Kintaro: anh hùng bảo hộ cho những bé trai ở Nhật

    Kintaro, còn được gọi là “cậu bé vàng” là một nhân vật nổi tiếng trong văn học dân gian Nhật Bản. Kintaro mang hình dáng một cậu bé đeo yếm, cầm một chiếc rìu lớn, cưỡi trên lưng gấu và có sức mạnh phi phàm. Hãy cùng Kilala tìm hiểu về nguồn gốc của “cậu bé vàng” Kintaro là gì nhé!

    Kintaro là ai?

    Kintaro (金太郎 - Kim Thái Lang) là sự kết hợp từ một vị thần và một nhân vật lịch sử có thật ở Nhật Bản vào nửa sau thế kỉ thứ 10. Kintaro là tên thời thơ ấu của Sakata no Kintoki (坂田金時), một trong bốn môn đồ thân tín của chiến binh nổi tiếng Minamoto no Yorimitsu (源頼光).

    Trong tuyển tập Konjaku Monogatari (今昔物語) vào thế kỉ 11, Kintaro được miêu tả là con trai của một yama-uba (phù thuỷ núi), được sinh ra trên núi Ashigara, tỉnh Kanagawa. Kintaro mang hình ảnh của một cậu bé đeo yếm cầm chiếc rìu lớn, có làn da đỏ, ngồi trên lun và sở hữu sức mạnh phi phàm. 

    Kintaro: vị anh hùng bảo hộ cho những bé trai ở Nhật
    Hình ảnh quen thuộc của Kintaro khi xuất hiện trong các câu chuyện kể.

    Truyền thuyết về Kintaro

    Câu chuyện về Kintaro có rất nhiều dị bản, tuy nhiên, đây vẫn là phiên bản được chia sẻ rộng rãi nhất.

    Tương truyền rằng, Kintaro là con trai của công chúa Yaegiri - con gái một chúa đất tại làng Jizodo, gần núi Ashigara thuộc tỉnh Kanagawa. Tuy nhiên, do cuộc chiến giành quyền lực trong dòng tộc mà mẹ cậu buộc phải mang con đến núi Ashigara lánh nạn. Ở đây, Kintaro được mẹ chăm sóc và dạy dỗ, nhưng sau một thời gian bà qua đời hoặc bỏ rơi cậu bé lại trong rừng. Thương cảm trước số phận éo le của cậu, một Yama-uba (phù thủy núi) đã nhận nuôi Kintaro. Còn trong một phiên bản huyền ảo hơn, Kintaro là con trai của một Yama-uba, người được tạo ra bởi một tiếng sấm từ một con rồng đỏ trên núi Ashigara.

    Kintaro
    Tượng búp bê Kintaro.

    Kintaro lớn lên êm đềm và hạnh phúc nơi rừng núi hoang dã. Ngay từ khi chập chững biết đi, Kintaro đã bộc lộ sức mạnh phi thường. Dù chẳng có cô bé cậu bé nào làm bạn cùng, nhưng Kintaro vẫn vô cùng thân thiện với các loài động vật trên núi. Cậu thường giúp đỡ dân cư sống dưới chân núi, chỉ lối cho tiều phu vào rừng đốn củi và bảo vệ cho dân làng khỏi thú dữ. Cậu còn giúp mọi người đánh bại những con quỷ xấu xa có dã tâm hãm hại người dân trong làng. Kintaro đeo một chiếc yếm có chữ “金” (Kim) nghĩa là vàng, nên người ta gọi cậu là “cậu bé vàng”.

    Một ngày nọ, vị samurai nổi tiếng Minamoto no Yorimitsu đi ngang qua núi Ashigara và tình cờ nghe được câu chuyện về Kintaro. Ấn tượng trước sức mạnh phi thường và sự nghĩa hiệp của Kintaro, Minamoto no Yorimitsu ngỏ ý mời cậu làm thuộc hạ riêng của mình. Từ đó Kintaro gia nhập quân đoàn, đi theo phò trợ vị samurai trên chuyến hành trình đánh đuổi lũ yêu ma quỷ quái.

    Kintaro
    Kintaro phiên bản búp bê Hakata. (collectorsweekly.com)

    Khi đoàn quân của Minamoto no Yorimitsu nghỉ chân tại một ngôi nhà bỏ hoang nọ, Minamoto no Yorimitsu bỗng cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Một người hầu cận mới gia nhập quân đoàn dâng thuốc cho ông uống mỗi ngày. Nhưng kì lạ thay, càng lúc Minamoto no Yorimitsu càng ốm nặng hơn. Nghi ngờ người hầu cận mới muốn hãm hại mình, một hôm, khi người hầu mang thuốc như thường lệ thì Minamoto no Yorimitsu bất ngờ tuốt gươm tấn công hắn ta. Người hầu cận trúng gươm, vội bỏ chạy. Khi ấy, tà thuật bị phá vỡ và Minamoto no Yorimitsu nhận ra mình đang ở trong một chiếc bọc tơ nhện. Nghe thấy tiếng kêu cứu của Minamoto no Yorimitsu, những người khác liền tới giải thoát cho ông. Mọi người lập tức truy tìm kẻ ác và cuối cùng cũng tìm thấy một con nhện khổng lồ đang ẩn nấp gần đấy. Kintaro đã sử dụng sức mạnh phi phàm của mình để tiêu diệt con yêu quái. Từ đó cậu chính thức gia nhập giới samurai và đổi tên thành Sakata no Kintoki, trở thành thủ lĩnh của Shiteno (bốn dũng sĩ) của Minamoto no Yorimitsu và sống một cuộc sống phiêu lưu đầy vinh quang. Kintaro cũng đưa mẹ mình đến Kyoto để hưởng cuộc sống sung túc hơn.

    Kintaro
    Tượng Kintaro đấu với gấu (Ảnh: flicker.com)

    Kintaro trong văn hóa Nhật Bản hiện đại

    Ngày nay, trong văn hoá Nhật Bản, Kintaro trở thành một biểu tượng của sức mạnh và sự can đảm, cũng như đem lại nhiều may mắn. Tại Nhật, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh cậu bé Kintaro ở khắp mọi nơi. Thậm chí tên Kintaro cũng được nhiều bố mẹ Nhật lấy để đặt tên cho con mình với mong muốn đứa nhỏ lớn lên cũng sẽ mạnh mẽ như Kintaro.

    Kintaro là một trong những hình xăm phổ biến nhất cùng với cá chép, Bố Đại, chim hạc. Trong nghệ thuật xăm Horimono của Nhật cũng như những vật phẩm trang trí. Ngôi đền thờ Kintaro nằm dưới chân núi Ashigara ở khu vực Hakone gần Tokyo. Cạnh đó là một tảng đá khổng lồ nứt đôi được cho là bị chặt bởi chính cậu bé Kintaro.

    Kintaro
    Tượng Kintaro cưỡi gấu ở Ashigara.

    Kintaro còn xuất hiện trên các trò chơi điện tử nổi tiếng của Nhật Bản như Mortal Kombat, Power Instinct và trên nhiều phim hoạt hình, sách, tượng và truyện tranh như One Piece và Otogi Zoshi.

    Truyền thuyết về Kintaro cũng là nguồn gốc ngày lễ của bé trai vào ngày 5 tháng 5 hàng năm tại Nhật Bản. Vào ngày này, những gia đình có con trai sẽ đặt một con búp bê Kintaro trong phòng của bé và treo những chú cá chép bên ngoài nhà để tượng trưng cho tinh thần Kintaro trong mỗi người con trai của họ.

    Kintaro
    Tượng Kintaro cưỡi cá chép, một món quà trong ngày của bé trai 5/5 (Ảnh: superdelivery.com)

    Trên đây là câu chuyện về Kintaro – vị thần bảo hộ cho những bé trai ở Nhật. Nếu bạn còn biết về những biểu tượng văn hoá khác của Nhật Bản, hãy chia sẻ với Kilala nhé!

    kilala.vn

    19/08/2020

    Bài: Hoàng Yến

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!