CEO Hosoo - Người dệt nên tương lai lụa Nishijin
Tầm nhìn với lụa Nishijin - Loại vải lụa đẹp nhất thế giới
Nghề dệt lụa Nishijin ra đời ở cố đô Kyoto cách đây 1.200 năm. Lụa Nishijin là loại tạo ra vệt màu tuyệt đẹp cho Kimono Nhật Bản từ thời xa xưa. Vải thủ công này được nuôi dưỡng bởi văn hóa cung đình cổ của Kyoto, và theo truyền thống được sản xuất như vải lụa cao cấp cho tầng lớp giàu có. Ở khu Nishijin của Kyoto, đường phố trải dài với các xưởng dệt nằm liền kề nhau, trong đó có xưởng của ông Masao Hosoo. Công ty của ông có lịch sử khoảng 330 năm.
Ông Hosoo cho biết: “Đó là loại vải lụa đẹp nhất thế giới. Như bạn đã biết, kỹ thuật sản xuất lụa Nishijin đã được phát triển trong một giai đoạn dài. Loại lụa này thực sự là kết tinh kỹ thuật thủ công của các nghệ nhân. Ta có thể dùng tùy ý các màu sắc. Và ta có thể cẩn thận dệt các chi tiết trang trí và hoa văn. Tôi thực sự tin rằng những kỹ thuật này là đẳng cấp thế giới". Chính ông Hosoo đã khẳng định: "Đưa lụa Nishijin ra toàn cầu là công việc của cuộc đời tôi. Và tôi hoàn toàn chắc chắn điều đó có thể xảy ra. Tôi tin rằng lụa Nishijin có thể và sẽ ra toàn cầu".
Trong lịch sử, nghề dệt Nishijin sử dụng vàng và bạc lá và chỉ đầy màu sắc để tạo ra sản phẩm lụa truyền thống Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Hosoo đã thay đổi ý niệm đó 180 độ. Bộ sưu tập thời trang nổi tiếng Miharayasuhiro đã khiến khán giả kinh ngạc tại Tuần lễ thời trang Paris. Nó được làm từ lụa Nishijin do công ty của ông Hosoo sản xuất. Thiết kế kết hợp màu đen, vàng và bạc đặc trưng cho nghề dệt Nishijin, cho hiệu ứng táo bạo và sáng tạo. Nó hoàn toàn không giống bất kỳ sản phẩm dệt Nishijin nào từ trước đến nay.
Ông Hosoo cũng đã mở rộng ứng dụng với lụa của mình ngoài quần áo. Ví như khách sạn sang trọng cao cấp The Ritz – Carlton là nơi thường có các VIP hàng đầu thế giới đến. Lụa của ông Hosoo đã được sử dụng để trang trí nội thất. Thiết kế hiện đại được tích hợp liền mạch vào không gian mà không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của Nhật Bản. Tuy nhiên, việc chuyển đổi lụa Nishijin và ra những thiết kế mới trong nội thất không phải là việc dễ dàng.
“Mẫu thiết kế khách hàng gửi cho chúng tôi ban đầu giống như một tác phẩm nghệ thuật hiện đại tinh túy. Nó giống như chì nóng chảy hay gì đó. Và họ muốn chúng tôi dệt lụa Nishijin trông giống như vậy. Vì vậy, tôi đã đi gặp các nghệ nhân và cho họ xem. Họ nhìn tôi trong sự im lặng sững sờ. Thế rồi, tôi hỏi họ làm được không? Họ im lặng trong 5 giây rồi bảo là được. Và họ đã làm được”- ông Hosoo nhớ lại.
Nghệ nhân lụa Nishijin nói chung rất tích cực và có chí cầu tiến. Khoảnh khắc một người nghệ nhân nói “không thể”, thì đó là cuối con đường. Nghệ nhân luôn cố gắng đến cùng cho đến khi tìm ra cách. Họ đều thực sự có khuynh hướng này. Tinh thần của một nghệ nhân. Đó là một phần của con người họ. Ông cho rằng đó là điều giúp vải lụa truyền thống Nishijin tồn tại.
Ông Hosoo quyết tâm khám phá chân trời mới cho lụa truyền thống Nishijin. Tuy nhiên, con đường của ông cho đến nay đầy những khúc quanh.
Gia đình có truyền thống nghề dệt
Sinh ra trong một gia đình làm nghề dệt Nishijin lâu đời. Không muốn tiếp quản việc kinh doanh gia đình, ban đầu ông vào một công ty thương mại sau khi tốt nghiệp đại học. Ông đi khắp thế giới bán sợi vải.
“Tại một thời điểm nọ, công ty đã gửi tôi đến Milan (Ý) làm cho một chi nhánh. Rốt cuộc tôi làm việc ở đó 4 năm. Và khi tôi đang đảm nhận kinh doanh hàng may mặc và sợi này, tôi đã có một quan điểm mới về công việc kinh doanh của gia đình tôi. Về lụa Nishijin. Tôi đã có thể nhìn vào truyền thống, với cách nhìn mới mẻ, từ bên ngoài. Trước đó tôi thấy nó bình thường nhưng tôi nhận ra rằng lụa Nishijin là loại vải lụa tuyệt vời, đằng sau đó là kỹ thuật cao. Tôi đã rất ấn tượng với một câu hỏi đơn giản. Tại sao các loại lụa này không được giới thiệu với phần còn lại của thế giới?"
Năm 1982, ông Hosoo trở lại Nhật Bản để tiếp quản việc kinh doanh của gia đình. Đó cũng là năm đỉnh cao của thị trường lụa Nishijin, tuy nhiên doanh số giảm dần trong những năm sau đó. Vào những năm 90, bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ, nền kinh tế trì trệ. Hàng cao cấp như lụa Nishijin đã phải nỗ lực rất lớn để sinh tồn. Ông Hosoo đã thử rất nhiều cách để khôi phục doanh số nội địa của công ty, nhưng bất thành. Cuối cùng, ông quyết tâm phát triển thị trường quốc tế, biết tương lai của công ty phụ thuộc vào nó.
Bước đường chông gai
Bây giờ hoặc không bao giờ đưa lụa Nishijin ra toàn cầu. Thời đại thay đổi và ta phải thay đổi cùng nó. Tương lai của truyền thống đã bị đe dọa. Lần đầu tiên công ty của ông trưng bày sản phẩm tại Maison et Objet, một hội chợ thương mại cho sản phẩm lối sống ở Paris. "Chúng tôi chuyển hướng nghề dệt Nishijin sang phát triển sản phẩm mới. Thứ mà các thương hiệu xa xỉ châu Âu có khả năng sẽ quan tâm muốn mua. Vì vậy, chúng tôi tập trung vào việc đó từ năm 2005 – 2006. Chúng tôi biết mình đã đặt cược tất cả vào đó"- ông nhớ lại.
Các sản phẩm làm từ lụa Nishijin của công ty Hosoo trưng bày tại hội chợ thương mại. Đệm được trang trí với các thiết kế lụa Nishijin theo truyền thống được dùng trong Kimono và thắt lưng obi.
Ông nhớ lại thời kỳ đó: “Không bán được món nào. Đó là một sự thất bại nặng nề. Không có bất cứ một đơn hàng nào. Bước đột phá đầu tiên của chúng tôi vào thị trường đó là một trải nghiệm cay đắng. Cuối cùng, đó là một dấu hiệu rõ ràng rằng đây không phải là loại sản phẩm hấp dẫn thị trường xa xỉ toàn cầu. Những sản phẩm được sinh ra từ 1.200 năm lịch sử của chúng tôi. Chúng là hoa văn của Nhật Bản. Và tôi tin rằng những hoa văn đó là chìa khóa làm cho hàng dệt Nishijin khác biệt với đối thủ cạnh tranh. Nhưng tôi đã sai lầm. Điều thị trường toàn cầu muốn là một tầm nhìn nguyên bản về cái đẹp, dựa trên nền tảng 1.200 năm của nghề dệt, thủ công và vật liệu Nishijin. Người ta không đặc biệt quan tâm đến các thiết kế Nhật Bản truyền thống”.
Tạo ra “Ferrari” của mình và bán nó như “Ferrari”
Với quyết tâm xâm nhập thị trường toàn cầu, ông Hosoo suy nghĩ lại cách tiếp cận đối với lụa Nishijin từ ban đầu. Dùng vải đặc trưng truyền thống của mình dệt bằng vàng lá, ông bắt đầu thử nghiệm không phải với kiểu Nhật Bản, mà với các kiểu thiết kế thông dụng với thế giới. Công ty lần lượt cho ra đời những thiết kế cách tân, mới mẻ với các chất liệu khác nhau ra đời từ kỹ thuật truyền thống của dệt Nishijin. Các loại vải cao cấp được ngành công nghiệp thời trang đón nhận, và được sử dụng tạo ra quần áo tân tiến.
