Chuyện những bàn tay màu chàm ở Nhật Bản

    Bạn thấy gì qua hình ảnh đôi bàn tay màu chàm này? Đó là bàn tay đại diện cho 4 người trẻ Nhật Bản đang ra sức gìn giữ và phát triển nghề nhuộm chàm thủ công truyền thống – vốn đang có nguy cơ mai một dần. 

    bàn tay màu chàm ở Nhật Bản

    Ảnh: Idesign

    Nghệ thuật nhuộm chàm trước dòng chảy của thời đại

    nghệ thuật nhuộm chàm

    Ảnh: Lalabegin

    Chàm được xem là màu sắc đại diện cho Nhật Bản với cái tên “Japan Blue”. Và tỉnh Tokushima là vùng đất sản sinh ra nghệ thuật nhuộm chàm đầu tiên trên nước Nhật. Những trận lụt xảy ra thường xuyên trên sông Yoshinogawa từ thời Edo đã tạo ra vùng đất vô cùng màu mỡ, rất thích hợp để trồng cây chàm. Từ đó, các nghệ nhân làm ra sukumo – nguyên liệu quan trọng để làm thuốc nhuộm. Sukumo và các nguyên liệu khác cho ra những sản phẩm có chất lượng cao với số lượng lớn, đủ để cung cấp cho cả nước.

    chàm tổng hợp

    Ảnh: Jpvisitor

    Nhưng thời đại thay đổi một cách chóng mặt. Các loại chàm tổng hợp với giá rẻ đã ra đời và trở nên phổ biến, khiến cho số lượng nghệ nhân làm sukumo giảm xuống một cách trầm trọng, đến mức có thể đếm được bằng hai bàn tay. Trong khi đó, sukumo là nguyên liệu quan trọng để làm ra màu chàm tự nhiên rất quý giá của Nhật Bản. Và đối với những người say mê nghề nhuộm chàm thủ công thì màu chàm tự nhiên ở Tokushima là một màu xanh có sức quyến rũ rất lớn.

    Những người trẻ trót say màu xanh chàm ở đất Tokushima

    người trẻ đã trót phải lòng nghề chàm

    4 thành viên của BUAISOU. Ảnh: lalabegin

    BUAISOU là nhóm 4 người trẻ đã trót "phải lòng" màu xanh của chàm. Đó là Kaji Kakuo (29 tuổi), thời đại học đã học về nghệ thuật nhuộm thực vật, vì lỡ mê mẩn nghề nhuộm chàm mà "khăn gói" đến Tokushima lập nghiệp. Đó là Kenta Watanabe, đã từ bỏ công việc văn phòng bình lặng sau khi tham gia một buổi học nhuộm chàm. Đó là Yuya Miura – vốn là một nhà thiết kế thời trang, đã từng dùng chàm để tạo ra trang phục, khi nghe nói đến dự án của Kaji Kakuo, anh thấy có sự "tâm đầu ý hợp" và quyết định tham gia vào BUAISOU. Đó là Yuki Ken, từ bỏ công việc ở ngân hàng để làm một nghệ nhân nhuộm chàm tại BUAISOU. 

    nghệ nhân Kenta Watanabe

    Kenta Watanabe. Ảnh: Roomie

    Cái khác biệt của BUAISOU so với những nghệ nhân khác là, nếu nghệ nhân thông thường chỉ trồng chàm, làm sukumo rồi bán cho người nhuộm thì BUAISOU đảm nhận mọi công đoạn: từ việc trồng cây chàm, thu hoạch, tạo ra sukumo và nhuộm chàm bằng chính sukumo đó.

    “Chúng tôi không hẳn vì thích nghề nhuộm mới tạo ra dự án này, mà là vì yêu cái màu xanh của chàm. Vì yêu nên chúng tôi muốn tự tay tạo ra màu xanh ấy. Nếu đi mua sukumo từ nghệ nhân khác thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Hơn nữa, chúng tôi cũng rất hứng thú với nghề trồng chàm và các giai đoạn lên men của chàm.”

    trang trại chàm ở Tokushima

    Ảnh: Roomie

    Họ tạo ra một trang trại chàm riêng. Ở Tokushima, từng có khoảng 1800 hộ trồng chàm nhưng hiện nay, nếu tính cả BUAISOU thì chỉ còn 6 trang trại chàm.

    Những bàn tay màu xanh chàm 

    bàn tay màu chàm 14

    Ảnh: Gearpatrol

    Để tạo ra màu xanh chàm tự nhiên tuyệt đẹp, những người trẻ trong BUAISOU đã và đang nỗ lực hàng ngày. Công cuộc trồng chàm đến khi thu hoạch, làm sukumo vốn không hề dễ dàng. Mỗi mùa đều có công việc riêng. Mùa hè là thời điểm lá chàm được thu hoạch riêng và sấy khô. Lá này sẽ để trong phòng nedoko trong mùa thu và mùa đông để lá phân hủy trong vài tháng. Trong thời gian đó, những nghệ nhân của BUAISOU sẽ đổ nước vào và đảo đống lá ấy mỗi tuần một lần để lá được ủ đều.

    sấy khô lá chàm

    Ảnh: Textilemonth

    Vào mùa đông, họ phủ rơm lên đống lá để đảm bảo quá trình lên men không bị gián đoạn. Mùa xuân sang, hỗn hợp ủ từ lá chàm sẽ cô đặc ở dạng sukumo, sẵn sàng thành nguyên liệu pha chế thuốc nhuộm. Ngoài sukumo thì còn 3 nguyên liệu khác là bột đá vôi, cám lúa mì (đường để nuôi vi khuẩn), hỗn hợp tro gỗ và nước nóng (dung dịch kiềm hóa cao).

    nguyên liệu nhuộm chàm

    Nguyên liệu làm thuốc nhuộm chàm (từ trái qua): sukumo, cám lúa mì, bột đá vôi, hỗn hợp tro gỗ và nước nóng. Ảnh: Lalabegin

    Tất cả nguyên liệu sẽ được trộn trong chiếc thùng, khuấy liên tục trong 10 ngày ở nhiệt độ khoảng 22 độ C. Hỗn hợp thu được thành thứ thuốc có thể nhuộm ra các sắc xanh chàm tự nhiên. Những người trẻ ở BUAISOU trực tiếp dùng tay không nhúng ướt một tấm vải vào thuốc nhuộm. Khi rút tay ra sau vài phút, bàn tay họ đã đổi thành màu xanh lá cây và chỉ trong tích tắc, màu xanh ấy bị ô xy hóa, trở thành màu chàm tự nhiên rất quyến rũ và đầy cuốn hút. 

    bàn tay màu chàm 9

    Ảnh: OED

    bàn tay màu chàm 10

    Ảnh: Lalabegin

    “Nếu đi rửa thì vẫn trôi hết màu xanh ấy nhưng cứ nhúng xong lại đi rửa tay thì khá mất thời gian nên chúng tôi cứ để bàn tay nhuộm màu chàm ấy đi làm việc khác.”

    Vậy nên, khách đến tham quan sẽ bắt gặp hình ảnh những chàng trai trẻ với hai bàn tay màu xanh chàm như màu quần jeans đang tưới nước cho cánh đồng chàm trong nhà kính. 

    bàn tay màu xanh chàm

    Ảnh: 2g2l

    Họ được gọi là “những nghệ nhân nhuộm chàm của thế hệ mới”.

    nghệ nhân nhuộm chàm

    Ảnh: Mizu

    Sukumo có đặc tính nhuộm được mọi vật liệu tự nhiên nên BUAISOU có thể ứng dụng kỹ thuật nhuộm vào trong quần áo, đồ chơi, giày dép cho đến các tác phẩm nghệ thuật… Đặc biệt, họ đang đặt mục tiêu nhuộm quần jeans hoàn toàn bằng sukumo. Vì sukumo có thể nhuộm được tới lõi sợi vải, trong khi những thuốc nhuộm khác chỉ nhuộm đến phần bề mặt của sợi chứ không nhuộm được hoàn toàn. Vì thế, jeans nhuộm bằng sukumo sẽ có cách bạc màu khác với jeans thông thường.

    bàn tay nhuộm chàm 13

    Ảnh: Spoon & Tamago

    jeans nhuộm sukumo

    Ảnh: Cool Hunting

    Hiện tại, các sản phẩm quần jeans của BUAISOU đã được bán ra trên thị trường.

    kilala.vn

    27/05/2019

    Bài: .Ngưn.

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!