Bất bình đẳng giới tại Nhật vì sao vẫn còn là vấn đề nhức nhối?
Khoảng cách giới (gender gap) của Nhật Bản xếp hạng thấp nhất trong số các quốc gia G-7.
Một số vụ việc phân biệt giới tính đáng chú ý
Vào ngày 03/02/2021, trong cuộc họp hội đồng của Ủy ban Olympic Nhật Bản (JOC), ông Yoshiro Mori đã phát biểu: “Các cuộc họp của ban quản trị với sự có mặt của nhiều phụ nữ làm tiêu tốn kha khá thời gian”. “Ủy ban của chúng ta có vài phụ nữ, tôi nghĩ là 7 người. Tất cả họ đều biết rõ vị trí của mình”, ông nói thêm.
Chủ tịch Uỷ ban tổ chức Olympics Tokyo 2020 sau đó đã nhận về vô số “gạch đá” chỉ trích bởi những lời lẽ mang đậm tính chất phân biệt giới tính, khiến quá trình chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 bị gián đoạn. Chín ngày sau khi vụ việc trên diễn ra, ông Mori đã từ chức.
Vào tháng 04/2022, giám đốc điều hành của chuỗi cơm thịt bò Gyudon hàng đầu Nhật Bản Yoshinoya cũng đã bị sa thải sau các phát ngôn thể hiện sự phân biệt giới tính. Cụ thể, trong bài giảng của mình tại một trường đại học ở Tokyo vào ngày 16/04, ông đã bàn về chiến lược marketing hướng tới thu hút nữ giới còn trinh đến thưởng thức cơm thịt bò của thương hiệu.
Vị giám đốc này cho rằng "nên khiến những cô gái trẻ vừa mới rời quê nhà nghiện cơm thịt bò khi họ vẫn là trinh nữ, bởi một khi xuất hiện người đàn ông mời họ những bữa ăn đắt tiền, họ chắc chắn sẽ không còn muốn ăn cơm thịt bò nữa”. Bài giảng đã được một sinh viên đăng tải lên mạng xã hội và nhanh chóng lan truyền rộng rãi. Kết quả là, chỉ hai ngày sau, giám đốc này đã bị sa thải.
Vì sao bất bình đẳng giới vẫn phổ biến tại Nhật?
Theo bảng xếp hạng được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào ngày 31/03/2021, Nhật Bản xếp hạng 120 trong số 156 quốc gia về
Chỉ số khoảng cách giới (Gender Gap Index) vào năm 2020, thấp nhất trong số
các quốc gia G-7.
Trong lĩnh vực chính trị, chỉ số khoảng
cách giới của Nhật được xếp ở hạng 147, dựa trên tỷ lệ thành viên nữ
trong quốc hội và nội các. Còn trong lĩnh vực kinh tế, Nhật xếp ở hạng
117 dựa trên tỷ lệ nữ trở thành quản lý công ty, lĩnh vực giáo dục xếp hạng 92 theo tỷ lệ nữ biết chữ và thi tuyển đại học. Còn ở lĩnh vực sức
khỏe, Nhật xếp ở hạng 65 dựa trên tuổi thọ và các yếu tố khác.
Sau những tranh cãi liên quan đến các phát ngôn phân biệt nói trên, phóng viên của Mainichi đã phỏng vấn một số chuyên gia để nghe ý kiến của họ về vấn đề này. Các chuyên gia đã chỉ ra một số lý do cốt lõi khiến tình trạng bất bình đẳng giới trở nên trầm trọng tại một đất nước phát triển như Nhật Bản.
Nam giới chưa nhận thức được quan điểm phân biệt của chính mình
Tadashi Nakamura, Giáo sư Đại học Ritsumeikan, chuyên nghiên cứu về thủ phạm gây ra bạo lực gia đình chú ý đến việc cả cựu CEO của Yoshinoya và ông Yoshiro Mori đều có địa vị xã hội cao.
Ông Nakamura cho biết: “Rất nhiều lãnh đạo công ty và chính trị gia Nhật Bản ngày nay là nam giới, rõ ràng cấu trúc xã hội do nam thống trị vẫn còn tồn tại. Ở một xã hội như vậy, rất dễ tạo ra một bầu không khí đề cao sự gắn kết giữa nam giới, nơi họ thắt chặt mối quan hệ và tình bạn với nhau dựa trên việc xem thường phụ nữ."
"Hai người đàn ông trong hai vụ việc trên có thể đưa ra nhận xét một cách tự nhiên như vậy là do những nếp nghĩ trên”, ông nhận định.
Giáo sư Nakamura còn đặt vấn đề về vi hiếp (microaggression), là những định kiến, phân biệt đối xử không chủ đích và rất khó nhận biết diễn ra trong cuộc sống thường ngày.
Có thể định nghĩa microaggression là một hành động nhỏ hay nhận xét khiến ai đó cảm thấy bị xúc phạm hoặc bị đối xử tệ vì chủng tộc, giới tính. dù cho có thể không phải do cố ý. Kết hợp với các hành động, nhận xét tương tự theo thời gian, chúng có thể gây ra tổn thương tâm lý cho nạn nhân. Thuật ngữ này bắt đầu được sử dụng tại Mỹ vào những năm 70 của thế kỷ 20.
Ông Nakamura chỉ ra rằng, quan điểm "nam giới phải trả tiền bữa ăn cho phụ nữ là điều tự nhiên" cũng đã được đề cập một cách hiển nhiên trong bài giảng của cựu CEO Yoshinoya. Theo phân tích của Giáo sư, những nhận xét đều bắt nguồn từ định kiến cho rằng nữ giới phụ thuộc tài chính vào nam giới.
Marketing theo đuổi sự hài hước lố lăng
Fuemi, một nhà hoạt động nữ quyền tích cực trên mạng xã hội, nhận định những lời nhận xét của cựu giám đốc Yoshinoya “có lẽ hướng tới mục đích gây cười”. Từ kinh nghiệm làm việc trong ngành truyền thông hơn 10 năm, cô tiết lộ rằng “Một số người sử dụng các phát ngôn thù ghét hướng đến phụ nữ để truyền tải sự việc theo một cách dễ hiểu trong các bài thuyết trình về marketing”.
Cô cho rằng những quan niệm như vậy bắt nguồn từ cấu trúc nam quyền ẩn sâu trong xã hội Nhật Bản: “Trong xã hội đề cao mối gắn kết giữa nam giới, 'tôi có thể đối xử tệ bạc đến mức nào với phụ nữ' được xem như một câu nói gây cười. Nhật Bản ngày nay được tạo nên bởi những người như vậy."
Việc phát ngôn của cựu CEO Yoshinoya được đăng tải lên mạng xã hội đã đem lại hy vọng cho Fuemi. Cô cho biết: “Tôi hy vọng những quan điểm phân biệt giới tính sẽ tiếp tục được đưa ra ánh sáng, từ đó tình hình sẽ được cải thiện”.
kilala.vn
16/06/2022
Bài: Rin
Nguồn: Mainichi
Ảnh bìa: gsb.stanford.edu
Đăng nhập tài khoản để bình luận