sống cùng người yêu trước khi kết hôn càng ít phổ biến hơn. Ngay cả sinh viên đại học cũng có xu hướng tự tìm căn hộ khi rời khỏi kí túc xá của trường thay vì sống với bạn bè.
Trong khi đó, các loại hình dịch vụ đều có những lựa chọn phù hợp dành cho người “một mình”. Hầu hết các chuỗi nhà hàng đều có chỗ ngồi dành cho một người, trong khi các phòng internet riêng tư và quán cà phê manga chủ yếu dành cho khách đi một mình, còn có các quán bar “hostclub” cung cấp dịch vụ “bầu bạn” - cho phép những người độc thân trả tiền để thuê một nhân viên trò chuyện với mình.
Ngoài ra, các hình thức giải trí khác cũng được thiết kế để thu hút khách hàng đơn độc, ví dụ như thể loại game mô phỏng hẹn hò (cho phép người chơi tán tỉnh một đối tượng ảo) khá được ưa chuộng tại Nhật.
Người nước ngoài và cuộc sống “hitori bocchi” khi ở Nhật
Khi chuyển đến Nhật Bản và bắt đầu một cuộc sống mới, cư dân nước ngoài ít nhiều sẽ trải qua những ngày tháng “hitori bocchi” dù muốn hay không.
Không chỉ ở vùng quê, ngay cả khi sống và làm việc ở các thành phố lớn, những người nước ngoài cũng có thể dễ dàng rơi vào “lối sống bocchi” do các tiện nghi đô thị mang lại.
Mặt khác, vốn tiếng Nhật hạn chế và những khác biệt văn hóa cũng là rào cản đối với không ít người. Tất cả những yếu tố này có thể khiến việc xây dựng các mối quan hệ trong và ngoài công việc trở thành một thách thức.
“Hitori bocchi” có đồng nghĩa với cô đơn?
Một số cụm từ gắn với “bocchi” thường gợi cảm giác cô đơn như “kuri bocchi” (giáng sinh một mình) hay “bocchi tanjoubikai/ぼっち誕生日会” (sinh nhật một mình) nhưng cũng có những cụm từ mang tinh thần tích cực như “bocchi kyanpu/ぼっちキャンプ” (cắm trại một mình).
Hình thức một mình cắm trại, hòa mình vào thiên nhiên này gần đây đã trở thành xu hướng nổi bật, được xem là phương pháp lí tưởng để giảm bớt căng thẳng và áp lực cuộc sống.
Bên cạnh đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện các từ khóa như “bocchi nomori/ぼっちの森” (một mình trong rừng) - tôn vinh sự bình yên khi tìm về với thiên nhiên.
Tất nhiên, một mình làm điều mình thích, một mình tận hưởng cuộc sống là một dạng niềm vui. Và Nhật Bản chắc chắn là đất nước tuyệt vời dành cho những ai muốn thưởng thức ramen một mình, một mình hát “ka” (karaoke) hoặc bất cứ điều gì gắn với “bocchi”.
Tuy nhiên, sự cô đơn vẫn đang là cơn sóng ngầm trong xã hội Nhật Bản. Một mình đắm chìm vào sở thích cá nhân, tận hưởng khoảng thời gian riêng tư quý giá có thể rất vui và lành mạnh. Nhưng nếu đi xa hơn, nó có thể trở thành sự tách biệt với xã hội theo kiểu “hikikomori”, dẫn đễn những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Xem thêm: Ohitorisama: xu hướng thích ở một mình của người Nhật
Nguồn: Gaijinpot
Đăng nhập tài khoản để bình luận