eMagazine
0%

Núi rừng hoang vu luôn ẩn chứa những bí ẩn và đặc biệt tại xứ Phù Tang, nơi sở hữu hàng ngàn những loại yokai (yêu quái). Chính vì thế, với những người thường đi vào rừng vì công việc hoặc đơn giản chỉ muốn hít thở không khí trong lành, thì hãy cẩn thận, vì một mối hiểm nguy đang chực chờ bạn nơi rừng sâu.

Yama uba là ai?

Phù thủy núi Yama uba (山姥) hay còn được gọi với cái tên Yamamba, là một yêu quái xuất hiện trong văn hóa dân gian và thần thoại địa phương, có hình dáng của một bà già mặc kimono, sống trong túp lều sâu trong rừng núi ở Nhật Bản, thích lừa những du khách lạc đường và ăn thịt họ. Những người đi rừng có nguy cơ gặp yêu quái này ở vùng núi Ashigara, Sabana hoặc Honshu...

Bức tranh “Yama uba” nằm trong cuộn tranh Hyakkai-Zukan của họa sĩ Sawaki Suushi.
Bức tranh “Yama uba” nằm trong cuộn tranh Hyakkai-Zukan của họa sĩ Sawaki Suushi.

Những lời đồn về sự xuất hiện của Yama uba ra đời trong tình trạng thiếu lương thực, những thành viên lớn tuổi nhất trong gia đình bị bỏ mặc trên núi cho đến chết. Linh hồn của những cụ bà lớn tuổi đã trở thành Yama uba.

Yama uba cầm chiếc rìu – tác phẩm của Totoya Hokkei. Ảnh: curiousordinary
Yama uba cầm chiếc rìu – tác phẩm của Totoya Hokkei. Ảnh: curiousordinary

Yama uba có khuôn mặt già nua, mái tóc dài trắng, làn da nhăn nheo, miệng có thể phát triển để nuốt chửng con mồi và đôi khi còn có cả cái miệng thứ hai trên hộp sọ... Trong một số truyền thuyết, máu của bà có màu vàng.

Chiêu thức tiếp cận con mồi của Yama uba

Khi màn đêm buông xuống, những người đi trong rừng có thể vô tình nhìn thấy một ngôi nhà với chủ nhân là một bà lão trông có vẻ phúc hậu hoặc một cô gái xinh đẹp.

Trong không gian tối tăm, lạnh lẽo thì ngôi nhà như “chiếc phao cứu sinh” đối với họ. Những con người đáng thương không biết rằng ẩn sau hành động tốt bụng như mời họ vào nhà để nghỉ ngơi qua đêm, lại là một âm mưu của Yama uba với mục đích “nuốt chửng” họ.

Bộ ba bức tranh Yama Uba của nghệ sĩ Matthew Meyer.
Bộ ba bức tranh Yama Uba của nghệ sĩ Matthew Meyer. Ảnh: japan-avenue

Ngoài khả năng thay đổi ngoại hình để tiếp cận con mồi tốt hơn, Yama uba còn có khả năng điều khiển mái tóc dài của mình để đạt được mục đích. Có thông tin cho rằng điểm yếu của Yama uba là một bông hoa có chứa linh hồn của bà ta, nhưng không ai rõ bông hoa đó ở đâu.

Người đã chăm sóc “cậu bé vàng” Kintaro

Dù gắn với hình tượng là một yokai ăn thịt người nhưng phù thủy núi không phải lúc nào cũng xấu xa.

Chuyện kể rằng Kintaro là một cậu bé bị bỏ rơi và đi lạc vào rừng, vô tình gặp Yama uba. Nhưng thay vì ăn thịt Kintaro, Yama uba đã mang cậu bé về nuôi và chăm sóc như con của mình.

Ba tác phẩm nghệ thuật của Kitagawa Utamaro mô tả sự chăm sóc của Yama uba đối với Kintaro. (bản in từ những năm 1800).
Ba tác phẩm nghệ thuật của Kitagawa Utamaro mô tả sự chăm sóc của Yama uba đối với Kintaro. (bản in từ những năm 1800). Ảnh: japan-avenue

Sống trong rừng, Kintaro kết bạn với các loài động vật và học cách giao tiếp với chúng. Cậu bé tập sumo với gấu, trở thành bạn với cá chép khổng lồ... Trong suốt thời thơ ấu, Kintaro đã học được rất nhiều điều từ những người bạn hoang dã của mình và có thể chiến đấu với những con quỷ đáng sợ. Cậu cũng là người tốt bụng, thường xuyên giúp đỡ những người tiều phu.

Một ngày nọ, Kintaro gặp Yorimitsu, một samurai nổi tiếng của Gia tộc Minamoto. Yorimitsu ngay lập tức nhận ra sức mạnh siêu nhiên của đứa trẻ và đưa cậu vào thành phố để dạy võ thuật, đồng thời nhận cậu bé làm đệ tử của mình. Vì vậy, Kintaro đã gia nhập Shitenno, một nhóm gồm bốn chiến binh bất khả chiến bại nổi tiếng ở Nhật Bản. Sau đó cậu trở thành anh hùng Sakata no Kintoki – một nhân vật lịch sử có thật trong thời Heian.

Tác phẩm nghệ thuật của Utagawa Kunisada (1811). Từ trái sang phải lần lượt là: Yama uba, Kintaro và một samurai của gia tộc Minamoto.
Tác phẩm nghệ thuật của Utagawa Kunisada (1811). Từ trái sang phải lần lượt là: Yama uba, Kintaro và một samurai của gia tộc Minamoto. Ảnh: japan-avenue

Sau này khi Yorimitsu bị một con nhện khổng lồ tấn công, Kintaro đã phá hủy một cái cây để đè bẹp con quái vật và nhờ đó đã cứu sống được vị samurai.

Nhiều người nhận định rằng nguyên nhân Kintaro trở thành anh hùng huyền thoại ở Nhật Bản có lẽ liên quan tới Yama uba. Quả thực, những đứa trẻ được Yamanba nuôi dưỡng sẽ phát triển những khả năng phi thường và trở thành anh hùng.

Tại Nhật có phong tục đặt một con búp bê Kintaro trong nhà vào Ngày bé trai với hy vọng các bé trai sẽ trở nên dũng cảm và mạnh mẽ.

Ngoài ra, tại tỉnh Aichi lan truyên câu chuyện rằng nếu sống trong ngôi nhà mà Yama uba từng sống thì sẽ may mắn và nhanh chóng đạt được sự giàu sang, thịnh vượng. Vì thế, nhiều người cũng thờ Yama uba trong nhà như một vị thần hộ mệnh.

Hình tượng Yama uba trong văn hóa đại chúng

Là nhân vật thường thấy trong truyện Nhật Bản, Yama uba khiến nhiều đứa trẻ sợ hãi. Các bậc cha mẹ dùng phù thủy núi để khuyên răn con nhỏ không tự ý đi lang thang.

Bà lão trên núi rất nổi tiếng ở Xứ sở mặt trời mọc và chiếm một vị trí quan trọng trong văn học nghệ thuật, như được đề cập trong cuốn Kwaidan của Lafcadio Hearn, hoặc truyện ngắn "A Troll on a Mountain with a Girl" của Steve Berman.

Các vở kịch Noh cũng có Yama uba là nguyên mẫu của các nhân vật phản diện và nhiều bản in ukiyo-e mô tả các diễn viên trong các vở kịch này trong vai phù thủy núi.

Yama uba trong vở kịch Noh cùng tên.
Yama uba trong vở kịch Noh cùng tên. Ảnh: Wikimedia

Sinh vật này cũng thường xuyên xuất hiện trong các trò chơi điện tử, manga, anime… Ví dụ, trong trò chơi Pokemon, bà được đại diện bởi nhân vật tên Jynx.

Jynx với mái tóc vàng đặc trưng của Yama uba.
Jynx với mái tóc vàng đặc trưng của Yama uba.

Hoặc nếu là fan của Spirited Away, có lẽ bạn sẽ không quên Yubaba – nhân vật phản diện trong anime. Yababa cũng được cho là lấy cảm hứng từ Yama uba, điều đó có thể thấy được ở sự tương đồng về ngoại hình: bà lão với gương mặt như phù thủy với chiếc mũi khoằm; mái tóc trắng dài; tính cách cau có khó chịu…

Nhân vật Yubaba được cho là lấy hình tượng từ Yama uba.
Nhân vật Yubaba được cho là lấy hình tượng từ Yama uba. Ảnh: Ghibli Wiki

Qua bài viết này, nếu bạn từng lạc vào những khu rừng sâu của Nhật Bản và một người đến giúp đỡ bạn, hãy cẩn thận, đó có thể là một trò lừa của phù thủy Yama uba.