"Khi chúng tôi xem xét nguồn cội truyền thống của mình, rõ ràng là việc cung cấp một mức giá cạnh tranh là đối nghịch với lụa Nishijin trong lịch sử. Tôi nhớ Ferrari, nhà sản xuất xe hơi nổi tiếng của Ý, mà tôi yêu thích. Một trong những chiếc xe của họ đắt gần bằng một ngôi nhà. Nhưng điều đó không ngăn cản mọi người mua nó. Họ bán hàng ngàn, hàng chục ngàn xe trên khắp thế giới. Đó là thị trường của chúng tôi. Chúng tôi cần tạo ra “Ferrari” của mình và bán nó như “Ferrari”. Nói cách khác, thị trường của chúng tôi là thị trường xa xỉ toàn cầu. Đó là những người chúng tôi cần tạo ra sản phẩm cho họ, và là những người chúng tôi cần bán sản phẩm của mình. Tôi nhận ra đó là con đường duy nhất về phía trước của chúng tôi" - ông Hosoo chia sẻ.
Ngay thời điểm đó, ông Hosso nhận được đề nghị từ một khách hàng nước ngoài, họ tự hỏi nếu có thể sản xuất lụa Nishijin khổ rộng hơn. Ông Hosoo xem đó là một cơ hội để xâm nhập vào lãnh địa mới.
Suốt 1.200 năm, Nhật Bản chỉ dệt lụa Nishijin khổ rộng 40cm. Do đó, ông Hosoo dành khoảng hai năm để phát triển một khung dệt, có thể dệt vải rộng 150cm. Quả là nói dễ hơn làm khi dệt vải rộng hơn: "Khung dệt mới này phải được làm lại từ đầu. Từ con số không, khung dệt này là hoàn toàn nguyên bản. Mở rộng kích thướt vải đã giúp chúng tôi mở rộng phạm vi kinh doanh".
Trong khi từ trước đến nay, nghề dệt Nishijin và kinh doanh vải Nishijin đã bị giới hạn trong khuôn khổ của quần áo truyền thống Nhật Bản. Kimono và thắt lưng Obi cùng những thứ tương tự. Bằng cách mở rộng phạm vi khung dệt, Hosoo có thể đưa công ty vào thị trường mới. Thiết kế nội thất, thời trang và các sản phẩm ứng dụng khác. Mọi người trên khắp thế giới hiện đang sử dụng sản phẩm của Công ty Hosoo theo những cách khó mà tưởng tượng ra được.
Lụa Nishijin và công nghệ
Ông Hosoo đã nhắm mục tiêu của mình vào điều tiếp theo. Như công ty ông cùng một nhà sản xuất thiết bị gia dụng Nhật Bản đồng sản xuất những chiếc loa. Ông mô tả, khi đặt bàn tay của bạn lên vải có vân và âm nhạc bắt đầu, vang dội qua bàn tay của bạn. Sản phẩm này được hình dung là một thiết bị của tương lai. Sản phẩm tận dụng thực tế là lá vàng được dệt vào vải dẫn được điện. Sản phẩm được trao giải Kể chuyện Hay nhất tại Hội chợ nội thất Milan 2017, nơi trưng bày các thiết kế mới nhất từ khắp nơi trên thế giới.
Và chưa hết, lụa Nishijin đang tự phát triển. Như lụa Huỳnh quang được phát triển cùng với một tổ chức nghiên cứu, sáng lên màu xanh lá khi được một đèn LED đặc biệt chiếu lên.
Một trong những phương châm và là mục tiêu của Công ty Hosoo phấn đấu là “nghệ thuật và khoa học”. Mục tiêu của họ là hợp nhất thiết kế với công nghệ. Điều đó bao gồm công nghệ thông tin, trí thông minh nhân tạo, rô-bốt, cũng như các lĩnh vực như công nghệ sinh học.
"Câu hỏi là làm thế nào để kết hợp các công nghệ mới nhất và tiến bộ khoa học vào sản phẩm của chúng tôi? Làm cách nào sử dụng điều đó để phong phú hóa cuộc sống con người, làm cuộc sống chúng ta vui vẻ hơn. Đó chính là nghệ thuật và khoa học. Chúng ta phải tìm cách cân bằng hai điều này khi tiến về trước", đó cũng là điều khiến ông Hosoo luôn trăn trở trong quá trình phát triển các sản phẩm mới kết hợp với lụa Nishijin.
Ông có châm ngôn sống nào không?
"Culture Induced Innovation!" – Đổi mới vì văn hoá! Trong thế kỷ 20, đổi mới được sinh ra từ những thứ như công nghệ hoặc nền kinh tế. Nhưng trong thế kỷ 21, tôi tin rằng đó là tất cả các nền văn hóa được tạo ra bởi con người sẽ tạo ra sự đổi mới. Không phải lực lượng kinh tế sẽ tạo ra sự đổi mới. Văn hóa sẽ tạo ra sự đổi mới, và điều đó sẽ định hình nền kinh tế. Tôi tin chắc rằng đó là hướng đi của thời đại.
12/06/2019
Bài: Theo NHK
Ảnh: hosoo-kyoto.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận