Kiyomeru - Nghệ thuật dọn dẹp “thanh lọc” cuộc sống của người Nhật
Khi dọn dẹp nhà cửa, đa số mọi người thường chỉ đi từ phòng này sang phòng khác và dọn gọn những thứ bừa bộn trong tầm mắt. Nhưng ở Nhật Bản, việc dọn dẹp không chỉ đơn giản là làm sạch nhà cửa mà nó còn gắn liền với triết lý Kiyomeru - nghệ thuật dọn dẹp thanh lọc không gian sống và tâm hồn con người.
Kiyomeru là gì?
Trong tiếng Nhật, Kiyomeru (清める) được viết bằng chữ Kanji 清 - Thanh, có nghĩa là "thanh lọc", tức loại bỏ những thứ uế tạp và trả lại sự tinh khiết, sạch sẽ.

Kiyomeru là một triết lý sống dựa trên những giá trị tinh thần lâu đời của người Nhật, nhấn mạnh rằng thông qua việc làm sạch không gian xung quanh, ta cũng làm sạch nội tâm, tái tạo nguồn năng lượng tích cực và tái kết nối với chính mình.
Không chỉ dừng lại ở việc dọn dẹp thế giới vật chất, Kiyomeru chú trọng vào việc "thanh tẩy" năng lượng, gìn giữ sự hài hòa giữa con người và không gian sống như nhà cửa, vườn tược hay thậm chí là môi trường xung quanh.
Kiyomeru gắn liền với Thiền và Trà đạo
Trong Thiền Tông Nhật Bản, mọi hoạt động thường ngày, từ ăn uống đến dọn dẹp đều là cơ hội để thực hành chánh niệm. Tại các ngôi chùa, việc dọn dẹp điện thờ là nhiệm vụ hàng ngày của các nhà sư. Qua việc dọn dẹp, họ không chỉ làm sạch cảnh quan ngôi chùa mà còn giúp "thanh lọc tâm trí" như một phương pháp thiền định trong quá trình tu tập.
Kiyomeru cũng có mặt trong các nghi lễ Trà đạo, xếp trong nhóm nguyên tắc Hòa - Kính - Thanh - Tịch (和敬清寂 - Wa-Kei-Sei-Jaku). Trong đó, Sei (清) chỉ sự thanh khiết trong nghi lễ qua bối cảnh và các vật dụng pha trà, nhưng quan trọng nhất là sự thanh tịnh trong tâm hồn.
Vì vậy, một buổi Cha no Yu luôn bắt đầu và kết thúc bằng Kiyomeru. Trước khi vào phòng trà, các vị khách phải trải qua nghi thức thanh tẩy bằng cách rửa tay và súc miệng ở một bồn đá. Các vị trà sư trước khi bắt đầu nghi thức pha trà cũng phải thực hiện lau chùi các dụng cụ thật tỉ mỉ theo thứ tự chính xác. Khi kết thúc, các dụng cụ cũng được rửa sạch và lau chùi cẩn thận thêm một lần nữa.

Xem thêm: Cha no Yu - Nghi thức pha trà trong Trà Đạo
Dọn dẹp trong “chánh niệm”
Trong Kiyomeru, việc dọn dẹp được xem như một phương pháp thiền định bởi nó được thực hiện trong “chánh niệm” - việc tập trung và cảm nhận rõ ràng hơn về hiện tại. Khi dọn dẹp với tinh thần Kiyomeru, chúng ta sẽ cảm thấy trân trọng nơi mình đang sống, trân trọng từng đồ vật trong nhà và biết ơn những gì cuộc sống mang lại.
Chẳng hạn như khi rửa bát đĩa, người thực hiện với tinh thần Kiyomeru sẽ cảm thấy trân trọng chiếc bát đã đựng thức ăn hàng ngày, biết ơn cuộc sống khi có thức ăn để ăn, có bát đĩa để rửa và có một ngôi nhà để sống.
Khi đó, ta không còn làm một cách vội vàng hay qua loa mà chú tâm lắng nghe chính mình, kết nối với xung quanh, gột rửa năng lượng xấu và làm mới tâm trí. Chính sự cảm nhận trọn vẹn đó đã biến việc dọn dẹp thành một phương thức để nuôi dưỡng nội tâm và tái tạo sự cân bằng cho cả ngôi nhà lẫn con người sống trong đó.
Làm thế nào để bắt đầu Kiyomeru?
Bước 1: Bắt đầu bằng lòng biết ơn
Trước khi bắt tay vào dọn dẹp, hãy dành một khoảnh khắc để nhìn ngắm không gian sống và các vật dụng quanh bạn. Hãy nghĩ đến cách mà chúng đã giúp ích cho bạn trong cuộc sống hằng ngày - chiếc bàn giúp bạn làm việc, sàn nhà nâng đỡ bước chân bạn, ghế sofa mang lại sự thư giãn. Dọn dẹp lúc này không còn là việc phải làm, mà là để tri ân những điều âm thầm đồng hành cùng bạn mỗi ngày.
Bước 2: Buông bỏ để “thanh tẩy” cuộc sống
Dọn dẹp trong tinh thần Kiyomeru luôn đi kèm với việc loại bỏ những thứ không cần thiết và chỉ giữ lại những gì thực sự quan trọng. Hãy đặt ra câu hỏi và cảm nhận: Món đồ này có còn mang lại niềm vui hay giá trị gì không? Nó có phù hợp với không gian sống mà bạn mong muốn xây dựng không? Nếu không, hãy nhẹ nhàng chia tay chúng - bạn có thể quyên góp, tái chế hoặc bán đi.

Tại Nhật Bản, mỗi dịp cuối năm thường có một cuộc “tổng vệ sinh” (Osoji). Tương tự như việc dọn dẹp nhà cửa trước Tết ở Việt Nam, đó là cách để thanh lọc những điều cũ kỹ, “làm mới” cuộc sống, cả về vật chất lẫn tinh thần và đón một năm mới với năng lượng tích cực.
Bước 3: Ưu tiên sản phẩm làm sạch từ thiên nhiên
Triết lý Kiyomeru đề cao việc sử dụng những sản phẩm, dụng cụ và phương pháp gần gũi với thiên nhiên - như nước, giấm, chổi tre để lau chùi dọn dẹp hay mở cửa để ánh nắng và không khí trong lành thanh lọc không gian sống. Những sản phẩm có thành phần thiên nhiên cũng rất được khuyến khích, vì chúng vừa làm sạch hiệu quả, vừa mang lại cảm giác thư thái và an toàn cho sức khỏe.
Bước 4: Biến Kiyomeru trở thành thói quen sống
Thay vì gom tất cả công việc dọn dẹp vào cuối tuần hay dịp đặc biệt, hãy phân nhỏ thành những hoạt động hàng ngày. Sau bữa ăn, lau sạch bàn bếp; sau khi thức dậy, gấp gọn chăn mền; khi ra khỏi phòng, chỉnh lại gối trên giường. Những thói quen nhỏ này không chỉ giữ cho không gian luôn gọn gàng mà còn góp phần hình thành một lối sống đầy tính kỷ luật, chánh niệm và cân bằng.

Bước 5: Kết thúc bằng sự trân trọng
Sau khi dọn dẹp xong, đừng vội vàng chuyển sang việc khác. Hãy dừng lại vài giây, hít thở sâu và ngắm nhìn thành quả. Cảm giác sạch sẽ, nhẹ nhõm và tươi mới đó chính là phần thưởng quý giá cho tinh thần. Việc duy trì thói quen này sẽ giúp bạn dần dần thay đổi góc nhìn: dọn dẹp không còn là công việc nhà nhàm chán mà trở thành một nghi thức nuôi dưỡng tinh thần và không gian sống mỗi ngày.

kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận