Kodokushi - cái chết cô độc trong xã hội Nhật Bản ngày nay

    Ngược lại với hình ảnh một Nhật Bản phát triển, Kodokushi - cái chết cô độc vẫn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Hiện tượng Kodokushi thường xảy ra với những người già cô đơn trong xã hội phát triển, nhất là những người không còn mối quan hệ với gia đình, người thân hay bạn bè.

    Kodokushi là gì?

    Kodokushi là hiện tượng những người Nhật Bản chết cô độc trong chính căn nhà hay phòng trọ của họ mà rất lâu sau đó, có khi lên đến vài tháng mới có người phát hiện. “Người sắp xếp kỷ vật” - là cách gọi dành cho những người dọn dẹp xác chết và nhà sau khi phát hiện.

    Họ cho biết, trung bình cứ khoảng một tiếng sẽ có 3 người chết kiểu Kodokushi, tuy nhiên phải vài tuần hoặc vài tháng thậm chí vài năm sau mới có người phát hiện. Những xác chết ấy thường được phát hiện bởi những người hàng xóm hay những chủ nhà.

    Họ ngửi thấy mùi hôi thối khi xác bị phân hủy, và nếu là trong mùa hè, cái chết Kodokushi được phát hiện sớm hơn vì khí hậu nóng khiến cho quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn.

    Kodokushi - cái chết cô độc trong xã hội Nhật Bản ngày nay
    Căn hộ của những cái chết Kodokushi. (ảnh: invisiblephotographer.asia).

    Vì sao lại tồn tại Kodokushi?

    Nhật Bản có tỷ lệ người cao tuổi lớn nhất thế giới với khoảng 35,88 triệu người ở độ tuổi từ 65 trở lên (theo thống kê năm 2018). Điều này đồng nghĩa với việc, liệu họ làm sao có thể hạnh phúc, tận hưởng tuổi già khi con cái, cháu chắt rất ít hoặc thậm chí là không có.

    Những người lớn tuổi này thường chọn cho mình cách sống cô đơn, phần vì ngại làm phiền con cái, phần vì nhiều người trẻ đã để bố mẹ mình ở lại quê nhà để đến thành phố lập nghiệp hoặc vì chính những người già này cũng không có gia đình, bạn bè hay người thân.

    Cái chết của những người cô độc này diễn ra trong âm thầm lặng lẽ, không ai biết, cũng chẳng ai đoái hoài. Chỉ khi nào cái xác thối rữa, bốc mùi nặng thì hàng xóm hoặc những người đi ngang qua đây mới phát hiện.

    Khi thẻ ngân hàng đã hết tiền chi trả các khoản phí thuê nhà, điện nước,... trong nhiều tháng, các chủ nhà hoặc cảnh sát mới tìm đến các căn hộ này để biết nguyên do, và dường như chỉ lúc này, những thi thể cô đơn mới được phát hiện. Họ cô đơn trong khi sống, khi chết và cả sau khi chết. Những kỉ vật mà họ để lại như hình ảnh, lưu bút, cũng bị chính người thân từ chối nhận về lưu giữ.

    Khi sự cô đơn chiếm lĩnh tâm hồn và kinh tế trở thành gánh nặng khiến nhiều người già đã cố phạm tội để được ngồi tù vì ở đó họ không phải lo cơm ba bữa, không phải lo điện nước. Liệu đây có phải là cách để những người già cô đơn tránh cái chết kiểu Kodokushi?

    kilala.vn

    04/11/2019

    Bài: Thảo Trần

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!