eMagazine
0%

Truyền thuyết đô thị là một phần trong văn hóa của nhiều quốc gia và trở thành nguồn cảm hứng của không ít nhà làm phim kinh dị. Là một đất nước với đời sống tâm linh phong phú, Nhật Bản có vô số những truyền thuyết đô thị rùng rợn sởn gai ốc, trong số đó không thể không nhắc đến câu chuyện về đường hầm ma ám và ngôi làng chết chóc Inunaki.

Truyền thuyết
đầy ám ảnh

Những con đường hầm thường toát lên vẻ đáng sợ theo cách riêng của chúng: thiếu ánh sáng, không gian ngột ngạt, bóng tối rùng rợn và âm thanh kỳ lạ phát ra từ phía tối tăm.

Đường hầm cổ Inunaki được nhắc đến trong câu chuyện ma ám nổi tiếng là một lối đi bị bỏ hoang, ẩn mình trong vùng núi Inunaki ở thị trấn Miyawaka, tỉnh Fukuoka. Bản thân cái tên “Inunaki – 犬鳴” cũng đã mang đến sự đáng sợ khi có nghĩa là “chó hú”. Sự rùng rợn của đường hầm “chó hú” có kết nối trực tiếp đến ngôi làng cùng tên – nơi mà nó dẫn đến.

Đường hầm Inunaki tọa lạc ở thị trấn Miyawaka, tỉnh Fukuoka.
Đường hầm Inunaki tọa lạc ở thị trấn Miyawaka, tỉnh Fukuoka. Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS
Đường hầm ma ám và ngôi làng chết chóc Inunaki là truyền thuyết đô thị nổi tiếng của Nhật Bản.
Đường hầm ma ám và ngôi làng chết chóc Inunaki là truyền thuyết đô thị nổi tiếng của Nhật Bản. Ảnh: grimoireofhorror.com

Câu chuyện cặp đôi lạc vào
ngôi làng chết chóc

Vào khoảng đầu thập niên 70, có một cặp đôi trẻ lái xe lên sườn núi Inunaki, dự định đi về hướng Hisayama, thị trấn tọa lạc phía bên kia ngọn núi. Từ Miyawaka, họ phải di chuyển theo một con đường hẹp lên đồi và chui qua hầm Inunaki mới có thể tới được nơi mình muốn.

Đường hầm ma ám và ngôi làng chết chóc Inunaki là truyền thuyết đô thị nổi tiếng của Nhật Bản.
Đường hầm ma ám và ngôi làng chết chóc Inunaki là truyền thuyết đô thị nổi tiếng của Nhật Bản. Ảnh: grimoireofhorror.com

Tuy nhiên, khi chỉ vừa mới đến ngay trước đường hầm, một âm thanh lạch cạch phát ra, và con xe của cả hai đã đột ngột chết máy. Trong cơn tuyệt vọng, nhận thấy một lối đi bên phải đường, cặp đôi liền rời khỏi xe và đi vào rừng tìm kiếm sự giúp đỡ.

Đi được một đoạn, họ bắt gặp tấm biển viết tay với nội dung “Hiến pháp của Nhật Bản không còn hiệu lực từ sau điểm này”. Và rồi con đường càng đi càng trắc trở với um tùm cây cối, may thay khi đến cuối đường, một ngôi làng nhỏ hiện ra.

Tuy nhiên, bầu không khí có gì đó rất kỳ lạ, tịch mịch, lạnh lẽo và âm u. Nơi này dường như là một ngôi làng bị bỏ hoang, những ngôi nhà tối tăm và đổ nát, chẳng thể tìm thấy một bóng người hay thậm chí là động vật. Cảm thấy bất an, cặp đôi quyết định quay trở ra. Đúng lúc này, đột nhiên có âm thanh phát ra từ một ngôi nhà, rồi một người đàn ông xuất hiện và hét lớn: “Xin chào… Chào mừng đến với làng Inunaki!”.

Ban đầu, gã đứng cách cặp đôi khoảng 30m, vậy mà chỉ với vài bước chân, dài và nhanh đến khó tin, anh ta đã đứng trước mặt họ cất lời: “Chúng tôi rất yêu mến du khách đến đây, nhưng không thích khi họ rời đi”.

Dứt lời, chỉ với một chuyển động, gã đàn ông kỳ lạ đã dùng lưỡi liềm cắt cổ người con trai. Chàng trai trẻ bàng hoàng chưa kịp hiểu chuyện gì đã ngã gục xuống đất. Cô gái cố lùi lại toan tìm đường bỏ chạy, nhưng đã bị gã giữ chặt lấy bằng một sức mạnh đáng kinh ngạc mà cô chưa từng cảm nhận trong đời. Cô gái bị nhấc bổng lên bằng một tay rồi bị ném thẳng xuống con đường đầy sỏi một cách tàn bạo.

Giây phút khi lưỡi liềm giáng xuống, cô quay đầu về phía ngôi nhà gần nhất và kinh hãi nhận ra, ẩn sau những căn nhà nhỏ lụp xụp là vô vàn xác người đang phân hủy. Đó chính là lý do của sự im lặng và bóng tối kỳ bí bao phủ lên ngôi làng, tất cả đều đã bị giết bởi gã đàn ông điên loạn.

Từ đó về sau, chẳng còn ai nghe thấy tin tức gì về họ nữa. Chiếc sedan màu trắng vẫn đợi ở đó, bên vệ đường, ngay con đường nhỏ dẫn vào rừng, hoen gỉ và thủng lốp.

Nguồn gốc tên gọi làng “chó hú”

Tên gọi “Inunaki” – làng “chó hú” được lý giải bằng câu chuyện một người đàn ông đã nhẫn tâm giết chết chú chó của mình vì nó không ngừng sủa. Ngay sau đó, anh ta cùng cả gia đình đã bị sát hại. Thực tế, tiếng sủa liên tục của chú chó là lời cảnh báo cho chủ nhân của mình về mối nguy hiểm đang đến gần, nhưng người đàn ông chẳng hề hay biết, còn đành đoạn tước đi mạng sống của chú để rồi bản thân và gia đình cũng mất mạng.

Những lời đồn đại khác

Ngoài những truyền thuyết kể trên, còn có rất nhiều lời đồn đại khác về khu vực xunh quanh Miyawaka, nơi được xem là một “vùng đất ma ám”. Những khu rừng rậm rạp, địa hình hiểm trở, các con đường hẹp, lối đi khó tiếp cận, sự vắng bóng của những ngôi nhà và con người khiến khu vực này chìm trong không khí ma quái, quỷ dị.

Từ đó, câu chuyện rùng rợn về những lần “đụng độ” những sự vật, sự việc kỳ lạ đã được truyền tai nhau, thu hút các cá nhân có máu trinh thám tìm đến để khám phá bí ẩn.

Sự thật phía sau
truyền thuyết

Vụ án mạng ở đường hầm

Đường hầm Inunaki cũ hoàn thành vào năm 1949 nhưng đến năm 1975, nó được thay thế bằng một đường hầm mới to và rộng hơn. Đường hầm mới giúp việc di chuyển bằng ô tô từ bên này sang bên kia núi trở nên dễ dàng và nhanh chóng. Do đó, con đường cũ gần như bị bỏ hoang, trở thành một lối đi rất nguy hiểm với toàn những khúc cua, sườn dốc và không được bảo trì. Để bảo vệ người đi đường, người ta đã dựng lên những cánh cổng thép kiên cố ở hai đầu hầm.

Lý do đường hầm Inunaki cũ trở thành bối cảnh xuất hiện trong nhiều câu chuyện tâm linh nhiều khả năng liên quan đến việc nơi đây từng là hiện trường của một án mạng kinh hoàng. Vụ án có thật xảy ra vào ngày 6 tháng 12 năm 1988, tại khu vực gần đường hầm, một công nhân nhà máy tên Umeyama Kouichi đã bị một nhóm thanh niên tấn công hòng cướp xe.

Trước sự chống cự của nạn nhân, băng nhóm đã bắt trói và đưa Kouichi vào hầm, tẩm xăng và thiêu chết người công nhân xấu số. Thi thể của Umeyama được phát hiện vào trưa ngày hôm sau, những kẻ thủ ác cũng bị bắt giữ ngay sau đó và bị kết án chung thân vào năm 1991.

Đường hầm Inunaki cũ bị bỏ hoang.
Đường hầm Inunaki cũ bị bỏ hoang. Ảnh: unfakely.com
Đập Inunaki.
Đập Inunaki. Ảnh: unfakely.com

Ngôi làng có thật

Theo các ghi chép lịch sử được viết trong thời kỳ Edo (1603 - 1868), có một ngôi làng mang tên Inunaki thực sự đã tồn tại, với tên gọi chính thức là làng Inunakidani - 犬鳴谷村”, thành lập vào năm 1691.

Đập Inunaki.
Đập Inunaki. Ảnh: unfakely.com

Vào tháng 4 năm 1889, do sự ra đời của hệ thống “chosonsei - 町村制” (quy định hệ thống thị trấn và làng mạc), Inunakidani được sáp nhập vào làng Yoshikawa lân cận, rồi qua nhiều năm lại được hợp nhất với các khu vực khác, cuối cùng tạo thành thành phố Miyawaka. Vào năm 1986, địa điểm mà làng Inunakidani tọa lạc đã bị nhấn chìm do việc xây dựng đập Inunaki, cư dân của ngôi làng đã được chuyển đến vùng Wakita gần đó.

Tuy nhiên, trên thực tế làng Inunakidani hoàn toàn chẳng liên quan gì đến ngôi làng “chó hú” được nhắc đến trong những câu chuyện truyền miệng kể trên. Nghĩa là, “ngôi làng chết chóc” chỉ là “sản phẩm thêu dệt”. Làng Inunaki trong truyền thuyết được cho là nằm đâu đó xung quanh sườn núi Inunaki, tỉnh Fukuoka, cách Nagasaki khoảng 100 dặm về phía Bắc.

Có thể tin đồn về ngôi làng bắt nguồn từ một bức thư nặc danh gửi tới kênh truyền hình Nippon TV vào năm 1999. Trong đó, tác giả bức thư kể về một con đường nhỏ, dễ bị bỏ qua ở khu vực lân cận đường hầm Inunaki cũ. Bức thư cũng mô tả tấm biển với dòng “Hiến pháp Nhật Bản không có hiệu lực từ sau điểm này”, và đề cập đến câu chuyện cặp đôi bị sát hại bởi dân làng.

Trong văn hóa
đại chúng

Năm 2019, đạo diễn bậc thầy Takashi Shimizu đã cho ra mắt tác phẩm điện ảnh kinh dị “Howling Village” (tựa Việt: Ngôi làng tử khí) với cốt truyện dựa trên truyền thuyết về làng Inunaki. Bộ phim ra đời đã góp phần vào sự nổi tiếng của đường hầm Inunaki và khiến nhiều người tìm đến khu vực này.

Bộ phim kinh dị “Howling Village” lấy cảm hứng từ truyền thuyết ngôi làng chết chóc Inunaki.

Câu chuyện về đường hầm ma ám và ngôi làng chết chóc Inunaki cũng đã truyền cảm hứng cho bộ anime “Mayoiga - 迷家-マヨイガ” (tạm dịch: Ngôi làng biến mất) phát hành năm 2016 và tập truyện “Tonneru no Kitan - トンネルの奇譚” (tạm dịch: Bí ẩn đường hầm) trong manga của họa sĩ kinh dị Junji Ito.