Công nương Masako Owada: Nỗi buồn tài sắc của hoàng gia Nhật

    Đến hôm nay, cuộc hôn nhân của Thái tử Naruhito và nhà ngoại giao tài năng, xinh đẹp Masako Owada và cả cuộc sống của “Vương phi sầu muộn” sau này vẫn được nhắc đến thường xuyên. Liệu sau khi trở thành tân vương, Naruhito có thực hiện nhiệm vụ của hoàng gia mới phù hợp cuộc sống hiện đại và bảo vệ người phụ nữ ông yêu đến trọn đời như đã hứa?

    Biểu tượng của phụ nữ Nhật Bản hiện đại 

    Xuất thân từ gia đình danh giá có cha là cựu Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản, cựu Thẩm phán Tòa án Tư pháp quốc tế, và có thời gian thỉnh giảng tại Đại học Harvard, từ nhỏ, Masako Owada có điều kiện sống ở nhiều quốc gia khác nhau. Cũng vì thế, tuổi thơ và tuổi trẻ của bà được thụ hưởng các nền giáo dục phát triển bậc nhất trên thế giới.

    Từ nhỏ, bà được mô tả là cô gái thông minh, hiếu động, mê thể thao, âm nhạc và các hoạt động ngoài trời. Đặc biệt, bà rất khéo léo trong giao tiếp, có tài hùng biện khó cô gái nào sánh bằng. Nhờ thường xuyên thay đổi môi trường sống và môi trường giáo dục nên bà cũng dễ dàng hòa nhập và thích nghi với nhiều nền văn hóa khác nhau, và dễ dàng làm quen với nhiều người. 

    công nương Masako OwadaMinh chứng cho sự thông minh, chăm chỉ là bà tốt nghiệp hạng ưu 3 trường Đại học danh giá Harvard, Oxford, Tokyo. Sau khi tốt nghiệp đại học, Masako trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp và thông thạo 6 thứ tiếng: Nhật, Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha và Đức. Thậm chí bà còn có cơ hội được lựa chọn là nữ Bộ trưởng đầu tiên ở Nhật Bản.
    Chính vì thế, có thời Masako là biểu tượng của phụ nữ Nhật hiện đại: duyên dáng, hấp dẫn và thông minh. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau khi bà kết hôn với Thái tử Naruhito.

    Tiếng sét ái tình của thái tử 

    Trong cuốn sách "Công nương Masako - người tù của ngai vàng Nhật" của nhà báo Úc Ben Hills, đã miêu tả bà như là một người xuất sắc nhất trong thế hệ phụ nữ cùng lứa, là sinh viên giỏi của ba trường đại học hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, không lâu sau đó, dấu mốc từ một cô gái thường dân trở thành Thái tử phi Hoàng tộc Nhật Bản đã đưa cuộc đời bà sang một ngã rẽ khác với nhiều áp lực và quy tắc bủa vây.

    sinh viên giỏi của ba trường đại học

    Vào một ngày đẹp trời tháng 10/1986, trong bữa tiệc tiếp đón công chúa Elena của Tây Ban Nha, Thái tử Naruhito vô tình nhìn thấy Masako Owada cùng cha mẹ đến dự tiệc và không thể dời mắt trước vẻ ngoài xinh xắn cùng sự thông minh, trong sáng của cô gái trẻ ấy. Hoàng tử ngay lập tức trúng tiếng sét ái tình với Masako, có lần ông thừa nhận rằng nàng có thể "khiến cho người ta dễ chịu và quên mất khái niệm thời gian".

    Trong bữa tiệc hôm đó có khoảng hơn 30 cô gái được đánh giá là thông minh, xuất sắc, có tư chất nhất nước Nhật cũng được mời đến dự tiệc, thực chất là để Thái tử Naruhito có điều kiện lựa chọn. Tên tuổi của các cô gái này đã được lên thành một danh sách, kèm theo đầy đủ sơ yếu lý lịch. Cái tên Masako Owada được ai đó thêm vào giờ chót bằng nét viết tay nguệch ngoạc. Tuy nhiên, chẳng cần ai thêm vào thì thái tử cũng đã tự "đổ gục" trước vẻ đẹp của Masako. Vị vua tương lai bắt đầu quyết tâm chiếm trọn trái tim nàng.

    Hai lần từ chối lời cầu hôn của Thái tử

    Sau tiếng sét ái tình, Thái tử Naruhito tìm mọi cách kết nối với Masako bằng những cuộc hẹn hò bí mật và những lần giới thiệu Masako với Nhật hoàng và Hoàng hậu. Sau một thời gian ngắn bên nhau, Thái tử Naruhito đã ngỏ lời cầu hôn.

    Vì biết làm dâu Hoàng gia không phải là điều dễ dàng, Masako đã tìm cách từ chối lời cầu hôn của Thái tử Naruhito. Sau đó, bà xuất ngoại sang Anh để du học như một động thái muốn chấm dứt mối quan hệ với Thái tử Naruhito.
    Thêm vào đó, ông ngoại của Masako từng dính tới một vụ bê bối trước kia nên cái tên Masako bị gạch khỏi danh sách "ứng cử viên tiềm năng" cho vị trí Thái tử phi Nhật Bản.

    Masako hiểu rõ sự khắc nghiệt trong cung điện Hoàng giaBên cạnh đó, chính Masako cũng hiểu rất rõ sự khắc nghiệt cuộc sống bên trong cung điện Hoàng gia. Với Masako, việc trở thành công nương tương lai là một điều không mấy thú vị và đầy bất an, vậy nên, thay vì vui vẻ đón nhận tình cảm của vị hoàng đế tương lai, cô vẫn muốn theo đuổi sự nghiệp của riêng mình và 2 lần từ chối lời cầu hôn của Thái tử Naruhito.

    cha mẹ thuyết phục Masako lấy Thái tử Naruhito

    Theo cuốn sách "Công nương Masako - người tù của ngai vàng Nhật" của nhà báo Úc Ben Hills, do không ưa Masako, Cục Quản lý Hoàng gia (Kunaicho) đã thúc giục Thái tử Naruhito cưới cô gái khác làm vợ, song yêu cầu này liên tục bị ông khước từ.

    Bước sang tuổi 33, Thái tử trở thành người độc thân nhiều tuổi nhất trong lịch sử vương triều Nhật. "Thái tử chỉ đắm đuối Masako, không yêu bất cứ cô gái nào khác. Ngài nói với đức vua, nếu không cưới được Masako, ngài sẽ không cưới ai cả", Ben Hills viết. Trước sự quyết tâm của Thái tử, Kunaicho phải cử người vận động cha mẹ Masako thuyết phục con gái lấy Thái tử Naruhito.

    Gật đầu làm dâu hoàng gia

    Năm 1992, sau những lời khuyên bảo từ cha mẹ, cuối cùng Masako đã gật đầu chấp thuận lời cầu hôn lần thứ 3 với lời thề sắt son của Thái tử: "Có thể em lo sợ khi về làm dâu hoàng gia, nhưng anh hứa sẽ bảo vệ em đến trọn đời, bằng tất cả khả năng của mình". Bên cạnh đó, Thái tử cũng bảo đảm với hôn thê rằng sẽ tìm cách hiện đại hóa cuộc sống vương triều, tìm cho nàng vai trò nhà ngoại giao hoàng gia. Nhưng không giống như những cái gật đầu làm vợ chàng trai thường dân nào đó, Masako gật đầu đồng nghĩa với việc cô chấp nhận làm nàng dâu của Hoàng gia Nhật, rũ bỏ cuộc sống thường dân để chịu sự ràng buộc khắt khe của vương triều có 2.600 năm lịch sử.

    gật đầu làm dâu hoàng gia

    Cuối cùng, chính tình yêu thủy chung, sâu sắc của Thái tử Naruhito cùng sức ép từ phía gia đình đã khiến cho người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đồng ý từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để trở thành Công nương Nhật Bản bằng một đám cưới giản dị vào ngày 9 tháng 6 năm 1993. Bà cũng là người phụ nữ thông minh và thành đạt nhất từng kết hôn với thành viên Hoàng gia Nhật.

    Cứ ngỡ rằng dù bước chân vào gia đình Hoàng gia đầy lễ giáo nhưng Masako vẫn được phát huy tài năng của mình nhưng cuối cùng lại phải thất vọng tràn trề khi bà trở thành một "con chim hoàng yến bị giam trong lồng son".

    "Chim quý bị nhốt trong lồng son"

    Trước đám cưới, Masako phải bỏ ra 62 giờ để học các quy tắc về cách đi đứng, cúi chào sao cho chuẩn phong thái Hoàng gia. Bà còn phải bỏ thêm thời gian để làm quen với bộ trang phục Kimono cưới của Hoàng tộc nặng lên đến hàng chục ký.

    Đám cưới diễn ra vào ngày 9/6/1993. Masako chính thức trở thành thường dân thứ 2 được phong danh hiệu Thái tử phi Nhật Bản, sau mẹ chồng là Hoàng hậu Michiko.

    Tuy nhiên, không hào nhoáng như những đám cưới Hoàng tộc khác trên thế giới, cũng không bình thường như những cặp đôi bình thường khác, đám cưới đã diễn ra mà không có xe ngựa hay đoàn tùy tùng, không tặng phẩm, không tuần trăng mật.

    trang phục Kimono cưới Hoàng tộc

    Sau đám cưới, hai người lập tức thực hiện nghĩa vụ của một cặp đôi Hoàng gia. Trong 3 năm đầu sau khi cưới, Thái tử phi Masako rất hiếm khi rời khỏi hoàng cung, cuộc sống của bà hoàn toàn khác trước kia bởi cảnh "chim lồng cá chậu".

    3 năm đó, bà chỉ được về thăm cha mẹ 5 lần, mà mỗi lần bà phải xin phép trước nửa tháng. Bà cũng phải nộp lại hộ chiếu cho Cục quản lý Hoàng gia Nhật, mọi hoạt động đều bị giám sát chặt chẽ và bị cấm tiết lộ đời sống riêng tư cho báo giới.

    Những áp lực giáo điều quy tắc cứ bủa vây Masako. Thậm chí khi muốn ra phố, Thái tử phi Masako không bao giờ được đi một mình, phải lên kế hoạch và được chấp nhận trước 15 ngày. Thái tử phi phải luôn đi phía sau chồng, chỉ lên tiếng khi chồng cho phép.

    Masako hạ sinh công chúa AikoĐặc biệt, áp lực sinh con trai nối dõi cho Hoàng gia là một áp lực rất lớn với Thái tử phi Masako. Áp lực đến mức, bà đã bị sảy thai lần đầu vào năm 1999. Mãi 2 năm sau bà mới hạ sinh công chúa Aiko.

    "Anh hứa sẽ bảo vệ em đến trọn đời"

    Masako đã 29 tuổi và bà cho biết, Naruhito đã phải cam đoan với bà rằng: "Có thể em lo sợ khi về làm dâu Hoàng gia, nhưng anh hứa sẽ bảo vệ em đến trọn đời". Và ông đã thực hiện lời hứa đó trong suốt cuộc hôn nhân, tuy nhiên, những quy định rất khắc khe của hoàng gia Nhật Bản không dễ gì Thái tử có thể làm tất cả theo ý mình.

    Khi nhiều áp lực bủa vây cứ kéo dài khiến công nương Masako mắc một số chấn thương tâm lý, phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm và phải từ bỏ hầu hết một số nghĩa vụ của một Thái tử phi. Bà ít xuất hiện trước công chúng bắt đầu từ năm 2003.

    Masako

    Chính lẽ này mà một số tin đồn ác ý bắt đầu được khơi lên từ người dân Nhật Bản. Người ta nói rằng Masako bỏ bê nghĩa vụ, không tham gia các hoạt động các lẽ ra bà phải có mặt mà lại đi chơi với bạn bè, thậm chí người ta còn nói Thái tử phi Masako không chăm lo cho công chúa Aiko…

    Và trước những lời nói không hay về vợ mình, Thái tử Naruhito đã giữ đúng lời hứa ngày trước với vợ. Có lần, vào năm 2004 ông chính thức lên tiếng để bảo vệ Masako như sau: "Trong suốt 10 năm qua, Masako – người đã từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để kết hôn cùng tôi, đã làm mọi điều có thể để thích ứng với môi trường Hoàng gia. Điều đó đã làm cô ấy kiệt sức".

    Thái tử Naruhito sau đó đã xin lỗi vì những chỉ trích trên nhưng ông kêu gọi "các nhiệm vụ hoàng gia mới" phù hợp với thời hiện đại.

    Thái tử Naruhito và vợ

    Nhiều người trông đợi Thái tử Naruhito và vợ sẽ tiếp tục phong cách như Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko - đi đâu cũng có nhau, cùng thăm những khu vực chịu thảm họa, cầu nguyện vì hòa bình.

    Tháng 2-2019, Thái tử Naruhito cho biết ông hi vọng sẽ là một vị vua "luôn gần gũi với người dân và cùng sẻ chia buồn vui với họ".

    nhà vua Naruhito và hoàng hậu MasakoNgày 1/4/2019, Nhật Bản đã công bố nguyên hiệu mới Reiwa, đến ngày 30/04 vua Akihito làm lễ thoái vị - kết thúc 30 năm thời kỳ Heisei. Sau một ngày, vào ngày 1/5, thái tử Naruhito sẽ làm lễ đăng quang mở đầu nguyên hiệu Reiwa. Reiwa sẽ mở ra nhiều kỳ vọng mới cho người dân Nhật Bản. Một thời đại mới với những làn gió xuân hi vọng mới, trong đó có kỳ vọng Nhật Bản sẽ có những cải cách để vừa giữ vững giá trị truyền thống vừa thực hiện nhiệm vụ của Hoàng gia mới phù hợp với cuộc sống đương đại mà nhà vua Naruhito và hoàng hậu Masako sẽ là động lực quan trọng. 

    kilala.vn

    03/04/2019

    Bài: Thu Tâm (t/h)
    Ảnh: Reuters, Japantimes, Kyodo, Gettyimages

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!