NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Truyền thống, hiện đại giao thoa trong những cú bắt tay của các thương hiệu với nghệ nhân Nhật Bản

    Truyền thống, hiện đại giao thoa trong những cú bắt tay của các thương hiệu với nghệ nhân Nhật Bản

    Người Nhật nổi tiếng với di sản phong phú về nghề thủ công truyền thống tồn tại qua hàng trăm, hàng ngàn năm lịch sử. Những sản phẩm tinh tế, độc đáo tựa như tác phẩm nghệ thuật, được sản xuất với số lượng giới hạn này đã thu hút nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Họ kết hợp chúng như chất liệu để tạo thêm nét “độc quyền” cùng chiều sâu văn hóa cho sản phẩm của mình, khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt những người tiêu dùng sành điệu. 

    Những cú bắt tay của các thương hiệu lớn với shokunin đến từ Nhật Bản đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm đậm tính nghệ thuật. Sự làm mới các sản phẩm thủ công truyền thống thông qua hình thức hợp tác này cũng tạo động lực cho việc bảo tồn, phát triển nghề thủ công trước nguy cơ mai một. 

    1. Hermès x Kyoto Marble: Nghệ thuật Suminagashi trên lụa

    Suminagashi (墨流し), thường được gọi là thủy ấn họa trong tiếng Việt, là quá trình tạo ra họa tiết vân cẩm thạch trên giấy. Nó được làm bằng cách chấm nhẹ mực lên mặt nước để tạo họa tiết dạng xoáy, sau đó đặt giấy lên trên để họa tiết này được in trên giấy. Kỹ thuật Suminagashi của Nhật Bản có nguồn gốc từ thế kỷ 12, được các nhà sư mang về từ Trung Quốc. Và ngoài giấy thì nó còn được ứng dụng lên các bề mặt như gốm, thủy tinh hay vải.

    suminagashi
    Giấy được in bằng kỹ thuật Suminagashi. Ảnh: KOUGEI-EXPO

    Hiện nay, Kyoto Marble - xưởng nhuộm được điều hành bởi nghệ nhân Moriyoshi Nose, là nơi duy nhất còn duy trì kỹ thuật nhuộm Suminagashi trên vải lụa. Vào năm 2016, Hermès đã tìm thấy gia đình Nose và hợp tác với họ để sản xuất BST khăn Marble Silk rực rỡ.

    Mỗi chiếc khăn được nhuộm với kỹ thuật này là một bản giao hưởng của màu sắc và hoa văn, mỗi chiếc lại là một giai điệu độc đáo được điều khiển bởi đôi tay của người thợ lành nghề.

    hermes-suminagashi
    Khăn Marble Silk ứng dụng kỹ thuật Suminagashi trên vải. Ảnh: Hermès

    Quá trình in họa tiết lên vải bao gồm việc sử dụng một loại bột nhão để nhúng vào nhiều loại sắc tố khác nhau. Phần bột nhiều màu này sau đó được cắt ghép tỉ mỉ để tạo thành các họa tiết đặc biệt, gần giống như việc tạo ra hoa văn cẩm thạch trên mặt nước trong kỹ thuật Suminagashi nguyên bản. Họa tiết cuối cùng được in lên lụa trắng, đảm bảo màu sắc phải rực rỡ và có độ tương phản rõ rệt.

    2. Guerlain x Arita Porcelain Lab: Đồ sứ Arita

    Sứ Arita (Ariya-yaki - 有田焼) là tên gọi của đồ sứ truyền thống được sản xuất tại thị trấn Arita, tỉnh Saga, hay còn có tên gọi khác là đồ sứ Imari vì được vận chuyển từ cảng Imari. Đây là dòng sứ lâu đời nhất Nhật Bản, được sản xuất từ thế kỷ 17. Tới giữa thế kỷ 17, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã xuất khẩu số lượng lớn đồ sứ này tới người mua trên khắp thế giới, chủ yếu ở châu Âu. 

    Bền và cứng, sứ Arita còn nổi tiếng với những họa tiết được sơn vẽ tinh xảo, sống động với các gam màu chủ đạo như xanh chàm, đỏ, vàng kim. Cho đến ngày nay, những sản phẩm này vẫn được những người yêu thích đồ sứ trên toàn thế giới sưu tầm.

    Để kỷ niệm 400 năm sứ Arita, vào tháng 5/2016, thương hiệu Guerlain từ nước Pháp đã có cú bắt tay với Arita Porcelain Lab để tạo ra chai nước hoa bằng sứ cho dòng sản phẩm huyền thoại Mitsouko của hãng.

    su-arita
    Chai nước hoa Mitsouko với hoa văn rực rỡ được tạo ra bởi các nghệ nhân gốm sứ Arita. Ảnh: 2luxury2.com

    Arita Porcelain Lab – thương hiệu sứ Arita với hơn 200 năm lịch sử, đã tái hiện chai hình "trái tim ngược" mang tính biểu tượng của Guerlain bằng chất liệu sứ, dựa trên bí quyết được lưu truyền qua nhiều thế kỷ.

    Chai được trang trí với họa tiết Kyokujitsu (旭日章 - Húc Nhật Chương) tinh tế, tượng trưng cho hình ảnh mặt trời mọc. Trong đó, những tia nắng được biến tấu với các họa tiết truyền thống của đồ sứ Arita. 

    Được biết đây là thiết kế của nghệ nhân Yazaemon đời thứ 7 và mỗi vỏ chai được chế tác hoàn toàn thủ công bởi nghệ nhân lành nghề ở xưởng.

    guerlain-x-arita-porcelain-lab
    Ảnh: parfumplus.ru

    3. NIKE x BUAISOU: Nghệ thuật nhuộm chàm

    Vào năm 2020, Nike đã giới thiệu đến thị trường dòng Nike ISPA Drifter - mẫu giày cổ trung lấy cảm hứng từ tất tabi truyền thống của Nhật Bản. Đến tháng 8/2021, thương hiệu tiếp tục tung ra phiên bản Nike ISPA Drifter Indigo được bán với số lượng giới hạn, trong đó đôi giày được khoác lên màu chàm “Japan Blue” bởi những thợ thủ công của BUAISOU.

    Do quá trình nhuộm chàm được thực hiện hoàn toàn bằng tay nên cả về sắc thái, hoa văn đều có sự khác biệt, làm nên tính độc bản cho sản phẩm. Ngoài ra trên thân giày còn được điểm xuyết bằng những họa tiết thêu để tạo thêm điểm nhấn.

    nike-buaisou
    Phiên bản nhuộm chàm của dòng Nike ISPA Drifter hợp tác với BUAISOU. Ảnh: sneakernews.com

    BUAISOU được vận hành bởi một nhóm 4 nghệ nhân cùng chung đam mê thổi luồng sinh khí mới vào nghề sản xuất sukumo (thuốc nhuộm chàm) đang dần mai một ở Tokushima – vùng sản xuất thuốc nhuộm chàm lớn nhất cả nước. Tuân thủ nghiêm ngặt các phương pháp truyền thống, họ xử lý mọi thứ từ trồng chàm đến sản xuất sukumo và tạo ra các sản phẩm nhuộm chàm. BUAISOU đã tạo dựng được danh tiếng trên thế giới và từng có nhiều lần hợp tác với những thương hiệu nổi tiếng. 

    jimmy-chou-buaisou
    BST của Jimmy Choo hợp tác với BUAISOU. Ảnh: highsnobiety.com

    4. COS × TABATA SHIBORI: Kỹ thuật nhuộm Shibori

    Lấy cảm hứng từ văn hóa đương đại, thương hiệu thời trang COS có trụ sở tại London nổi tiếng với những món đồ thời trang cao cấp cùng loạt thiết kế sáng tạo được sinh ra để tồn tại bền vững với thời gian. Và mới đây, trong năm 2024 này, COS đã tìm đến Kazuki Tabata – một nghệ nhân nhuộm Shibori ở Kyoto.

