NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Goryo Shinko: tín ngưỡng thờ phụng linh hồn báo oán của Nhật Bản

    Goryo Shinko: tín ngưỡng thờ phụng linh hồn báo oán của Nhật Bản

    Từ sợ hãi đến tôn thờ, người Nhật đã biến những linh hồn mang nỗi oán hận thành các thực thể bảo hộ thông qua những nghi lễ thờ phụng gọi chung là “tín ngưỡng Goryo Shinko”, góp phần tạo nên một bản sắc tâm linh độc đáo cho xứ sở Phù Tang.

    Thờ phụng linh hồn báo oán

    Linh hồn rời khỏi một cơ thể không còn sự sống - đó là niềm tin phổ biến trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Vào thời cổ đại, người Nhật tin rằng khi một người chết đi, linh hồn của họ sẽ tách khỏi cơ thể vật lí. Và trạng thái tinh thần tại thời điểm người đó mất đi sự sống sẽ quyết định số phận của linh hồn. Linh hồn có thể biến thành một hồn ma báo thù, lang thang vô định trên trần gian.

    Cùng với đó, khi hiểu biết về tự nhiên và vũ trụ còn mơ hồ, người ta thường quy các thảm hoạ chết chóc cho những thế lực siêu nhiên. Đặc biệt, trong một xã hội thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bệnh dịch cũng như biến động chính trị, việc tìm kiếm nguyên nhân và cách giải quyết càng trở nên cấp thiết.

    Đối với người Nhật, họ tin rằng các sự kiện như vậy là do linh hồn mang nỗi oán hận của những người ra đi trong oan khuất, bi thảm hoặc bị đối xử bất công gây nên.

    Nhằm xoa dịu sự phẫn nộ này, tránh đi tai ương cho nhân gian, người Nhật đã thực hiện nhiều nghi thức thờ phụng các linh hồn, từ đó hình thành nên tín ngưỡng “Goryo Shinko” (御霊信仰 NGỰ LINH TÍN NGƯỠNG).

    sutoku
    Thiên hoàng Sutoku - một trong những linh hồn báo oán nổi tiếng nhất.

    Niềm tin rằng các linh hồn báo oán gây ra những sự kiện bất thường đã tồn tại ở Nhật Bản trước thời kỳ Nara (710-794). Nhưng Goryo Shinko phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng nhất là dưới thời Heian (794-1185). Đây là thời kỳ nước Nhật chứng kiến những xung đột chính trị, các cuộc thanh trừng nội bộ và dịch bệnh hoành hành. Nhiều quý tộc, học giả và nhân vật trọng yếu đã bị lưu đày, xử tử oan ức, ra đi trong bi thảm. Khi những hiện tượng bất thường trùng hợp liên tiếp xảy ra ngay sau những sự kiện nói trên, niềm tin vào sức mạnh của các linh hồn báo oán càng được củng cố.

    Goryo (御霊) nổi tiếng nhất trong thời kỳ này là Sugawara no Michizane (845-903), một học giả, chính trị gia lỗi lạc nhưng bị vu khống và lưu đày đến Dazaifu (Fukuoka) rồi qua đời trong uất ức.

    Sau cái chết của Sugawara no Michizane, nhiều tai ương liên tiếp xảy ra ở Kyoto, bệnh dịch hoành hành, khắp nơi hạn hán. Hơn thế, một tia sét đã đánh vào cung điện Seiryoden, gây ra hỏa hoạn thiêu chết một số nhân vật đã tham gia vào việc vu khống Michizane. Người ta tin rằng đây là sự trả thù của linh hồn vị học giả. Để xoa dịu, triều đình đã truy phong Sugawara no Michizane làm Tenman Tenjin (天満天神), vị thần của học vấn và văn chương, đồng thời xây dựng nhiều đền thờ Tenmangu trên khắp Nhật Bản. Người đời tin rằng, nhờ đó lời nguyền mới được giải trừ.

    goryo-shinko-michizane
    Sugawara no Michizane là vị thần được thờ phụng tại các đền Tenmangu. Tokyo Weekender

    Từ nỗi sợ đến sự tôn thờ

    Goryo Shinko, về bản chất, là quá trình biến đổi những linh hồn phẫn nộ thành các thực thể bảo hộ thông qua một hệ thống nghi lễ phức tạp, bao gồm:

    Lễ hội Goryo-e (御霊会): là những lễ hội được tổ chức định kỳ, thường vào mùa hè khi dịch bệnh hoành hành, nhằm xoa dịu các linh hồn mang nỗi oán hận, bao gồm nghi lễ rước kiệu, nhảy múa, dâng lễ vật... để cầu nguyện sự bình an, tiêu trừ tai ương.

    Xây dựng đền thờ: nhiều đền thờ Thần đạo ở Nhật Bản được lập nên để thờ phụng các Goryo, biến họ từ những linh hồn gây hại thành các vị thần (tiếng Nhật gọi là kami/神) có thể ban phước lành.

    Cầu nguyện: người dân và triều đình thường xuyên thực hiện các nghi lễ cầu nguyện để tỏ lòng tiếc thương và chuộc lại lỗi lầm với những linh hồn đã khuất.

    Vào thời Heian, tín ngưỡng Goryo Shinko phổ biến đến mức ngay cả triều đình cũng thiết lập nghi lễ riêng để nghênh đón những linh hồn mới gia nhập hàng ngũ các vị thần bảo hộ. Theo các ghi chép chính thức, nghi lễ đầu tiên chính thức xác nhận một Goryo diễn ra vào ngày 20 tháng 5 năm Jogan (貞観) thứ 5 (năm 863 sau Công nguyên) tại Vườn Shinsen-en. (Trích Nihon Sandai Jitsuroku)

    dazaifu-tenmangu
    Đền Dazaifu Tenmangu thờ học giả Michizane ở tỉnh Fukuoka. Ảnh: crossroadfukuoka

    Giá trị tinh thần của tín ngưỡng Goryo Shinko

    Không đơn thuần là một tín ngưỡng, Goryo Shinko còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và xã hội Nhật Bản. Trong thời kỳ hỗn loạn, tín ngưỡng này đóng vai trò như một cơ chế để giải thích và đối phó với những tai ương không thể lý giải. Việc quy kết những sự kiện tiêu cực cho các linh hồn báo oán giúp con người phần nào kiểm soát được nỗi sợ hãi.

    Cùng với việc an ủi linh hồn của những đã khuất, các nghi lễ Goryo Shinko còn xoa dịu tâm lí, nỗi đau và mất mát của những người sống sót qua các biến cố hay chứng kiến sự bất công. Không chỉ là niềm tin tâm linh, Goryo Shinko cũng là niềm tin vào công bằng và đạo đức xã hội.

    kilala.vn

    Nguồn: hyakumonogatari.com

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!