Thói quen "sạch sẽ" trong sinh hoạt của người Nhật

    Người Nhật có rất nhiều đặc trưng riêng trong lối sống và tính cách của họ. Có lẽ chúng ta sẽ không thể nào tìm thấy một quốc gia nào có ý thức sạch sẽ cao như ở Nhật Bản. Vậy ý thức sạch sẽ của người Nhật được thể hiện như thế nào trong cuộc sống của họ.

    Những yếu tố làm nên sự sạch sẽ ở Nhật Bản

    Khi đến đất nước mặt trời mọc, điều đầu tiên khiến chúng ta cảm thấy ấn tượng nhất là những con đường sạch sẽ không một cọng rác. Điều kỳ lạ hơn là xung quanh đó không hề có thùng rác hay người dọn vệ sinh. Vậy thì họ đã làm thế nào để giữ được sự sạch sẽ ấy?

    Sự sạch sẽ trong tính cách người Nhật
    Đường phố ở Nhật rất sạch sẽ. (Ảnh: 4travel.jp)

    Những đứa trẻ ngay từ khi còn nhỏ đã được dạy dỗ về vấn đề sạch sẽ. Trong 12 năm học, thời gian dọn dẹp là một phần trong lịch trình hàng ngày của học sinh. Ngay cả trong gia đình cũng vậy, bọn trẻ được dạy rằng sẽ rất tệ nếu không thể giữ đồ đạc và không gian xung quanh mình sạch sẽ.

    Việc đưa yếu tố ý thức xã hội này vào chương trình giảng dạy ở trường sẽ giúp trẻ phát triển nhận thức và lòng yêu mến đối với môi trường xung quanh. Sẽ chẳng có ai muốn làm bẩn nơi mà họ phải tự dọn dẹp. Có đôi khi các bạn học sinh cảm thấy khó chịu vì hoạt động này, tuy nhiên nhờ vào việc được giáo dục kĩ lưỡng ngay từ khi còn nhỏ, ý thức sạch sẽ đã ăn sâu vào trong trí óc của mỗi người từ lúc nào không hay.

    Sự sạch sẽ trong tính cách người Nhật
    Dọn dẹp là một phần trong thời khóa biểu của học sinh Nhật Bản (Ảnh: Chris Willson/Alamy)

    Môi trường sống cũng là một trong những yếu tố làm nên sự sạch sẽ. Rất ít nơi trên thế giới ngay cả nguồn nước sinh hoạt cũng có thể uống được như ở Nhật Bản. Người Nhật đã quen với việc sống trong môi trường sạch sẽ, vì vậy đa phần trong số họ luôn có ý thức giữ gìn điều đó. Ngay cả khi ở trên đường phố, mỗi một người dân đều sẽ tự giác dọn dẹp không gian xung quanh mình. Vì vậy khi thấy rác, không cần biết là của ai họ cũng sẽ nhặt nó lên và bỏ vào đúng nơi quy định.

    Tất nhiên, không phải người Nhật không vứt rác ra đường nhưng chắc chắn rằng có rất nhiều người cảm thấy xấu hổ về hành vi này. Khi cả một cộng đồng đều có ý thức sạch sẽ mạnh mẽ, bạn không thể làm điều trái ngược với tất cả mọi người được. Người Nhật khá nhạy cảm trước cái nhìn của người khác, họ không hi vọng bản thân sẽ bị đánh giá là không đủ trình độ giáo dục để dọn dẹp mọi thứ xung quanh.

    Sự sạch sẽ trong tính cách người Nhật
    Dù không phải rác của mình nhưng người Nhật cũng có thói quen nhặt lên và bỏ đúng nơi qui định (Ảnh: grapee.jp)

    Ngoài ra tôn giáo cũng có tác động rất lớn tới ý thức sạch sẽ của người Nhật. Thần đạo (có nghĩa là “Con đường của các vị thần”), được cho là nơi lưu giữ linh hồn Nhật Bản. Và sự sạch sẽ là điều quan trọng trong Thần đạo. Để giữ gìn sự tinh khiết, những nghi lễ thanh lọc thường xuyên được diễn ra.

    Trước khi bước vào một ngôi đền Thần đạo, những người thờ cúng phải rửa tay và miệng tại một bể nước ở lối vào. Nghi thức này được gọi là Temizuya. Phật giáo tại Nhật Bản được du nhập từ giữa thế kỷ thứ 6 cũng coi “sạch sẽ” như là giáo lý trung tâm. Ở đạo Hồi còn có quy định là phải tắm rửa sạch sẽ trước khi thờ cúng.

