Chuyện tình hoàng gia đẹp tựa cổ tích ở thời kỳ Heisei
Sắp kết thúc 30 năm thời kỳ Heisei (Bình Thành) và mở ra thời kỳ mới Reiwa (Lệnh Hòa) nhưng lịch sử Nhật Bản và lịch sử thế giới đương đại sẽ còn nhắc nhiều về chuyện tình đẹp như cổ tích giữa nhà vua Akihito và hoàng hậu có xuất thân thường dân Michiko trong 60 năm qua.
Hoàng gia Nhật Bản có lịch sử trị vì đất nước lâu nhất trên thế giới và cũng nổi tiếng khép kín, mãi đến năm 1959, Hoàng thái tử Akihito là người đầu tiên phá lệ để kết hôn cô gái thường dân Michiko Shoda – một người không mang dòng dõi hoàng tộc.
Thời điểm đó, chuyện tình của Hoàng thái tử Akihito và cô gái Michiko đã gây xôn xao dư luận bởi trong lịch sử hoàng gia Nhật Bản, chỉ có Cơ quan nội chính hoàng gia có nhiệm vụ tìm nhân duyên cho Hoàng thái tử thay vì Hoàng thái tử tự quyết định hôn nhân của mình.
Không xuất thân từ dòng dõi hoàng gia, quý tộc nhưng Michiko sinh ra trong gia đình đại tư sản và tiếp nhận sự giáo dục toàn diện của truyền thống Nhật Bản lẫn phương Tây như học nói tiếng Anh, chơi dương cầm và được hướng theo các môn nghệ thuật như hội họa, nấu ăn và Kodo. Bà là cháu gái của các học giả trong đó có Kenjirō Shōda, nhà toán học từng là chủ tịch của Đại học Osaka. Năm 1957, bà tốt nghiệp đại học loại xuất sắc với bằng cử nhân ngành Văn học Anh. Bà cũng theo học các khoá học tại Harvard và Oxford.
Mặc dù xuất thân từ tầng lớp thường dân, song công nương Michiko đã sớm lấy lòng người dân Nhật bởi cách sống khiêm nhường và hoàn thành tất cả nghĩa vụ của công nương.
Ngày cưới, cả nước vui mừng với lễ cưới truyền thống được tổ chức cùng dàn xe ngựa kéo lộng lẫy. Hơn 500.000 người đổ ra đường chào đón sự kiện trọng đại này. Đám cưới đi ngược truyền thống hoàng gia được nhận định là "một trong những ngày hạnh phúc nhất trong lịch sự hậu chiến Nhật Bản".
Điểm đặc biệt ở công nương Michiko là người đầu tiên trong hoàng gia phá bỏ quy tắc nuôi con theo khuôn khổ truyền thống. Nếu thái tử, công chúa các thế hệ trước được giao cho vú em và giáo viên nuôi dạy, thì với 3 người con của mình: Hoàng tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako do chính công nương Michiko nuôi dạy. Dù rất bận rộn nhưng công nương vẫn tự chăm sóc các con, nuôi con bằng sữa mẹ, đến khi đi học thì mỗi sáng bà chuẩn bị cơm hộp cho các con mang đến trường ăn trưa.
Từ khi Thái tử Akihito lên ngôi năm 1989, hoàng hậu Michiko đã thực hiện rất nhiều công việc liên quan đến ngôi vị như một biểu tượng Quốc gia và đoàn kết dân tộc. Nhà vua và hoàng hậu cũng gần gũi hơn với dân chúng, khác xa với các thế hệ trước luôn giữ khoảng cách với thường dân.
Tại Hoàng cung, Nhà vua và Hoàng hậu tổ chức hàng trăm buổi lễ, tiếp kiến, tiệc trà trong năm. Vào những dịp này, Nhà vua gặp gỡ nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, bao gồm quan chức chính phủ, lãnh đạo từ các địa phương, doanh nhân, nông dân, ngư dân, người làm công tác xã hội, học giả và nghệ sĩ.
Kể từ khi lên ngôi, Nhà vua và Hoàng hậu đã đi thăm chính thức gần 26 nước, trong tổng số 57 nước đã đặt chân đến. Nhà vua và Hoàng hậu cũng đã đi thăm tất cả 47 tỉnh thành và nhiều đảo ở vùng xa của Nhật Bản. Nhà vua và Hoàng hậu luôn dành nhiều sự quan tâm và tích cực tham gia các hoạt động, lễ hội nhằm bảo vệ môi trường, hỗ trợ người dân và các hoạt động phúc lợi dành cho trẻ em, người già và người khuyết tật trên khắp nước Nhật.
Dù tuổi đã cao nhưng Nhật hoàng và hoàng hậu vẫn giữ thói quen dậy sớm mỗi ngày, đi bộ trong rừng và vườn trong hoàng cung. Ngày cuối tuần, nếu có thời gian, Nhà vua và Hoàng hậu chơi tennis, môn thể thao yêu thích và chính là cầu nối nhân duyên của hai người từ thời trẻ.
Đã 60 năm kể từ khi mối tình của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko bắt đầu, người dân Nhật Bản vẫn luôn trân trọng và ngưỡng mộ, tự hào về cuộc hôn nhân lịch sử ấy.
kilala.vn
18/04/2019
Bài: Thu Tâm
Ảnh: wordpress, gettyimages, news
Đăng nhập tài khoản để bình luận