Nhật Bản xếp hạng 116 về bình đẳng giới, thấp nhất nhóm G7

    Theo báo cáo ngày 13/07 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Nhật Bản xếp hạng 116 về khoảng cách giới (gender gap) trong số 146 quốc gia. Báo cáo này đã được thống kê và công bố hàng năm kể từ 2006.

    Với kết quả trên, Nhật Bản xếp cuối trong số các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương và thấp nhất trong nhóm G-7. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực như chính trị và kinh tế tại Nhật là đặc biệt thấp. Tuy vậy, đất nước mặt trời mọc lại đạt điểm số cao về tiếp cận giáo dục và y tế.

    Tại châu Á, Philippines vẫn giữ được kết quả tốt khi xếp ở hạng 19, trong khi đó, Hàn Quốc ở hạng 99 và Trung Quốc thấp hơn, hạng 102. Việt Nam nằm ở vị trí 83 trong bảng xếp hạng.

    Thành viên đứng áp chót trong nhóm G-7 về khoảng cách giới là Ý - hạng 63. Năm nước còn lại là Đức, Pháp, Anh, Canada và Hoa Kỳ được xếp từ hạng 10 đến hạng 27. 

    người đi làm đang di chuyển trước ga JR Tokyo
    Người dân đang đi bộ trước ga JR Tokyo. Ảnh: Kyodo 

    Trong một cuộc họp báo tại Tokyo, Hirokazu Matsuno, người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản cho biết: “Kết quả cho thấy khoảng cách giới của Nhật đang tụt lại phía sau so với các quốc gia khác và chúng ta phải cúi đầu chấp nhận”. 

    Trong bảng xếp hạng vào năm ngoái, Nhật ở hạng 120 trong số 156 quốc gia. Thành tích chung trong năm nay thấp hơn so với năm ngoái khoảng 0,65 điểm. Điểm chuẩn sử dụng trong nghiên cứu dao động từ 0 đến 1, với 1 cho thấy sự cân bằng đầy đủ giữa nam và nữ. Theo đó, chỉ số khoảng cách giới theo dõi sự chệnh lệch giữa hai giới, chứ không phải các nguồn lực mà phụ nữ không dùng đến. 

    Iceland giữ vững vị thế dẫn đầu về bình đẳng giới trong 13 năm liền và chỉ số chung luôn lớn hơn 0,9. Năm quốc gia gồm Phần Lan, Na Uy, New Zealand và Thụy Điển xếp ở các vị trí còn lại trong top 5. Ngoại trừ Na Uy, tất cả quốc gia đứng đầu khác đều có phụ nữ đảm nhận vị trí Thủ tướng. 

    tòa nhà quốc hội nhật bản
    Tòa nhà Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: Mainichi 

    Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới theo dõi chỉ số bình đẳng giới trong các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, giáo dục và y tế, chỉ ra rằng chỉ có 9,7% nghị sĩ Nhật là phụ nữ, 10% vị trí Bộ trưởng do nữ nắm quyền. Đồng thời, Nhật Bản cũng là nước chưa từng có nữ Thủ tướng. 

    Thêm vào đó, báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ phụ nữ làm công việc bán thời gian cao gấp 2 lần so với nam giới và thu nhập trung bình của phụ nữ Nhật chỉ bằng 57% thu nhập nam giới. 

    Matsuno, Chánh văn phòng Nội các cho biết việc thúc đẩy độc lập kinh tế ở phụ nữ là trọng tâm của các chính sách dưới thời Thủ tướng Fumio Kishida, nhằm tạo tạo ra "chủ nghĩa tư bản kiểu mới" và Chính phủ Nhật sẽ nỗ lực để đạt được điều này. 

    Xem thêm: Bất bình đẳng giới tại Nhật vì sao vẫn còn là vấn đề nhức nhối?

    “Với các công ty, chúng tôi sẽ yêu cầu họ tiết lộ thông tin về sự chênh lệch tiền lương theo giới; đào tạo nhiều phụ nữ hơn trong lĩnh vực kỹ thuật số; tăng lương cho người lao động làm trong lĩnh vực có nhiều nhân viên nữ như chăm sóc sức khỏe, chăm sóc người già và trẻ em”, ông Matsuno nói thêm. 

    Diễn đàn Kinh tế thế giới ước tính sẽ mất khoảng 132 năm để khoảng cách giới toàn cầu được xóa bỏ hoàn toàn. Số liệu năm 2022 cũng đánh dấu bước cải thiện nhỏ so với năm 2021. Vào năm ngoái, thời gian ước tính để loại bỏ khoảng cách giới là 136 năm. 

    Tuy nhiên, Diễn đàn cho biết đại dịch đã dẫn đến sự thụt lùi về bình đẳng giới và sự phục hồi yếu ớt cũng đã không thể tạo nên sự khác biệt cho chỉ số khoảng cách giới.

    kilala.vn

    14/07/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Kyodo

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!