eMagazine
0%

Từ thời xa xưa, ngư dân xứ Phù Tang đã truyền tai nhau câu chuyện đáng sợ về bộ xương cá voi trắng khổng lồ nổi lên giữa biển khơi. Bakekujira - tên gọi của sinh vật này - là dấu hiệu của thiên tai, thảm họa, mang đến nỗi khiếp sợ cho những người đi biển và thôn làng của họ.

Truyền thuyết về “Cá Voi Ma”

Bakekujira (化鯨) hay “cá voi ma” là một yêu quái biển trong thần thoại xứ hoa anh đào. Sinh vật huyền bí này còn có tên gọi khác là Honekujira (骨鯨, cá voi xương), xuất phát từ vẻ ngoài kỳ dị của nó.

Chuyện kể rằng vào một đêm mưa gió nọ, ngoài khơi đảo Okinoshima, tỉnh Shimane bỗng nổi lên một vật thể khổng lồ màu trắng muốt. Những ngư dân trong làng đã trông thấy và chèo thuyền lại gần xem đó là thứ gì.

Lúc thuyền tiến đến gần vật lạ, họ kinh hoàng nhận ra đó là một bộ xương cá voi khổng lồ đầy quỷ dị đang di chuyển trên mặt biển, dù ném bao nhiêu lao về phía nó thì cũng đều như rơi vào hư không.

Bộ xương cá voi trắng khổng lồ xuất hiện cùng với những hiện tượng dị thường.
Bộ xương cá voi trắng khổng lồ xuất hiện cùng với những hiện tượng dị thường. Ảnh: hyakumonogatari

Đáng sợ hơn là vùng biển bao quanh bộ xương bỗng dậy sóng dữ dội, kéo theo đàn cá lạ và trên trời thì nổi giông, sấm chớp ầm ầm, bầy chim đen bay phủ kín bầu trời. Sau đó con cá quái lạ quay đầu rồi chìm dần xuống đáy biển, đàn cá cùng bầy chim cũng theo nó biến mất trong màn đêm đen.

Những người chứng kiến cảnh tượng đó đều kinh hãi tột độ, họ trở về làng với tâm trạng sợ hãi khủng khiếp. Nhưng điều đáng sợ hơn vẫn còn tiếp diễn, bởi kể từ lúc bộ xương cá voi xuất hiện thì tai ương cứ thế trút xuống ngôi làng bên bờ biển. Làng chài chìm trong đau thương, mất mát khi nạn đói kéo dài, dịch bệnh, thiên tai liên tiếp xảy ra.

Cũng từ đó, người ta gọi sinh vật kỳ bí này là Bakekujira, hay “cá voi ma”.

Ảnh: fictiontaxonomyfandom
Ảnh: fictiontaxonomyfandom

Lời nguyền của Bakekujira

Bakekujira được dân gian xem là hiện thân của những lời nguyền đáng sợ, xuất phát từ sự trả thù của sinh vật khổng lồ này với con người.

Người xưa đồn rằng, ngư dân làng chài Okinoshima chuyên săn bắt cá voi để lấy thịt và mỡ, bán cho thương gia như một nguồn thu nhập chính, còn Bakekujira chính là hiện thân của những con cá voi đã từng bị săn bắt, giết mổ lấy thịt. Yêu quái này xuất hiện để báo thù, đày đọa những kẻ đã cướp đi sinh mạng của giống loài mình.

Nỗi sợ bao trùm cả làng chài vùng Okinoshima, khiến cuối cùng ngư dân đã hạn chế việc săn bắt cá voi, chỉ dám đánh bắt những loài cá gần bờ hoặc làm những công việc khác để mưu sinh. 

Tranh vẽ cảnh săn cá voi ở đảo Goto của họa sĩ Katsushika Hokusai.
Tranh vẽ cảnh săn cá voi ở đảo Goto của họa sĩ Katsushika Hokusai. Ảnh: mokuhankan.com

Thời gian trôi đi, lời nguyền của Bakekujira cũng dần bị lãng quên. Thế nhưng vào thập niên 50, có một sự việc xảy ra khiến người ta một lần nữa kinh sợ về lời nguyền của sinh vật huyền bí này.

Câu chuyện liên quan đến Mizuki Shigeru - tác giả bộ manga GeGeGe no Kitaro nổi tiếng, khi đó ông đang sáng tác một vở kịch giấy Kamishibai về Bakekujira. Mỗi khi Mizuki bắt tay vào sáng tác tác phẩm này, ông lại lên cơn sốt cao, trong người cảm thấy khó chịu, buồn nôn, cơ thể cứ suy nhược dần. Lạ thay khi ông dừng lại thì các triệu chứng trên bỗng dưng biến mất. Vì vậy mà Mizuki đã gọi sự việc xảy ra với mình là “Lời nguyền của Bakekujira”.

Đến năm 1983, một bộ xương cá voi còn nguyên vẹn được người dân địa phương phát hiện trôi nổi ngoài khơi bờ biển Anamizu, tỉnh Ishikawa. Sự việc này được báo chí, truyền thông đưa tin là “Bakekujira xuất hiện ở đời thực”.

Từ đây lời nguyền về sinh vật kỳ bí này lại được lan truyền rộng rãi khiến ai nấy đều sợ hãi và tò mò về con quái vật khổng lồ đến từ đại dương sâu thẳm.

ca-voi-nhat-ban

Tín ngưỡng thờ phụng cá voi

Trong lịch sử, Bakekujira là một yokai (yêu quái) ít được biết đến rộng rãi. Nó không được nhắc đến trong bộ sưu tập những sinh vật thần thoại thời Edo của Toriyama Sekien, hay trong các tác phẩm ukiyo-e và tuyển tập chuyện kể kaidan (truyện ma).

Người ta chỉ thực sự chú ý đến “cá voi ma” khi sự việc của Mizuki Shigeru xảy ra, từ đó truyền thuyết ở Okinoshima bắt đầu được bàn tán xôn xao.

Tuy nhiên ở Nhật, cá voi là một sinh vật được thờ phụng trong văn hóa dân gian. Theo quan niệm của người xưa, cá voi bị dạt vào bờ là một điều hiếm hoi và mang lại may mắn.

Khi xưa ngư dân bị giới hạn đánh bắt cá tại vùng nước ven biển vì thuyền bè nhỏ của họ không thể đi ra ngoài biển lớn. Tuy nhiên đôi khi biển cả sẽ mang đến món quà bất ngờ của thiên nhiên.

Cá voi mắc cạn được xem như hiện thân của thần linh.
Cá voi mắc cạn được xem như hiện thân của thần linh. Ảnh: hyakumonogatari

Đó là khi có một con cá voi mắc cạn, nó có thể cứu một ngôi làng đang chênh vênh bên bờ vực của nạn đói. Nó được xem như một món quà của thần linh hay là hiện thân của Thần.

Ngoài ra người dân còn có niềm tin phổ biến về việc cá voi là sứ giả hoặc hiện thân của Ebisu - vị thần của ngư nghiệp và may mắn. Một khi cá voi xuất hiện bên bờ biển sẽ mang đến sự sung túc, ấm no cho người dân làng chài.

Ebisu là một trong Thất Phúc Thần của Nhật Bản, có khuôn mặt hiền hậu, nụ cười rạng rỡ, tay phải cầm cần câu, tay trái ôm cá Tai.
Ebisu là một trong Thất Phúc Thần của Nhật Bản, có khuôn mặt hiền hậu, nụ cười rạng rỡ, tay phải cầm cần câu, tay trái ôm cá Tai.

Vì vậy loài cá này được ngư dân thờ phụng tại nơi gọi là Kujira Tsuga (鯨塚; gò đất hay đền thờ cá voi). Người dân nếu phát hiện xác cá voi dạt vào bờ, sau khi lấy thịt và những thứ cần thiết, họ sẽ thực hiện nghi lễ chôn xác cá hay bộ xương của nó tại một gò đất bên biển.

Sau đó họ sẽ dựng bia tưởng niệm, xây đền thờ bằng gỗ hoặc đá tại gò đất đó để dân chài đến dâng lễ và cầu nguyện một cách thành kính nhất.

Ebisu là một trong Thất Phúc Thần của Nhật Bản, có khuôn mặt hiền hậu, nụ cười rạng rỡ, tay phải cầm cần câu, tay trái ôm cá Tai.
Ebisu là một trong Thất Phúc Thần của Nhật Bản, có khuôn mặt hiền hậu, nụ cười rạng rỡ, tay phải cầm cần câu, tay trái ôm cá Tai.

Có rất nhiều Kujira Tsuga tại các vùng quê miền biển, mỗi nơi lại có truyền thuyết riêng với phong tục thờ phụng cũng khác biệt.

Như ở vùng Kesennuma, thị trấn Karakuwa, tỉnh Miyagi có câu chuyện về một con tàu sắp bị đánh chìm trong cơn bão thì có hai con cá voi trắng khổng lồ bơi đến, giữ thăng bằng cho tàu vượt qua phong ba. Cũng kể từ đó người dân Karakuwa từ bỏ phong tục ăn cá voi và lập đền thờ những con cá voi bị dạt vào bờ.

Phong tục thờ cá voi này cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia phương Đông khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Việt Nam. Ở nước ta thì gọi là tục thờ cá Ông, là tín ngưỡng được thực hành ở các làng chài ở vùng duyên hải miền Trung cho đến miền Nam.

Lễ rước cá Ông tại Lễ hội Nghinh ông Nam Hải, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh BRVT.
Lễ rước cá Ông tại Lễ hội Nghinh ông Nam Hải, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh BRVT. Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Kết

Từ truyền thuyết về Bakekujira cho đến việc thờ phụng cá voi của người Nhật đã cho thấy tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của loài sinh vật biển khổng lồ này đến văn hóa dân gian tại xứ Phù Tang. Ngày nay, bên cạnh những ngôi đền thờ phụng cá voi, còn có những cánh cổng Torii làm bằng xương cá voi với diện mạo ấn tượng, như ở ngôi đền Ebisu, thị trấn Taiji, tỉnh Wakayama.

Cổng Torii xương cá voi trước Đền Ebisu ở Taiji, ỉnh Wakayama.
Cổng Torii xương cá voi trước Đền Ebisu ở Taiji, ỉnh Wakayama. Ảnh: japan-forward.com