    Shibori (絞り) là kỹ thuật “nhuộm buộc” đã xuất hiện ở Nhật từ hàng ngàn năm trước. Mang nghĩa là “vắt, bóp, ép”, Shibori bao gồm quá trình tạo ra các họa tiết phức tạp bằng cách buộc, gấp, khâu... trước khi tiến hành nhuộm để tạo họa tiết trên vải.

    Bộ sưu tập giới hạn hợp tác giữa COS và nghệ nhân Tabata có tổng cộng 14 món, gồm trang phục nam, nữ và phụ kiện, với các tông màu như chàm hay cam. Kazuki Tabata đã sử dụng hai kỹ thuật: "yukihana shibori" (shibori bông tuyết) và "tesuji shibori" (shibori khâu tay) để tạo nên họa tiết cho vải.

    shibori
    Ảnh: COS

    5. Gucci x HOSOO: Gấm Nishijin-ori

    Gấm Nishijin hay Nishijin-ori là loại vải dệt trứ danh ra đời tại cố đô Kyoto cách đây hơn 1.200 năm. Loại gấm này nổi tiếng tinh xảo và xa xỉ, thường được dùng để may những chiếc kimono và obi cao cấp.

    Tọa lạc ở quận Nishijin của Kyoto, HOSOO là xưởng dệt có tuổi đời hơn 300 năm. Và ngoài hàng dệt truyền thống, họ đã thực hiện những đổi mới để mở rộng tiềm năng của nghệ thuật thủ công lâu đời này. Chẳng hạn, HOSOO đã thành công tạo ra khung cửi để dệt được vải khổ 150cm - tiêu chuẩn quốc tế của hàng dệt may (khổ vải truyền thống của Nishijin-ori là 32cm).

    Vào năm 2022, Gucci đã sử dụng vải của HOSOO để sản xuất mẫu túi của họ. Những họa tiết mang tính biểu tượng của nhà mốt Ý đã được dệt ba chiều theo kỹ thuật dệt Nishijin-ori, kết hợp với phần tay cầm bằng tre. BST này tiếp tục được bổ sung thêm 2 loại vải mới nữa vào tháng 6/2023 và các sản phẩm đều được bán với số lượng rất giới hạn.

    hosoo-x-gucci

    hosoo
    Ảnh: HOSOO

    6. Minase x Kyowa Seiko: Sơn mài Urushi

    Minase là thương hiệu đồng hồ xa xỉ của Nhật Bản, được chế tác tỉ mỉ theo tinh thần monozukuri của người Nhật. Đặt trụ sở ở Akita, triết lý của Minase là tạo ra những chiếc đồng hồ "made in Japan" độc đáo, tôn vinh văn hóa và truyền thống của quê hương.

    Năm 2021, thương hiệu đã hợp tác với bậc thầy sơn mài Junichi Hakose để tạo ra dòng đồng hồ thanh lịch có mặt trước được trang trí bằng nghệ thuật sơn mài. Có 4 mẫu đồng hồ được phát triển xoay quanh chủ đề thiên nhiên, văn hóa Nhật Bản: Four Season (四季), Komon (小紋), Yoshino Sakura (吉野桜) và Yama Sakura (山桜). 

    Nghệ nhân Junichi Hakose sinh năm 1955 tại thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa – quê hương của nghệ thuật sơn mài Wajima. Ông có niềm đam mê lớn với những sáng tạo bắt nguồn từ cuộc sống thường ngày và đặc biệt quan tâm đến cách những tác phẩm của mình cộng hưởng với tâm hồn của người sử dụng. Nghệ nhân Hakose thường lấy cảm hứng từ thiên nhiên ở Wajima như Biển Nhật Bản, đồi núi và sông ngòi của Bán đảo Noto, hoa hay trái cây địa phương... để đưa vào tác phẩm.

    minase-urushi
    Ảnh: Minase

    Mời bạn khám phá những bài viết khác trong Chuyên đề Shokunin của Kilala.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!