Hafu: Nỗi niềm “con lai” xứ Nhật

    Tại xứ Phù Tang có một hiện thực đầy nghiệt ngã khi nhiều công dân Nhật lại cảm thấy bản thân giống như người nước ngoài trên quê hương của chính họ, chỉ vì mang hai dòng máu.

    Trong tiếng Nhật, Hafu (ハーフ) là thuật ngữ chỉ những người mang một nửa dòng máu Nhật Bản, họ là con lai giữa người Nhật và người thuộc quốc gia khác. Từ này xuất hiện vào thập niên 70 và ngày nay được sử dụng phổ biến hơn để chỉ những người đa sắc tộc nói chung tại xứ sở hoa anh đào.

    hafu

    Ảnh: CNN

    Ban đầu Hafu cũng chỉ là một cách gọi thông thường nhưng sau đó với sự thay đổi trong văn hóa, xã hội và lối sống mà thuật ngữ này dần trở thành một định nghĩa, cách đánh giá “con lai”, đi cùng với những định kiến, quan niệm hà khắc, chịu ảnh hưởng từ chính sách “bài ngoại” đã ăn sâu trong tiềm thức của của nhiều người Nhật.

    Lịch sử về một thuật ngữ mang tính phân biệt

    Giữa giai đoạn 1639-1853, Nhật Bản đã thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng” với nước ngoài, ngoại trừ thương nhân Trung Quốc và Hà Lan có thể đến các thành phố cảng được chỉ định như Yokohama hay Nagasaki để kinh doanh, buôn bán. Lúc đó, những đứa “con lai” giữa người Nhật và người ngoại quốc được gọi là "Ainoko - 間の子", họ phải sống trong sự dè bỉu, phân biệt đối xử nặng nề từ cộng đồng.

    Trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912), nước Nhật mở cửa và hiện đại hóa xã hội với chính sách ngoại giao cởi mở. Nhưng đồng thời, quốc gia này cũng bắt đầu đề cao chủ nghĩa dân tộc, thúc đẩy sự đồng nhất về sắc tộc và “con lai” vẫn phải chịu đựng những cái nhìn phán xét, xa lánh.

    Từ những năm 1930, thuật ngữ mang tính xúc phạm "Konketsuji - 混血児 - Hỗn Huyết Nhi" (đứa trẻ có dòng máu lai tạp) dần xuất hiện trong đời sống. Con lai khi ấy bị coi là những kẻ thấp kém, vì chúng là con của người Nhật và những người đến từ các nước thuộc địa như Trung Quốc, Đài Loan hay Hàn Quốc. Sau Thế chiến 2, thuật ngữ Konketsuji được áp dụng cho con cái của lính Mỹ và phụ nữ Nhật, những đứa trẻ mang hai dòng máu này được giới chính trị gia xem như là một vấn đề xã hội.

    konketsuji
    Những đứa trẻ mang dòng máu lai từng bị xem như một vấn đề trong xã hội Nhật Bản. Ảnh: jomec.co.uk

    Về sau, với sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây, thuật ngữ Konketsuji được đổi thành Hafu, bắt nguồn từ chữ "Half" trong tiếng Anh. Từ Hafu được chính thức hóa trong ấn bản năm 1973 của cuốn từ điển có tên "Kojirin" của Kanazawa Shozaburo.

    Nhưng Hafu không mang nghĩa tiêu cực giống như Konketsuji và đơn giản chỉ là một cách gọi. Thuật ngữ Hafu trở nên phổ biến trong việc quảng bá văn hóa có xu hướng quốc tế. Như có cụm từ “hafu-gao - ハーフ顔” (khuôn mặt lai) được dùng trong ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp để chỉ xu hướng theo đuổi cái đẹp “lai Tây”, với xu hướng đề cao ngoại hình có đặc điểm của người nước ngoài như chân dài, mắt to cùng mũi cao.

    hafu gao - vẻ đẹp lai tây
    Hafu-gao được dùng để chỉ vẻ đẹp "lai Tây". Ảnh: theemergingindia.com

    Tuy nhiên vẫn còn tình trạng nhiều người Nhật giữ quan niệm Hafu, tạo ra hội chứng “chúng tôi và họ”, xem Hafu là “kẻ ngoại lai” chứ không phải là công dân Nhật Bản.

    Xem thêm: Tâm sự của người ngoại quốc về nạn phân biệt đối xử ở Nhật

    Cuộc sống của một con lai tại Nhật

    Không phải “con lai” nào cũng bị phân biệt đối xử tại Nhật, nhưng cuộc sống luôn ẩn chứa những góc khuất trần trụi. Thực tế hiện nay, vẫn có nhiều người mang thân phận Hafu đã phải đối mặt với loạt rắc rối, phiền toái. Có những trường hợp được báo cáo là đối tượng bị phân biệt, bắt nạt, bạo hành về tinh thần lẫn thể xác.

    Anh David Yano là một Hafu, con lai mang hai dòng máu Nhật và Ghana. Anh đã sống tại xứ Phù Tang hơn 20 năm và xuất hiện trên các chương trình truyền hình để chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân khi lớn lên ở đất nước này.

    cuộc sống của hafu
    Nhiều người mang thân phận Hafu đã phải đối mặt với phiền toái trong cuộc sống. Ảnh: jomec.co.uk

    Theo Yano, cuộc sống của anh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Lúc còn đi học anh đã từng bị bạn bè chế giễu, bắt nạt vì ngoại hình trông khác lạ. Khi lớn lên anh từng rơi vào tình cảnh khốn khổ khi không thể thuê được nhà ở. Yano cho biết anh đã bị cảnh sát ở phường Shinjuku , Tokyo chặn lại và phải đối mặt với sự phân biệt đối xử khi cố gắng thuê nhà. Nhiều chủ nhà trọ đã từ chối cho anh thuê chỉ vì màu da của Yano. 

    Anh nói: “Họ không buồn tìm hiểu về lý lịch của tôi mà thay vào đó là lo lắng về việc những người thuê nhà khác sẽ nghĩ gì thấy tôi xuất hiện ở đó”.

    David Yano không phải là trường hợp hiếm hoi rơi vào hoàn cảnh này. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Nhật hồi năm 2017 cho biết, có 39% trong số 2.044 người tham gia khảo sát đã bị từ chối cho thuê nhà vì họ bị cho là người nước ngoài.

    Vào năm 2018, Yano cùng Lawrence Yoshitaka Shimoji, nhà xã hội học tại Đại học Ritsumeikan đã lập ra trang web “HafuTalk” - nơi các phụ huynh, người Nhật lai và giáo viên có thể thoải mái thảo luận các vấn đề về sắc tộc. Cũng từ đây mà nhiều dòng tâm sự đã được chia sẻ, phơi bày cuộc sống khó khăn khi là một con lai tại Nhật.

    hafu chịu ánh nhìn soi xét
    Nhiều Hafu phải chịu những ánh nhìn soi xét, khinh bỉ.  Ảnh: jomec.co.uk

    Nhiều đứa trẻ đã thành nạn nhân của bạo lực học đường chỉ vì là con lai. Hầu hết những trường hợp này đều là Hafu với vẻ ngoài bình thường không có gì nổi bật, trái với quan niệm của đa số người Nhật cho rằng “con lai” sẽ xinh đẹp và giỏi ngoại ngữ. Nhiều người đã rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” khi bị cảnh sát giữ lại bắt xem giấy tờ tùy thân của người nước ngoài trong khi họ là công dân nước Nhật. Có những Hafu không biết tiếng Anh hay giỏi ngoại ngữ khác cũng bị trêu chọc và chịu những ánh nhìn soi xét, khinh bỉ.

    Nỗi buồn chung của Hafu chính là mang trong mình dòng máu Nhật Bản nhưng lại không được thừa nhận, bị chối bỏ ngay trên chính quê hương mà mình sinh ra.

    Xem thêm: "Đừng lãng mạn hóa Nhật Bản!”

    Những chuyển biến tích cực

    Ngày nay với việc hội nhập quốc tế và thế giới ngày càng "phẳng" hơn, người Nhật đặc biệt là giới trẻ đã có những dấu hiệu, cái nhìn tích cực hơn về Hafu. Các tổ chức cộng đồng, phong trào chống phân biệt chủng tộc đã giúp nhiều người thấu hiểu nỗi khổ của những đứa con lai và cùng nhau ngăn chặn sự “bài ngoại” mang tính cực đoan vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một bộ phận người dân đất nước mặt trời mọc.

    cái nhìn tích cực về hafu
    Giới trẻ Nhật Bản hiện nay đã có những dấu hiệu, cái nhìn tích cực hơn về Hafu. Ảnh: Savvy Tokyo

    Số lượng Hafu ngày càng tăng lên và không có dấu hiệu suy giảm. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, vào năm 2019, trong 30 đứa trẻ được sinh ra tại Nhật sẽ có 1 con lai, cách đây ba thập kỷ thì tỷ lệ này là 1/50.

    tay vợt naomi osaka
    Tay vợt Naomi Osaka là một "bông hồng lai". Ảnh: thedailybeast.com

    Hafu được chào đón tại showbiz Nhật, có rất nhiều người nổi tiếng là Hafu đã thành công và nhận được sự yêu mến của công chúng như: Kaneshiro Takeshi (Kim Thành Vũ), Naomi Watanabe, Rie Miyazawa, Rina Fukushi. Hay ngôi sao quần vợt Naomi Osaka được truyền thông ca ngợi là “niềm tự hào của nước Nhật”.

    Thậm chí, năm 2015 trong cuộc thi sắc đẹp Hoa hậu Hoàn vũ, Ariana Miyamoto đã đăng quang. Ariana là một người đẹp có mẹ người Nhật, bố người Mỹ gốc Phi. Mặc dù vương miện hoa hậu của cô gặp phải những ý kiến trái chiều, phản đối hay ủng hộ đều có, nhưng việc Ariana Miyamoto trở thành đại diện cho nước Nhật tham gia cuộc thi sắc đẹp thế giới được cho là mang tính cách mạng, phá vỡ những rào cản về chủng tộc.

    Xem thêm: Những nam thần con lai của showbiz Nhật Bản

    ariana miyamoto
    Hoa hậu hoàn vũ Nhật Bản 2015 Ariana Miyamoto. Ảnh: nbcnews.com

    kilala.vn

    16/03/2023

    Bài: Ái Thương

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!