eMagazine

#Kilalaseries#Noidaga

Bài: Ái Thương Thiết kế: Quỳnh 399

Chuyện xưa kể rằng, mỗi khi trời đổ mưa sẽ xuất hiện một thiếu nữ đứng ở chân cầu hay trong góc tối và chờ đợi. Nàng ta chờ “con mồi” yêu dấu của mình đến để “thưởng thức”.

Nhân vật Hina trong anime Tenki no Ko.
Nhân vật Hina trong anime Tenki no Ko. Ảnh: Asianwiki

Trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng “Tenki no Ko” của đạo diễn Shinkai Makoto có một truyền thuyết về thiếu nữ thời tiết sở hữu sức mạnh siêu phàm. Nàng có thể điều khiển những cơn mưa, và nhân vật chính Amano Hina cũng là một cô gái mang khả năng siêu nhiên ấy. Với những lời nguyện cầu của mình, Hina có thể khiến mưa ngừng rơi và gọi nắng đến, kéo theo hy vọng, sự ấm áp về với bầu trời trong xanh.

Nhân vật Hina trong anime Tenki no Ko.
Nhân vật Hina trong anime Tenki no Ko.
Ảnh: Asianwiki

Tại xứ Phù Tang cũng lưu truyền những câu chuyện cổ về thiếu nữ thời tiết, nhưng nàng ta không như Hina, mang nắng đến để cứu rỗi nhân loại, mà người con gái này lại là nỗi ám ảnh kinh hoàng khiến ai cũng khiếp sợ, chẳng khác nào tuyết nữ Yuki Onna của mùa đông. Nàng ta là Ame Onna, một yêu quái có khả năng tạo mưa và gieo rắc tai ương, trừng phạt loài người để giải tỏa những đau khổ, thù hận chất chứa trong mình.

Hyakumonogatari Ame Onna vẽ bởi họa sĩ Utagawa Yoshiiku.
Hyakumonogatari Ame Onna vẽ bởi họa sĩ Utagawa Yoshiiku. Ảnh: Wikipedia

Nguồn gốc của
Ame Onna

Yêu nữ Ame Onna gieo rắc nỗi khiếp đảm.
Yêu nữ Ame Onna gieo rắc nỗi khiếp đảm. Ảnh: yokai.com

Dân gian lưu truyền rằng Ame Onna (雨女 hoặc あめおんな) bắt nguồn từ những vị thần mưa nhân từ đến từ núi Vu Sơn trong tín ngưỡng Trung Hoa. Họ hóa thành mây vào ban ngày và rớt xuống thành mưa khi đêm xuống. Thế rồi vì một vài lý do mà họ đã biến chất, dần trở nên độc ác rồi hóa thành yêu quái xuống dương gian gieo rắc bao nỗi tai ương.

Yêu nữ Ame Onna gieo rắc nỗi khiếp đảm.
Yêu nữ Ame Onna gieo rắc nỗi khiếp đảm.
Ảnh: yokai.com

Cũng có sự tích kể rằng Ame Onna sinh ra từ đau khổ, thù hận. Như truyện về người vợ đứng đợi chồng trong vô vọng dưới cơn mưa, sau đó cô chết đi và hóa thành yêu quái.

Còn có phiên bản phổ biến hơn là loài yêu này vốn xuất thân từ những người mẹ mất con trong đêm mưa, vì đau buồn và tuyệt vọng mà họ đã tự biến mình thành yêu nữ. Họ dần hóa dại, lang thang trên mọi nẻo đường và mang theo chiếc bao tải lớn. Sau đó, họ sẽ lẻn vào những ngôi nhà có tiếng trẻ con khóc và cướp chúng, mang đứa trẻ lẩn trốn trong màn đêm sâu thẳm.

Những đứa trẻ sinh ra trong đêm mưa rơi vào tay của Ame Onna sẽ được nuôi dưỡng và biến thành một Ame Onna khác nếu là bé gái, còn bé trai thì sẽ bị ăn thịt. Vì vậy người Nhật thường dọa rằng Ame Onna sẽ đến và cướp mất linh hồn đứa trẻ nếu chúng không đi ngủ sớm và cứ thức khuya.

Yêu quái đáng sợ

Trong tác phẩm Konjaku Hyakki Shui của Toriyama Sekien, yêu nữ mưa này được miêu tả với vẻ ngoài rũ rượi, mặc trang phục rách rưới và ướt sũng, nàng ta có chiếc lưỡi dài liếm nước mưa đọng trên tay.

Ame Onna trong tác phẩm Konjaku Hyakki Shui của Toriyama Sekien.
Ame Onna trong tác phẩm Konjaku Hyakki
Shui của Toriyama Sekien. Ảnh: Wikipedia

Mỗi khi Ame Onna xuất hiện, trời sẽ đổ mưa không ngừng. Nàng ta lang thang trên đường tìm kiếm những kẻ xấu số sẽ trở thành nạn nhân của mình. Ame Onna thường hiện lên trong đêm tối, rình rập xung quanh nhà dân và bắt cóc những đứa trẻ sơ sinh.

Ame Onna trong tác phẩm Konjaku Hyakki Shui của Toriyama Sekien.
Ame Onna trong tác phẩm Konjaku Hyakki
Shui của Toriyama Sekien. Ảnh: Wikipedia

Trong đêm mưa, người phụ nữ mưa còn xuất hiện dưới chân cầu hay trong góc khuất bên đường và chờ đợi những người đàn ông đi qua. Nếu chàng trai nào dại dột mời Ame Onna cùng che ô chung sẽ phải nhận lấy cái kết bi thảm. Chàng ta sẽ bị yêu nữ bám theo về đến tận nhà và rồi phát bệnh vì không khí ẩm mốc của mưa lạnh, sau đó chết dần khi sức khỏe yếu đi.

Ame Onna trong
tín ngưỡng của người Nhật

Tuy là một yêu nữ có tạo hình kinh dị cùng tính cách tàn bạo, nhưng ở một số vùng miền của nước Nhật, người dân địa phương vẫn xem Ame Onna như một vị thần, đặc biệt là các vùng sống nhờ nông nghiệp. Vì Ame Onna mang mưa đến, giúp mùa màng tốt tươi, sinh sôi nảy nở. Sự xuất hiện của nàng sẽ chấm dứt hạn hán và cung cấp nguồn nước để phát triển ngành nông nghiệp.

Người Nhật xưa cũng tin rằng những đứa trẻ chào đời vào ngày mưa sẽ trở thành Ame Onna (雨女 - cô gái mưa) nếu là nữ hay Ame Otoko (雨男 - chàng trai mưa) nếu là nam. Nhiều người quan niệm giữa những đứa trẻ này và mưa có một mối liên kết ràng buộc về mặt tâm linh không thể lý giải được, bất kể chúng đi đâu, làm gì thì trời cũng sẽ mưa.

Ame Onna cũng được xem như vị thần giúp mùa màng tươi tốt.
Ame Onna cũng được xem như vị thần giúp mùa màng tươi tốt. Ảnh: yokaifanatic

Ngày nay, những người dường như luôn mang mưa đến những sự kiện lớn, những ngày trọng đại, hoặc bất kể khi nào họ ra đường thường tự nhận mình là “Ame Onna” hoặc “Ame Otoko”. Ngược lại, những ai luôn mang lại ánh nắng mặt trời và những ngày quang đãng được gọi là “Hare Onna” (晴れ女) nếu là nữ hoặc “Hare Otoko - 晴れ男” khi là nam.

Ame Onna trong game Âm Dương Sư.
Ame Onna trong game Âm Dương Sư.
Ảnh: Onmiyoji fandom

Ngoài ra Ame Onna cũng ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của người Nhật. Yêu nữ này không chỉ được đề cập trong các truyền thuyết mà còn được phác họa, là nguồn cảm hứng để xây dựng nên hình tượng nhân vật ở các lĩnh vực phim ảnh, truyện tranh, trò chơi điện tử. Như Ame Onna xuất hiện trong trò chơi “Âm Dương Sư” hay trong bộ phim “A Rain Woman” của đạo diễn Takashi Shimizu.

Ame Onna trong game Âm Dương Sư.
Ame Onna trong game Âm Dương Sư.
Ảnh: Onmiyoji fandom
Phim “A Rain Women” (2016) của đạo diễn Takashi Shimizu.
Phim “A Rain Women” (2016) của đạo diễn Takashi
Shimizu. Ảnh: imdb.com

Cậu bé mưa
Amefuri Kozo

Cậu bé mưa Amefuri Kozo.
Cậu bé mưa Amefuri Kozo. Ảnh: yokai.com

Không chỉ có Ame Onna là mang đến những cơn mưa, trong truyền thuyết dân gian xứ Phù Tang còn có một Yokai khác có khả năng hô mưa gọi gió, đó là Amefuri Kozo (雨降小僧). Tên của yêu quái này có nghĩa là “cậu bé mưa”.

Cậu bé mưa Amefuri Kozo.
Cậu bé mưa Amefuri Kozo. Ảnh: yokai.com

Mặc dù có vẻ ngoài trẻ con, nhưng Amefuri Kozo được giao nhiệm vụ rất quan trọng là tạo ra mưa cho vạn vật. Bất cứ nơi nào Yokai này đi qua, chúng đều khiến mây hình thành và mưa rớt xuống. Ở Trung Quốc cổ đại, Amefuri Kozo được cho là tôi tớ của thần mưa, vị thần được gọi là Ushi trong tiếng Nhật.

Amefuri Kozo xuất hiện trong hình dạng một bé trai mặc kimono, đi guốc gỗ và luôn đội một chiếc mũ trông giống như chiếc ô hoặc mũ rơm rộng vành. Chúng khá nhút nhát và hiếm khi lộ mặt trước con người.

Có một truyền thuyết về cậu bé mưa liên quan đến những cơn mưa bóng mây, được gọi là Kitsune no yomeiri - đám cưới cáo trong văn hóa Nhật Bản. Kitsune (hồ ly, cáo) tổ chức đám cưới của chúng vào những ngày mưa bóng mây như thế. Trước khi kết hôn, chúng sẽ thỉnh cầu Amefuri Kozo ban mưa trong hôn lễ của mình.

Đám cưới của loài cáo.
Đám cưới của loài cáo. Ảnh: mercari.com

Và còn những câu chuyện thú vị khác liên quan đến cậu bé mưa này, chẳng hạn nếu bạn lấy trộm chiếc mũ của Amefuri Kozo và đội nó, bạn sẽ không bao giờ có thể cởi nó ra được. Hay chuyện Amefuri Kozo rất thích mưa và cảm thấy vui vẻ khi nhìn những người khác gặp bối rối và ướt sũng vì mưa.