    Sự sạch sẽ trong tính cách người Nhật
    Nghi thức Temizuya trước khi bước vào đền thờ (Ảnh: airbnb.fr)

    Biểu hiện sạch sẽ ở trong cuộc sống của người Nhật

    Bạn nào đã từng xem bộ phim hoạt hình Doraemon chắc hẳn vẫn còn nhớ tới nhân vật Shizuka đáng yêu, dịu dàng. Sở thích lớn nhất của cô bé này chính là đi tắm. Chi tiết này cũng phản ánh phần nào thói quen sạch sẽ của người Nhật. Chỉ cần ra một chút mồ hôi, họ có thể sẽ ngay lập tức tắm rửa. 

    Khi bước vào nhà, người Nhật sẽ thay dép đi trong nhà hoặc bỏ giày ra rồi đi tất vào trong. Ngay cả lúc bước vào nhà vệ sinh cũng sẽ có dép riêng để sử dụng. Người Nhật luôn chú ý không để mùi hôi tồn đọng trong nhà vệ sinh. Việc dọn dẹp được thực hiện mỗi ngày và họ biến nơi ấy trở thành một không gian thư giãn. 

    Từ thời đại Edo, hệ thống nước ở Nhật đã được làm sạch khá tốt, các chất thải được tái sử dụng làm phân bón thay vì đổ ra sông hay biển. Văn hóa phân loại rác và việc làm sạch sẽ chúng ngay tại nhà cũng góp phần làm giảm bớt công việc cho những người đi thu thập và xử lý rác thải.

    thói quen của người nhật
    Nhà vệ sinh luôn được giữ sạch sẽ và không có mùi khó chịu. (Ảnh: folk-media.com)

    Nhận thức xã hội cũng được biểu hiện rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, khoảng 08 giờ sáng mỗi ngày, nhân viên văn phòng và nhân viên của các cửa hàng sẽ dọn dẹp đường phố xung quanh nơi làm việc của họ.

    Trẻ em tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng hàng tháng. Công việc chủ yếu của chúng là nhặt rác trên các con đường gần trường học. Các khu phố cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện làm sạch đường phố. Vì vậy, sẽ rất khó để bạn tìm thấy một cọng rác trên đường phố Nhật Bản.

    Sự sạch sẽ trong tính cách người Nhật
    Ở Nhật thường có những hoạt động cộng đồng làm sạch đường phố. (Ảnh: townnews.co.jp)

    Tính cách sạch sẽ còn được thể hiện ngay trên những bữa ăn hằng ngày. Ở mỗi nhà hàng hay các quán ăn Nhật đều chuẩn bị sẵn khăn ướt được cuộn tròn lại để lau tay gọi là Oshibori cho khách hàng.

    Oshibori chỉ dùng để lau tay trước bữa ăn, tuy nhiên thứ này không được dùng để lau miệng hay lau mặt. Khi gắp thức ăn cho người khác, họ sẽ sử dụng một đôi đũa khác. Người Nhật cũng không thích việc sử dụng chung một bộ đựng đồ ăn.

    thói quen của người nhật
    Oshibori để lau tay trước bữa ăn. (Ảnh: ohanatowels.com)

    Ở Nhật Bản, bạn sẽ thấy những tờ tiền rút ra từ máy ATM đa phần đều giữ được tình trạng tốt như mới. Có thể làm được như vậy là vì ở đây không có "văn hóa nhận tiền trao tay", tại các cửa hàng bán lẻ, khách sạn và taxi đều có khay để tiền giấy và tiền xu. 

    Người Nhật thường đeo khẩu trang khi ra ngoài, thói quen này được hình thành từ nhiều yếu tố khác nhau. Họ cũng rửa tay thường xuyên và không có thói quen bắt tay hay ôm quá nhiều.

    Sự sạch sẽ trong tính cách người Nhật
    Người Nhật cũng có thói quen thường xuyên rửa tay.

    Một số ví dụ về sự sạch sẽ của Nhật Bản đã lan truyền mạnh mẽ trên khắp thế giới, chẳng hạn như nghi thức làm sạch tàu Shinkansen kéo dài bảy phút đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch ngoài sức tưởng tượng.

    Ngay cả những người ủng hộ bóng đá Nhật Bản cũng có ý thức về sự sạch sẽ. Trong các giải đấu bóng đá World Cup ở Brazil (2014) và Nga (2018), người hâm mộ của đội tuyển quốc gia này đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi ở lại nhặt rác trên sân vận động.

    Sự sạch sẽ trong tính cách người Nhật
    (Ảnh: jp.reuters.com)

    Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra tại các lễ hội âm nhạc Nhật Bản. Tại lễ hội Fuji Rock - lễ hội lớn nhất và lâu đời nhất của Nhật Bản, người hâm mộ giữ rác bên mình cho đến khi tìm thấy thùng rác.

    Theo trang web của lễ hội, những người hút thuốc được hướng dẫn mang theo một cái gạt tàn thuốc lá di động và kèm theo một lời nhắc nhở “hãy hạn chế hút thuốc ở những nơi đông người để tránh gây ảnh hưởng đến người khác” .

    kilala.vn

    19/08/2020

    Bài: Vũ Quỳnh

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!