Vấn đề sức khỏe tâm thần của các thành viên nữ Hoàng gia Nhật Bản
Không chỉ riêng cựu công chúa Mako mà rất nhiều thành viên nữ khác của Hoàng gia Nhật Bản đã phải hứng chịu áp lực khủng khiếp từ địa vị cao quý của mình, điển hình như Hoàng hậu Masako hay Hoàng thái hậu Michiko.
Việc cựu công chúa Mako được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) trước cuộc hôn nhân gây tranh cãi với người chồng thường dân Kei Komuro hồi tháng 10/2021 một lần nữa nhấn mạnh vấn đề sức khỏe tâm thần mà thành viên nữ trong Hoàng gia Nhật Bản phải đối mặt.
Cựu Công chúa Mako và cuộc hôn nhân sóng gió với thường dân
Cựu Công chúa Mako, 30 tuổi, cháu gái của Hoàng đế Naruhito đã hứng chịu nhiều bình luận mang tính chất tiêu cực, xúc phạm trên mạng xã hội sau khi công chúng biết được gia đình Kei Komuro có liên quan đến một vụ tranh chấp tài chính giữa mẹ Komuro và hôn phu cũ của bà.
Theo thông tin do Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản công bố, trước khi kết hôn vào năm 2021, Mako đã được chẩn đoán mắc chứng PTSD sau những sự phản đối, công kích từ dư luận hướng đến vợ chồng cựu Công chúa cũng như Hoàng gia.
Liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần của con gái, Thái tử Fumihito, em trai của Hoàng đế Naruhito nhấn mạnh trong buổi họp báo nhân dịp sinh nhật lần thứ 56 của mình (tháng 11/2021) rằng cần phải thiết lập các tiêu chí để bác bỏ những bài báo đưa thông tin sai lệch về các thành viên Hoàng gia.
Bác sĩ tâm thần và nhà phê bình các vấn đề xã hội Rika Kayama lên tiếng rằng: “Ngay cả khi được yêu cầu phớt lờ hoặc không can hệ tới những lời chỉ trích trên mạng xã hội, một người khó lòng mà không để ý đến chúng, và chúng sẽ ăn mòn trái tim họ trước khi bản thân kịp nhận ra”.
Trường hợp của cựu Công chúa chỉ là ca mắc bệnh tâm lý mới nhất mà các thành viên nữ Hoàng gia mắc phải. Trước cựu Công chúa Mako, Hoàng hậu Masako cũng đã từng gặp phải những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần.
Xem thêm: Mako: Nàng công chúa cao quý từ bỏ tất cả vì tình yêu
Hoàng hậu Masako, từ thường dân đến thành viên Hoàng gia
Hoàng hậu Masako, 58 tuổi, cũng đã chịu áp lực về việc sinh con trai nối dõi cho Hoàng gia đến mức đã bị sảy thai lần đầu vào năm 1999 và mãi đến 2 năm sau, bà mới hạ sinh Công chúa Aiko. Khi quá nhiều áp lực bủa vây, Hoàng hậu Masako đã mắc phải một số chấn thương tâm lý và phải điều trị bằng thuốc trầm cảm. Bà Masako cũng đã phải từ bỏ hầu hết một số nghĩa vụ của Thái tử phi và ít xuất hiện trước công chúng bắt đầu từ năm 2003.
Vào năm 2004, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản thông báo Hoàng hậu Masako đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn điều chỉnh sau khi hạ sinh công chúa Aiko vào năm 2001. Đây là người con duy nhất giữa bà và Nhật hoàng Naruhito.
Trước khi gia nhập Hoàng gia Nhật Bản, Hoàng hậu Masako từng là nhà ngoại giao tài ba tốt nghiệp hai đại học danh tiếng là Đại học Harvard và Đại học Oxford. Tuy nhiên, bà đã từ bỏ sự nghiệp của mình để kết hôn với Naruhito, khi đó vẫn còn là Thái tử, vào năm 1993 sau hai lần từ chối lời cầu hôn của ông.
Nguyên nhân chính khiến cho Hoàng hậu Masako rơi vào căng thẳng là vì áp lực từ việc phải sinh con trai làm người kế vị ngai vàng. Bởi từ khi Thái tử Fumihito chào đời vào năm 1965, đã từng không có bất kỳ bé trai nào được sinh ra trong gia đình Hoàng gia. Tình hình được cải thiện hơn sau khi Công chúa Kiko, vợ của Thái tử Fumihito, mẹ của cựu Công chúa Mako hạ sinh Hoàng tử Hisahito vào năm 2006. Hisahito hiện đang là người được dự đoán sẽ kế vị trong tương lai.
Hoàng hậu Masako và Hoàng thái hậu Michiko, 87 tuổi, mẹ của Hoàng đế Naruhito đều là thường dân kết hôn với Hoàng gia. Tuy nhiên, không giống với Thượng hoàng Akihito và Hoàng thái hậu Michiko cùng nhau san sẻ các nghĩa vụ Hoàng gia, Thiên hoàng Naruhito thường tự mình thực hiện các nhiệm vụ chính thức của một hoàng đế do tình trạng sức khỏe tâm thần của vợ mình là Hoàng hậu Masako, dù trong những năm gần đây, bà dần tham gia nhiều hơn vào các nhiệm vụ Hoàng gia.
Xem thêm: Công nương Masako Owada: Nỗi buồn tài sắc của hoàng gia Nhật
Hoàng thái hậu Michiko từng mất cả giọng nói bởi áp lực
Giống với Hoàng hậu Masako, Hoàng thái hậu Michiko cũng phải chịu áp lực rất lớn từ sự phản đối của công chúng với cuộc hôn nhân của bà và Thái tử Akihito, nay là Thượng hoàng Akihito, vào năm 1959. Bà trở thành thường dân đầu tiên kết hôn với người thừa kế ngai vàng.
Đặc biệt, bà Michiko còn chịu sự phản đối gay gắt từ phía mẹ chồng là Hoàng hậu Kojun. Theo tờ Reuters, chính thái độ của mẹ chồng đã khiến cho bà Michiko mất đi giọng nói trong suốt 7 tháng vào những năm 60.
Sau khi chồng bà, Thái tử Akihito trở thành Hoàng đế Akihito vào tháng 01/1989, bà Michiko đã trở thành tâm điểm của những phản ứng dữ dội trên các tạp chí hàng tuần, bởi ông Akihito trong mắt công chúng là một người dễ gần hơn so với cha của mình là cựu Hoàng đế Hirohito, người đã lên ngôi trước Thế chiến thứ hai, trong thời kỳ Hoàng đế ở Nhật vẫn được xem là hiện thân của các vị thần.
Do vậy, tháng 10 năm 1993, đúng vào ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 59 của mình, bà Michiko đã suy sụp, một lần nữa mất giọng nói vì hội chứng mất ngôn ngữ và không thể nói chuyện trong nhiều tháng liền. Bà đã chịu tác động từ tin tức tiêu cực trên các tạp chí hàng tuần. Vào mùa xuân năm 2007, bà Michiko đã phải từ bỏ nhiều nghĩa vụ của Hoàng hậu khi bị loét miệng, chảy máu cam, cháy máu đường ruột do căng thẳng tâm lý gây ra.
Công chúa Aiko từng bị bạn học bắt nạt
Hiện tại, sau hôn lễ đầy tranh cãi của cựu Công chúa Mako, mọi con mắt của dư luận lại dồn về công chúa Aiko,
con gái duy nhất của Thiên hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako. Cô vừa
chính thức trở thành một thành viên trưởng thành của gia đình Hoàng gia
khi tròn 20 tuổi vào ngày 01/12/2021 và sẵn sàng đảm nhận một phần nhiệm
vụ chính thức của Hoàng gia.
Trong quá trình đi học, vào khoảng đầu tháng 03/2010, Công chúa Aiko
cũng từng bị các nam sinh cùng trường bắt nạt và ảnh hưởng tâm lý từ vụ việc khiến
Aiko đã phải nghỉ học kéo dài và sụt cân nghiêm trọng. Cô chỉ quay
trở lại lớp với điều kiện có mẹ đi cùng, nhưng may mắn là sau đó, Aiko đã điều chỉnh tâm
lý và trở lại cuộc sống bình thường.
Vụ việc này làm dấy lên sự chú ý và đồn đoán của công chúng. Nhưng liệu các vấn đề sức khỏe tâm thần từng xảy ra với người thân của công chúa Aiko có lặp lại với cô hay không vẫn cần được xem xét thêm.
Rời khỏi Hoàng gia là cách duy nhất để sống cho chính mình?
Theo Luật Hoàng gia năm 1947 của Nhật Bản, phụ nữ không thể lên ngôi và các thành viên nữ của Hoàng gia buộc phải rời khỏi gia đình khi kết hôn với thường dân. Vì vậy, sau khi hôn lễ của cựu Công chúa Mako và Kei Komuro diễn ra vào ngày 26/10, các lễ nghi truyền thống trong hôn lễ Hoàng gia đã không được tổ chức do công chúng không hài lòng trước cách giải quyết tranh chấp tiền bạc của gia đình chàng rể Kei Komuro. Khi rời đi, cựu Công chúa Mako cũng đã từ chối nhận tiền hồi môn 152,5 triệu yên (khoảng 31 tỷ đồng).
Nhà tâm lý học lâm sàng Sayoko Nobuta chia sẻ với tờ Kyodo News: “Cứ như thể không có quyền con người trong gia đình Hoàng gia vậy”. Bà cũng phân tích thêm: “Thiên hoàng là biểu tượng của Nhật Bản và chế độ quân chủ của Nhật là biểu tượng cho chế độ phụ hệ. Vì vậy, trong Hoàng gia Nhật, sự phân biệt đối xử với phụ nữ được thể hiện rõ ràng hơn cả”.
Bà Nobuta cho biết thêm, môi trường như vậy khiến cho những người phụ nữ thông thái khó mà tồn tại được. Cá nhân bà cho rằng, cựu Công chúa Mako, người lớn lên trong Hoàng gia và từng theo học tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo - trường không dành riêng cho Hoàng gia, cũng như đã du học Anh quốc, hẳn đã cảm thấy cách duy nhất để thực sự sống cuộc đời của chính mình là rời khỏi Nhật Bản.
Cũng theo chia sẻ của bà, “Với cựu Công chúa Mako, thoát ly là mục tiêu chính và tôi nghĩ Công chúa đã chọn Komuro là người đàn ông giúp mình đạt được mục tiêu này”. Vợ chồng cựu Công chúa Mako và Komuro đã rời khỏi Nhật Bản ngay sau khi đăng ký kết hôn và bắt đầu cuộc sống mới ở New York, nơi Komuro làm thư ký cho một công ty luật.
Xem thêm: Thái tử Fumihito lên tiếng hậu đám cưới công chúa Mako
Trước vấn đề sức khỏe tâm lý của các thành viên nữ trong Hoàng gia, Hajime Sebata, Phó Giáo sư Lịch sử Nhật Bản hiện đại tại Đại học Ryukoku chia sẻ quan điểm với Kyodo News: “Nếu cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan đến Hoàng gia lên mạng xã hội cũng như phương tiện truyền thông thì công chúng sẽ tin tưởng Hoàng gia ngay cả khi xuất hiện các lời chỉ trích”. Ông Sebata cho rằng chìa khóa để xây dựng mối quan hệ giữa Hoàng gia Nhật với người dân là thông qua giao tiếp chứ không phải phản biện.
Tuy có thể chúng ta không ở vị thế để đưa ra nhận xét hay đánh giá về cuộc sống của các thành viên nữ trong Hoàng gia Nhật Bản, nhưng việc trở thành tâm điểm chú ý của dư luận cùng trách nhiệm cao cả mà họ gánh trên vai, việc phải đối mặt với rất nhiều áp lực là điều chắc chắn. Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe tâm thần của các thành viên Hoàng gia trước sức ép từ nhiều phía là một câu hỏi cần được Hoàng gia lẫn xã hội Nhật Bản quan tâm và xem xét thấu đáo.
Xem thêm: Chuyện đời của ba nàng công chúa nổi tiếng xứ Phù Tang
kilala.vn
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO,
sức khỏe tâm thần bao gồm "hạnh phúc chủ quan, khả năng tự nhận thức,
tự chủ, năng lực, sự phụ thuộc giữa thế hệ, và khả năng tự hiện thực hóa
tiềm năng trí tuệ và tình cảm của một người." Sức khỏe tâm thần là nền
tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân. Nó không
chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần, mà còn bao gồm khả năng
suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của
người khác.
Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả
bên trong cơ thể và với môi trường. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội,
văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc
tạo ra sự cân bằng này.
Có nhiều loại rối loạn tâm thần khác nhau với các biểu hiện khác nhau như trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần khác, mất trí nhớ, thiểu năng trí tuệ và rối loạn phát triển bao gồm tự kỷ.
08/01/2022
Bài: Rin
Nguồn: Kyodo News
Ảnh bìa: nytimes.com, worldroyalfamily.blogspot.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận