Tâm lý đậu phụ là gì? Đặc điểm của người mang tâm lý đậu phụ
Miếng đậu phụ trắng trẻo, mềm mại là món ăn vô cùng quen thuộc trong ẩm thực Á Đông. Mượn hình ảnh này, trong tiếng Nhật có thuật ngữ "tâm lý đậu phụ", dùng để chỉ một hiện tượng tâm lý xuất hiện phổ biến ở nhiều người.
Tâm lý đậu phụ là gì?
Giống như miếng đậu phụ mềm và dễ vỡ, “tâm lý đậu phụ” hay “豆腐メンタル – toufu mentaru” chỉ những người dễ bị tổn thương hoặc rơi vào trạng thái chán nản. Đây là một từ lóng chủ yếu được sử dụng trên internet, thường xuất hiện trên mạng xã hội và blog.
Thuật ngữ liên quan
Trước kia, những người yếu đuối, dễ bị tổn thương về tinh thần thường được đề cập bằng thuật ngữ ”ガラスのハート – garasu no haato” hay “trái tim thủy tinh”. Tuy nhiên gần đây, “tâm lý đậu phụ” được giới trẻ Nhật Bản sử dụng nhiều hơn.
Trong tiếng Anh có một thuật ngữ tương tự là “snowflake” hay “bông tuyết”. Đây là từ lóng mang tính xúc phạm, ám chỉ một người tự phụ một cách thái quá, cho rằng mình được hưởng đặc quyền mà không có cơ sở; hoặc một người quá dễ xúc động, dễ cảm thấy bị xúc phạm, không thể đương đầu với các ý kiến trái chiều. Thuật ngữ này trở nên thịnh hành vào những năm 2010.
Ngoài ra còn có “snowflake generation” (thế hệ bông tuyết), chỉ thế hệ trẻ bị cho là dễ buồn bã, dễ tổn thương.
Trái ngược với “tâm lý đậu phụ”, người Nhật còn có thuật ngữ “こんにゃくメンタル – konnyaku mentaaru” (tâm lý konnyaku), chỉ người có suy nghĩ linh hoạt và một trái tim mạnh mẽ. Đều mềm mại như nhau, nhưng khác với đậu phụ dễ vỡ vụn, konnyaku (konjac) lại đàn hồi và không dễ bị nghiền nát.
Đặc điểm của người có tâm lý đậu phụ
Nếu bạn đang tự hỏi mình có phải là người mang tâm lý đậu phụ hay không, hãy kiểm tra những đặc điểm được liệt kê dưới đây.
- Một thất bại nhỏ cũng gây ra chán nản, cần có thời gian để hồi phục.
- Thiếu tự tin vào bản thân.
- Quá quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình, nhạy cảm với đánh giá từ người khác.
- Không chịu được áp lực.
- Sợ bị từ chối.
- Không muốn nói chuyện với người lạ.
- Không dám đối mặt với thử thách vì lo sợ thất bại.
Người mang tâm lý đậu phụ thường chùn bước khi nghĩ rằng mình không thể làm được một điều gì đó, hoặc lo lắng về khả năng gặp thất bại.
Ngoài ra, tuýp người này thường có tinh thần trách nhiệm tương đối cao, một khi mắc sai lầm sẽ phải cần rất nhiều thời gian để hồi phục. Họ nhạy cảm, quan tâm đến phản ứng của những người xung quanh, đặc biệt nhạy cảm với việc bị chỉ trích, la mắng.
Vì quá lo lắng việc người khác nghĩ gì về mình, liệu mình có bị từ chối hay không, vì thế họ không giỏi nói chuyện với những người vừa gặp mặt. Ngoài ra, vì sợ áp lực nên họ khó có thể phát huy hết tiềm năng của mình trong những tình huống quan trọng.
Tuy nhiên lợi thế của những người mang tâm lý đậu phụ là có thể hành động theo cách riêng của mình, họ thận trọng và luôn cân nhắc đến trường hợp xấu nhất.
Làm thế nào để khắc phục tâm lý đậu phụ?
Chấp nhận khuyết điểm của bản thân
Trước hết, hãy thừa nhận rằng bạn có tâm lý đậu phụ và chấp nhận nó, bao gồm tính cách nhạy cảm và dễ chán nản của bản thân. Những người mang tâm lý đậu phụ có xu hướng đổ lỗi cho bản thân quá mức, do đó điều cần làm là hãy khen ngợi chính mình vì đã cố gắng.
Hướng đến suy nghĩ tích cực
Bất cứ khi nào cảm thấy lo âu, hãy tập thói quen dừng lại và tự nhủ, “Có lẽ mình đang suy nghĩ quá tiêu cực”. Khi bạn đã bình tĩnh lại, điều đầu tiên cần làm là nhìn nhận bản thân một cách khách quan, lấy lại niềm tin vào chính mình. Việc lặp đi lặp lại suy nghĩ “mình có thể làm được” thay vì "vô ích, không thể" dần dà sẽ khiến một người tin tưởng hơn vào bản thân.
Hiểu rằng không ai là hoàn hảo
Những người có tâm lý đậu phụ dễ sợ thất bại và có xu hướng quá cầu toàn ngay từ khi bắt đầu. Tất nhiên, trở nên hoàn hảo là điều tốt, nhưng một mục tiêu quá cao lại vô tình trở thành gánh nặng tinh thần.
Thay vào đó, đặt ra những mục tiêu vừa sức và hoàn thành từng bước một sẽ giúp tăng sự tự tin của bản thân.
Tập trung vào điểm mạnh của bản thân
Những người có tâm lý đậu phụ có suy nghĩ tiêu cực mạnh mẽ và có xu hướng tập trung vào điểm yếu của bản thân. Tuy nhiên, chắc chắn ai cũng có điểm tốt của riêng mình.
Nếu bạn nhạy cảm với những cảm xúc xung quanh thì cũng rất có khả năng bạn sẽ là người đầu tiên nhận thấy khi ai đó gặp khó khăn.
Thay vì chỉ đổ lỗi cho bản thân, hãy tìm ra ưu điểm của mình. Nếu không biết điểm mạnh đó là gì, bạn nên hỏi ai đó thân thiết như gia đình hoặc bạn bè.
Chăm sóc bản thân
Có những trường hợp mà tình trạng sức khỏe ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần. Việc thay đổi các yếu tố thể chất thông qua tập thể dục, cải thiện tư thế và thay đổi lối sống, chế độ ăn uống sẽ giúp tinh thần một người trở nên khỏe mạnh hơn.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận