Kamishibai - Văn hóa kể chuyện đường phố độc đáo và cổ xưa
Vào giữa thế kỷ 20, với trẻ em Nhật, kỷ niệm tuổi thơ tươi đẹp là những khi cùng nhau tụ tập nơi góc phố để gặp gỡ người kể chuyện Kamishibai. Những câu chuyện được kể qua hình minh họa đẹp đẽ, gắn liền với thời thơ ấu của bao đứa trẻ ngày ấy.
Kamishibai là gì?
"Kamishibai - 紙芝居" được hiểu là nghệ thuật kể chuyện kịch giấy và một thể loại sân khấu đường phố độc đáo của xứ hoa anh đào, phổ biến trong thời kỳ Đại suy thoái những năm 30 và thời kỳ hậu chiến, cho đến khi truyền hình ra đời vào giữa thế kỷ 20.
Kamishibai được thực hiện bởi một "Kamishibaiya - 紙芝居" (người kể chuyện), họ thường đi đến các khu phố trên chiếc xe đạp chở hộp đồ nghề chứa nhiều bảng hình minh họa. Những hình này sẽ được đặt trong một thiết bị giống như sân khấu thu nhỏ và Kamishibaiya thuật lại câu chuyện bằng cách thay đổi từng hình ảnh.
Kamishibaiya thường kể chuyện kết hợp bán kẹo cùng đồ chơi. Đối tượng thích xem và nghe Kamishibai thường là trẻ em, những đứa trẻ sẽ tụ tập thành từng nhóm rồi cùng nhau lắng nghe, đón xem và khám phá những câu chuyện cổ xưa của đất nước.
Cách tạo nên một câu chuyện
Vào một ngày đẹp trời, Gaitou Kamishibaiya (người kể chuyện Kamishibai trên đường phố) đỗ xe đạp ở một ngã tư quen thuộc và đập hai thanh gỗ hyoshigi vào nhau để thông báo sự hiện diện của mình. Khi những đứa trẻ đến, Kamishibaiya sẽ bán kẹo hoặc đồ chơi cho chúng để thu phí buổi kể chuyện, đây là nguồn thu nhập chính của họ. Sau đó, người kể chuyện sẽ mở ra một butai - sân khấu thu nhỏ làm bằng gỗ chứa các bảng minh họa để thay đổi hình trong khi kể.
Phần lớn nội dung câu chuyện được viết sau mỗi hình vẽ để người kể đọc cũng như phòng trường hợp quên mất lời thoại, một số diễn biến trong truyện. Kamishibaiya hay dừng kể ở khúc cao trào hoặc để kết thúc mở nhằm thu hút khán giả tò mò chờ đợi được nghe và xem đoạn kết của câu chuyện ở lần sau.
Tranh hình minh họa là những tác phẩm mỹ thuật được vẽ tay. Kamishibai kashimoto (đại lý tranh) sẽ thuê các họa sĩ vẽ từng bức tranh một bằng tay, sau đó cho những người kể chuyện thuê lại với một khoản phí nhỏ. Họa sĩ phác họa hình minh họa bằng bút chì sau đó đồ lên bằng mực Tàu, rồi tô màu nước để phân định nền và tiền cảnh, một lớp màu keo được tô lên cho màu nhanh khô và cuối cùng là phủ bóng cũng như chống phai màu bằng lớp sơn mài.
Hình vẽ sử dụng trong Kamishibai là sự pha trộn giữa hội họa truyền thống Nhật Bản và kỹ thuật Chiaroscuro của phương Tây, tương phản giữa sáng và tối để tạo chiều sâu và tính sống động, chân thực cho các hình vẽ.
Nguồn gốc của kịch Kamishibai
Nguồn gốc chính xác của Kamishibai vẫn chưa được xác định rõ. Người ta chỉ biết rằng Kamishibai xuất hiện "như cơn gió thoảng qua một góc phố" ở khu Shitamachi của Tokyo vào khoảng năm 1930.
Tuy nhiên, nhiều sử gia tin rằng Kamishibai có nguồn gốc sâu xa từ nghệ thuật E-toki (kể chuyện bằng tranh) vào thế kỉ 12 vì có sự tương đồng. Khoảng đầu thế kỷ thứ 8, các nhà sư đã sử dụng Emakimono (cuộn tranh) làm công cụ hỗ trợ để minh họa khi kể lại lịch sử của các ngôi đền, chùa. Đây được cho là sự kết hợp thuở sơ khai giữa hình ảnh và văn bản để truyền tải một câu chuyện.
Những thế kỷ sau đó, nghệ thuật Etoki dần phát triển, là hình thức để các nhà sư có thể truyền bá Phật giáo một cách sống động, gần gũi nhất đến quần chúng nhân dân qua tranh vẽ. Vì vậy E-toki được coi là tiền thân của Kamishibai.
Đến thời Edo (1603-1868), văn hóa nước Nhật phát triển rực rỡ với tranh in khắc gỗ Ukiyo-e. E-toki dần phổ biến hơn vào cuối thế kỷ 18 khi những người kể chuyện bắt đầu dựng "rạp chiếu" ở các góc phố với một cuộn giấy được cuộn trên chiếc cột.
Đến thời Minh Trị (1868-1912), Tachi-e (tranh đứng) được ưa chuộng, loại hình nghệ thuật này được kể bởi những người kể chuyện dùng các hình ảnh cắt giấy và gắn lên một thanh gỗ nhỏ (tương tự như biểu diễn con rối bóng của Indonesia và Malaysia). Thiền sư Nishimura cũng được cho là đã sử dụng kiểu tranh hình này trong các bài giảng để giải trí cho trẻ em.
Một dạng E-toki khác do người Nhật cải tiến từ "đèn chiếu ma thuật" (magic lantern) nhập khẩu từ Hà Lan có tên gọi “Utsushi-e”. Các tấm kính vẽ nhân vật, phong cảnh sẽ được di chuyển trước máy chiếu để kể câu chuyện về tình yêu và thù hận, bi kịch của Samurai. và hình ảnh sẽ hiện lên một màn chiếu làm bằng giấy truyền thống.
Sự phát triển của nghệ thuật và kỹ thuật thời Edo đến Minh Trị có thể xem là tiền đề để Kamishibai hình thành vào đầu thế kỉ 20.
Thời kỳ hoàng kim của Kamishibai
Từ những năm 30 đến 50 là “kỷ nguyên vàng" của Kamishibai ở xứ Phù Tang. Lúc này, Kamishibai mang đến đến cái nhìn sâu sắc về những người đã sống qua một thời kỳ đầy biến động trong lịch sử nước Nhật khi trải qua cuộc Đại suy thoái và khó khăn sau thời hậu chiến.
Ước tính vào năm 1933, chỉ riêng ở Tokyo đã có 2.500 Kamishibaiya, họ biểu diễn trung bình 30 lần một ngày, có nghĩa là mỗi ngày sẽ có 1 triệu trẻ em được nghe kể chuyện. Những năm suy thoái là thời kỳ thịnh vượng và sôi động nhất đối với Kamishibai khi nghề này đã mang lại cơ hội việc làm tuyệt vời cho nhiều công dân thất nghiệp.
Kamishibai cũng được sử dụng như một nguồn liên lạc trong đời sống của quần chúng, truyền đạt "tin tức buổi tối" cho người lớn trong giai đoạn Thế chiến 2 diễn ra.
Thời kỳ sau chiến tranh, manga trở nên phổ biến trên các tờ báo và tạp chí, chúng thường mô tả những cảnh đời thường pha chút hài hước. Ngành xuất bản khi đó phát triển mạnh mẽ, bắt nguồn từ nhu cầu cao đối với truyện tranh.
Tuy nhiên, Kamishibai vẫn chiếm được cảm tình của mọi người, đặc biệt là trẻ em. Hình thức giải trí này dân dã và thân thuộc, đặc biệt là rẻ nên có thể tiếp cận mọi tầng lớp dân cư. Nó cũng mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng hơn, kể về cách người Nhật vượt qua khó khăn, thử thách sau thời hậu chiến, vươn lên phát triển đất nước từ “đống tro tàn” của chiến tranh.
Vào những năm 50, sự chiếm đóng của quân Đồng Minh và sự ra đời của truyền hình, ban đầu được gọi là Denki Kamishibai (Kamishibai điện) từ năm 1953 đã thu hút công chúng tìm đến tivi như một hình thức giải trí mới. Sau đó, tivi cùng truyền hình đã chiếm lĩnh thị trường giải trí và ngày càng ít người nhớ đến Kamishibai khi họ đã xem phim hay tin tức qua màn ảnh nhỏ tại nhà.
Theo thời gian, những người kể chuyện dần ít đi, họ chuyển sang vẽ Gekiga (kịch họa), thể loại truyện tranh mới có hình ảnh hiện đại với đối tượng độc giả là người lớn muốn tìm hiểu về lịch sử, chính trị hay xã hội. Gekiga được đưa ra vào năm 1957 bởi Tatsumi Yohishiro.
Kamishibai hiện đại và những ảnh hưởng văn hoá
Mặc dù loại hình nghệ thuật Kamishibai phần lớn đã biến mất trong xã hội nước Nhật ngày nay, nhưng với những ý nghĩa và đóng góp mang tính lịch sử cho văn hóa xứ Phù Tang, loại hình này được coi là tiền đề cho sự ra đời của Manga. Giờ đây, Kamishibai được xem là một hình thức nghệ thuật đường phố truyền thống cần được lưu giữ, chứa đựng những tinh hoa, nét đặc sắc độc đáo của văn hóa Nhật Bản.
Có rất nhiều câu chuyện và chủ đề phổ biến trong Kamishibai hiện được thấy trong manga và anime đương đại, một trong số là bộ truyện anh hùng đầu tiên "Ogon Bat", xuất bản vào năm 1931. Một số tác phẩm tiêu biểu cho thấy sự ảnh hưởng của Kamishibai là "Shoujo Tsubaki" của Suehiro Maruo, "Yamishibai" - một anime kinh dị kể về những truyền thuyết đô thị rùng rợn theo phong cách Kamishibai. Ngoài ra, một số tác phẩm cũ hơn sau này trở thành manga hoặc anime nổi tiếng, chẳng hạn như "GeGeGe no Kitaro", ban đầu được diễn tả dưới hình thức Kamishibai.
Trong đời sống, Kamishibai cũng được áp dụng làm bảng hướng dẫn làm việc tại nhà máy sản xuất của Toyota. Bảng Kamishibai được sử dụng như một công cụ kiểm soát trực quan để thực hiện kiểm toán trong quy trình sản xuất.
Phong cách kể chuyện Kamishibai đã được tiến hành như một phần của chiến dịch thúc đẩy hòa bình thế giới. Maki Saji (một nữ tu Phật giáo) đã tạo ra Kamishibai dựa trên câu chuyện về Sadako Sasaki, nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử Hiroshima năm 1945. Vào năm 2010, Saji là đại biểu tại cuộc họp về Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân tại Liên Hợp Quốc ở New York, cô đã dùng phương thức này để kể chuyện và tuyên truyền về một thế giới hòa bình không có vũ khí hạt nhân.
Một số quốc gia tại phương Tây cũng mượn cách kể chuyện theo kiểu Kamishibai để áp dụng trong giáo dục trẻ em. Theo các chuyên gia, ở Kaimishibai hội tụ các yếu tố mà các nhà giáo dục cần như giúp nâng cao nhận thức, phát triển khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và tư duy ở trẻ. Nghệ thuật kể chuyện Kaimishibai được khuyến khích áp dụng tại các trường mầm non, tiểu học không chỉ ở Nhật mà còn tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cách kể chuyện tại mỗi nước sẽ có nhiều điểm khác biệt nhất định do sự khác nhau về văn hóa, ngôn ngữ của từng quốc gia nhưng cái hay, cái đẹp của Kaimishibai vẫn được lưu giữ mãi, để nó mãi là một phần ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của bao đứa trẻ.
kilala.vn
19/03/2023
Bài: Ái Thương
Đăng nhập tài khoản để bình luận