“Quái vật 21 khuôn mặt” là bí danh của tên tội phạm kỳ bí nhất trong lịch sử Nhật Bản. Đến giờ danh tính thực sự của hắn vẫn là một câu đố chưa có lời giải.
Trong suốt khoảng thời gian 17 tháng vào giữa thập niên 80, người dân và lực lượng cảnh sát Nhật Bản đã bị “ám ảnh” bởi tên tội phạm có biệt danh “Quái vật 21 khuôn mặt” hay tên tiếng Nhật là “Kaijin Nijuichi Menso - かい人21面相 ”. Cái tên này được lấy cảm hứng từ bộ truyện trinh thám nổi tiếng “The Fiend with Twenty Faces” của Edogawa Rampo và trở thành trường hợp phạm tội khó hiểu nhất trong lịch sử điều tra phá án của Nhật Bản.
Câu chuyện về tên “Quái vật” kỳ lạ này bắt đầu vào một ngày giữa tháng 03/1984. Lúc đó Ezaki Glico, công ty nổi tiếng với loại bánh Pocky, xuất hiện trên truyền thông nhưng bởi một lý do khác thường.
Khoảng 21h00 ngày 18/03/1984, Chủ tịch của công ty kẹo Glico là ông Ezaki Katsuhisa đã bị hai gã đàn ông đeo mặt nạ bắt cóc và yêu cầu đòi tiền chuộc là 1 tỷ yên (theo tỷ giá thời đó) cùng với 100kg vàng. Tuy nhiên cuộc trao đổi con tin đòi tiền chuộc này đã thất bại khi nạn nhân may mắn trốn thoát. Sự việc này sau đó đã được báo chí truyền thông đưa tin rầm rộ. Nhưng cảnh sát thì không tìm thấy manh mối nào để tìm ra tội phạm của vụ bắt cóc tống tiền này.
Thế rồi vài tuần sau đó, vào tháng 04/1984, những chiếc xe đậu trong bãi xe của trụ sở công ty Glico đã bị đốt cháy, khu vực xung quanh cũng bị phá hủy. Chưa dừng lại ở đó, cơn ác mộng của Glico tiếp tục kéo dài khi vào ngày 16/04/1984, một thùng nhựa chứa đầy axit clohydric được tìm thấy bên trong một tòa nhà của công ty Glico ở Ibaraki, Osaka, cùng thành phố mà Ezaki bị giam giữ.
Vào ngày 10/05/1984, một lá thư đe dọa được phát hiện trên một chai axit clohydric với chữ kí "Quái vật 21 khuôn mặt". Nội dung bức thư là lời tuyên bố của thủ phạm rằng hắn đã tẩm chất độc kali xyanua vào gói kẹo của Glico và đã đem bày bán trên khắp các cửa hàng tạp hóa.
Sự việc này đã khiến Glico đã phải thu hồi lại toàn bộ số kẹo trên thị trường và chịu lỗ 20 triệu đô, sa thải khoảng 400 công nhân. Một tổn thất quá nặng nề, và người ta đồn đoán rằng công ty Glico đã gây thù chuốc oán với "Quái vật 21 khuôn mặt”, khiến hắn lên kế hoạch báo thù.
Thế nhưng mọi chuyện đáng sợ với Glico đã kết thúc một cách bất ngờ và chóng vánh khi vào ngày 26/06/1984, “Quái vật” đưa ra lời tuyên bố: “Chúng tôi tha thứ cho Glico!”.
Tưởng rằng các hành vi phạm tội sẽ dừng lại, nhưng không, “Quái vật” lại chuyển sang mục tiêu khác. Lần này là công ty bánh kẹo Morinaga, Marudai Ham và House Food. Hình thức gây án vẫn như cũ là gửi thư đe dọa nặc danh và tẩm độc trong những gói kẹo rồi đặt chúng lên kệ các cửa hàng tạp hóa.
Vào tháng 10/1984, một lá thư gửi đến các hãng truyền thông ở Osaka và cảnh báo rằng có khoảng 20 gói kẹo của Morinaga đã bị tẩm độc. Sau khi nhận được bức thư, cảnh sát đã lục soát nhiều cửa hàng ở các thành phố từ Tokyo đến miền Tây Nhật Bản và tìm thấy hơn một chục gói Morinaga Choco Balls, Angel Pie có khả năng gây chết người. Điểm chung của những gói kẹo là đều được dán nhãn cảnh báo: "Nguy hiểm: Chứa chất độc".
May mắn vụ án này không có nạn nhân nào thiệt mạng!
Một thời gian sau, “Quái vật” tuyên bố sẽ chấm dứt các hoạt động khủng bố nếu nhận được số tiền 50 triệu yên. Địa điểm nhận tiền sẽ được xác định bằng một lá cờ trắng trên tuyến đường tàu cao tốc chạy vào thành phố Kyoto. Nhưng cảnh sát đã không thể truy tìm dấu vết của tội phạm.
Đến tháng 11/1984, “Quái vật” lại đưa ra yêu cầu như cũ nhưng số tiền lại tăng lên gấp đôi với 100 triệu yên, tiền phải được thả vào một cái thùng có mảnh vải trắng trên đường cao tốc Meishin. Cảnh sát đã lên kế hoạch mai phục và truy bắt tên tội phạm này, nhưng sau tất cả vẫn để mất dấu.
Vào năm 1985, giới cảnh sát đã lao vào công cuộc truy tìm “Quái vật 21 khuôn mặt”. Chân dung của hắn được mô phỏng và truy nã trên khắp các mặt báo, xuất hiện trên sóng truyền hình, thu hút sự quan tâm theo dõi, tò mò của đông đảo người dân. Tuy nhiên đến tháng 08/1985, sau thời gian dài điều tra nhưng vụ án vẫn đi vào bế tắc, Giám đốc cảnh sát Yamamoto của tỉnh Shiga đã quyết định tự thiêu.
Kể từ đây, “Quái vật với 21 khuôn mặt” đã biến mất không dấu vết. Cơn ác mộng của giới cảnh sát và các công ty thực phẩm cũng chấm dứt. Nhưng những gì hắn để lại vẫn ám ảnh và khiến bao người đau đầu tìm kiếm câu trả lời trong mơ hồ.
Theo những nội dung chế nhạo, thách thức gửi cho giới cảnh sát với danh xưng “chúng tôi”, giới điều tra cho rằng “Quái vật 21 khuôn mặt” không phải một người mà là nhiều người, chúng hoạt động có tổ chức và ban đầu lên kế hoạch để trả thù công ty Glico.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát đã thu giữ một đoạn video cho thấy có một người đàn ông lạ mặt đang đặt thứ được cho là kẹo tẩm độc trên các kệ hàng. Điều đặc biệt là hắn cố tình để camera ghi lại hành động của mình như thể chế giễu cảnh sát. Ngoài ra, các nhà điều tra còn nhận được thư nặc danh của “Quái vật” với nội dung kể về cách thức gây án, như chúng vào nhà máy bằng cổng trước, máy đánh chữ chúng dùng là PANreader và các thùng nhựa được sử dụng là rác lấy ở ngoài đường.
Lý lẽ mà chúng nêu ra thể hiện sự thách thức, không hề nao núng sợ hãi trước giới điều tra. Thậm chí các bức thư đa phần là nhạo báng, gọi các sĩ quan cảnh sát là lũ ngu ngốc. Nạn nhân mà “Quái vật” hướng đến được xác định là các công ty bánh kẹo nổi tiếng tại Nhật Bản và mục đích là vì tiền, chúng luôn yêu cầu khoản tiền chuộc lớn.
Đến vào khoảng tháng 10/1984 thì chân dung của “Quái vật” đã có thêm manh mối mới khi một viên cảnh sát được giao nhiệm vụ đưa tiền cho tổ chức khủng bố này. Và anh ta đã phát hiện ra một người đàn ông có hành động khả nghi trên chuyến tàu chạy vào thành phố Kyoto, địa điểm chỉ định giao dịch với “Quái vật”.
Đối tượng này được mô tả là có dáng cao và đôi mắt giống như mắt cáo. “Người đàn ông mắt cáo” này tiếp tục được phát hiện lần nữa tại địa điểm giao dịch lần thứ hai giữa “Quái vật” và cảnh sát. Nhưng sau đó hắn đã nhanh chóng tẩu thoát.
Vào tháng 01/1985, dựa trên những mô tả trước đó về “Quái vật 21 khuôn mặt”, cảnh sát đã phác họa lại chân dung kẻ tình nghi và sử dụng hình ảnh này để truy nã tội phạm. Tuy nhiên, không có bất kỳ ai được tìm thấy giống như trong hình truy nã và chân dung về “Quái vật” mãi mãi là một bí ẩn không lời giải.
Sau đó cảnh sát Tokyo đã bắt nghi phạm có tên Miyazaki Manabu, người này từng dính líu đến nhiều bê bối với công ty bánh kẹo Glico. Manabu trở thành đối tượng tình nghi vì cuốn băng ghi âm của anh ta có cách diễn đạt rất giống với các câu chữ mà “Quái vật 21 khuôn mặt” từng dùng để trêu đùa cảnh sát.
Bên cạnh đó, Manabu có những điểm tương đồng với miêu tả về “Người đàn ông mắt cáo”, ngoài ra cha của Manabu là một Yakuza khét tiếng ở địa phương. Thế nhưng vì không có chứng cứ xác thực nên cảnh sát đành phải thả Miyazaki Manabu. Tên tội phạm cần bắt giữ vẫn không thể tìm thấy.
"Quái vật 21 khuôn mặt" tuy không trực tiếp gây ra một án mạng nào nhưng vẫn để lại hậu quả khôn lường. Vụ án này đã khiến cả nước Nhật lúc bấy giờ chìm trong khủng hoảng, doanh số bán kẹo giảm mạnh, các công ty thực phẩm điêu đứng, hàng trăm nhân viên bị sa thải, rơi vào cảnh thất nghiệp.
Và giới cảnh sát thì trở thành những “chúa hề” bị “Quái vật” trêu đùa, chế giễu dẫn đến một người phải tự thiêu. Thậm chí, có thời điểm ước tính rằng hơn một triệu cảnh sát đã tham gia giải quyết vụ việc ở một mức độ nào đó trong nhiều năm, theo đuổi hơn 28.000 manh mối và điều tra gần 125.000 người liên quan.
Thời hạn truy tố cho vụ bắt cóc Ezaki Katsuhisa, Chủ tịch của Glico, đã hết vào tháng 06/1995; cho các vụ đầu độc đã hết vào tháng 02/2000. Đến nay đã 38 năm trôi qua, vụ án "Quái vật 21 khuôn mặt" vẫn không có thêm manh mối, đây trở thành sự kiện quái lạ, khó hiểu và bí ẩn bậc nhất trong lịch sử tội phạm nước Nhật.