Mưa bóng mây và truyền thuyết về đám cưới bí ẩn của loài cáo

    Khi trời mưa bóng mây, các bậc cha mẹ thường khuyên con cái không nên ra khỏi nhà. Vì theo truyền thuyết Nhật Bản, vào những ngày này,loài cáo sẽ tổ chức đám rước dâu (Kitsune no yomeiri).

    Kitsune no Yomeiri là gì?

    “狐の嫁入り - Kitsune no yomeiri” được ghép bởi 2 từ “狐 - Kitsune” (cáo, hồ ly) và “嫁入り - Yomeiri” (đám cưới). Nghĩa thứ nhất của cụm từ cũng chính là hình ảnh mà nó đại diện: “đám cưới của loài cáo”. Nghĩa thứ hai chỉ thời tiết đang nắng bỗng bất chợt đổ mưa, hay chính là hiện tượng mưa bóng mây. Một từ khác để chỉ hiện tượng này trong tiếng Nhật là "天気雨 - Tenkiame".

    mưa bóng mây và truyền thuyết về đám cưới bí ẩn của loài cáo - đám cưới hồ ly
    Đám rước của loài cáo trên đường Oji, họa sĩ Utagawa Hiroshige. Ảnh: smokingsamurai.com

    Khái niệm "Kitsune no yomeiri" được sử dụng phổ biến ở nhiều vùng trên khắp Nhật Bản, nhưng khác nhau về cách gọi ở từng địa phương cụ thể. Tại các tỉnh thuộc vùng Kanto, như Chiba và Saitama, nó được gọi là "狐の嫁取 - Kitsune no yometori", và ở Shizuoka là "狐の祝言 - Kitsune no Shuugen".

    Ngày nay, cụm từ "Kitsune no yomeiri" được dùng phổ biến với nghĩa chỉ thời tiết.

    Vì sao đám cưới của loài cáo gắn với mưa bóng mây?

    Cáo (狐 - Kitsune) vốn là loài vật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong văn hóa Nhật Bản, gắn liền với thần Inari - vị thần coi sóc lúa gạo và các loài cây lương thực, nhà cửa, ngành công - thương nghiệp và nghệ thuật.

    Trong văn hóa dân gian, cáo (còn gọi là hồ ly) được cho là có khả năng biến hình thành con người. Trong một số truyền thuyết, Kitsune thường sử dụng phép thuật của chúng để lừa con người. Một số truyền thuyết khác lại miêu tả loài cáo như những vệ sĩ trung thành, người bạn, người tình và người vợ.

    Vì sao người Nhật lại thốt lên câu “Đám cưới của cáo đấy” mỗi khi có cơn mưa bất chợt xuất hiện ngay khi trời đang nắng? Có nhiều truyền thuyết huyền bí, ly kỳ xoay quanh nguồn gốc của cách nói này.

    Đám cưới của loài cáo không thể bị con người trông thấy

    Đây được xem là truyền thuyết nổi tiếng nhất về nguồn gốc của Kitsune no yomeiri. Trong thế giới của hồ ly có một luật lệ rất nghiêm ngặt: không được để con người trông thấy đám cưới của chúng.

    Hồ ly đã tạo ra cơn mưa để che giấu lễ cưới, nhưng vốn không có năng lực hô mưa gọi gió nên chúng chỉ có thể tạo ra những cơn mưa “giả”. Với "mánh khóe" của mình, chúng khiến loài người ngỡ trời mưa nên vội vàng trở về nhà. Ngay chính lúc đó, đám cưới của chúng đã được cử hành chóng vánh.

    vì sao đám cưới hồ ly gắn với mưa bóng mây
    Ảnh từ phim "Dreams", đạo diễn Kurosawa Akira.
    Ngày nay, hiện tượng mưa bóng mây đã được giải thích dưới góc độ khoa học, nhưng với người xưa, cơn mưa này lại vô cùng bí ẩn và kỳ lạ. Họ cho rằng, có lẽ những cơn mưa ngắn ngủi giữa trời nắng là do hồ ly gây ra để che giấu đám cưới bí mật của chúng.

    Cổ tích tình yêu giữa người và hồ ly

    Một giả thuyết khác cho rằng: Kitsune no Yomeiri bắt nguồn từ một câu chuyện cổ tích. Tại một ngôi làng nọ, do hạn hán kéo dài, dân làng quyết định tế sống người cho thần linh. Vì không thể chọn được ai làm vật hiến tế, họ quyết định hy sinh một hồ ly có khả năng cải trang thành người.

    Kế hoạch của họ là lừa hồ ly này tổ chức đám cưới với một người đàn ông trong làng rồi lợi dụng thời điểm đó để đem hồ ly đi tế thần. Tuy nhiên, điều không ngờ đến là hồ ly và người đàn ông nọ lại dần phải lòng nhau. Vì tình yêu, anh đã nói với cô về kế hoạch của dân làng. Dù đã rõ sự việc, hồ ly vẫn chấp nhận hy sinh bản thân.

    Khi nghi lễ hiến tế diễn ra, trời bỗng đổ cơn mưa. Người ta nói rằng, có lẽ đó chính là những giọt nước mắt đau buồn của con hồ ly nọ.

    Đám cưới cáo
    Ảnh: omatsurijapan.com

    Ý nghĩa của Kitsune no Yomeiri cũng được hiểu theo nhiều cách khác nhau, tùy khu vực. Tại các vùng nông nghiệp, mưa bóng mây tượng trưng cho điềm lành, hứa hẹn một mùa màng đủ nước, tốt tươi và con cái đề huề cho bất kỳ cô dâu nào may mắn kết hôn vào một ngày như vậy.

    Ở Tokushima, mưa bóng mây được gọi là Kitsuneame (狐雨, mưa cáo) và không liên quan đến đám cưới. Ở tỉnh Kumamoto, đám cưới của cáo gắn liền với cầu vồng, và ở tỉnh Aichi lại là mưa đá.

    Đám cưới cáo trong văn hóa Nhật Bản

    Kitsune no Yomeiri từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa dân gian Nhật Bản, tuy nhiên cần phân biệt đám cưới của loài cáo vào ban ngày, khi trời mưa với đám cưới vào ban đêm, đặc trưng bởi “狐日 - Kitsunebi - Hồ hỏa”, tức “lửa cáo”. Mô tả về đám rước ban đêm xuất hiện trong cuốn sách Echigo Nayose (越後名寄 - Bách khoa toàn thư Echigo) xuất bản vào thời Horeki (1751-1764).

    “Tại nơi nào đó vào một thời điểm nào đó trong đêm, những khi trời trở nên yên tĩnh lạ thường, có thể trông thấy những ngọn lửa như đèn lồng giấy hay ngọn đuốc sáng từ xa, kéo dài hơn một lý*. Chúng khá hiếm, nhưng khó mà nhầm lẫn được. Thỉnh thoảng, chúng xuất hiện ở quận Kanbara. Đó là hiện tượng mà người trẻ gọi là "đám cưới của loài cáo”.

    *Đơn vị đo chiều dài. 1 lý (里) của Nhật Bản, xấp xỉ 3.93km.

    Hầu hết tài liệu trước thời Meiji đều kể về đám rước lửa trên, tuy nhiên họa sĩ Hokusai Katsushika đã vẽ lại cảnh cáo rước dâu dưới trời mưa qua bức “Kitsune no Yomeiri-zu” (狐の嫁入図). Hình ảnh này cũng được nhắc đến trong vở kịch rối “Dan no Ura Kabuto Gunki" (壇浦兜軍記) trình diễn lần đầu vào năm 1732.

    đám cưới cáo trong văn hóa Nhật Bản
    Một phần bức tranh “Kitsune no Yomeiri-zu” của Hokusai. Ảnh: mercari.com

    Đám cưới cáo cũng xuất hiện trong tác phẩm điện ảnh “Dreams - 夢” (1990) của đạo diễn Kurosawa Akira. "Dreams" bao gồm 8 phim ngắn, mỗi phim là một giấc mơ, trải nghiệm, bài học của chính vị đạo diễn thiên tài này.

    Trong tập phim đầu tiên, một bé trai khoảng bảy, tám tuổi đứng trước cổng nhà trong cơn mưa bóng mây. Người mẹ cảnh báo cậu không được ra ngoài vì hồ ly đang tổ chức đám cưới và chúng sẽ nổi giận nếu bị nhìn thấy. Nhưng cậu đã không nghe lời và đi vào rừng. Giữa đám sương dày đặc, cậu bé trông thấy đám rước của hồ ly. Khi về đến nhà, người mẹ đã ngăn cậu lại, nói rằng, một con hồ ly đã đến và giận dữ để lại con dao Tanto (loại dao dùng cho nghi thức Seppuku).

    Điều này có nghĩa là: cậu bé đã trông thấy đám cưới cáo nên phải trả giá bằng mạng sống. Người mẹ khuyên con trai đi tạ lỗi với hồ ly, nếu không cậu sẽ phải chịu hậu quả. Theo lời mẹ, cậu bé đi đến chân cầu vồng - được cho là nơi trú ngụ của loài hồ ly - để xin tha tội.

    dreams - Đám cưới hồ ly
    Ảnh từ phim "Dreams", đạo diễn Kurosawa Akira.

    Cơn mưa ngắn ngủi gắn liền với đám cưới của loài cáo, là hình ảnh vừa lãng mạn vừa kỳ ảo. Ngày nay, nhiều thành phố trên khắp nước Nhật cũng tổ chức lễ hội “đám cưới của cáo” nhằm lưu giữ truyền thuyết đầy thi vị này. Lễ hội đã thu hút khách du lịch từ khắp nơi đến tham dự.

    Xem thêm: Vì sao người Nhật đặc biệt tôn trọng loài cáo?

    kilala.vn

    31/05/2021

    Bài: kirin

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!