NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Ý nghĩa của Tanzaku – những dải giấy viết điều ước trong lễ Tanabata

    Ý nghĩa của Tanzaku – những dải giấy viết điều ước trong lễ Tanabata

    Vào lễ Thất tịch, người Nhật thường viết điều ước lên những mảnh giấy ngũ sắc gọi là Tanzaku và treo lên cành tre. Nhưng bạn có biết rằng, mỗi màu sắc của Tanzaku lại chứa đựng một ý nghĩa riêng biệt? Cùng Kilala tìm hiểu nhé!

    Lễ Thất tịch trong tiếng Nhật được gọi là Tanabata (七夕). Và khác với Việt Nam hay Trung Quốc, hiện nay người Nhật kỷ niệm lễ Thất tịch vào ngày 07/07 dương lịch thay vì âm lịch. Tanabata là một sự kiện mùa hè nổi bật ở xứ Phù Tang, với những hoạt động thú vị, đầy màu sắc diễn ra trên khắp cả nước.

    Nguồn gốc của lễ Thất tịch

    Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ

    Tanabata hay Thất tịch có nguồn gốc từ sự tích Ngưu Lang Chức Nữ của Trung Quốc. Chức Nữ (Orihime trong tiếng Nhật) sống ở phía tây sông Ngân, là con gái của Ngọc Hoàng, nổi tiếng với tài nghệ dệt vải. Còn Ngưu Lang (Hikoboshi trong tiếng Nhật) thì sống ở phía đông dòng sông, là một chàng chăn trâu siêng năng, cần mẫn.

    Sau khi nên duyên vợ chồng, cả hai vì quá quấn quýt nhau mà bỏ bê công việc. Biết được chuyện này, Ngọc Hoàng đã nổi giận và quyết định chia cắt họ bằng sông Ngân. Nỗi buồn khi phải chia xa người thương khiến cả Ngưu Lang và Chức Nữ đều sinh bệnh. Thương cho tình cảnh của đôi trai gái, Ngọc Hoàng đã cho phép họ gặp nhau mỗi năm một lần vào đêm 7 tháng 7.

    Vào ngày này, Ngưu Lang và Chức Nữ băng qua sông Ngân trên đôi cánh của loài chim ác là để đoàn tụ với nhau trong chốc lát. Câu chuyện tình yêu cảm động của hai nhân vật chính là nguồn gốc của lễ Thất tịch ngày nay.

    that-tich
    Thất tịch gắn liền với sự tích về Ngưu Lang Chức Nữ. Ảnh: bpic.588ku.com

    Lễ Kikkoden nguồn gốc của điều ước trong lễ Thất tịch

    Lễ Kikkoden (乞巧奠) là một phong tục cổ xưa của Trung Quốc nhằm tôn vinh Chức Nữ một thợ dệt tài hoa, và cầu nguyện với nàng cho tay nghề thủ công, may vá ngày càng tiến bộ. Kikkoden cùng với sự tích về Ngưu Lang Chức Nữ đã được du nhập vào Nhật Bản trong thời Nara (710-794).

    Dần dần, phong tục này lan rộng trong giới quý tộc Nhật Bản và trở thành lễ cầu nguyện vào đêm Thất tịch, nơi phụ nữ dâng lễ vật và gửi nguyện ước về điều lành.

    Nguồn gốc của Tanzaku

    Nhắc đến lễ hội Tanabata của Nhật Bản, hẳn ai cũng liên tưởng đến Tanzaku (短冊) những mảnh giấy nhỏ nhiều màu, trên ghi điều ước, treo lủng lẳng trên cành tre. Lễ Kikkoden chính là nguồn gốc của những dải giấy này.

    Ban đầu khi được tổ chức vào thời Nara, người Nhật đã dùng chỉ ngũ sắc để dâng lên thần linh. Tuy nhiên thời xưa, chỉ là một hàng hóa rất đắt đỏ và khó tìm, đặc biệt là đối với dân thường. Vì thế, họ bắt đầu cắt giấy thành những dải hình chữ nhật để thay thế, và đây chính là khởi nguồn của Tanzaku ngày nay.

    tanzaku-dieu-uoc
    Ảnh: pexel

    Ý nghĩa của Tanzaku ngũ sắc

    Tanzaku có 5 màu, được cho là xuất phát từ học thuyết âm dương ngũ hành của Trung Hoa, trong đó mỗi màu được gán cho một nguyên tố cụ thể của ngũ hành: 

    • Xanh/Xanh lá - Mộc
    • Đỏ - Hỏa
    • Vàng - Thổ
    • Trắng - Kim
    • Đen/Tím - Thủy

    Tại Nhật Bản, vì màu đen thường mang ý nghĩa không may mắn nên người ta thay thế bằng màu tím màu sắc vốn được xem là cao quý. Ngoài ra, do trong tiếng Nhật cổ, màu xanh lá cũng được gọi là “青 - Ao” như xanh dương, nên Mộc có thể bao hàm cả hai màu xanh này.

    Tanabata
    Ảnh: ambelo.jp

    Năm màu của Tanzaku tượng trưng cho thế giới tự nhiên nhưng đồng thời cũng đại diện cho ngũ thường trong đạo làm người, vốn là một nguyên tắc trong Nho giáo. Chính vì mang những ý nghĩa sâu sắc như vậy nên khi viết điều ước lên Tanzaku, người ta tin rằng chọn màu phù hợp với ước nguyện sẽ giúp tăng hiệu quả và may mắn.

    Màu Đức hạnh Điều ước
    Xanh/Xanh lá Nhân (仁) Nâng cao phẩm chất con người, tích lũy đức hạnh.
    Đỏ Lễ (礼) Lòng biết ơn dành cho tổ tiên và những người thân yêu.
    Vàng Tín (信) Niềm tin và sự trân trọng đối với người khác.
    Trắng Nghĩa (義) Tinh thần tôn trọng bổn phận và quy tắc.
    Đen/Tím Trí (智) Mong muốn tiến bộ trong học tập.
    tanzaku
    Ảnh: Canva

    Tuy vậy, trong xã hội hiện đại, sự chú trọng đến màu sắc của Tanzaku đã dần phai nhạt. Trái lại các mảnh giấy Tanzaku và đồ trang trí trên cành tre ngày càng trở nên rực rỡ, hoành tráng hơn, đặc biệt là tại các lễ hội lớn như Thất tịch ở Sendai hay Hiratsuka, nơi nổi tiếng với những cột giấy Fukinagashi khổng lồ và nghệ thuật trang trí bằng giấy tinh xảo, đầy sắc màu.

    hiratsuka
    Tanabata tại Hiratsuka, tỉnh Kanagawa. Ảnh: Jalan

    Xem thêm: Ý nghĩa những đồ vật trang trí trong lễ hội Tanabata

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!