Phân tích lí do tự tử - "quốc nạn" của văn hoá Nhật
Theo thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản năm 2016, xứ sở Mặt trời mọc đã được “nêu danh” trong số 7 quốc gia có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới, đỉnh điểm là 34.427 người đã tự kết liễu đời mình vào năm 2003, mỗi ngày trung bình có 94 người tự tử, cao gấp 3 lần tai nạn giao thông. Treo cổ hoặc đâm đầu vào tàu đang chạy được coi như hình thức tự tử phổ biến nhất tại Nhật.
1. “Karoshi” – chết do làm việc quá sức
Matsuri Takahashi (24 tuổi) - nhân viên của một tập đoàn quảng cáo lớn - đã tự tử do phải làm thêm hơn 100 giờ mỗi tháng. Trong lá thư tuyệt mệnh của mình, cô đã hỏi: “Vì sao mọi thứ phải khó khăn đến vậy?” Không chỉ trường hợp của Takahashi, hiện nay nhiều nhân viên người Nhật chọn cách tự tử với mong muốn thoát khỏi tình trạng kiệt sức do phải làm việc rất nhiều. Những người như vậy được gọi là “Karoshi” – tức là chết do làm việc quá sức. Người Nhật vốn chăm chỉ, tích cực, tự giác và có tinh thần trách nhiệm cao nên đã “bán mạng” cho công việc hiện tại.
Nội bộ các công ty Nhật cũng tồn tại một quy tắc ngầm: “Nhân viên không được về trước sếp.” Đó là một trong số các lý do khiến nhiều người chỉ trở về nhà khi mặt trời vừa ló dạng. Du học sinh Việt Nam và cả nước ngoài tại Nhật dường như bị ấn tượng với các nhân viên văn phòng, bởi: “Họ đi rất nhanh, rất đều nhưng nét mặt, thần thái thì chẳng có.”
2. Bắt nạt ở trường học
Nhật Bản xếp thứ 4 trên thế giới về chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy vậy, bắt nạt và bạo lực học đường còn là vấn đề khiến các nhà chức trách phải đau đầu. Số lượng học sinh ở Nhật tự tử vào ngày khai giảng năm học mới rất lớn.
Khi bị bắt nạt, các em, các bạn không muốn nói với ai, kể cả ba mẹ vì sợ mọi người lo lắng, nên chỉ âm thầm chịu đựng. Ngày qua ngày, những trò bắt nạt tai quái mỗi lúc một ác nghiệt hơn và sức chịu đựng đi đến giới hạn thì những nạn nhân – thay vì có thể vùng lên chống trả - đã chọn cách buông mình rơi xuống từ trên cao. Theo thống kê, nạn nhân của các vụ tự tử ở trường học đang trong độ tuổi từ 10-19, độ tuổi đầy nhiệt huyết và tươi đẹp nhất đời người.
3. Tinh thần võ sĩ đạo Samurai "biến tướng"
Tờ The Economist (Anh) nhận định, nước Nhật vẫn mang nặng dấu ấn Samurai và không hề biết đến sự tha thứ. Samurai là biểu tượng truyền thống của Nhật Bản về tinh thần dũng cảm, trọng danh dự và khí tiết. Đối với các Samurai thời xưa, chết dưới tay kẻ thù là một việc đáng hổ thẹn và nếu có lâm vào đường cùng thì phải mổ bụng tự sát (Seppuku).
Lòng quả cảm không chịu khuất phục đó được người dân Nhật khắc cốt ghi tâm như một tinh thần thượng võ bất diệt. Nhưng qua thời gian, nguồn tư tưởng tốt đẹp ấy dần biến tướng làm cho nhiều người ngộ nhận rằng tự sát cũng là một hành động anh hùng.
Nhiều người Nhật coi trọng sĩ diện, họ sống và làm việc mà không cho phép mình phạm phải bất cứ sai lầm nào. Nếu chẳng may gặp phải thất bại nặng nề, chỉ một số ít người đứng lên làm lại từ đầu, còn đa số thì xem đó là một vết nhơ trong cuộc đời trong sạch và họ sẽ trở thành chủ đề đàm tếu của hàng xóm. Họ nghĩ, chỉ cách chấm dứt cuộc đời thì mới mong lấy lại được thanh danh của mình.
4. Trầm cảm
Đây là nguyên nhân chính đã đưa nhiều người vào đường cùng của sự sống. Nhật Bản cấm bán các loại thuốc trị trầm cảm, chỉ có một vài loại được cho phép lưu thông nhưng với số lượng ít. Những người mắc bệnh trầm cảm thường phải sống trong tuyệt vọng một thời gian dài, cả thể xác lẫn tinh thần đều bị đày đọa.
Không chỉ người Nhật, mỗi năm khoảng 1.000.000 người trên thế giới bị trầm cảm đã chọn cách tự sát làm phương thuốc cuối cùng để chấm dứt chuỗi ngày đau khổ. Riêng Việt Nam có đến 40.000 người tự vẫn do trầm cảm, đưa căn bệnh này trở thành nguyên nhân thứ hai gây nên cái chết của người trẻ, chỉ sau tai nạn giao thông.
5. Ảnh hưởng từ những câu lạc bộ tự sát tập thể
Nhiều thanh niên chán đời do bất mãn với gia đình, trường học hay xã hội cùng nhau lập nên các câu lạc bộ tự sát. Hiện nay, các câu lạc bộ tồn tại dưới dạng các trang web hướng dẫn tự tử, với những ai có ý định có thể đăng ký gia nhập hội. Càng nhiều người cùng chung “chí hướng” càng giúp việc tự sát trở nên dễ dàng hơn.
“Khu rừng tự sát” Aokigahara dưới chân núi Phú Sĩ là một “địa điểm lý tưởng” dành cho những cá nhân hoặc tập thể nào muốn kết thúc cuộc đời trong tĩnh lặng. Không khí âm u, cô tịch vùng rừng rậm càng thôi thúc ý định tự tử mỗi lúc một mạnh mẽ hơn. Dường như không ai có thể cưỡng lại việc tự sát ở đây, và cuối cùng thì khu rừng đã trở thành tử địa của những số phận không có lối thoát trong xã hội.
Chính phủ Nhật làm gì để giảm nạn tự sát?
Vấn nạn tự tử ở Nhật đã dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng ngày một nhiều công dân nước này có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Năm 2016, số người tự sát đã giảm xuống còn 21.897 người (theo Bộ Y tế Nhật Bản), mức thấp nhất kể từ sau năm 1998, mặc dù so với các quốc gia thuộc nhóm nước phát triển thì con số này vẫn còn rất lớn.
Chính phủ Nhật cũng đặt ra mục tiêu nỗ lực giảm 30% số vụ tự tử trong 10 năm tới. Nhiều giải pháp ngăn chặn những người có ý nghĩ quẫn bách cũng được thực hiện:
- Lắp đèn LED xanh da trời nhạt tại ga tàu điện ngầm tạo tâm lý thoải mái, dễ chịu cho mọi người
- Làm một tấm biển trước khu rừng Aokigahara với nội dung: “Thân thể, tóc, da là của mẹ cha. Hãy nghĩ đến bố mẹ, anh chị em, và con cái bạn. Đừng giữ mãi trong lòng, hãy tìm người chia sẻ trước đã.”
- Thiết lập đường dây nóng nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức về vấn đề bóc lột sức lao động khi làm việc ngoài giờ.
- Tăng cường công tác giáo dục, hướng dẫn học sinh, sinh viên tìm kiếm sự giúp đỡ tại trường học, trẻ em bị bắt nạt được tư vấn qua mạng.
Nguyễn Ngân/ kilala.vn
18/08/2017
Bài: Nguyễn Ngân
Đăng nhập tài khoản để bình luận