Ý nghĩa những đồ vật trang trí trong lễ hội Tanabata
Vì sao lại trang trí cây tre?
Cây tre là món đồ trang trí không thể thiếu trong ngày lễ Tanabata. Từ những cây tre cao vút với cành lá xum xuê đến những cành tre "mini" để bàn, bạn sẽ thấy muôn hình vạn trạng của những cây tre trong ngày lễ Tanabata. Vậy cây tre có ý nghĩa thế nào?
Giống với người Việt, người Nhật cũng có quan niệm là tre tượng trưng cho sự sống. Bởi lẽ tre mọc rễ cắm sâu vào lòng đất, thân vươn thẳng lên trời nên khiến người ta liên tưởng đến sự mạnh mẽ, không ngừng tiến lên khi nhắc đến tre.
Theo quan niệm của người Nhật, lá tre còn có tác dụng trừ tà, xua đuổi những thứ xấu xa. Âm thanh xào xạc của lá tre đung đưa trong gió được ví như lời mời gọi thần linh và linh hồn của tổ tiên trở về thăm nhà. Hơn nữa, lá tre còn có tác dụng kháng khuẩn nên người Nhật thường đặt lá tre bên dưới đồ cúng cho tổ tiên, đặc biệt là đồ ăn để giữ đồ tươi lâu.
Ngoài ra, trong truyền thuyết kể lại, khi chàng Hikoboshi muốn gặp vợ của mình là nàng Orihime thì đã dùng cây tre để leo lên gặp nàng. Với những ý nghĩa linh thiêng như vậy, dần dần tre trở thành một vật trang trí gắn liền với lễ hội Tanabata.
Ý nghĩa những vật trang trí trong lễ Tanabata
Tanzaku
Tanzaku trong dịp lễ Tanabata là những mảnh giấy hoặc mảnh vải ghi điều ước được treo trên cành tre. Màu sắc của Tanzaku dựa trên thuyết Âm Dương Ngũ Hành của Trung Quốc, gồm 5 màu là đỏ - xanh dương - vàng - trắng - đen. Có ý kiến cho rằng nó tương ứng với kim - mộc - thủy - hỏa - thổ, có ý kiến khác thì cho rằng nó ứng với 5 đức tính của con người nhân (xanh) - lễ (đỏ) - nghĩa (trắng) - trí (đen) - tín (vàng).
Ngoài ra, có một số vùng sẽ dùng màu tím thay thế cho màu đen, màu xanh lá thì thay thế cho màu xanh dương. Tuy nhiên, ngày nay thì màu sắc của Tanzaku cũng đã đa dạng hơn.
Fukinagashi
Fukinagashi là những cột giấy lớn, tượng trưng cho những sợi chỉ của nữ thần may vá Orihime. Fukinagashi gồm một quả bóng giấy lớn phía trên, xung quanh được đính bằng những dải giấy dài rủ xuống bên dưới. Trên những dải giấy thường sẽ được trang trí bằng các họa tiết, bông hoa, hoặc những vật trang trí khác. Fukinagashi mang ý nghĩa cầu nguyện cho ngành dệt may và thủ công luôn phát triển.
Orizuru
Orizuru là những con hạc giấy được gấp từ giấy origami. Chim hạc đại diện cho sự sống lâu và trường thọ, nên nhiều người sẽ gấp hạc giấy và nối chúng lại bằng sợi chỉ rồi treo lên cành tre hoặc dán lên những sợi giấy trên Fukinagashi với ý muốn cầu chúc cơ thể khỏe mạnh.
Toami
Toami là những chiếc lưới đánh bắt cá được làm bằng giấy. Ý nghĩa cũng giống như tên gọi, Toami là một lời cầu nguyện cho ngành thủy sản sẽ luôn bội thu và cũng là lời cảm ơn đến biển cả.
Kinchaku
Kinchaku trong tiếng Nhật nghĩ là túi đựng tiền. Trong ngày lễ Tanabata, người Nhật sẽ gấp những chiếc túi đựng tiền giả bằng giấy origami với ý nghĩa cầu mong cho kinh doanh thuận lợi.
Kamiko
Kamiko là những con búp bê giấy mặc áo kimono hoặc chỉ là áo kimono bằng giấy. Kamiko có 2 ý nghĩa, thứ nhất là cầu nguyện cho ngành dệt may phát triển, thứ hai là búp bê Kamiko sẽ thay thế cho con người gánh những thảm họa và bệnh tật.
Kuzukago
Kuzukago là những chiếc túi rác bằng giấy, dùng để đựng những vật trang trí trong ngày lễ Tanabata. Kuzukago như một lời nhắn nhủ là chúng ta phải biết tiết kiệm và giữ mọi thứ luôn gọn gàng, ngăn nắp.
Đồ vật trang trí trong dịp lễ Tanabata thường có nhiều kích thước và các trang trí khác nhau, có nơi bạn sẽ thấy các món đồ này ở phiên bản khổng lồ, có nơi chỉ là phiên bản nhỏ treo trên những cành trúc. Nhưng tựu trung, những món đồ trang trí này đều mang ý nghĩa tưởng nhớ thần linh, tổ tiên và cầu mong điều tốt đẹp cho con người.
kilala.vn
07/07/2020
Bài: Tanpopo
Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận